25/10/2009 07:12 GMT+7

Nghề bảo mẫu - Kỳ cuối: Tuyển được người "tay ngang" đã là may!

BÍCH DẬU ghi
BÍCH DẬU ghi

TT - Việc thiếu giáo viên, bảo mẫu tại các cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình khiến các cơ sở này phải tuyển giáo viên, bảo mẫu thiếu trình độ, ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Báo Tuổi Trẻ đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Thanh, trưởng phòng giáo dục mầm non Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM.

Nghề bảo mẫu - Kỳ cuối: Tuyển được người “tay ngang” đã là may!

ImageView.aspx?ThumbnailID=370518
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Ảnh: H.HG.
TT - Việc thiếu giáo viên, bảo mẫu tại các cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình khiến các cơ sở này phải tuyển giáo viên, bảo mẫu thiếu trình độ, ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Báo Tuổi Trẻ đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Thanh, trưởng phòng giáo dục mầm non Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM.

>> Kỳ 1: Cảnh đông con >> Kỳ 2: Cuộc "hành xác" >> Kỳ 3: Vú em chuyên nghiệp>> Kỳ 4: Ngón nghề>> Kỳ 5: Nỗi niềm bảo mẫu>> Kỳ 6: “Phố nhà trẻ”>> Ý kiến bạn đọc: Mong cô vượt khó và xem các cháu như con

* Theo bà, đâu là những nguyên nhân khiến tình trạng các nhóm trẻ tư thục tuyển dụng dễ dãi, người lao động không có bằng cấp, chưa được đào tạo về nuôi dạy trẻ vẫn được nhận vào làm bảo mẫu?

- Nguyên nhân chính vẫn là các nhóm trẻ tư thục quá nghèo. Phục vụ bộ phận người dân lao động nghèo nên học phí chỉ có thể thu vài trăm ngàn đồng một tháng. Số tiền đó không đủ để chi trả mặt bằng và trả lương giáo viên.

Lương thấp nên không tuyển được giáo viên có tay nghề, có khi tuyển được nhưng giáo viên không làm lâu dài, hễ có trường khác trả lương cao hơn là bỏ đi. Biện pháp trước mắt là đành tuyển lao động “tay ngang” rồi tạo điều kiện cho họ vừa học vừa làm, trong lớp một giáo viên kèm 1-2 bảo mẫu. Thật ra với điều kiện làm việc vất vả và đồng lương như vậy, tuyển được đủ người đã là may lắm.

* Ngành giáo dục có thường xuyên kiểm tra để nắm tình hình tuyển dụng và điều kiện, khả năng nuôi dạy trẻ tại các nhóm trẻ tư thục?

- Qua kiểm tra cho thấy những nhóm trẻ có mức học phí trên 1 triệu đồng/tháng cả tiền ăn (hoặc 700.000-800.000 đồng/tháng ở ngoại thành) thường có điều kiện tương đối như sĩ số trẻ ít, sạch sẽ, đủ ánh sáng, dinh dưỡng đảm bảo, nhiều chủ trường thuê biệt thự để sử dụng.

Bên cạnh đó, những nhóm trẻ thu phí thấp hơn chỉ đạt được những điều kiện tối thiểu theo quy định thành lập nhóm trẻ như đảm bảo vệ sinh, an toàn và dinh dưỡng. Nhiều cơ sở chật chội, tối tăm, không có kinh phí cải thiện nhưng nếu đóng cửa thì những phụ huynh nghèo biết gửi con nơi đâu.

Cán bộ ngành giáo dục cũng không thể kiểm soát hết hoạt động của các cơ sở vì các nhóm trẻ mọc lên nhanh và nhiều, nhiều nhóm tự phát, không đăng ký cấp phép hoạt động, chỉ nuôi trên dưới 10 trẻ thì rất khó phát hiện.

Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy:

Cái chính là tình yêu thương trẻ

Để khắc phục những câu chuyện đòn roi buồn lòng của một số cô bảo mẫu với trẻ, phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng khi cùng các cô bảo mẫu trao đổi về cách nuôi dạy trẻ, những bất thường nếu có ở trẻ.

Phụ huynh không nên giao hết trách nhiệm cho các cô bảo mẫu hoặc thiếu kiên nhẫn, thiếu sự chia sẻ với các cô trong việc nuôi dạy con cái của chính mình. Bên cạnh đó, các đơn vị nuôi dạy trẻ cần tính toán hợp lý trong việc mỗi cô có thể chăm sóc bao nhiêu em một lúc là không quá tải, cũng như giúp các cô bảo mẫu có thêm những bài học nghiệp vụ về việc kiềm chế cảm xúc bản thân.

Tuy nhiên, quan trọng nhất là các cô bảo mẫu cần xem công việc nuôi dạy trẻ được xuất phát từ tình thương với trẻ chứ không chỉ là công việc mưu sinh.

Chính tình yêu thương chân thành sẽ giúp trẻ có thể quên những đòn roi trước đó (nếu có). Trừ phi bị những trận đòn roi quá nặng nề, còn lại tâm hồn trẻ thơ trong trắng sẽ nhanh chóng vượt qua những tổn thương nếu thấy các cô bảo mẫu thật sự yêu thương mình.

BÍCH DẬU ghi

* Vấn đề bạo hành đây đó trong trường mầm non đã bị lên án rất nhiều song vẫn tồn tại. Vì sao khó khắc phục tình trạng trên?

- Giáo viên, bảo mẫu mầm non phải làm việc trong điều kiện hết sức vất vả. Đồng lương thấp, nếu là “tay ngang” họ phải ngày đi làm, tối đi học dẫn đến tình trạng mệt mỏi, căng thẳng.

Điều kiện lớp học không có sân chơi, không có đồ chơi, chỗ chơi, học cụ, trẻ không có gì để hoạt động quay ra nghịch phá leo trèo, đánh nhau... cũng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý các cô giáo, dẫn tới sự mất kiểm soát hành vi và tâm lý nên xảy ra những chuyện một số cô giáo, bảo mẫu mạnh tay mạnh chân với trẻ và khó có môi trường thân thiện cho trẻ như chúng ta mong muốn.

Phụ huynh nghèo thường gửi con từ khi trẻ mới mười mấy tháng, lứa tuổi đòi hỏi sự chăm sóc tỉ mỉ, sự kiên nhẫn và tình yêu nghề nghiệp lớn... để có thể trụ việc lâu dài.

Giáo viên, bảo mẫu không có tay nghề, trình độ thấp cũng ảnh hưởng tới cách hành xử với trẻ. Trước đây có trường hợp cô bảo mẫu dán băng keo làm trẻ ngạt thở cũng không qua trường lớp đào tạo nào. Hiện các lớp đào tạo cấp tốc về chứng chỉ bảo mẫu mở liên tục nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu.

Con số bảo mẫu đã và đang được đào tạo cấp tốc lên đến trên dưới 4.000 cô nhưng nhiều cơ sở vẫn kêu thiếu. Còn những nơi đào tạo giáo viên, bảo mẫu thì quá tải. Giáo viên đào tạo bài bản từ các trường sư phạm mầm non hằng năm Sở Giáo dục - đào tạo tuyển được chỉ đủ cung cấp cho các cơ sở công lập.

* Tháo gỡ vấn đề này như thế nào, thưa bà?

- Ngành giáo dục TP.HCM đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề này và đã có một số kiến nghị về việc Nhà nước nên đầu tư cho khu vực mầm non tư thục ở địa bàn dân cư nghèo nhiều hơn, như nhiều nước trên thế giới đã làm. Đó là giải pháp duy nhất có thể tháo gỡ tình hình, nâng dần chất lượng các cơ sở nhóm lớp và trường tư phục vụ đối tượng dân nghèo, thu học phí thấp.

Nên giao cho các trường mầm non công lập loại 4, 5 sao (20-25% số học sinh đang theo học) tự hạch toán bằng học phí (gọi là trường công lập tự chủ tài chính toàn phần). Lấy nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước hằng năm vẫn phải rót cho họ để đầu tư hỗ trợ khu vực mầm non tư thục nghèo (đang nuôi dạy khoảng 25% tổng số học sinh) để cải thiện đồng lương giáo viên, bảo mẫu, nâng cao điều kiện cơ sở vật chất và chất lượng nuôi dạy trẻ. Nếu được sự cho phép ngành giáo dục thực hiện giải pháp này, chúng tôi có thể cải thiện chất lượng các cơ sở tư thục mà không cần xin thêm một đồng kinh phí nào.

ImageView.aspx?ThumbnailID=370519
Bảo mẫu chia khẩu phần ăn cho các cháu tại một trường mầm non ở quận Tân Phú (TP.HCM) - Ảnh: H.HG.

L.TRANG thực hiện

Số tới, mời bạn theo dõi những câu chuyện “lạ lùng”:

Vượt qua cuồng phong

Giữa những trận cuồng phong khủng khiếp của đại dương, sinh mệnh người đi biển mong manh như chiếc lá. Nhưng có người đã vượt qua được tử thần. Có người tin đó là phép mầu, nhiều người lại cho rằng họ không chỉ nhờ may mắn mà còn có cả ý chí phải sống kiên cường cùng kinh nghiệm đi biển cha ông truyền nối.

Đó là những câu chuyện trở về từ cõi chết bão biển.

====================================================================

Ý kiến bạn đọc

* Tôi là một cán bộ quản lý trong ngành giáo dục mầm non. Tôi làm việc ở một trường mầm non của TP.HCM. Đọc loạt bài của Tuổi Trẻ về nghề bảo mẫu, tôi thấy có rất nhiều cảm xúc, vui buồn đều có. Phải nói rằng phóng viên đã viết được khá tốt những cảnh khổ của trẻ em và cả của các cô bảo mẫu. Tất nhiên chưa phải là thật sự đầy đủ, thật sự chính xác nhưng cũng khá rõ ràng về việc trẻ em trong các cơ sở tư thục nghèo thật là thiệt thòi. Giáo viên bảo mẫu làm việc ở đó cũng thật vất vả quá. Giá như nhà nước quan tâm hơn.

Tôi biết có nhiều trường mầm non đạt chuẩn quốc gia có thể gọi là 5 sao về tất cả mọi phương diện, nhiều phụ huynh đi đưa đón con bằng xe hơi và rất khá giả. Vậy mà họ chỉ phải đóng học phí một hai trăm ngàn đồng hàng tháng, còn lại là nhà nước bao cấp hết từ mặt bằng vài ngàn m2 tới các công trình trường lớp được xây dựng tới hàng chục tỉ đồng, tới đội ngũ giáo viên dạn dày kinh nghiệm và các cán bộ quản lý thực sự giỏi giang. Trong khi nếu muốn có chất lượng tương đương thì trường tư thục phải thu học phí cỡ từ 500USD trở lên, người nghèo làm sao mơ tới những trường thư thế? Vậy tại sao ta lại cứ mãi bao cấp cho người giàu?

Tôi hy vọng qua loạt bài này, lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM sẽ có những hướng dẫn cần thiết để giải quyết vấn đề. Đề nghị của cô Kim Thanh trong bài cuối của phóng sự này thật là một đề nghị xác đáng. Tôi và các đồng nghiệp của mình sẽ theo dõi tiếp việc này, mong Tuổi Trẻ tiếp tục phỏng vấn những người có thẩm quyền về việc này xem họ có ý kiến gì.

KIM THOA

* Tôi thật sự xúc động khi theo dõi loạt bài báo vừa qua. Tôi đã từng đứng lớp dạy trẻ từ 18 tháng đến 5 tuổi nên thấu hiểu nỗi cực nhọc mà nghề này mang lại. Chăm sóc dạy dỗ trẻ ở tuổi nào cũng cực khổ, mỗi lứa tuổi một trạng thái tâm lý khác nhau. Nếu không khó dạy học thì vất vả khi cho ăn.

Thật lòng mà nói, trong quá trình chăm sóc và dạy dỗ các cháu, có lần tôi đã để cho tiêu cực xảy ra, vì nhiều áp lực, vì mình không thể kiên nhẫn hơn được nữa. Sự việc vẫn làm cho tôi ân hận cho đến bây giờ. Xin chia sẻ với các bạn đồng nghiệp. Chúng tôi thật lòng không cần những khoản tiền mà hàng tháng phụ huynh "bồi dưỡng" (dù lắm lúc có số tiền ấy cũng đỡ chật vật cho gia đình của mình được vài ngày khi chưa đến kỳ lương) để rồi vịn vào cớ đó, khi mà con em có chuyện gì thì phụ huynh có thể đem ra mà chì chiết xúc phạm.

Có lần tôi còn nghe học sinh 5 tuổi của tôi kháo với nhau rằng "Ba tớ dặn nếu bị cô giáo đánh thì cứ về méc ba. Ba sẽ gọi công an bắt cô giáo bỏ tù luôn"! Đau lòng và kinh hãi quá phải không? Vậy tiêu cực đây đó là do đâu?

Qua đây cũng mong quý vị phụ huynh hãy thật sự cảm thông, cùng với cô giáo của con chung tay gánh vác để dạy dỗ con tốt hơn. Tuy đồng lương của giáo viên mầm non chúng tôi rất ít ỏi, nhưng vì lòng yêu nghề thương trẻ chúng tôi đã quyết tâm gắn bó với nghề cho đến khi nào không còn duyên với nghề nữa thì thôi.

Các bạn đồng nghiệp của tôi ơi! Hãy cố lên!

luukimthuy

BÍCH DẬU ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên