28/03/2010 04:04 GMT+7

Người ghi dấu tù nhân Côn Đảo

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - “Tôi sắp trả được món nợ với anh em rồi” - ông Bùi Văn Toản bùi ngùi nói khi thông báo về bản danh sách tù nhân Côn Đảo 1940-1945 vừa hoàn thành. Nhưng nghe giọng ông, biết là còn lâu ông mới cho phép mình nghỉ ngơi trong cuộc hành trình ngược về quá khứ đã chọn.

43PQcpAd.jpgPhóng to

Hằng ngày, ông Toản dành hết thời gian cho việc sưu tầm, nghiên cứu về các cựu tù Côn Đảo - Ảnh: Gia Tiến

Trong khi người người nếu không chen chân trong cuộc đua chóng mặt về phía tương lai thì cũng tìm mọi cách để an trú trong hiện tại, ông Toản lại nhọc nhằn lặn lội đi ngược thời gian.

Bùi Văn Toản - tù nhân Côn Đảo, cặp danh từ ấy đã đi song song trong cuộc đời ông kể từ những chuyến tàu lưu đày chở những chàng trai, cô gái tuổi 20 nhắm thẳng hướng địa ngục trần gian đến ngày nay, khi nổi danh là một chuyên gia về nhà tù Côn Đảo.

“Đó là một mối duyên, là nhiệm vụ” - ông giải thích giản dị về lựa chọn của mình.

Mối duyên giữa địa ngục

Nhà tù Côn Đảo là một địa ngục trần gian, điều ấy ngày nay ai cũng đã biết, đã thấy qua những xà lim, hầm tối, chuồng cọp qua bao năm hòa bình vẫn còn nguyên sự thù nghịch với cuộc sống.

Người ta chỉ không biết những người tù đã tồn tại, đã sống, đã vượt qua địa ngục ấy như thế nào, bằng cách nào và Bùi Văn Toản bảo ông đã được giao nhiệm vụ làm một người kể chuyện.

"Ấy vậy nhưng cũng có nhiều nơi hiểu lầm, ngỡ chúng tôi dựa vào chút quá khứ mà trục lợi khiến tôi rất buồn lòng. Nhưng rồi nghĩ đến những anh em đã nằm lại không còn chút tro bụi, giờ chỉ còn cái tên trong cuốn sách nên lại cắn răng đi, đi từ Nam chí Bắc. Sưu tầm được danh sách mấy ngàn, vài trăm người được thân nhân nhận ra, tìm về là may mắn lắm rồi"

Đó là những ngày trại tù câu lưu (tù không được kết án) 6B sôi động với những đợt tuyệt thực, chống chào cờ, đòi chế độ cho tù chính trị.

Máu đổ hằng ngày, đi đu dây giữa sự sống và cái chết, những người tù đã chọn con đường sống thật đàng hoàng. Trại 6B làm báo, diễn văn nghệ, tổ chức các lớp học ngay giữa những cơn mưa dùi cui, ma trắc, vôi bột, lựu đạn cay, những đợt siết bóp lương thực.

Vốn là một sinh viên văn hay chữ tốt, Bùi Văn Toản thường xuyên lãnh phần biên tập, trình bày báo. Và những tờ báo từ trại 6B vẫn giữ được sự chỉn chu đến kỳ lạ kể cả khi nhìn với con mắt hôm nay.

Toản còn được giao giữ gìn báu vật của toàn trại là chiếc radio và mấy cục pin để thỉnh thoảng cả phòng tự thưởng một buổi cập nhật tin tức bên ngoài. Và một việc tối quan trọng khác nữa: lập danh sách toàn trại để khi có dịp thì truyền ra ngoài đấu tranh yêu cầu giao trả tự do.

Mối duyên ghi chép, sao lục đến từ đấy, nhiệm vụ lưu giữ thông tin của những người bạn tù cũng đến từ đấy.

Có khi một trang giấy pơluya vừa tỉ mẩn chép xong đã phải bỏ vào miệng nhai nuốt để tránh bị phát hiện. Có khi người bạn tù vừa rủ rỉ đọc tên thật, bí danh, quê quán vừa cùng nhau lặng đi nhớ những ngày thơ ấu thanh bình hôm trước, hôm sau đã bị tra tấn, đàn áp đến chết...

“Và cái duy nhất họ còn lại trên đời chính là chút thông tin trong mảnh giấy vụn. Tôi nghĩ đến cha mẹ, vợ con, anh em họ đang trông chờ nơi quê nhà mà thấm thía những việc người may mắn được sống như mình sẽ phải làm. Không chỉ là những cái nắm tay, những lời hứa trước phút lâm chung của anh em, mà là những công việc sẽ phải làm bằng hai, ba lần sức người, thay phần những người đã không về” - ông Toản giải thích về mối duyên của cuộc đời mình với số phận những tù nhân Côn Đảo.

Sau giải phóng, về với cuộc sống công chức không được bao năm, ông Toản xin nghỉ hưu non để thực hiện tâm nguyện của mình.

Trở đi trở lại Côn Đảo, tìm lại đồng đội, xác minh những câu chuyện, cuộc sống kỳ diệu của những người tù chính trị Côn Đảo đã được ông lần lượt tái hiện qua các tác phẩm Ác liệt Côn Đảo, Côn Đảo - 6.694 ngày đêm, Những tờ báo của tù nhân Côn Đảo, Huyền thoại Côn Đảo...

Những câu chuyện thật được quay lại như một cuốn phim không thể thật hơn được nữa đã làm rơi nước mắt bao nhiêu người trong những cuộc họp mặt hội cựu tù, nhưng vẫn chưa làm yên lòng tác giả của nó. Món nợ vẫn còn.

4M4rbpwi.jpgPhóng to

Ông Bùi Văn Toản cầm cuốn sách Tù nhân Côn Đảo 1940-1945 vừa chuyển về từ nhà in chiều 26-3 - Ảnh: Gia Tiến

Đám giỗ, đám giỗ...

Một ngày đầu năm 2000, chúng tôi nhận được một lá thư yêu cầu đăng giúp một mẩu tin nhỏ với nội dung là lạ “Cung cấp miễn phí thông tin về ngày mất, địa điểm bia mộ của các tù nhân Côn Đảo. Liên hệ Bùi Văn Toản”.

Tìm đến và tôi được biết đằng sau thông báo chỉ vỏn vẹn hai dòng kia là những ngày tháng ông Toản gò lưng trong Trung tâm Lưu trữ quốc gia khu vực 2 dò tìm, trích lục, sao chụp, ghi chép, đối chiếu, dịch thuật hàng chồng hồ sơ của nhà tù Côn Đảo, tòa tiểu hình, tòa đại hình, tòa án binh, tòa hình sự...

Có tài liệu còn lưu rất đầy đủ từng bản cung, có tài liệu chỉ vài dòng nguệch ngoạc, có tập vừa động đến đã vụn nát từng mảnh, nhưng những kinh nghiệm vượt khó chi li học được trong tù và sự thôi thúc mãnh liệt đã giúp ông chắt lại được những thông tin dù nhỏ nhất.

Các hồ sơ hầu hết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và ghi tên người không dấu, ông còn cẩn thận ghi lại đặc điểm nhân dạng, nếu may mắn có ảnh để tránh nhầm lẫn.

Mẩu thông tin được đăng báo. Nhà ông Toản không lúc nào ngớt khách. Những bà mẹ tay xách giỏ lác đựng đòn bánh tét và một mảnh thư nát, tấm giấy căn cước ố vàng đến tìm, dò tên chồng, tên con. Những phụ nữ, anh thanh niên ngơ ngác và đầy hi vọng mang theo một lời trăng trối của mẹ, của bà là phải cố tìm thông tin về cha.

Một bà mẹ ở Bến Tre đã khóc hết nước mắt khi ông Toản tìm ra thông tin và cả tấm ảnh của chồng bà. Lần đầu tiên con bà biết mặt cha và gia đình được thắp nén nhang lên bàn thờ không phải vào ngày giỗ chung 27-7.

Được làm người khách quý nhất dự đám giỗ hôm ấy, vai ông Toản thấm không biết bao nhiêu nước mắt của những người trong gia đình, những giọt nước mắt đã đọng lại từ bao năm.

Thêm một đám giỗ nữa, một đám nữa... Tất cả đã khiến ông Toản vượt qua những khó khăn trong cuộc sống riêng, ngày ngày cầm mẩu bánh mì “định cư” luôn trong thư viện để tìm, tìm nhiều hơn nữa thông tin, giải mã những con số tù vô tri vô giác.

Cứ như thế hơn mười năm. Cuốn Côn Đảo - danh sách hi sinh và từ trần xuất bản năm 2009 cung cấp thông tin về 3.276 người tù đã mất tại Côn Đảo trong giai đoạn 1930-1975.

Hai tập Tù nhân Côn Đảo 1940-1945 chuẩn bị xuất bản sẽ cung cấp thông tin về hơn 5.000 người tù nữa. Mỗi người chỉ có nửa trang tập hợp thông tin thiết yếu nhất như họ tên, quê quán, ngày bị bắt, ngày ra tòa, phần ghi tội danh vắn tắt “vận động lật đổ chính quyền, tập hợp lực lượng bất hợp pháp”, “phản nghịch”, “chống lại công cuộc bảo vệ quốc gia” và những bản án “tử hình, khổ sai, biệt xứ, cấm cố trong hầm” cũng đủ làm tim người đọc đập mạnh, đủ làm dịu đi nỗi khắc khoải của mất mát trong lòng những thân nhân.

Có những địa danh như Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc xuất hiện dày đặc trong cùng một thời điểm, vẽ nên rất rõ nét một phong trào yêu nước tại địa phương.

Mười năm ấy, ông Toản đã xử lý một lượng tài liệu cao khoảng vài trăm mét, đã học thêm phần mềm Access để xử lý số liệu, đã trở lại giảng đường và khai thác những đề tài về Côn Đảo để làm luận văn thạc sĩ và đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ sử học.

Thế nhưng cực nhất với ông lại là việc xuất bản và đưa những cuốn tài liệu rất quý ấy đến tay những người cần nó.

“Những cuốn sách dày cả ngàn trang, chứa tin tức về mấy ngàn người tù Côn Đảo khi xưa đương nhiên chẳng thể mang ra nhà sách bày bán, chẳng thể có doanh thu. Hội cựu tù chúng tôi phải đi vận động kinh phí để in ấn, rồi lại gom góp kinh phí để... đi tặng”.

Đơn vị này cho giấy, đơn vị kia cho công in, bản quyền tác giả thì... không tính, ông Toản cùng bạn bè thân thiết lặng lẽ gom góp lộ phí, ôm đồm những bản danh sách nay đã có hình vóc như một cuốn đại từ điển lên xe máy, xe đò đi đến từng tỉnh, vào từng tỉnh ủy, ủy ban trao tặng với mong muốn duy nhất: thân nhân những người cựu tù trong tỉnh có dịp được mở cuốn sách tìm tên người nhà và những người chưa có chế độ chính sách sẽ được Nhà nước lo đầy đủ.

Trở thành khách mời danh dự của hàng trăm đám giỗ, được nghe thêm hàng ngàn câu chuyện về những người bạn đồng cảnh tù ngục là phần thưởng lớn nhất với ông Toản đến ngày này.

Ông mới vui mừng gọi điện báo tin: theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Bộ Lao động - thương binh và xã hội sẽ tổ chức họp bàn việc lập bia tưởng niệm những người tù chính trị hi sinh tại Côn Đảo vào tuần sau.

Chỉ đống sách mới đưa từ nhà in về, ông trầm giọng: “Bia đá thật cần để anh em chúng tôi không bị lãng quên, mong bộ tiến hành làm sớm. Phần tôi, tôi chỉ có thể lập bia giấy cho anh em mà thôi...”.

Những đầu sách chủ yếu đã và sắp xuất bản của tác giả Bùi Văn Toản

- Ác liệt Côn Đảo- Những bức tranh Côn Đảo- Vượt ngục Côn Lôn- Đấu tranh cách mạng của đồng bào Hoa ở Sài Gòn- Côn Đảo - 6.694 ngày đêm- Những tờ báo của tù nhân Côn Đảo- Côn Đảo - bản anh hùng ca bất khuất- Huyền thoại Côn Đảo- Nhà tù Côn Đảo - danh sách hi sinh và từ trần 1930-1975- Tù nhân Côn Đảo 1940-1945 (hai tập)

Năm 2008, khi Tuổi Trẻ đăng loạt bài “Nhà lao An Nam ở Guyane”, ông Bùi Văn Toản đã cung cấp một số sử liệu cùng danh sách hơn 700 tù nhân người Việt ở Guyane mà ông sưu tầm được.

Sau đó, ông đã tìm ra nhiều tài liệu khác về những nhà lao của thực dân Pháp ở hải ngoại lưu đày những người bản địa, trong đó phần lớn là người Việt. Ông dự định tiếp tục hoàn thiện thông tin và in hai tập sách:

- Tù nhân Việt Nam ở các nhà tù hải ngoại của thực dân Pháp- Tù nhân Côn Đảo gốc miền Bắc (Tonkin) 1862-1945.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên