28/06/2009 05:04 GMT+7

Làng đẻ nhiều!

QUANG TÁM
QUANG TÁM

TT - Kỷ lục về “sự đẻ” ở làng là ông Nguyễn Độ với… 12 người con: người con lớn nhất đã hơn 40 tuổi nhưng đứa út giờ đang… học lớp 5! Ông hồn nhiên: “Tui có tám đứa con trai, thêm ba đứa con rể nữa. Nhiêu đó là đủ đội tàu đi biển, khỏi thuê người ngoài”.

bRrIqa87.jpgPhóng to

Chị Phạm Thị Nhi và tám đứa con của mình. Hai người con khác vắng nhà - Ảnh: Q.T.

Ở làng này nhìn đâu cũng thấy trẻ con. Cỡ 12 người con như vợ chồng ông Độ là hiếm nhưng sinh tới con số 10 kể ra cũng nhiều. Đó là làng Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Làng như một ốc đảo nằm giữa dòng sông Gianh, cách trung tâm huyện khoảng 7km.

Đẻ cho đủ quân đi tàu!

Ông Nguyễn Thành Tâm (55 tuổi), công an thôn, nói phổ biến gia đình ở đây sinh 6-7 người con, nhưng cũng có nhiều gia đình sinh tới 10 đứa. Theo ông, căn nguyên của chuyện sinh nhiều là do người làng này làm nghề đi biển, họ muốn sinh cho đủ “quân” đi tàu. Bản thân ông cũng có tới… 10 người con!

Nhà ông Tâm ở mặt tiền của con đường duy nhất vào Cồn Sẻ, khá khang trang, rộng rãi. Bà Mai Thị Định, vợ ông, thở ra: “Nếu con cái ít đi chắc tui sướng hơn nhiều…”. Bà bắt đầu sinh con từ năm 20 tuổi, đến năm 41 tuổi mới thôi. Người con đầu nay 33 tuổi, đứa nhỏ nhất hết hè này vào lớp 7.

Cái hơn của ông bà Tâm - Định ở làng này là tuy sinh nhiều nhưng có sức đầu tư cho con cái học hành. Ngoài người con đầu, chín người còn lại đã có một tốt nghiệp ĐH, một CĐ và một trung cấp, người thứ năm đang ôn thi ĐH. Bản thân ông Tâm cũng là con trong một gia đình có sáu anh em. Những anh em của ông sống quây quần trong làng Cồn Sẻ và người nào cũng có 9-10 người con. Người em kế của ông là Nguyễn Tính (49 tuổi) có chín người con. Cô con gái đầu của ông Tính sinh năm 1980 và giờ cũng đã có năm đứa con, đứa lớn nhất học lớp 6, trong khi đó con trai út của ông Tính chỉ mới 5 tuổi. Người em khác là Nguyễn Toán cũng có tới 10 con.

Hỏi ông Nguyễn Độ - người có 12 con, đông nhất làng - chuyện nuôi con nhiều có vất vả không, ông cười: “Có chi mà vất vả, trời sinh voi thì trời sinh cỏ thôi! Vợ chồng tui đi đánh cá, có tôm ăn tôm, có cá ăn cá, đứa đầu lớn lên đi làm nuôi đứa nhỏ. Cứ rứa là chúng tự lớn lên hết”.

Đẻ nhiều, con nghỉ học sớm

“Nhưng đó là thế hệ trước không nói mần chi, bữa ni mấy o trong làng mới hơn 30 tuổi cũng 4-5 đứa con. Như o Nhi ở đội 1 mới 37 tuổi đã 10 đứa rồi, mà đẻ từng mô o nớ trẻ ra từng đó!” - bà Định… khen.

Nhà của vợ chồng chị Phạm Thị Nhi nằm ở đầu làng. Căn nhà sàn cũ kỹ làm bằng gỗ rộng chừng vài chục mét vuông. Ở tầng dưới bày bán vài ba thứ lặt vặt, còn tầng trên được ngăn thành ba để cả nhà sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ. Đang bữa ăn trưa nhưng nhìn quanh chỉ có hai vợ chồng và ba đứa con. Anh Nguyễn Trà - chồng chị - cười: “Mỗi đứa một tô rồi bưng chạy, ít khi cả nhà cùng ngồi ăn. Đông như ri có chỗ mô ngồi đủ”. Cưới nhau từ năm 1980, sau đó một năm thì sinh con đầu. Đến giờ họ đã có 10 đứa con, đứa lớn 19 tuổi sắp lấy chồng, đứa thứ 10 mới 5 tháng tuổi.

Làng Cồn Sẻ có 546 hộ, 3.022 nhân khẩu. Bình quân mỗi hộ có gần sáu khẩu. Trong năm 2008 có 52 trường hợp sinh thì trên một nửa sinh con thứ ba trở lên. Chị Mai Thị An, cán bộ phụ nữ, cho biết: “Việc tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình ở đây rất khó khăn vì họ quan niệm sinh nhiều con sẽ có người đi biển, sau này sẽ sướng. Thậm chí có người nửa đùa nửa thật: đẻ chừng nào hết trứng thì thôi!”.

Chị An trầm ngâm: “Hầu hết trẻ trong làng học xong lớp 6 là nghỉ, đủ tuổi là lấy vợ lấy chồng. Đám con trai 14, 15 tuổi đã đi biển”. Trong 10 đứa con của chị Phạm Thị Nhi thì cô con gái đầu nghỉ học từ lớp 4, cậu con trai 15 tuổi nhưng đã nghỉ học từ lớp 5 và đi biển lúc 12 tuổi. “Mỗi năm nó đi biển được trả công hơn 15 triệu đồng. Người ta khỏe mạnh thì làm việc nặng, nó còn nhỏ nên chỉ làm việc nhẹ như gỡ cá, vá lưới, nấu ăn. Rứa có hơn đi học không” - chị Nhi so sánh.

Ông Nguyễn Anh Thêm, chủ tịch UBND xã Quảng Lộc, cho biết trình độ dân trí của làng rất thấp, “nhiều người mù chữ, khi lên ủy ban xã làm giấy tờ phải điểm chỉ chứ không biết ký tên”. Có lẽ một phần vì sinh nhiều mà cuộc sống người dân ở đây còn chìm trong mịt mùng…

Mịt mù...

wGxF3IQ0.jpgPhóng to

Nguyễn Văn Hậu, đứa con thứ bảy của ông Nguyễn Tính, vừa học hết lớp 6, là người có “trình độ” nhất trong gia đình có chín chị em - Ảnh: Q.T.

Hỏi chị Cao Thị Hảo (ở đội 2), một bà mẹ có tám người con, rằng chị sinh năm nào, chị nói chỉ nhớ “sinh vào cái năm cuối cùng mà cả làng Cồn Sẻ chạy tản cư vào hang tránh bom đạn Mỹ chứ không nhớ là năm nào”.

Tám người con của chị, bốn người đầu chưa ai học hết lớp 5. Bốn con còn lại, đứa thứ năm đang học lớp 6, đứa thứ sáu học lớp 2, đứa thứ bảy và thứ tám chưa đi học. “Chắc cũng học xong cấp II là nghỉ, con cái đông nên không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, với lại có đứa mô học hành chăm chỉ đâu mà học” - chị Hảo nói. Cũng may là trong số con của chị có một người được đi xuất khẩu lao động, đỡ đần kha khá cho mấy đứa em.

QUANG TÁM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên