![]() |
Bí thư Thành đoàn TP.HCM Phạm Phương Thảo (bìa trái - nay là phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM) cùng các kỹ sư nông nghiệp kiểm tra bệnh rầy nâu trên lúa (ảnh chụp ngày 19-9-1985) - Ảnh: N.C.T. |
Lúa “cực sớm”
Một ngày cuối năm 1983, kỹ sư Nguyễn Văn Loãn, lúc đó là trưởng phòng di truyền - chọn giống của Viện Lúa ĐBSCL, được GS.TS viện trưởng Nguyễn Văn Luật đưa một cái lọ nhỏ, rồi nói: “Đây là mấy hạt lúa giống IR 64, kháng sâu bệnh, gạo ngon, năng suất 8 tấn/ha đấy. Tôi vừa xin được của tiến sĩ Kursh, nhà di truyền tạo giống nổi tiếng của Viện Lúa quốc tế (IRRI). Ông coi nhân giống này ra cho bà con nông dân cùng làm”.
Đây có thể là giải pháp cho thời kỳ này, phần lớn nông dân dùng giống lúa mùa địa phương, năng suất thấp 2-2,5 tấn/ha, thời gian lại dài 160-180 ngày. Những nơi ngập lũ như Đồng Tháp, An Giang, Long An lúa dài ngày không thu hoạch kịp bị lũ “dập” nặng nề.
Kỹ sư Loãn đem lọ giống trồng từng hạt trong chậu, tuyển chọn cẩn thận rồi nhân ra ruộng lúa thử nghiệm của viện. Hai năm sau, kỹ sư Loãn và cộng sự cho ra hơn 1 tấn lúa giống mới. Viện đặt tên OM, có nghĩa Ô Môn ở Cần Thơ, nơi viện đặt trụ sở. Năm 1986, các giống lúa mới lần lượt ra đời là OM 1490, OM 2031, OM 1706... được chuyển giao nông dân sản xuất.
Thời điểm này nông dân chưa quen giống lúa mới nên e ngại. Có người nói: “Hồi nào tới giờ làm giống lúa mùa quen rồi, giống mới biết có chắc ăn không, lại phải tuân thủ nguyên tắc kỹ thuật gì đó phức tạp quá. Thôi đi, ăn chắc mặc bền sướng hơn”.
Để đột phá vô tâm lý nông dân, kỹ sư Lê An Ninh, trưởng phòng sản xuất thực nghiệm - cung ứng giống lúa của viện, đi tuyên truyền nông dân thay dần giống lúa cũ. Ông Ninh “dụ dỗ” từng người, tập trung vào những nông dân chí thú làm ăn, thích tìm tòi cái mới, giao cho họ giống mới và thành lập những tổ, câu lạc bộ nhân giống lúa.
Với phương châm làm cho nông dân thấy, ông Ninh dần dần chuyển giao giống lúa mới cho các địa phương lân cận như Ô Môn, Thốt Nốt, Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ), sau đó lan rộng ra các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh... Năng suất lúa tăng từ 2-3 tấn/ha lên 7-8 tấn/ha. Đời sống nông dân khá lên, giải quyết được cái ăn và có dư gạo xuất khẩu.
Nhưng rồi cây lúa lại đối mặt với thử thách mới: lũ lụt hoành hành. Từ năm 1988, khi làm vụ lúa hè thu, nông dân miền Tây luôn tất tả chạy lũ lúc thu hoạch vào tháng 7- 8 hằng năm. Vùng nào bị trễ 7-10 ngày là lũ dập mất trắng. Vấn đề đặt ra cho các nhà khoa học là làm sao có giống lúa ngắn ngày hơn, từ 100 ngày xuống còn 90 ngày.
Tình cờ ông Luật đọc được một thông tin: Ấn Độ sản xuất được giống lúa cực ngắn: 60 ngày. Ông Luật truy tìm và nhân chuyến công tác, ông bỏ túi quần vài bông lúa đem về. Sau đó, giống lúa này được lai tạo với các giống ngắn ngày VN. Năm 1990, “đôi tay vàng” kỹ sư Loãn cùng cộng sự lần đầu tiên cho ra giống lúa “cực sớm” với thời gian 90 ngày, rút ngắn được 10 ngày trên ruộng. Họ đặt tên cho lúa là OMCS, tức Ô Môn cực sớm. Nông dân nói vui “làm lúa Ô Môn tuy cực mà sướng”. Bởi đưa vào sản xuất nông dân né được lũ, bảo toàn đồng lúa không bị mất mát. Chỉ cần tranh thủ xuống giống vụ đông xuân sớm, thu hoạch xong là sạ lúa hè thu liền. Lúa “cực sớm” vừa chín vào tháng 7 hằng năm trước lũ. Ông Huỳnh Văn Tư, nông dân xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), nhớ lại: “Không phải cắt lúa chạy lũ, bà con đỡ thiệt hại rất nhiều. Tính ra mỗi hecta lợi được 1,2 tấn, cả vùng đồng bằng nhân lên là cả triệu tấn”.
Liên tiếp nhiều năm sau, viện lúa còn đưa ra các giống “cực sớm” khác nữa như OMCS 95, OMCS 97, OMCS 2000...
Cuộc “cách mạng” gieo sạ
Năm 1990, một dịp dự hội nghị khoa học ở Viện Lúa quốc tế (IRRI - Philippines), thấy mẫu máy sạ hàng trưng bày, ông Luật đem về nghiên cứu áp dụng. Nhưng vừa chạy thử trên ruộng đã đứng sựng. Lý do: máy bằng sắt quá nặng nề, lại có hai bánh trượt bị lún nên không xài được.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cùng cộng sự nghiên cứu thay bánh trượt bằng bánh lồng, nhờ vậy máy chạy được. Hai năm sau, nông dân tỉnh Trà Vinh áp dụng đưa vào sản xuất. Năm 1998, Nông trường Sông Hậu áp dụng trên diện tích gần 6.000ha, kết quả khả quan nhiều so với sạ lan: đỡ hao 45-50% lúa giống, mỗi hecta tiết kiệm được một bao urê, giảm 1-3 lần phun thuốc trừ sâu bệnh. Dù vậy, lúc này máy sạ hàng cũng chưa phổ biến nhiều do làm bằng sắt, khá nặng nề.
Năm 2000, kỹ sư Hoàng Thắng, chủ một doanh nghiệp cơ khí ở Ô Môn (Cần Thơ), nghĩ ra cách “nhựa hóa” toàn bộ máy sạ hàng, từ trục, bánh xe cho tới hộc lúa. Giá cả hợp lý, chỉ bằng 4-5 giạ lúa. Đặc biệt, máy chỉ cần một người kéo, mỗi ngày có thể sạ tới 20-30 ha, tiết kiệm gấp 10 lần công lao động so với sạ thường. Với kiểu máy gọn nhẹ này, nông dân có thể sử dụng đại trà. Lãnh đạo các tỉnh khuyến khích cơ sở sản xuất máy, thậm chí có nơi cấp miễn phí cho nông dân.
GS.TS Luật đúc kết: “Ngoài lợi ích này, máy sạ hàng còn tạo thuận lợi cho quá trình quang hợp, mặt trời chiếu sâu vào ruộng lúa đuổi mầm bệnh, chuột bọ làm ổ phá lúa. Việc chăm bón, làm cỏ dễ dàng, cây lúa không bị ngã đổ, bông to, hạt chắc; việc thu hoạch dễ dàng hơn vì máy gặt đập, máy suốt lúa vào ruộng thuận lợi hơn. Về kinh tế, máy sạ hàng tăng thêm lợi nhuận tương đương 1 tấn lúa/ha. Về ý nghĩa xã hội, nó giải phóng sức lao động cho phụ nữ, không còn cảnh cầm tay cấy từng lọn mạ, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhất là chị em phía Bắc thoát cảnh mùa rét phải lội ruộng cấy, hai bàn chân ngâm nước tê cóng”.
* Từ năm 1989-2000, diện tích lúa VN tăng từ 6,89 triệu ha lên 7,65 triệu ha. Năng suất lúa tăng 32%, sản lượng lúa tăng 71,4%, đạt 32,5 triệu tấn lúa. VN đã trở thành cường quốc xuất khẩu gạo, bình quân mỗi năm xuất khẩu 2,5 triệu tấn. (Nguồn: Niên giám thống kê 1996, 2000) * Ngoài Viện Lúa ĐBSCL, nông dân còn “chí cốt” với Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, tiền thân là Viện Nghiên cứu và phát triển hệ thống canh tác ĐBSCL (Đại học Cần Thơ). Từ năm 1977-2006, viện đã chọn tạo trên 50 giống lúa cao sản ngắn ngày, 18 giống trung vụ đưa ra sản xuất đại trà, có 13 giống lúa được Bộ NN-PTNT công nhận là giống quốc gia và hiện đang phóng thích nhiều giống lúa triển vọng. Một số giống lúa năng suất cao, thơm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chống chịu sâu bệnh, phù hợp nhiều vùng sinh thái ĐBSCL và được nông dân trồng nhiều ở Sóc Trăng, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, An Giang... |
__________________________
Từ đó hạt lúa VN đi xa hơn. Trong các hội nghị nông nghiệp quốc tế, nhiều nông dân VN đã làm bạn bè ngạc nhiên và khâm phục. Họ tự tin chuyển giao kỹ thuật canh tác, thành quả nghiên cứu giống lúa như kỹ sư nông học thực thụ.
Kỳ tới: Những nhà khoa học “hai lúa”
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Những dòng sông mở vựa lúa Kỳ 2: Những vụ mùa thất bát Kỳ 3: Hạt gạo thời ngăn sông cấm chợ Kỳ 4: Đánh thức ruộng đồng Kỳ 5: Thương lái ra đồng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận