03/02/2010 03:50 GMT+7

Đảng trong dân - Kỳ cuối: Nhân vật của một bài thơ

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - “Về nhà bà, về nhà bà đi”, trong đêm Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó của chương trình Về nguồn “Triệu tấm lòng - một niềm tin”, cụ Hoàng Thị Khìn (86 tuổi, bản Pắc Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng) hồ hởi nắm tay chúng tôi kéo về căn nhà sàn, như khi xưa bà đã từng hồ hởi đón những cán bộ Việt Minh, đón Bác Hồ.

CUXoaX2o.jpgPhóng to
Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Phạm Đức Hải trò chuyện với cụ Khìn trong đợt Về nguồn kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng - Ảnh: Việt Dũng

Nụ cười hồn nhiên phô hàm răng cái còn cái mất, câu chuyện trộn lẫn tiếng Việt, tiếng Nùng, tiếng Tày, lẫn những bài thơ tuyên truyền, bài hát dân tộc làm ấm cả đêm Pắc Bó giá lạnh. Và câu chuyện của bà còn “ấm hơi Người”...

Pắc Bó nghèo nhưng lo được cho Già Hồ

Xuân năm 1941 ấy cô bé Hoàng Thị Khìn, 16, 17 tuổi, chỉ biết quần quật trồng ngô, trồng lúa trên những ngọn đồi để tìm cái ăn cho gia đình và chờ ngày về nhà chồng. Rồi bản Pắc Bó xuất hiện Già Hồ. Già Hồ ở đâu đến cô không biết, nhưng chỉ ít lâu thì già đã nói được tiếng Nùng, đã dạy được cho dân bản Pắc Bó nhiều điều hay lẽ phải. Khìn thấy già làng kính trọng Già Hồ thì cô cũng hết lòng hết dạ làm những gì Già Hồ dạy bảo.

Đến hôm nay bà Hoàng Thị Khìn vẫn kể rành rọt: “Già Hồ hỏi: Bé thế này có làm cách mạng được không? Tôi nói: Được ạ. Già bảo: Làm cách mạng dễ lắm thôi. Canh gác cho Bác, hễ thấy lính đến thì chạy đi gọi “trâu bò ăn lúa kia”. Làm liên lạc cho Bác, các chú bảo cầm gì thì mang đi...”. Từ đó, Khìn còn biết tập những bài hát mới, tập đọc thơ, xung phong vào đội du kích và Khìn làm một việc mà Già Hồ không bảo: đi quyên gạo, nấu cơm cho già.

“Bác Hồ về đây không có gạo đâu, bà con gom góp mang đến. Có lúc có cơm, còn thường là cháo bẹ thôi, cho măng, cho rau vào nấu chung với nắm gạo. Pắc Bó nghèo, nhỏ nhưng vẫn nuôi, vẫn bảo vệ được Bác mà”. Những ngày ấy cô Khìn nấu cơm, nấu cháo bỏ vào ống tre, len giữa đám rau dại, thân ngô, gánh trên vai, địu sau lưng, cắt rừng băng suối đi đến lán Khuổi Nặm, “Ai hỏi thì nói là đi kiếm rau cho lợn, cho trâu”. Những bữa ăn ấy đã được Bác viết vào thơ “Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng” và “Cuộc đời cách mạng thật là sang”.

“Thiếu áo lắm...”, bà Khìn cầm vạt chiếc áo năm thân, vuốt lớp nhung của tấm áo rét kể, trong nụ cười hồn hậu còn nguyên nỗi xót xa của ngày xưa khi nghĩ đến Bác Hồ mong manh áo vải giữa hơi núi, gió rừng. Lán Khuổi Nặm cất ngay bên suối, lắt lay chân gỗ, vách lá y như những lán của đồng bào coi trâu bò, chỉ khác ở điểm liếp có thể đẩy nhẹ là tách ra để Bác thoát xuống suối đi lán khác, nước chảy xóa sạch dấu chân.

Ở lán ấy, Bác vạch ra đường hướng cách mạng, tài liệu giảng dạy, tuyên truyền cho cán bộ, lại soạn cả những bài thơ, bài vè để người dân Pắc Bó học thuộc, truyền đi. Hôm nay bà Khìn vẫn thuộc nằm lòng. Bà hát: “Nước ta bị Tây cướp/ Đã bảy tám mươi năm/ Chúng đè nén giam cầm/ Bắt ta làm nô lệ... Nước độc lập tự do/ Thế mới phải là người/ Thoát khỏi vòng trâu ngựa/ Dân dự bàn chính phủ/ Dân có quyền tự do/ Được hội họp tha hồ/ Được non bàn phải trái...”.

“Bát cơm mong chờ người già ước mơ...”

“Còn nhiều bài lắm cơ, Già Hồ bảo hát là để đoàn kết, đại đoàn kết, để có độc lập, có cơm no áo ấm”, bà cười khi thấy các bạn trẻ hí hoáy ghi chép và bà vỗ tay hát tiếp những bài hát bằng tiếng Tày, tiếng Nùng, sôi nổi và hồn nhiên y như cô Khìn khi xưa say sưa với phong trào chống Tây, Nhật.

Đến năm 1943, căn cứ cách mạng dời xuống Tân Trào, nhưng phong trào, bài hát, bài thơ và hình bóng Bác Hồ vẫn còn ở lại. Cô Khìn vào đội du kích, trực tiếp cầm súng kíp đi tiễu phỉ khắp vùng Lục Khu cho đến ngày cách mạng thành công, rồi trở lại cuộc sống đời thường của một phụ nữ Nùng với nương lúa, rẫy ngô, nuôi những người con tiếp tục theo cách mạng. Bà còn nhớ điều gì nữa? Bà Khìn cười, nói ngay: “Ngày Bác Hồ về thăm và ngày Bác mất”.

Ngày Bác về thăm, bà Khìn cũng đứng lẫn trong đám đông dân bản đón Bác bên suối Lênin, bắt tay Bác một lần, thăm hỏi vài câu bằng thứ tiếng dân tộc thân thương khi xưa và bà về nhắc con cháu phải mãi mãi nhớ lời Bác dạy: làm tất cả cho đất nước độc lập, tự do, giàu mạnh, làm mọi việc để đại đoàn kết dân tộc. Còn ngày Bác mất? “Ngày Bác mất tôi khóc, cả bản này khóc, cả bản đeo tang, làm lễ tang”, bà Khìn đưa tay lên mắt kể. Ánh mắt bà hôm nay rất vui lại xuất hiện một thoáng buồn. Và bà vui ngay: “Hôm nay tốt rồi, có đủ cơm gạo ăn, đủ áo mặc rồi. Bác Hồ lo cho dân bản đầy đủ lắm”.

Hôm nay người già đã đủ ăn đủ mặc, trẻ em đã được đến trường, bà Khìn đã cười vui nhưng trong mắt những người khách phương xa vẫn có ánh xót xa: Pắc Bó vẫn còn nghèo lắm, còn thiếu lắm. Những thửa ruộng bậc thang vẫn trập trùng ướt mồ hôi người, những căn nhà trơ phên nứa, những ánh mắt trẻ lạ lẫm trước tờ báo, cuốn sách, những người lớn háo hức vượt đồi đến xem văn nghệ... “Còn bao nhiêu việc phải làm nữa, những đảng viên tham gia hành trình “Triệu tấm lòng - một niềm tin” bày tỏ. Và bà Khìn lại cười, lại hát những bài hát khi xưa Bác Hồ đã dạy bà...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Vết nứt trong ngôi nhà mẹ Kỳ 2: Giỏ cá giữa rừng Kỳ 3: Ba lãnh tụ - một ngôi nhà Kỳ 4: Tai mắt soi đường Kỳ 5: Giấc mơ của má tôi Kỳ 6: Chuyện ở nhà máy dệt Kỳ 7: Dân mới là vĩ đại Kỳ 8: Dân nhớ lời Người

_________________

Khởi đăng hồ sơ: “Hậu trường” thú dữ

Nơi nào sừng tê giác chỉ giống như sừng trâu? Mùi cọp có làm cho chó nhà “cúm chân” và pín cọp thì đầy gai nhọn?... Người ta biết gì về thế giới thú hoang giữa đại ngàn và những “huyền thoại” thêu dệt bởi con người? “Tường trình” của một bác sĩ thú y từ những cánh rừng hoang châu Phi tới những chuồng thú dữ… trong nhà ở VN.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên