28/11/2009 05:50 GMT+7

Hành trình hạt gạo Việt - Kỳ 2: Những vụ mùa thất bát

QUỐC VIỆT - DƯƠNG THẾ HÙNG
QUỐC VIỆT - DƯƠNG THẾ HÙNG

TT - Ký ức của những lão nông tri điền xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An vẫn chưa quên một thời hừng hực khí thế khẩn hoang, mở mang ruộng đồng sau năm 1975. Dân tại chỗ và dân kinh tế mới ào ào khai phá bưng biền, cày cấy nhộn nhịp. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì những vụ mùa thất bát đã ập đến.

OzZ6THXF.jpgPhóng to
Xếp hàng mua gạo ở cửa hàng lương thực thời bao cấp -Ảnh tư liệu

Khoai mì, bo bo độn cơm

Họ nhớ gay gắt nhất là trận đói năm 1978. Lũ lớn lại thêm rầy nâu hành, đồng lúa xác xơ không hạt. Dân kinh tế mới phải dạt trở lại TP.HCM kiếm sống vất vưởng. Dân cố nông rành rẽ việc ruộng cũng không thể xoay xở đủ để bén lửa nồi cơm. Thiếu gạo, họ ăn độn đủ thứ. Hết ruột khoai mì, họ nhai đến vỏ, không ít người bị say.

Nhiều nhà phải chia bữa cho từng người: chồng đi làm thì ưu tiên được ăn khoai độn cơm, vợ ở nhà uống nước nấu khoai mì độn này cầm hơi. Cả năm chỉ trồng vụ lúa mùa sáu tháng. Chuyện giỗ chạp, cưới xin, tang ma, thậm chí viên thuốc bệnh cũng ký sổ nợ để đến mùa trả nợ lúa. Ngày gặt, chủ nợ lấy lúa tại đồng, rồi đến phần lúa đóng thuế, còn lại bao nhiêu mới được chà gạo ăn cầm chừng đến mùa sau.

Ở Hậu Giang, anh Huỳnh Đông Xuân - cựu chủ tịch xã Vị Đông, huyện Vị Thủy - ám ảnh mãi thời đói “hạt gạo quý hơn vàng”. Vựa lúa Hậu Giang một thời từng được lái Chợ Lớn săn mua, bán ra tận nước ngoài. Nhưng suốt hơn 10 năm sau 1975, nông dân miệt này cũng không thể tránh khỏi nhiều vụ mùa thất bát.

“Tụi tui thiếu bữa. Dân nhiều nơi khác còn đói thê thảm hơn, lũ lượt kéo xuống đây tìm miếng ăn!” - anh Xuân bùi ngùi nhớ năm 1978, nhiều nhà mạn Đồng Tháp, Bến Tre hết gạo, phải chống xuồng qua Hậu Giang làm mướn đánh đổi bữa ăn. Họ chở theo cả chó mèo, ván ngựa, lư hương để đổi gạo. Một số người gạt nước mắt gửi cả con cái lại để chăn trâu, làm ruộng cho những nhà dân ở Hậu Giang.

Thời gian này đa số ruộng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn làm lúa mùa một vụ dài sáu tháng. Năng suất mỗi công đất (1.000m2) chỉ 10-15 giạ lúa (giạ lúa bằng 20kg). Những đất mới khai hoang chưa hết phèn còn dưới 10 giạ. Một số nông dân làm được 20 giạ trên mỗi công đất tốt nhưng rất hiếm.

Anh Trần Văn Trợ, phó chủ tịch Hội Nông dân Hậu Giang, nhớ lại trước hồi vô tập đoàn, nhà có 20 công đất ông bà để lại. Khi vô tập đoàn anh đi học, nhà còn ba khẩu nên chỉ được giao bốn công đất. Là nông dân cố cựu, họ làm ruộng giỏi nhưng mùa nào trúng lắm cũng chỉ được 15 giạ mỗi công, đủ gạo ăn dè sẻn cầm chừng. Mùa thất là cả nhà ăn độn khoai mì.

Trong khi đó tại nhiều địa phương miền Bắc tình hình thiếu hụt lương thực thời gian này còn gay gắt hơn. Bà Kim Mã, xã Hải Toàn, huyện Hải Hậu, Nam Định, xúc động nhớ lại những vụ mùa sau khi làm nghĩa vụ thuế, phí cho địa phương thì gần như hết lúa ăn: “Tôi đói đến mức cho con bú mà người cứ lả đi. Vét gạo nấu được chút cơm độn sắn phải dành cho ông nhà ăn để đi làm đồng”.

Ông Nguyễn Thành Thơ, tức Mười Thơ - nguyên phó bí thư Thành ủy TP.HCM và cán bộ Hội Nông dân trung ương - kể năm 1980-1981 vùng Thanh Nghệ Tĩnh đói gay gắt. Ông đi cứu đói thấy nhiều nhà chỉ có 1-2 củ khoai mì, khoai lang và rổ lá cây ăn độn mà ông cũng không biết lá gì.

Tình hình Bình Trị Thiên còn nặng nề hơn. Sáng đến tối, nhiều nhà không đỏ lửa bếp. Họ hết cả khoai để luộc ăn. Ngay nhà ông Mười Thơ cũng thiếu hụt lương thực vì hay có khách. Con ông sau những ngày ăn bo bo, khoai bắp, có gạo nấu cháo thì đứa em thèm quá, lén ăn trước. Anh thấy nhéo tai, nạt: “Mày ăn cháo gạo không chờ ai”. Đứa em vụt tô cháo làm mặt anh chảy máu. Vợ ông Mười Thơ đưa con đi cấp cứu mà khóc dọc đường.

Những mâu thuẫn trên ruộng đồng

Nhớ lại thời kỳ thiếu hụt lúa gạo trầm trọng này, nhiều người cho rằng có một số nguyên nhân. Ngoài lũ lụt, dịch bệnh, chiến tranh biên giới, lý do chính là chính sách Nhà nước. Nỗ lực cải tạo nông nghiệp sau năm 1975 gặt hái một số kết quả ban đầu, nhưng nhanh chóng cho thấy những bất cập nghiêm trọng.

Sản lượng lương thực bình quân năm năm 1976-1980 của VN chỉ đạt 11 triệu tấn, giảm 0,8 triệu tấn so với năm 1976. Năng suất lúa khoảng 20,3 tạ/ha, giảm 2 tạ/ha.

Lương thực bình quân đầu người VN giảm từ 276kg/năm 1976 xuống còn 268kg/năm 1980. VN phải nhập khẩu lương thực (quy lúa) khoảng 1,5 triệu tấn mỗi năm.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch tỉnh An Giang, nhớ thời kỳ này vẫn hay nhắc đến “cái bục báo cáo láo” ở một hợp tác xã huyện Phú Tân. Cán bộ đứng trên bục hội trường báo cáo thành tích nông nghiệp “tăng trưởng vượt bậc”.

Trong khi đồng lúa hợp tác xã ngay sát chân tường hội trường thì tiêu điều, kho lúa trống rỗng. Năm 1976, tổng sản lượng lương thực An Giang là 500.000 tấn, mãi đến năm 1987 mới nhích được 902.000 tấn. Trong khi chỉ năm năm đổi mới 1988-1992 đã nhảy vọt lên 1,763 triệu tấn, tăng gấp đôi so với cả 12 năm trước đổi mới. “Thực tế này chứng minh chính sách sai lầm trước đổi mới đã “trói tay” nông dân” - ông Nhị nhận xét.

Ông Mười Thơ, người góp công “cởi trói” nông dân những năm đầu đổi mới, nhớ có lần đi cứu đói ở Con Cuông, Nghệ An đã hỏi thẳng cán bộ địa phương: “Tập thể và cá thể sản xuất ai có năng suất hơn?”. Thời bao cấp trước đổi mới, câu hỏi này là “phạm húy”. Họ nhìn trân trân.

Ông Mười Thơ phải động viên: “Cứ trả lời. Có gì tôi chịu trách nhiệm”. Thế là họ nói: “Cá thể hơn tập thể. Vì cá thể thì đến khuya vợ chồng vô mùng vẫn còn bàn chuyện làm ăn. Còn tập thể chúng tôi làm như cái máy. Ban chủ nhiệm bảo gì làm nấy”. Sau đó, ông Mười Thơ nhiều lần chứng kiến cảnh chủ nhiệm giơ cuốc thì xã viên giơ cuốc, chủ nhiệm dừng tay hút thuốc lào thì xã viên cũng dừng luôn.

Ở miền Nam, chuyện “AK kè đi đo bồ lúa” vẫn được nhiều nông dân nhớ. Một số địa phương không tin nông dân, cho du kích mang súng đi đo bồ lúa dân để truy thu. Ngược lại, nông dân cũng không tin sự chỉ đạo của địa phương, tập đoàn. Anh Huỳnh Văn Thới - cựu cán bộ ban lương thực xã Quyết Thắng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang - kể có vụ xã nhận chỉ tiêu thu thuế, thu mua, thu nợ của dân 1.050 tấn lúa.

Nhưng đất phèn, dân nghèo, thu hết lúa của dân cũng chưa chắc được. Anh phản đối quyết liệt. Nhưng xã vẫn thực hiện, rồi gom cả lúa giống lẫn “AK kè đo bồ” cũng chưa được 150 tấn. Nông dân hụt lúa ăn phản ứng dữ dội. Nhiều nông dân vác cây, vác dao ra chặn đoàn đo bồ. Họ nói: “Gạo ăn còn thiếu, lấy gì mà lục soát”. Những bất cập và mâu thuẫn này đã làm cho các đồng lúa thất bát lại thêm tiêu điều.

____________________

Bị trạm kiểm soát chặn bắt, lão nông Long An mang 10kg gạo lên cho cháu ở thành phố giận quá đã đổ ra đường! Chỉ cách nhau con sông nhưng bên thừa gạo, bên kia lại thiếu đói. Một thời “ngăn sông cấm chợ” đã dẫn đến thiếu lương thực trầm trọng.

Kỳ tới: Hạt gạo thời “ngăn sông cấm chợ”

=====================================================================

* Nhớ lại thời kỳ 1978-1980, tôi theo học tại Trường đại học Tài chính - kế toán Hà Nội, việc ăn độn bo bo, sắn, ngô thay cơm là chuyện dài nhiều tập. Vì vậy, mỗi sau dịp nghỉ hè khi trở về trường, có lẽ không phải chỉ có tôi mà tất cả sinh viên ở các tỉnh lẻ ai cũng được gia đình cho ít gạo quê đem lên để cải thiện.

Điều trớ trêu là tại các bến xe, ga tàu số gạo đem theo đều bị thuế vụ hỏi thăm, hạch sách đủ điều mặc dù tôi đã trình thẻ sinh viên nhưng họ cũng không tin. Và cuối cùng thì hạt gạo cũng qua được cửa ải thuế vụ để cùng về trường với sinh viên.

Bây giờ nước ta là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới, nhưng ở vùng sâu, vùng xa cuộc sống của nhiều người dân vẫn còn khốn khó.

* Tôi không thể quên những ngày ăn sắn độn cơm thời đó. Nhà tôi không đủ gạo ăn, gọi là nấu cơm hấp sắn nhưng thật ra chỉ có ít hạt cơm bám xung quanh những củ sắn. Sắn hấp cơm, vỏ sắn nấu canh, làm dưa chua... Cái gì cũng sắn. Anh em nhà tôi suốt ngày lột vỏ sắn, ăn nhiều đến lúc bị say sắn. Cả mấy anh em tôi phải vào nhà thương, và không chỉ một lần.

Nghĩ lại những ngày đó, tôi thấy thương hạt gạo quá đỗi.Do vậy nên bây giờ mỗi lần ăn cơm xong tôi đều ăn cho hết, không để rơi vãi hạt cơm nào, nếu còn cơm ăn không hết thì tôi để bữa sau hấp ăn tiếp hoặc chiên lại ăn.

* Kỷ niệm của thời đó được ba mẹ tôi ghi lại rất độc đáo: ba tôi đặt tên gọi ở nhà của tôi là Bo Bo, còn em tôi là Mì Sợi. Ba mẹ tôi nói đặt tên như vậy để khi nhớ về những tháng năm đó, chúng tôi không thể quên, để cố gắng phấn đấu.

--------------------

Bạn có kỷ niệm và hình ảnh nào về hạt gạo thời bao cấp, hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cám ơn.

QUỐC VIỆT - DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên