Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Thay vì đào mỏ hoặc khoan giếng sâu hơn vào trong lòng đất, bạn phải khai thác sâu hơn chính bản thân, công ty hoặc cộng đồng của bạn. Thay vì khai thác mỏ của môi trường tự nhiên, bạn phải tạo ra một môi trường kiểu khác, đó là môi trường hợp tác trong đó bạn, công ty và cộng đồng của bạn thường xuyên phải suy nghĩ làm thế nào để tăng trưởng nhanh hơn, có nhiều phương tiện đi lại hơn, nhiều nhà ở hơn, được tiện nghi hơn, an toàn hơn, vui vẻ hơn, có nhiều dịch vụ hơn thông qua việc sử dụng nguồn điện sạch nhất, với ít tài nguyên nhất, theo cách thông minh nhất.
Phóng to |
Quả táo lớn thành quả táo xanh
Xanh hóa chính là cách thu hút và giữ được những tài năng trẻ. Những luật sư hay nhân viên ngân hàng trẻ tuổi và tài năng muốn đi lại trong thành phố bằng loại xe hybrid hơn là xe Town Car! |
Vào năm 2005, David Yassky, thành viên Hội đồng thành phố New York và Jack Hidary, một chủ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ, đã ngồi lại với nhau và nghĩ cách làm thế nào để New York trở nên dễ sống hơn và chiến thắng xanh được các thành phố khác đang cạnh tranh với New York, bằng cách làm cho taxi ở New York phát thải ít hơn.
Yassky và Hidary bắt đầu bằng việc hợp tác với ban quản lý taxi và Limousine để xem phải làm gì để thay thế loại taxi Ford Crown Victoria màu vàng rất tốn xăng hiện đang lưu hành - vốn chỉ chạy được 4,25km với mỗi lít xăng - bằng loại xe hybrid có hiệu suất sử dụng nhiên liệu cao hơn, đồng thời phát thải ít hơn.
Ban đầu người đứng đầu hiệp hội taxi là Matt Daus còn hoài nghi. Nhưng một khi thuyết phục được ông về tác dụng lên sức khỏe và những lợi ích khác mà xe hybrid mang lại thì ông tham gia ngay cùng với Yassky và Hidary. Và biện pháp thay thế taxi nói trên được hội đồng thành phố thông qua với tỉ lệ 50-0 vào ngày 30-6-2005. Hiện nay, hơn 1.000 xe trong số 13.000 taxi ở thành phố New York là loại xe hybrid, chủ yếu là Ford Escape, ngoài ra còn có xe Toyota Highlanders và Prius và các nhãn hiệu khác.
Sau khi bắt đầu xanh hóa đội xe taxi, Hidary, thị trưởng Bloomberg và Rohit Aggarwala - cố vấn cao cấp về phát triển bền vững của ông thị trưởng - lại hướng sự chú ý tới một vấn đề còn nghiêm trọng hơn: đó là khoảng 12.000 chiếc xe cao cấp Lincoln Town Car và các loại xe Limousine màu đen khác cũng gây ô nhiễm rất nhiều.
Hidary kể rằng ông rất ngạc nhiên khi nhanh chóng nhận được phản hồi của giám đốc các công ty. “Không những họ bày tỏ thái độ tích cực muốn được làm điều gì đó mà còn cho thấy điều quan trọng nhất chính là việc phải giữ được người. Họ nhận thấy rằng xanh hóa chính là cách thu hút và giữ được những tài năng trẻ. Những luật sư hay nhân viên ngân hàng trẻ tuổi và tài năng muốn đi lại trong thành phố bằng loại xe hybrid hơn là bằng xe Town Car!”.
Vào ngày 28-2-2008, Bloomberg tuyên bố bắt đầu từ năm 2009, tất cả những chiếc xe màu đen đều sẽ phải trở nên “xanh”. Chúng phải chạy được ít nhất 10,6km với một lít nhiên liệu, và đến năm 2010 thì phải đạt được 12,75km/lít.
Loại xe có kích cỡ tương đương xe Town Car chỉ có thể đáp ứng những quy định về phát thải và tiêu chuẩn sử dụng nhiên liệu này nếu chúng là xe hybrid. Sáng hôm sau ngày có tuyên bố đó, tờ Christian Science Monitor đã viết: “Tạm biệt xe Town Car (đi được 6,4km/lít xăng), và xin chào xe Toyota Camry hybrid (14,45km/lít xăng)”.
Mặc dù xe hybrid đắt hơn xe Town Car 7.000-10.000 USD/chiếc, nhưng Hidary nói rằng chủ xe hi vọng tiết kiệm được 5.000 USD tiền nhiên liệu mỗi năm, tương đương một nửa tổng chi phí nhiên liệu hằng năm hiện tại.
Khi Quả táo lớn (biệt danh của thành phố New York) trở thành Quả táo xanh, khi New York muốn chiến thắng xanh Chicago, Bắc Kinh hay Detroit thông qua việc xanh hóa toàn bộ taxi trong thành phố thì kết quả mang lại chỉ là những điều tốt đẹp. Mỗi năm có hơn 45 triệu lượt người đến thăm New York, họ đi ít nhất một chuyến taxi bằng xe hybrid và khi trở về nhà họ sẽ đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta không sử dụng taxi hybrid?”.
Khi mua một - mua không khí sạch nhờ taxi và Limousine sạch - bạn được tặng bốn: người lái xe vui vẻ hơn, hình ảnh thành phố đẹp hơn, phương tiện giao thông nhỏ hơn và có nhiều cải tiến liên quan đến xe hybrid hơn. Đó chính là lợi ích của chiến lược này.
Con cháu sẽ thấy chúng ta thật sự là ai
Vào tháng 7-2007, tôi tham gia một hội thảo về công nghệ xanh ở bang Colorado (Mỹ). Khi hội thảo kết thúc, nhà tổ chức nói họ muốn cho mọi người xem một đoạn băng tin tức cũ. Trên màn hình hiện ra hình ảnh hơi nhiễu của đoạn băng video quay từ Hội nghị thượng đỉnh Trái đất Rio de Janeiro năm 1992. Một cô bé 12 tuổi người Canada tên Severn Suzuki đang đọc diễn văn trong phiên họp toàn thể của hội nghị.
Bài phát biểu của Suzuki là một trong những diễn văn hùng hồn nhất của mọi tác giả ở mọi lứa tuổi mà tôi từng nghe, về mục tiêu chiến lược và đạo đức của một cuộc cách mạng xanh thật sự vào buổi bình minh của kỷ nguyên năng lượng - khí hậu. Sau đây là một trích đoạn:
Hôm nay cháu đến đây và không giấu giếm chương trình hành động của mình. Cháu đang đấu tranh cho tương lai của bản thân. Mất đi tương lai sẽ không giống như thất bại trong cuộc bầu cử hay thị trường chứng khoán mất vài điểm. Cháu đến đây để cất tiếng nói đại diện cho tất cả các thế hệ mai sau. Cháu đến đây để cất tiếng nói đại diện cho những trẻ em đang đói kém trên khắp thế giới nhưng không ai nghe thấy các em đang kêu khóc. Cháu đến đây để cất tiếng nói đại diện cho vô số loài động vật đang chết dần trên khắp hành tinh vì không còn nơi sinh sống.
Cháu sợ ra ngoài ánh nắng mặt trời vì những lỗ thủng trên tầng ozone. Cháu sợ hít thở không khí vì cháu không biết có những hóa chất gì trong đó. Mới chỉ vài năm trước cháu vẫn đi câu cá với bố ở quê là Vancouver, còn giờ đây cháu thấy lũ cá đều bị bệnh... Cháu chỉ là một đứa trẻ và cháu không biết hết mọi giải pháp, nhưng cháu muốn các cô chú hiểu rằng các cô chú cũng thế... Các cô chú không hề biết làm sao để các dòng sông chết có cá hồi trở lại. Và các cô chú không thể trả lại những cánh rừng ở nơi giờ là sa mạc. Nếu các cô chú không biết cách khắc phục hậu quả thì xin đừng phá hoại thêm nữa!...
Ở trường học, thậm chí ở cả trường mẫu giáo, các cô chú luôn dạy chúng cháu cách cư xử trong thế giới này. Các cô chú dạy chúng cháu không được đánh nhau, phải tìm cách giải quyết mọi vấn đề, phải tôn trọng lẫn nhau, phải dọn dẹp sạch sẽ, không làm tổn thương các sinh vật khác, phải biết chia sẻ chứ không nên tham lam. Vậy thì tại sao các cô chú lại làm ngược lại?
Bố cháu thường bảo: “Những việc con làm mới quan trọng chứ không phải lời con nói”. Vâng, những gì các cô chú đang làm khiến cháu phải bật khóc mỗi đêm. Người lớn nói rằng họ yêu trẻ em, nhưng cháu nghi ngờ điều đó. Xin hãy làm như lời các cô chú vẫn nói.
Mỗi khi nghe lại bài phát biểu tôi đều hơi ớn lạnh, nhất là câu nói: những việc bạn làm mới quan trọng chứ không phải lời bạn nói. Những gì chúng ta làm để đối mặt với thách thức năng lượng và khí hậu, bảo vệ môi trường và bảo tồn tự nhiên sẽ cho con cháu thấy chúng ta thật sự là ai. May mắn là chúng ta sinh ra vào thời kỳ vô cùng thịnh vượng với rất nhiều tiến bộ kỹ thuật.
Còn không may là để đưa sự thịnh vượng đến cho nhiều người hơn và đạt được tầm cao công nghệ mới, chúng ta không thể làm theo phương pháp cũ, tức là tiếp tục khai thác tài sản chung của thế giới và nghĩ rằng vũ trụ và thế giới tự nhiên quay xung quanh chúng ta chứ không phải ngược lại.
------------------------------------------
Chính quyền cần nói với bạn rằng từ giờ trở đi bạn phải trả toàn bộ chi phí ô nhiễm và CO2 mà bóng đèn sử dụng nhiệt điện than của bạn gây ra, do đó mỗi tháng bạn sẽ mất hơn 125 USD để được bật đèn. Khi đó khoản chi 100 USD một tháng để có năng lượng mặt trời sẽ có vẻ như một món hời.
Kỳ cuối: Chính quyền phải làm gì?
------------------------------------
*Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Thế giới nóng, phẳng, chậtKỳ 2: “Để lại sau” là quá muộnKỳ 3:Nghèo năng lượng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận