Những câu chuyện thật cảm động về cuộc sống của những người câm điếc. Cảnh nghèo đã khó, khiếm khuyết cơ thể lại càng khó hơn nhưng họ vẫn nỗ lực vươn lên.
Họ sống với nhau bằng nghĩa tình và cả những chuyện tình hạnh phúc. Một thế giới không lời nhưng đầy đủ ý nghĩa, dù chỉ thể hiện bằng ngôn ngữ đôi tay.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Bướm và sáu người con ruột, dâu, rể khiếm thính bẩm sinh (một người con đi vắng) - Ảnh: Hoàng Lộc |
Người mẹ và bảy người con câm điếc
Trong cơn mưa chiều rả rích, khi thấy bà Bướm ra dấu “có khách tới”, bảy người con câm điếc không cần chỉ bảo gì thêm liền tất tả người bơm nước, người vo gạo, cắm bếp cơm, làm đồ ăn... đãi khách. Ngồi ở góc nhà quan sát các con, bà Bướm nói như phân bua: “Giống như quy luật bù trừ vậy, tụi nó câm điếc nhưng ông trời lại thương bù cho sức khỏe, sự tỉnh táo để chăm chỉ làm ăn. Lòng tôi dù từng đau đớn và tuyệt vọng đến cùng cực nhưng bây giờ được nhìn chúng như vầy là cảm thấy vui, hạnh phúc lắm rồi”.
Bà Bướm sinh được tám người con thì có bốn người bị khiếm thính bẩm sinh. Người con gái đầu là Trần Thị Bé Hai (42 tuổi) đã có chồng. Hai người con trai là Trần Văn Tào (37 tuổi), Trần Văn Tháo (29 tuổi) đã lấy vợ, chỉ riêng người con gái thứ hai là Trần Thị Bé Ba (40 tuổi) vẫn không chịu lấy chồng. Tổng cộng cả con ruột, con dâu và con rể, gia đình bà có tới bảy người con bị câm điếc bẩm sinh.
Bà nhớ lại khi sinh con đầu lòng là Bé Hai, thấy con khỏe mạnh, lành lặn, vợ chồng bà vui lắm. Gần một năm sau đứa bé vẫn không nói và không nghe được. Hai vợ chồng an ủi nhau: “Nó sinh ra nên vóc nên hình là đã mừng rồi. Còn chuyện dị tật thì cũng là định mệnh. Ráng nuôi con khôn lớn”. Tưởng chừng nỗi đau về dị tật của con cái đã buông tha gia đình bà, nhưng nỗi đau đó lại tiếp tục ập đến với người con thứ hai, rồi thứ năm, thứ bảy. Ba người con này cũng như người chị: không nghe và không nói được.
Khi con út là Trần Văn Trống vừa đầy tháng thì chồng bà, ông Trần Văn Tư, bị bệnh và mất ngay sau ca mổ sinh tử. Vừa khóc thương chồng, bà lại nén chặt nỗi đau một mình gánh vác trọng trách nặng nề nuôi tám đứa con thơ dại. Bà nói những ngày đó nhà chỉ có 8 công ruộng để gieo lúa. Mùa màng lại thường xuyên thất bát nên bà đi gặt lúa, cấy lúa thuê cho người ta kiếm thêm tiền nuôi con. Những lúc thiếu thức ăn bà ra sông bắt cá cải thiện bữa ăn cho con. Thấy mẹ vất vả nên mấy người con cũng lao vào đỡ đần mẹ. Ngày thường mấy anh chị em rủ nhau làm nấm rơm để bán, đào đất thuê. Đến mùa gặt lại đi gặt lúa, bốc vác và giậm lúa thuê. Được bao nhiêu tiền đều mang về cho mẹ trang trải cuộc sống.
“Chúng câm điếc như vậy đi làm có bị người ta khinh thường, ăn hiếp không? Những đứa trẻ trong xóm tinh nghịch trêu chọc có làm chúng buồn?”, nhiều khi con ra đường bà Bướm không khỏi bồn chồn, lo lắng. Nhưng bà chỉ biết khuyên các con hãy sống thật tử tế và đàng hoàng. Cứ như vậy, mấy chục năm qua bà đã nuôi đàn con khôn lớn và dựng vợ gả chồng cho những đứa con khiếm khuyết của mình.
Ngôn ngữ của đôi tay
![]() |
Con rể của bà Bướm ra dấu miêu tả công việc của mình là gặt lúa, bốc vác và giậm lúa thuê, rảnh thì làm nấm rơm bán kiếm tiền nuôi vợ con - Ảnh: Hoàng Lộc |
Bà Bướm kể: “Lúc nhỏ đứa nào cũng thích được đi học. Ngày nào bọn trẻ cũng kéo nhau ra lớp học trong xóm ngó nghiêng nhìn cô giáo giảng bài một cách say mê. Thích học quá, về nhà bọn chúng xin mẹ được đi học, nhưng chỉ vì câm điếc nên không nơi nào chịu nhận. Biết vậy nên những lúc rảnh rỗi mấy đứa lại tập ra dấu bằng tay để chỉ bảo nhau học tập, rồi lấy đá màu vẽ nguệch ngoạc tên mình trên nền nhà, cánh cửa... Bây giờ, bảy đứa con câm điếc đều tự tay viết được họ tên của mình và đếm được số thứ tự bằng cách giơ các ngón tay từ 1-100 một cách thành thạo”.
Lớn lên một chút, việc dựng vợ gả chồng cũng khá khó khăn. Nhờ người quen mai mối mấy lượt, mấy người con bị dị tật của bà Bướm cũng lần lượt có vợ có chồng. Người chị cả Bé Hai lấy chồng là một thanh niên địa phương cũng bị khiếm thính. Rồi đến lượt anh con trai Trần Văn Tháo cũng lấy được một người vợ nết na, thùy mị ở xóm bên và cũng khiếm khuyết giống chồng.
Bà Bướm kể dù thường xuyên nói bằng đôi tay nhưng lắm lúc mẹ con bà cũng không thể nào hiểu được nhau. Đó là lúc người con thứ năm của bà, anh Trần Văn Tào, muốn cưới vợ. Sau nhiều lần ra dấu nhưng mẹ vẫn không hiểu nên cuối cùng anh đành cầm tay mẹ chỉ vào tấm hình cưới của người chị gái. Khi đó, bà Bướm mới hiểu và cậy nhờ nhiều người quen cố kiếm vợ cho con. Cuối cùng, một cô gái rất xinh, đảm đang, cũng bị khiếm thính đồng ý nhận lời làm vợ anh Tào.
Bây giờ vợ chồng anh Tào đã có hai con, đứa đầu là Thúy Quyên học lớp 7, đứa kế là Thảo Quyên học lớp 5. Cả hai đều bình thường chứ không khiếm khuyết như ba mẹ. Đặc biệt là Thúy Quyên bảy năm liền đều được giấy khen của trường. Nhìn trên trang giấy viết chữ của con, anh Tào tâm sự: “Vợ chồng tui vui và hạnh phúc lắm. Có hai đứa con rồi, những gì mình không nói được lâu nay giờ các con nói giùm. Dù khổ cực đến mấy vợ chồng tui cũng sẽ cho hai đứa học hành nên người”. Không nói thành lời nhưng nhìn trong ánh mắt anh Tào vẫn ánh lên niềm hạnh phúc hiếm hoi.
Trời chạng vạng tối, dưới ánh đèn điện mờ mờ, mấy người con câm điếc của bà Bướm ngồi chụm đầu vào nhau lần giở cuốn album có hình người em út là anh Trần Văn Trống ra ngắm nghía. Không như các anh chị, Trống là người bình thường, hiện đang học năm 3 khoa sư phạm văn ĐH Cửu Long và là niềm tự hào của cả gia đình. Những người con khiếm thính của bà Bướm cứ lần lượt lật tấm hình này qua tấm hình khác. Cứ mỗi tấm hình, mấy anh chị em lại giành nhau ra dấu giải thích. Chỉ trỏ vào tấm hình, chị Trần Thị Bé Ba nở nụ cười rồi ra dấu bằng cách lần lượt giơ ngón út và ngón cái lên ngang mặt. Ý chị muốn nói: “Đó là thằng út, đẹp trai, học giỏi lại thương mẹ và các anh chị nữa”. Chị giơ hai bàn tay ra dấu ý muốn giới thiệu về mình: năm nay chị 40 tuổi, không lấy chồng mà ở vậy nuôi mẹ. Chị nói chị thương mẹ nhiều lắm.
Chia tay “gia đình câm điếc”, chúng tôi không sao quên được từng gương mặt trong gia đình đó. Những gương mặt sáng sủa và ánh mắt tràn đầy ước mơ nhưng chỉ khác là những ước mơ của họ không thể nói nên lời.
______________
Kỳ tới sẽ là một câu chuyện tình đầy cảm động giữa một chàng trai bình thường và một cô gái khiếm thính, nói khó khăn. Khởi đầu từ lời tỏ tình lặng lẽ, họ viết tình yêu bằng cả trái tim.
Kỳ tới: Chuyện tình ra dấu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận