27/11/2009 08:06 GMT+7

Hành trình hạt gạo Việt

QUỐC VIỆT - DƯƠNG THẾ HÙNG
QUỐC VIỆT - DƯƠNG THẾ HÙNG

TT - Hạt gạo bao năm đã gắn liền với lịch sử đầy thăng trầm của dân tộc Việt. Hành trình đáng nhớ nhất của hạt gạo Việt là vào thế kỷ 20, khi người nông dân từ chỗ có thể sống no đủ nhờ hạt gạo đến hôm nay đưa VN trở thành cường quốc xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới.

Kỳ 1: Những dòng sông mở vựa lúa

Bây giờ, Festival lúa gạo VN lần đầu tiên (từ 28-11 đến 2-12 tại Hậu Giang), kể chuyện hạt gạo là kể lại nỗi niềm buồn vui của một đất nước đi lên từ nền văn minh lúa nước.

17ZZTndK.jpgPhóng to
Ông Alessandro Giacinti - người Ý, đầu bếp của một nhà hàng ở Q.1, TP.HCM - mua gạo tại chợ Bến Thành - Ảnh: MINH ĐỨC
gtGL5d6V.jpgPhóng to
Kênh xáng Xà No đã góp phần tạo vựa lúa và đô thị Hậu Giang -Ảnh: Q.VIỆT

Vợ chồng khách thương hồ Huỳnh Thị Hồng Lệ đang cặp ghe bên bờ kênh Xà No, mua lúa vụ hè thu của nông dân huyện Vị Thủy, Hậu Giang.

Bà là hậu duệ đời thứ tư của một gia đình thương hồ bao năm ngược xuôi trên sông nước. Bà không biết chính xác sự ra đời kênh đào Xà No quê mình. Nhưng bà nhớ lời ông cha kể rằng từ hồi con kênh này thông dòng đã soi bóng bao thương hồ miệt lúa Hậu Giang để đưa sản phẩm nhà nông ra chợ.

Trù phú từ những con kênh

Bây giờ, trong ký ức các thương hồ và lão nông tri điền miệt đồng lúa Hậu Giang, kênh đào Xà No chỉ là dấu thoáng mờ được truyền lưu từ tổ tiên những người đi mở cõi. Nhưng nó là một tiêu biểu của thời kỳ làm thủy lợi ồ ạt để mở mang đồng lúa và phát triển con đường giao thương trong những năm cuối thế kỷ 19 và thế kỷ 20. Triều đình nước Việt đã mở đầu khẩn hoang, lập ấp, phát triển đời sống người dân đất phương Nam bằng việc cho đào thủ công một loạt kênh Vĩnh Tế, Thoại Hà, Vĩnh An Hà, Bảo Định...

Người Pháp vào VN tiếp tục đẩy mạnh công cuộc thủy lợi để tăng nhanh diện tích đất nông nghiệp và sản lượng lúa. Năm 1901, Công ty Đào sông và công trình Đông Dương được thành lập. Hàng loạt con kênh được đào mới và cải tạo lại như kênh Rạch Giá - Hà Tiên, Cổ Chiên, Lấp Vò, Mang Thít, Ba Xuyên, Mỏ Cày, Tri Tôn, Xà No, Trà Ôn, Chợ Gạo... Lúc này, ngoài sức người đã có máy móc hỗ trợ. Tên kênh xáng (do máy xáng múc kênh) kèm với địa danh như kênh xáng Xà No đã được quen gọi từ đó.

Nhìn lại kênh đào Xà No, ông Nguyễn Văn Trợ, phó chủ tịch Hội Nông dân Hậu Giang, nhận xét: “Ở địa phương, nước ngọt kênh Xà No đã tưới tắm cho hàng chục ngàn hecta ruộng lúa ba vụ năng suất cao ở các huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp. Còn ngó xa hơn thì con kênh này đã rút ngắn thủy lộ Cà Mau - Cần Thơ - TP.HCM, giúp thương lái lưu thông nông sản thuận lợi”.

Những lão nông tri điền 70, 80 tuổi như ông Sáu Hoàng, Tư Râu đang sống dọc bờ kênh Xà No vẫn nhớ lời cha ông truyền lưu rằng cuối thế kỷ 19 miệt đất này còn hoang thẳm. Mùa mưa lũ ngập lút đầu. Ruộng lúa loe hoe vài chòm của những lưu dân bạo gan đi mở đất.

Bận đó nhiều người còn sống nhờ lúa ma. Lũ đến đâu, cây lúa trời ban vọt lên tới đó. Cuối năm, khi gió mùa đông bắc se lạnh và nước lũ rút dần cũng là lúc lúa ma trổ bông. Dân nghèo chỉ chống xuồng đi tìm rồi lấy chèo đập cho nó rớt hạt xuống xuồng. Hạt gạo lúa ma nâu nâu, cưng cứng, đỏ lửa mấy tiếng mới chín, nhưng cũng đủ nuôi sống qua ngày lưu dân nghèo miệt đất hoang vu.

Cũng như những kênh đào khác, chỉ khi thông dòng Xà No đời sống dân ven bờ mới thay đổi. Con kênh dài 40km được người Pháp cho xáng đào đầu thế kỷ 20 và hoàn tất vào khoảng giữa năm 1903. Bắt đầu từ sóc Xà No, kênh đào từ sông Cần Thơ nối với sông Cái Tư có bề rộng đáy khoảng 40m, mặt 60m.

Cố nhà văn Sơn Nam kể đất đào kênh đắp lên bờ chưa kịp khô đã có người Việt nhanh nhạy cắm ranh làm nền nhà ở. Ruộng dọc bờ kênh được rửa phèn cũng tốt nhanh hơn ruộng trong. Hạt gạo miệt Hậu Giang trù phú nhờ con kênh mới nối liền sông Hậu với biển Tây này đã được thương lái đưa ra chợ nhanh chóng hơn.

vcgriR6J.jpgPhóng to
Ghe thuyền thương hồ chạy trên kênh xáng Xà No - Ảnh: Quốc Việt

Bước nhảy vọt

Những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, cả miền đất hoang vu phương Nam được thức giấc bởi hàng loạt công trình thủy lợi. Chỉ kênh Rạch Giá - Hà Tiên dài gần 100km cùng với các kênh nhánh đã mở mang miệt rừng hoang vu này thành cánh đồng rộng cả 200.000ha. Về sau, nhiều công trình thủy lợi dẫn nước, tưới tiêu ở miền Bắc, miền Trung cũng được thực hiện ở Thái Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên...

Sự phát triển thủy lợi đã làm tăng nhanh diện tích và sản lượng lúa gạo VN. Năm 1873, diện tích lúa VN ước tính chỉ khoảng 700.000ha với năng suất thấp, nhưng đã tăng lên đến 5 triệu ha trong năm 1944 với sản lượng khoảng 6 triệu tấn. Trong đó, riêng miền Nam đóng góp khoảng 50%. Chỉ miền Nam năm 1925, gạo Việt đã theo tàu ra chợ quốc tế đến 1,37 triệu tấn.

Cùng các lão nông tri điền cả đời gắn với ruộng đồng, những nhà khoa học canh nông đều cho rằng nỗ lực phát triển thủy lợi đã tạo nên bước ngoặt lịch sử cho nền nông nghiệp VN từ đầu thế kỷ 20 (và còn kéo dài đến nay). Rồi những năm nửa cuối thập niên 1960, cuộc cách mạng xanh đã tiếp tục tạo bước nhảy vọt thứ hai của sản lượng lúa gạo VN.

Giáo sư - tiến sĩ Bùi Chí Bửu, viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, kể ngay trong hoàn cảnh bom đạn chiến tranh năm 1966, miền Nam đã tích cực nhận một số mẫu lúa IR8 của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế để trồng khảo nghiệm tăng năng suất.

Trong tài liệu “Những tiến bộ trong ngành sản xuất lúa gạo ở VN”, tiến sĩ Trần Văn Đạt cũng kể mùa mưa năm 1966, trung tâm thí nghiệm lúa ở Long Định (Tiền Giang) của Bộ Nông nghiệp miền Nam đã trồng thử nghiệm 10kg giống lúa IR8 trên 2.000m2. Nó đã cho ngay năng suất 4 tấn/ha trong khi giống lúa cổ truyền chỉ 2 tấn/ha. Sau đó, giống IR8 được mở rộng diện tích trồng tại Bình Tuy để nhân giống cho cả miền Nam.

Vụ xuân 1968, lúa IR8 bắt đầu được trồng đại trà trong nông dân với tên gọi Thần nông 8 và đạt 4 tấn/ha. Về sau, các giống lúa IR5, IR20, IR22 của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế tiếp tục vào miền Nam. Đến vụ 1973-1974, diện tích lúa Thần nông đã lên đến 890.000ha, góp phần nâng tổng sản lượng lúa gạo lên 6.700.000 tấn.

Miền Bắc tuy chậm hơn một chút nhưng cách mạng xanh cũng bắt đầu từ giống lúa IR8 mà ngoài này gọi là nông nghiệp 8. Nó đã dần xuất hiện nhiều trên các đồng ruộng miền Bắc để thay thế lúa chiêm truyền thống và góp phần bảo đảm lương thực cho cuộc giải phóng thống nhất đất nước.

_________________

Có một thời lương thực cả nước thiếu hụt trầm trọng, đi đâu cũng thấy toàn khoai, khoai mì, bo bo độn cơm. Những chính sách cải tạo đất đai, nông nghiệp sau năm 1975 thu được một số kết quả, nhưng cũng làm trì trệ nông nghiệp, trói buộc nông dân.

Kỳ tới: Những vụ mùa thất bát

QUỐC VIỆT - DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên