01/12/2009 05:24 GMT+7

Hành trình hạt gạo việt - Kỳ 5: Thương lái ra đồng

QUỐC VIỆT - DƯƠNG THẾ HÙNG
QUỐC VIỆT - DƯƠNG THẾ HÙNG

TT - Ngồi bên bờ kênh Xà No đợi lúa về ghe, thương khách Huỳnh Thị Hồng Lệ ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, Hậu Giang kể đời ông nội đi hàng xáo, cha cũng đi hàng xáo rồi đến mình cũng ngồi ghe buôn. Và bà Tư Lệ chính là chứng nhân của những nẻo đường đưa hạt gạo ra chợ đầy buồn vui trước và sau thời kỳ đổi mới.

C0pmNfPh.jpgPhóng to
Gạo từ nhà máy xay xát ở Tân An được đưa đến điểm bán ở Củ Chi (TP.HCM) tháng 7-1985 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Con buôn thành nhà buôn

Lúc đầu tụi tui không tin các trạm kiểm soát sẽ được dỡ bỏ. Nó đã ám ảnh tụi tui đến mức ngủ nằm mơ cũng thấy mình là kẻ phạm pháp bị bắt.

Đến khi đi ngang qua thấy không ai xét hỏi gì mới dám mừng. Người ta không coi mình là con buôn gạo lậu nữa

“Là dân mấy đời sống trên ghe hàng xáo nên tôi vẫn phải cố xoay xở với nghề buôn gạo những năm sau 1975 để kiếm miếng ăn cho gia đình”. Ký ức bà Tư Lệ khó quên chuyện buôn lậu gạo thời kỳ đó. Những chuyến hàng nhỏ của bà thường cặp thúng rau giấu bọc gạo bên dưới. Lên xe khách, nhiều khi lực lượng kiểm soát thấy bà nhếch nhác, buôn bán cóc ổi mía ghim nên lơ đãng cho qua.

Rồi đến những chuyến ghe bà đổ gạo dưới đáy, trái khóm che phủ bên trên. Những lần bà Tư Lệ bị du kích xả súng vào ghe, bị tịch thu sạch trơn đến phải bật khóc vì không kiếm nổi miếng ăn cho con.

Và có cả những đêm vợ chồng thức trắng cố tìm cách vượt trạm kiểm soát để đưa được hạt gạo lên TP.HCM. Mang tiếng gạo lậu nhưng cả nông dân lẫn người buôn đều không được hưởng giá trị bao nhiêu, bởi nó đã phải “vãi” ra cho quá nhiều trạm kiểm soát từ ruộng đồng đến chợ.

Năm 1988 chính sách đổi mới mở tung cánh cửa thị trường cho hạt gạo. Bà Tư Lệ tự nhiên trở thành nhà buôn hợp pháp, dù chỉ vẫn là chiếc ghe hàng xáo lênh đênh sông nước. Nhà buôn Tư Lệ vẫn nhớ mãi cảm giác vui mừng lúc đó: “Lúc đầu tụi tui không tin các trạm kiểm soát sẽ được dỡ bỏ. Nó đã ám ảnh tụi tui đến mức ngủ vẫn nằm mơ cũng thấy mình là kẻ phạm pháp bị bắt. Đến khi đi ngang qua thấy không ai xét hỏi gì mới dám mừng. Người ta không coi mình là người buôn gạo lậu nữa”.

Việc buôn bán lúa gạo trở nên công khai, thông thoáng, bà Tư Lệ vay mượn thêm tiền đóng mới chiếc ghe 10 tấn. Hai vợ chồng lênh đênh mua gạo miệt Hậu Giang, Kiên Giang rồi chở lên Cần Thơ xay xát, bán lại cho doanh nghiệp xuất khẩu. Xã Vị Đông từ chỗ chỉ có vài người lén lút “buôn lậu” gạo thời kỳ trước đổi mới như bà Tư Lệ, giờ đã đua nhau xuất hiện hàng chục khách thương hồ và dần dần lên đến hơn cả trăm chiếc ghe hàng xáo.

Trong đó có những chiếc to lừng lững 100-200 tấn, có người sở hữu cả mấy chiếc ghe. Họ tản đi khắp miệt lúa đồng bằng sông Cửu Long để tìm mua lúa gạo của nông dân. Ở các địa phương khác cũng nhanh chóng xuất hiện nhiều “thương đoàn lúa gạo” được quen gọi gắn liền với địa danh như dân hàng xáo miệt Sa Đéc, Lấp Vò (Đồng Tháp), Cai Lậy (Tiền Giang), Tân Hiệp (Kiên Giang), Chợ Mới (An Giang), Thốt Nốt (Cần Thơ)...

Ông Ba Nhiên, một nông dân kiêm hàng xáo ở kênh 7, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang, nhớ lại thời kỳ đầu đổi mới, nhiều người đã mạnh dạn bung ra đi làm nghề này. Địa phương từ chuyện cho công an, du kích vây bắt con buôn, sau đó đã biểu dương họ là những nhà buôn nhanh nhạy có công với nông dân.

“Mà điều đó thiệt đúng à nghen. Chỉ xóa trạm kiểm soát ít hôm là ở đâu cũng thấy xuất hiện hàng xáo. Dân tại chỗ sắm ghe xuồng đi buôn. Người nơi khác cũng chèo chống đến. Trên bờ lúa vàng óng. Dưới sông ghe mua lúa chen nhau”. Ông Ba Nhiên nhớ lại từ tình cảnh nông dân đêm hôm phải lén lút đi tìm con buôn để nhờ cậy bán chút gạo, giờ nhà buôn đã chủ động đến tận ruộng mời mọc họ bán cho mình. Nông dân thực chất đã được làm chủ trên cả ruộng cày lẫn thành quả mồ hôi của mình.

“Ba nhà” thành “bốn nhà”

Nói chuyện những người góp công đưa hạt gạo ra chợ thời kỳ đầu đổi mới, nguyên chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị nhận xét chính thương lái xuất hiện ngày càng nhiều đã tự cạnh tranh nhau để nâng giá trị hạt gạo hàng hóa của nông dân, hoàn toàn phù hợp với lý thuyết kinh tế thị trường và đúng với thực tế diễn ra. “Nhà buôn có lợi, nông dân có lợi và Nhà nước cũng có lợi. Giá cả hạt gạo được thương lượng thuận mua vừa bán giúp nông dân yên tâm sản xuất. Từ đó, diện tích trồng lúa cả nước mới mở rộng nhanh chóng và sản lượng cũng ào ào tăng lên”.

Ông Nhị còn minh chứng thêm ngay ở một tỉnh mà nơi nào tiện đường sông rạch cho ghe hàng xáo vào đồng là giá lúa tăng lên và ngược lại. Ở An Giang, giá lúa huyện Tân Châu, Phú Tân thường không cao bằng các huyện khác do không có nhiều đường kênh rạch cho thương lái vô mua.

Việc mở “yết hầu” đầu ra cho hạt gạo cũng được nguyên bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ Lư Văn Điền nhớ đó là chính sách trọng tâm của địa phương khi thực hiện chủ trương đổi mới. Từ chỗ con buôn bị cấm đoán gay gắt vì xem là bất hợp pháp thời kỳ trước đổi mới, họ đã được tự do hoạt động theo quy luật thị trường.

Việc phát triển nông nghiệp trên nền tảng “ba nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà nước) tự nhiên đã phát triển lên “bốn nhà”. Trong đó, nhà buôn cũng có vai trò không kém nhà nông trực tiếp sản xuất, Nhà nước lo chính sách và nhà khoa học có nhiệm vụ cải tiến kỹ thuật canh nông.

Thương lái càng nhiều càng tự do tranh mua thì nông dân càng có cơ hội chọn lựa giá tốt để bán sản phẩm. Thực tế được chính nhà buôn thời kỳ đổi mới xác nhận. Bà Tư Lệ kể nhiều khi một cánh đồng vài trăm hecta có đến hàng chục thương lái vô mua. Ai trả cao hơn thì nông dân bán và “tiền tươi” ngay tại bến. Phương thức kinh doanh của thương lái cũng khác hẳn trước. Dễ đi nhưng không còn lời nhiều nên họ phải tranh thủ xoay vòng nhiều chuyến. Người có vốn còn mua dự trữ sẵn.

Nhớ chuyện hạt gạo ra chợ thời kỳ đổi mới, ông Thạch Như Hùng, cán bộ nông nghiệp xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, Trà Vinh, vẫn nhớ thời hạt gạo được mua theo giá chỉ định của Nhà nước thấp dưới mấy lần giá chợ trời. “Khi được bán gạo tự do dân mừng lắm. Làm được 1kg gạo thời đổi mới này tính ra giá trị bằng 3kg gạo thời ngăn sông cấm chợ. Cuộc sống nông dân dễ thở hơn hẳn” - ông Hùng cười kể thêm khi thấy trạm kiểm soát bị dỡ bỏ, không chỉ thương lái mừng mà dân cày cũng vui.

Từ đây, giá trị sản phẩm mồ hôi nước mắt của nông dân đã được người mua kẻ bán quyết định, chứ không phải từ những chỉ thị trên cao áp xuống.

------------------------------------

Có ông giáo sư nông nghiệp đi nước ngoài đã giấu hạt lúa vô người đem về. Có ông tiến sĩ tay lấm chân bùn được nông dân yêu mến gọi là “Hai Lúa”. Ngoài chính sách đổi mới, cuộc cách mạng năng suất đưa VN lên cường quốc gạo có công rất lớn của khoa học canh nông...

Kỳ tới:Cuộc cách mạng năng suất

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Những dòng sông mở vựa lúa Kỳ 2: Những vụ mùa thất bát Kỳ 3: Hạt gạo thời ngăn sông cấm chợ Kỳ 4: Đánh thức ruộng đồng

QUỐC VIỆT - DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên