22/07/2009 08:50 GMT+7

Thủy tùng ngắc ngoải

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TT - Người ta đang lao vào cuộc tận diệt thủy tùng (hay còn gọi là cây thông nước) vì lời đồn nó chữa được ung thư! Giá thủy tùng đã vọt lên đến cả trăm triệu đồng/m3!Theo hạt trưởng Hạt kiểm lâm Krông Năng (Đắc Lắc) Nguyễn Văn Kiểm, từ lúc xuất hiện tin đồn cây chữa được ung thư, người dân nhiều nơi kéo nhau vào khu bảo tồn đào bới rễ cây về làm thuốc.

Thủy tùng từng có nhiều ở nước ta nhưng hiện chỉ còn sót lại ở Krông Năng và Ea H’Leo (Đắc Lắc), theo ông Kiểm.

12kOMgdx.jpgPhóng to
Một cây thủy tùng ở Buôn Hồ được giao cho gia đình ông Vĩnh Bảo Hùng quản lý - Ảnh: T.Tân

Chặt cả rễ, bới cả đầm...

Nguy cơ tuyệt chủng cao

Thủy tùng có tên trong sách đỏ VN và theo công bố của Quỹ sinh vật hoang dã thế giới (WWF), đây là một trong những loài bị săn lùng ráo riết nhất. Thủy tùng thuộc danh mục gỗ nhóm IA: nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường, có giá trị cao về kinh tế, số lượng quần thể còn rất ít trong tự nhiên và đang có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Thâm nhập khu bảo tồn thủy tùng ở xã Ea Ral (huyện Ea H’Leo), chúng tôi thấy nhiều đoạn lưới gai bảo vệ rừng bị lật ngược lên, một số chỗ lưới gai bị cắt đứt. Bên trong khu bảo tồn là khu đầm lầy sũng nước. Nhiều thân cây gỗ bị hạ để làm đường đi, các cây nhỏ cũng bị đạp xuống thành những đường mòn nhỏ. Dưới các gốc cây thủy tùng là vô số hang, hốc được đào bới: không chặt được cây, không đốn được cành thì người ta đang tâm đào bới để cắt lấy rễ!

Cũng có thể vì thế nên ở đây còn có nhiều cây thủy tùng đã chết, bật trơ cả gốc. Anh Thuận, một người dân bên cạnh khu bảo tồn, cho hay: “Mấy năm trước khi chưa bị cấm thì họ giết cây thủy tùng công khai. Gần đây lực lượng kiểm lâm cắm cả lực lượng tại chỗ nên họ thường đi vào ban đêm, băng qua rẫy cà phê để đưa gỗ ra ngoài”.

Tương tự, ở khu bảo tồn thông nước Trấp K’Sor (huyện Krông Năng), nhiều đoạn rào lưới bị người dân cắt rách hoặc lật ngược lên để chui vào bên trong. Cách đó không xa, một bãi sình lầy bị bới tung nham nhở với nhiều gốc cây thủy tùng đã bị lấy đi, bãi đất bị móc lên tạo những hố giữa sình lầy, nhiều gốc cây trơ lên giữa đám bùn. Một người dân gần đó cho biết nhiều người lấy lý do múc hồ nuôi cá, sau đó múc luôn cả các gốc cây thủy tùng để xẻ gỗ đem bán và tất nhiên những cái hố đó cũng bỏ không.

Gần đây nhất, ngày 31-5, kiểm lâm huyện Krông Năng đã thu giữ 39,5m3 gỗ thủy tùng tại Ea Hồ. Đây là số gỗ do một số đối tượng dùng máy múc, nói lý do múc ao nuôi cá nhưng thực chất là chiếm đoạt thủy tùng.

Muốn mua bao nhiêu cũng có

Trong khi cây thủy tùng đang chật vật để tồn tại thì bên ngoài thị trường loại gỗ này đang được bán với giá rất cao. Ngoài thông tin cho rằng gỗ thủy tùng chữa được bệnh thì việc gỗ thủy tùng nhẹ, có tác dụng phòng chống ruồi, muỗi, vân gỗ đẹp... nên rất có giá trị trong việc chế tác các tác phẩm mỹ nghệ như bình, tượng, làm tay vịn cầu thang... Khi công tác bảo tồn loài cây này siết chặt, giới buôn bán liền quay qua lùng sục trong nhà dân để kiếm gỗ.

Theo lời kể của Q. - một người buôn gỗ có tiếng tại huyện Krông Năng, mấy năm trước chỉ có dân chơi ở Sài Gòn mới biết tác dụng và giá trị thứ gỗ này. Khi các tay săn gỗ từ Sài Gòn lên tìm thì Q. đứng ra làm đầu mối. Q. vào từng nhà dân, ai có cột kèo, cầu thang, chuồng bò, chuồng gà... làm bằng gỗ thủy tùng to nhỏ lớn bé đều mua hết. Từ vài năm trở lại đây dân săn gỗ về nhiều, tiếng đồn về gỗ thủy tùng chống muỗi, chữa được bệnh làm tình hình nóng lên. Kiểm lâm và các lực lượng chức năng siết chặt, công việc của Q. khó làm ăn hơn. Q. cho biết thêm nói là khó nhưng thực tế muốn bao nhiêu gỗ thủy tùng cũng có. Q. cho biết vì kiểm lâm làm gắt quá nên một lượng lớn gỗ vẫn còn ém trong rừng chưa đưa ra được.

Lời nói của Q. không sai. Được một người dân nơi đây giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà bà Mức (nhà ở gần khu bảo tồn thông nước Trấp K’Sor), người được coi là “đại lý gỗ thủy tùng”. Khi nghe chúng tôi hỏi, chồng bà Mức gọi đứa cháu dẫn tôi đi qua kho phân bón, luồn qua hai lần cửa để ra sân sau xem gỗ. Ở đây còn đến 10 khúc gỗ cả thân, gốc dài chừng 1-1,5m để la liệt dưới sân. Bà Mức cho biết: “Cả vùng này chỉ mình chị có nhiều như vậy nhưng giá không mềm. Trong số này chỉ có một khúc chị đã bán 7 triệu đồng, sáu khúc còn lại xấu hơn chút chị lấy chú tròn 20 chai (triệu) không bớt”. Những khúc bà Mức giới thiệu dân chơi gỗ chỉ dùng để đục tượng vì thân tuy to nhưng không được đẹp lắm, gỗ sần sùi và bị hỏng thịt nhiều.

Chúng tôi chê gỗ không đẹp. Bà Mức lại dẫn ra sân sau, chui vào vườn cà phê. Ở đó có mấy khúc gỗ thân dài khoảng 1,2m, đường kính 40cm. “Mấy cặp này không lớn lắm, chị lấy 17 triệu đồng một cặp. Bây giờ gỗ này bao nhiêu tiêu thụ cũng hết” - bà ra giá.

Theo ông Nguyễn Văn Kiểm, để tăng cường bảo vệ rừng thủy tùng, mỗi chiến sĩ kiểm lâm được giao bảo vệ một số cây, mất cây nào trách nhiệm sẽ thuộc về người đó. Ngoài ra, kiểm lâm Krông Năng còn thực hiện kết nghĩa với nhân dân địa phương, cây nào nằm trên phần đất nông nghiệp của người dân thì kiểm lâm huyện sẽ hỗ trợ tiền phối hợp bảo vệ kiểm tra, rà soát và ký cam kết với những xưởng mộc tuyệt đối không sử dụng gỗ thông nước để làm sản phẩm...

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên