09/11/2009 08:16 GMT+7

Xưởng "hành xác" trẻ thơ

ĐÌNH DÂN - HOÀNG LỘC
ĐÌNH DÂN - HOÀNG LỘC

TT - Hình ảnh lao động trẻ em bị vắt kiệt sức vẫn cứ tiếp diễn hằng ngày, hằng giờ ngay tại TP.HCM. Báo chí đã phản ánh, cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng đâu vẫn còn đấy. Người ta bất chấp luật pháp khi ngang nhiên bắt buộc rất nhiều trẻ em phải làm việc quần quật trong điều kiện oi bức, ngột ngạt mười mấy giờ mỗi ngày.

Xưởng “hành xác” trẻ thơ

TT - Hình ảnh lao động trẻ em bị vắt kiệt sức vẫn cứ tiếp diễn hằng ngày, hằng giờ ngay tại TP.HCM. Báo chí đã phản ánh, cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng đâu vẫn còn đấy. Người ta bất chấp luật pháp khi ngang nhiên bắt buộc rất nhiều trẻ em phải làm việc quần quật trong điều kiện oi bức, ngột ngạt mười mấy giờ mỗi ngày.

>> Nhiều trẻ làm việc 14 giờ/ngày

ImageView.aspx?ThumbnailID=373909
Hàng chục trẻ em từ 12-16 tuổi ngồi dập những vòng đệm (rôngđen) trong căn phòng rộng chưa tới 4m, sâu khoảng 10m ở cạnh kênh Tân Hóa (P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) - Ảnh: Đình Dân
ImageView.aspx?ThumbnailID=373868
Những bánh xe của cỗ máy vẫn quay tít, cuốn theo tuổi thơ của trẻ em nghèo

Xưởng “hành xác” trẻ em gồm bốn căn phòng: 169A, 169B, 169C, 169D, nằm cạnh con kênh Tân Hóa (tổ 77, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM), chuyên gia công, sản xuất vòng đệm (rôngđen). Bề rộng mỗi phòng chưa đầy 4m, chiều sâu chừng 10m, có trên 30 đứa trẻ mặt mày hốc hác, nhem nhuốc đang ngồi nai lưng, dán mắt, hì hục với công việc bên những cỗ máy dập to gấp nhiều lần cơ thể chúng.

Nơi đây hàng chục trẻ em không có tuổi thơ. Tiếng ầm ầm đinh tai nhức óc của những cỗ máy dập cùng cái nóng hầm hập như trong “lò thiêu” của xưởng làm việc và những tai nạn lao động nguy hiểm luôn rình rập đã cuốn tuổi thơ các em vào vòng quay của những cỗ máy vô tri.

Hầu hết nhân công trong các xưởng này là những đứa trẻ chỉ 12-16 tuổi. Các em đều là trẻ nghèo được các ông bà chủ tuyển từ khắp các vùng quê về đây.

“Mỗi ngày tụi em bắt đầu ngồi dập vòng đệm từ 6g30-21g theo tốc độ hoạt động của máy. Những khoảng thời gian hiếm hoi được nghỉ tay là giữa buổi trưa và 17g30. Đó là lúc tụi em ăn cơm do chủ phát và mua ít nước trà đường uống cho lại sức để làm ca tiếp theo... Nhiều lúc mỏi lưng không dám đứng, khát nước không dám uống vì sợ chủ la” - T., một thợ “nhí” 12 tuổi, nói.

Nhiều em cho biết tiếng ồn ở xưởng thật khủng khiếp, cứ loảng xoảng cả ngày nên một số em không chịu nổi phải lấy bông bịt cả hai tai để làm việc. Thỉnh thoảng xen lẫn trong âm thanh loảng xoảng lại có một vài tiếng kêu ré lên đau đớn vì miểng sắt bắn vào chân, hay có người ngủ gật vì thiếu ngủ bị máy dập vào tay...

ImageView.aspx?ThumbnailID=373867
Cậu bé T., 12 tuổi, quê Kiên Giang, làm việc ở đây đã hơn nửa năm, ngồi lọt thỏm dưới chiếc máy dập
ImageView.aspx?ThumbnailID=373869
Thiệt thòi nhất là các bé gái. Đêm khuya các em mới được chợp mắt
ImageView.aspx?ThumbnailID=373865
Hàng chục trẻ em nam, nữ phải làm việc quần quật từ 6g30-21g trong điều kiện nóng nực, bụi bặm và tiếng ồn kinh khủng từ những cỗ máy dập
ImageView.aspx?ThumbnailID=373866
Trà đá đường, thức uống quen thuộc của các em trong môi trường làm việc nóng bức

ĐÌNH DÂN - HOÀNG LỘC

...............

Ý kiến bạn đọc:

* Tuổi Trẻ từng có bài viết về bóc lột sức lao động trẻ em, rồi lại thêm nhiều ý kiến góp ý, chia sẻ... Tất cả để kêu gọi lương tâm của những nhà sản xuất, để tạo nên tiếng chuông đánh thức dư luận và chính quyền địa phương. Nhưng những cái xưởng lao động "vắt kiệt sức trẻ em" vẫn còn tồn tại và hoạt động mà không gặp bất cứ một hành động can thiệp nào từ các ngành các cấp.

Sự im lặng đáng sợ vẫn còn hiện hữu ở các văn phòng của Ủy ban bảo vệ chăm sóc bà mẹ và trẻ em, ở hội Phụ nữ, ở Đoàn Thanh niên, và ngay cả Ủy Ban Nhân Dân các cấp. Nếu sự im lặng này còn tiếp diễn, sẽ còn bao nhiêu trẻ em phải mang cảnh bệnh tật do sự bóc lột của chủ như em Nguyễn Văn Đen mà báo Tuổi Trẻ từng đề cập.

Nguyễn Thanh Hiệp (thanh_hiep75@)

* Đây là một thực tế đau lòng tồn tại khắp nơi trong thành phố của chúng ta. Không tin ư? Hãy kiểm tra đi, kiểm tra ngay ở tất cả các quận, huyện trong thành phố, hãy vì lương tâm nghề nghiệp, vì đạo đức làm người...mà đừng vì tiền, vì phong bì quà cáp! Hãy trả lại cho các em sự công bằng, sự hồn nhiên của trẻ thơ... vì các em không khác gì con của các vị ở nhà.

Tran Minh Tan (tieuphong120982@)

* Thật không thể chấp nhận được khi còn những hiện tượng vô đạo đức như vậy. Nghiêm trọng hơn, đối tượng bị bóc lột ở đây lại là những đứa trẻ. Các ngành chức năng phải chăng chỉ mới chấn chỉnh "phần nổi" của tảng băng chìm này?

yoko@

* Thật khủng khiếp khi chứng kiến những hình ảnh trên. Không đủ tuổi lao động, không được trang bị bảo hộ lao động khi làm việc. Bên sử dụng lao động đã vi phạm luật pháp, các nghành chức năng tính sao đây?

Một bạn đọc

* Vấn đề đối xử tàn tệ với trẻ em cũng khó mà giải quyết dứt điểm được và báo chí lại tốn mực, người đọc lại bức xúc và xót xa cho số phận những trẻ em bị bộc lộc tàn nhẫn. Hầu hết các cơ quan chức năng đều kêu thiếu người, không quản lý được...

Te Thien (tethien764@)

* Tôi cũng từng đi làm ở những xưởng có nhiều trẻ em như thế mà phần đông là các em ở tỉnh đến thành phố tìm việc. Ở xưởng tôi từng làm có điểm chung là được bao ăn ở tại xưởng, cho nên công việc cứ thế mà kéo dài thêm, có khi đến 24 giờ đêm, với mức lương 800 ngàn đồng/ tháng, ngoài ra không có chế độ nào hết và cũng không có chuyện nghỉ phép. Nếu xin nghỉ thì không cho còn tự ý nghỉ sẽ bị phạt 100 ngàn đồng/một ngày nghỉ nên không ai dám nghỉ dù là đang sốt, đang đau ốm. 

Còn chuyện an toàn lao động thì không được quan tâm. Các máy dập đời cũ liên tục bị nhảy cò, để tai nạn xảy ra. Chuyện mất ngón tay của công nhân là bình thường đối với chủ. Nếu gặp chủ còn có lương tâm, họ lo tiền thuốc cho đến khi lành lặn, nếu muốn làm tiếp thì họ sắp xếp làm việc nhẹ hơn, còn không thì về quê. Có người khi vào xưởng thì lành lặn khi về thì mang tật mà tiền thì chẳng có cho nên đây cuộc sống lại càng khó khăn thêm.

Trương Văn Cường (cuong_uyduc@

* Đọc bài này tôi thật sự bị sốc. Trước đây tôi cũng đã từng tham gia sản xuất trong một xưởng cơ khí và ít nhiều biết được những nỗi vất vả và những nguy hiểm luôn rình rập trong những xưởng này. Hồi đó tôi cũng đã 18 tuổi nhưng đối với tôi lúc đó, công việc này là quá nặng. Vậy mà giờ xem bài báo này xong, tôi thật không hiểu cơ quan quản lý ở đâu mà để chủ các cơ sở lao động sử dụng nguồn lao động “quá trẻ” đến như vậy?

Các em còn nhỏ, có thể sản xuất ra cái này cái nọ nhưng các em đâu biết quyền lợi của các em là gì trong luật lao động. Rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của các em.

Thanh Sơn (thanhsonnp@)

ĐÌNH DÂN - HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên