19/07/2009 04:27 GMT+7

Trong thế giới không lời - Kỳ 4: Sau nỗi tuyệt vọng

ĐÌNH DÂN
ĐÌNH DÂN

TT - Đang nghe nói bình thường, đột ngột đôi tai của họ không còn nghe thấy âm thanh gì, giọng nói cũng lịm dần với khả năng nghe. Cả thế giới như đổ sập trước mặt họ. Nhưng họ đã vượt qua nỗi tuyệt vọng để bước đi khẳng khái giữa đời.

zbBwHZxX.jpgPhóng to
Chị Dương Phương Hạnh chia sẻ: “Niềm vui hiện tại của tôi là được sống trong thế giới những người khiếm thính để thấu hiểu tâm tư và giúp họ phần nào hòa nhập cộng đồng” - Ảnh: Đình Dân
TT - Đang nghe nói bình thường, đột ngột đôi tai của họ không còn nghe thấy âm thanh gì, giọng nói cũng lịm dần với khả năng nghe. Cả thế giới như đổ sập trước mặt họ. Nhưng họ đã vượt qua nỗi tuyệt vọng để bước đi khẳng khái giữa đời.

Kỳ 1: Gia đình bà Bướm Kỳ 2: Chuyện tình ra dấu Kỳ 3: 100 điều may mắn

Chiếc lá phải xanh

Năm 6 tuổi, đang hăm hở chuẩn bị cắp sách tới trường sau kỳ nghỉ hè, cô học trò nhỏ Dương Phương Hạnh bị sốt cao. Sau cơn sốt, do chích thuốc kháng sinh quá liều nên Hạnh không còn nghe thấy gì nữa. “Lúc đó tôi không nghe thấy gì, không có thăng bằng nên đi lại rất khó khăn, loạng choạng và nhiều khi bị té. Đến nỗi mẹ phải làm thêm cho hai chiếc nạng gỗ để chống tới lớp học. Ngồi học ở lớp, tôi nghe thầy giảng bài bằng cách nhìn vào miệng thầy, khi thầy vừa quay lên bảng viết vừa giảng thì không nghe gì hết, cuối buổi lại phải đi hỏi bạn. Bạn bè cũng ít đi, chỉ duy nhất một người bạn thân chơi cùng” - chị Dương Phương Hạnh kể qua những dòng ghi trên giấy.

Thế nhưng những năm học phổ thông, cô học trò khiếm thính này luôn là người dẫn đầu trong lớp, trong trường về thành tích học tập. Tốt nghiệp phổ thông, Hạnh thi đậu vào khoa hóa Trường đại học Bách khoa TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp đại học khóa 1988-1993, chị phải khăn gói trở về quê nhà ở Sa Đéc (Đồng Tháp) vì không kiếm được việc làm. Suốt sáu năm trời ở quê ba mẹ chị đưa chị đi chữa khắp nơi, nhưng đến đâu người ta cũng lắc đầu. “Lúc đó tôi thật sự bị khủng hoảng. Tôi cũng cố gắng học thêm ngoại ngữ vì nghĩ kỹ sư hóa nếu có thêm ngoại ngữ sẽ rất tốt cho công việc, nhưng tôi cũng không biết mình học rồi để làm cái gì nữa” - chị Hạnh nhớ lại.

Thế rồi tình cờ một người bạn của ba chị Hạnh cần tìm gấp một kỹ sư hóa cho công ty thức ăn chăn nuôi ở Vĩnh Long. Và chị Hạnh được vào làm nhưng hai tháng thì phải nghỉ việc vì công ty phá sản. Lại thất nghiệp. Lần này chị tự làm đơn đi xin việc ở những nơi khác. Đầu tiên chị làm ở phòng hóa nghiệm một công ty cấp thoát nước ở Nhà Bè, TP.HCM, sau đó chuyển sang làm ở công ty hóa dầu, rồi bộ phận dịch thuật ở Công ty tư vấn du học Á-Âu... Công việc rất tốt nhưng chị vẫn nuôi một mơ ước lớn sau nhiều năm bôn ba: “Được làm việc, hòa mình trong cộng đồng của người khiếm thính”.

Thế rồi ước mơ đó được chắp cánh. Trong một lần lang thang trên mạng, chị gặp ông Johan Hammastrom, một phi công khiếm thính người Thụy Điển, và biết về dự án “Chuyến bay vòng quanh thế giới vì người khiếm thính” của ông. “Đọc xong dự án của ông Johan tôi vui lắm, lập tức liên lạc với ông. Nhiều buổi trò chuyện trên mạng, tôi và ông Johan trao đổi về Việt Nam, đặc biệt là về những người câm điếc ở nước ta”.

Năm 2006, ông Johan Hammastrom qua Việt Nam, chị Hạnh là người dẫn ông đi tìm hiểu về những người khiếm thính và cuộc sống của họ. Sau chuyến đi, về nước ông Johan quyết định chọn chị Hạnh là người cùng báo cáo về dự án với ông tại Vancouver vào tháng 7-2008. Cũng từ đây, chị được về làm việc tại Tổ chức Chương trình khuyết tật và phát triển. Với chức vụ điều phối viên về lĩnh vực khiếm thính kiêm chủ tịch Câu lạc bộ khiếm thính TP.HCM, công việc hiện tại của chị Hạnh là tham vấn đồng cảnh, tham vấn cho phụ huynh của trẻ khiếm thính, tổ chức những lớp dạy văn hóa, ngoại ngữ, tin học cho trẻ khiếm thính, dạy ngôn ngữ ký hiệu...

Nhờ giỏi tiếng Anh nên chị còn là cộng tác viên viết bài thường xuyên của các tổ chức Liên đoàn Khiếm thính quốc tế, Liên đoàn Khiếm thính châu Âu, Liên đoàn Khiếm thính trẻ quốc tế... Từ những bài viết của chị, rất nhiều số phận của những người khiếm thính VN đã được bạn bè quốc tế biết đến và hỗ trợ. Giờ đây, sau bao gian khó, chị Hạnh rút ra trải nghiệm: “Mình không phải buồn phiền gì cả. Tai không thính thì mắt tinh, miệng không nói được thì tay viết nhanh. Con người cũng như chiếc lá vậy, đã mọc trên cành thì phải xanh tươi”.

Có âm thanh khác trong thế giới không lời

VG2IZ5vT.jpgPhóng to
Vợ chồng ông Thành bàn về chuyện thi đại học của con trai út. Suốt bảy năm qua, vợ chồng ông đều nói chuyện với nhau qua những mảnh giấy - Ảnh: Đình Dân
Người đàn ông khiếm thính Trần Văn Thành sinh sống dưới mái nhà bình dị trong con hẻm sâu của phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM. Kể chuyện trên trang giấy, ông nhớ lại một ngày u ám năm 2002, ông - thạc sĩ cầu đường Trần Văn Thành - đang hăng say với công việc trưởng phòng đường ôtô - sân bay thuộc Phân viện Khoa học và công nghệ giao thông vận tải phía Nam thì đột nhiên đôi tai của ông bị ù. Và rồi những âm thanh xung quanh nhỏ dần, nhỏ dần rồi im bặt, cho dù vợ và hai người con của ông đã đưa ông đi chữa trị nhiều nơi.

Không còn nghe thấy gì, cuộc sống như đổ sập trong ông: “Tôi buồn và tuyệt vọng vô cùng. Lúc này tôi đang ở độ tuổi sung sức trong công việc, gia đình đang hạnh phúc. Làm sao để chấp nhận được đây khi đột ngột không còn nghe được cái gì. Tôi cứ tự hỏi mình còn sống để làm gì nữa”. Những lần đi xe ngoài đường ông đã nhiều lần suýt bị xe tải tông chết vì không nghe thấy còi, cũng không ít lần bị lái xe taxi đánh vào người vì không thể nghe được tiếng còi xe. Nhiều đêm sau đó, ông thức trắng quờ quạo trong bóng tối, tìm cho mình một thứ âm thanh, nhưng bốn bề đều im bặt như bóng đêm dày đặc trước mắt. Bà Hoa Anh Đào, vợ của ông, nhớ lại: “Lúc đó ông hốt hoảng đến phát sợ. Ông trở nên lặng lẽ và cáu bẳn bất thường”.

Trong cơn tuyệt vọng đó, nhiều lần ông Thành đã nghĩ đến cái chết, “nhưng cứ nhìn vào hai đứa con và người vợ tôi lại không đành lòng”. Ông Thành tìm đến cửa Phật để nương náu. Tại đây, ông đã tìm ra một thứ âm thanh kỳ diệu giúp ông bước tiếp trong thế giới tưởng như vĩnh viễn không còn âm thanh nữa. “Chùa Pháp Bảo ở quận Gò Vấp và chùa Pháp Hoa ở quận Phú Nhuận là nơi tôi đã tìm đến trong cơn tuyệt vọng. Ở đó tôi nghiên cứu về dịch học và tìm được một thứ âm thanh khác cho riêng mình. Đó là âm thanh nơi cõi lòng, âm thanh của niềm vui sướng khi mình làm việc thiện xuất phát từ tình thương yêu con người. Và thứ âm thanh đó đã giúp tôi vững bước trong ngày hôm nay”, ông Thành chia sẻ.

Sau nỗi tuyệt vọng, ông Thành trở lại với công việc, làm công tác thí nghiệm. Giờ đây, sau gần chục năm trời sống trong thế giới không lời, ông Thành vẫn giấu dưới đôi mắt sâu thẳm một khát khao: “Tôi khát khao được nghe dù một câu cũng được trong bài hát Nước mắt mùa thu của nhạc sĩ Phạm Duy do ca sĩ Lệ Thu hát. Đó là bài hát tôi yêu thích nhất, tôi nghe lần đầu tiên vào năm 1974. Khát khao được nghe tiếng gọi ba của những đứa con, tiếng nói của vợ. Và cả tiếng của loài chim chớp mồng mà tôi vẫn thường nghe khi còn nghe được”.

______________

Đêm đêm, họ tụ tập nhau ở góc hè đường Tôn Đức Thắng - Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), nơi có những quán trà mà chủ quán đều là những người đồng cảnh ngộ. Không có tiếng nói, chỉ có tấm lòng ở điểm hẹn này.

Kỳ tới: Trà quán không lời

ĐÌNH DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên