01/06/2009 07:48 GMT+7

Ươm mầm cho môi trường xanh

THẾ ANH
THẾ ANH

TT - Không chỉ là chuyện vui chơi mà còn chắp cánh cho tương lai, không chỉ là ước mơ mà còn là nỗi lòng của những trẻ em chịu cảnh thiệt thòi. Hai sự kiện đầy ý nghĩa cho Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6 năm nay.

Cho em sống lại tuổi thơNhững ước mơ có dịp thành lời

27DwoYYR.jpgPhóng to

Các thành viên của Tổ chức phi chính phủ BAJ (Nhật Bản) giao lưu với các nhóm trẻ, các bạn tình nguyện viên tại hội trường báo Tuổi Trẻ chiều 31-5 - Ảnh: MINH ĐỨC

Không hoa, không quà bánh, không đồ chơi..., thay vào đó là những câu chuyện về bảo vệ môi trường, những dự định mang màu xanh tương lai. Đấy là cách tổ chức vui chơi cho các em có hoàn cảnh đặc biệt do Tổ chức phi chính phủ BAJ (Cầu châu Á - Nhật Bản) thực hiện nhân Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6 tại báo Tuổi Trẻ chiều 31-5.

Anh Huỳnh Huy Tuệ, điều phối viên của BAJ, nói: “Chúng tôi muốn tạo cho các em một cảm giác được đối xử như người lớn. Không chỉ là chuyện vui chơi hôm nay mà còn phải biết bàn về chuyện tương lai của xã hội, đất nước. Đó chính là việc bảo vệ môi trường sống. Đây cũng là một dịp để các em tỏ lòng tri ân đối với một người đã làm thay đổi cuộc đời của chính các em. Người đó là ông Araishi Masahiro, một người Nhật Bản đã gắn bó cả cuộc đời với những trẻ em nghèo khó cùng những việc làm cho môi trường ở VN”.

Ngày tri ân

Đối với những đứa trẻ vạn đò ở Huế và các xóm nghèo Q.2, TP.HCM cùng nhiều nơi khác, ông Araishi Masahiro không chỉ là ân nhân mà còn là một người bạn thân thiết của chúng. Tham gia buổi giao lưu có 15 em là cư dân đến từ xóm vạn đò xứ Huế. Trần Vĩnh Điện, cậu bé được ông Araishi Masahiro giúp đỡ từ lúc còn nhỏ, nói: “Ba con đạp xích lô, mẹ đi gánh cá thuê nên thu nhập không đủ để nuôi ba anh em con. Không có tiền đóng học phí nên con phải nghỉ học để ở nhà phụ ba mẹ nuôi em. Con đang buồn vì phải nghỉ học thì chú Araishi Masahiro và các thầy trong nhóm BAJ đến động viên tham gia nhóm học vẽ, rồi cho tụi con đi học tiếp. Nhờ có chú mà giờ con đã học đến lớp 10, có cái chữ để sau này lo cho các em...”.

“Mọi năm cứ đến Ngày quốc tế thiếu nhi chúng con đều được chú ghé thăm hoặc gửi thư động viên. Nhưng năm nay chú chẳng còn nữa... Khi nghe tin chú mất, tụi con đã khóc thật nhiều. Hôm đi rải tro cốt của chú xuống sông Hương, con đã hứa với chú là sẽ ráng học để không làm chú buồn!” - Điện nghẹn giọng.

Kỷ niệm một thời vượt khó, chuyện nhặt rác ở những xóm nghèo cùng chú Araishi Masahiro lần lượt hiện về theo trí nhớ của bọn trẻ qua lời kể còn nghèo nàn về vốn từ. Có những em mắt rướm lệ, nhưng cũng nhiều em cười vui khi nhắc đến những kỷ niệm đẹp.

Theo chồng đã nhiều năm, tận mắt chứng kiến sự trưởng thành của bọn trẻ, bà Nemoto Etsoko không kìm nén được cảm xúc: “Tôi rất vui vì bọn trẻ đã trưởng thành khá nhanh, có lẽ nơi chín suối chồng tôi cũng cười mãn nguyện. Vì cả cuộc đời ông là ở VN, và đến khi mất thân xác ông cũng thuộc về nơi này. Tôi muốn gửi đến những đứa trẻ không may mắn này một lời cảm ơn, vì chúng đã không quên người dìu dắt chúng dù cuộc sống vẫn còn nhiều thứ bận tâm”.

Để môi trường mãi màu xanh

Buổi gặp gỡ sôi nổi hơn với hàng chục lượt ý kiến của trẻ em về chuyện bảo vệ môi trường sống trong lành trong tương lai. Lời thì thầm của Nguyễn Hùng Phong bên di ảnh của ông Araishi Masahiro đã làm nhiều người không kìm được xúc động. Em nói nhẹ như gió thoảng: “Chú ơi, cái hàng cây mà con trồng theo lời chú chỉ bây giờ đã lớn rồi. Bây giờ xóm con không còn bị sạt lở như trước nữa chú ạ. Giá như chú còn sống thì chắc chú sẽ rất thích mắc võng dưới hàng cây này để ngủ, phải không chú?”.

Không chỉ giúp bọn trẻ biết vượt qua nghèo khó để tìm con chữ, định hướng tương lai, Tổ chức BAJ còn đặt vấn đề giáo dục về môi trường cho các em như một cách phủ màu xanh cho tương lai. Câu chuyện của Phong xảy ra cách đây bốn năm, khi con đường cặp mé sông ở xóm em bên Q.2 bị sạt lở. Được sự giáo dục của các thầy trong BAJ, Phong đã mạnh dạn đề xuất với bác tổ trưởng dân phố trồng cây để chống sạt, trong lúc mọi người đều muốn bêtông hóa. Để thuyết phục, Phong đi xin vài cây về trồng thử và đến nay con đường ở xóm em đã rợp bóng xanh.

Cứ thế, từ chuyện nhỏ nhặt hằng ngày, những con người tâm huyết về môi trường trong Tổ chức BAJ đang dần dần ươm những mầm mới cho tương lai ở những miền đất nghèo khó từ các em thiếu nhi. Khi nói đến chuyện này, anh Huỳnh Huy Tuệ nói một cách say sưa: “Chúng tôi muốn tổ chức Ngày quốc tế thiếu nhi theo một cách đặc biệt. Món quà là những bài học bổ ích chứ không phải quà bánh. Ngày hôm nay, chúng tôi muốn những đứa trẻ tự tin về cuộc sống của mình và góp phần bảo vệ môi trường sống như chính ước nguyện của ông Araishi Masahiro”.

FBgXKmyR.jpgPhóng to
Ông Araishi Masahiro và nhóm trẻ đường phố - Ảnh tư liệu

Ông Araishi Masahiro sinh ngày 16-10-1945 - nguyên tổng thư ký BAJ (một tổ chức phi chính phủ), qua đời ngày 29-1-2009 tại Bệnh viện Tokyo Women’s Medical University (Nhật) vì bệnh ung thư. Ông Araishi Masahiro là người đã được cố đại tướng Mai Chí Thọ trao danh hiệu Công dân danh dự TP.HCM năm 1982 (khi ấy cố đại tướng là chủ tịch UBND TP.HCM). Năm 2008, lãnh đạo TP Huế cũng đã trao danh hiệu Công dân danh dự TP Huế cho ông Araishi Masahiro.

Những hoạt động chính của ông tại VN: Năm 1982 tặng máy phát điện cho Củ Chi, TP.HCM. Năm 1990-1992 trao học bổng cho trường khiếm thính, tặng máy may cho nhà trẻ em đường phố Đà Nẵng... Từ năm 1992-2002 tặng hàng loạt xe rác cho các thành phố ở VN. Năm 1993 tổ chức tour tham quan vấn đề xử lý rác tại Nhật Bản cho Công ty Môi trường Hải Phòng và thành lập BAJ. Năm 1994 giúp xây dựng trường nghề cho trẻ em mồ côi TP.HCM. Năm 1995 tổ chức hội thảo môi trường (hợp tác với ĐH Y Hà Nội và Trung tâm Môi trường Huế), xuất bản sách Những kinh nghiệm về ô nhiễm môi trường tại Nhật Bản bản tiếng Việt.

THẾ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên