13/05/2009 01:01 GMT+7

Theo chân hàng Trung Quốc vào Việt Nam - Kỳ 3: Hệ thống chân rết

LÊ NAM - TIẾN HÙNG
LÊ NAM - TIẾN HÙNG

TT - Mấy ngày ở Quảng Châu chúng tôi nhận ra tại đây có những hệ thống chân rết hoàn hảo cung cấp tất cả dịch vụ cần thiết nhất cho người Việt sang “đánh hàng”: cung cấp phòng nghỉ khách sạn, cung cấp “tai” (hướng dẫn viên nói tiếng Việt), dây chuyền đóng bao bì, hàng hóa, chuyển tiền và vận chuyển hàng hóa đến tận nhà cho khách.

izItLN0O.jpgPhóng to

Ở chợ đồ da có đầy đủ các loại túi làm chính xác theo catalogue mới nhất của các hãng túi xách lớn trên thế giới -Ảnh: Lê Nam

Kỳ 1: Đến Quảng Châu “đánh hàng”Kỳ 2: Kinh đô hàng hóa

Người Việt phục vụ người Việt

Phần lớn người Việt qua Quảng Châu hoặc không biết tiếng Trung hoặc sang Quảng Châu lần đầu đều được giới thiệu đến khách sạn Đức Chính (tầng 5 ở một tòa nhà trên đường Đức Chính). Chủ tầng này là một phụ nữ 35 tuổi tên T.. Từ tầng 5 khách sạn Đức Chính, cánh tay của cô T. có thể “nối dài” đến Hàng Muối ở Hà Nội, thậm chí còn vào đến đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM.

Dịch vụ chuyển tiền của cô T. rất nhanh: chỉ cần 5 phút sau khi đã chuyển tiền từ TP.HCM, người thân hay bạn hàng của bạn ở Quảng Châu có thể ghé cô T., bấm số điện thoại của họ vào máy điện thoại của cô, nếu đúng như số đã thông báo từ đầu TP.HCM, ngay lập tức sẽ nhận được toàn bộ số tiền. Hàng hóa từ Trung Quốc cũng chỉ mất bốn ngày để về đến Hà Nội và mất một tuần để đến TP.HCM.

“Người Việt phục vụ người Việt” là slogan hoạt động của cô T.. Người ta thấy nó ngay trên tầng 5 của khách sạn này và thấy cả ở những danh thiếp được đặt trên bàn cô ngay tại phòng đầu tiên được dùng như quầy tiếp tân của thế giới người Việt ở đây.

Cô T. ghi trong danh thiếp của mình: “Gặp gỡ liên kết trực tiếp với nhà sản xuất - Dịch vụ thanh toán nhanh với nhà sản xuất”, hoạt động có vẻ như một văn phòng xúc tiến thương mại hơn là một công việc phục vụ giới buôn chuyến. Tầng 5 của khách sạn Đức Chính có 39 phòng, cô T. bao hết và chỉ cho người Việt sang mua hàng thuê. Lúc nào phòng cũng ở tình trạng gần kín.

Người mới qua như chúng tôi chỉ cần “alô” trực tiếp cho cô T. hoặc liên lạc qua chat sẽ được phục vụ 24/24 mọi nhu cầu. Giá thuê “tai” bất cứ trong ngành hàng nào, đi bất cứ đâu với giá 250 tệ/ngày cô T. sẽ lo đầy đủ. Trong nhóm khách hàng của cô T. có những người thuê hẳn một phòng ở cả tháng trời, xong việc về VN vài tuần rồi lại qua, trong đó có ông H. chuyên buôn bán các loại hàng điện gia dụng, điện thoại và linh kiện máy tính.

Z5wRQxQI.jpgPhóng to

Có cả một con phố gần chợ Bạch Mã làm nhãn mác bao bì theo yêu cầu của khách hàng-Ảnh: Lê Nam

“Cầu nối” từ hãng xưởng

Phó (khoảng 40 tuổi) hẹn gặp chúng tôi tại khách sạn lúc 8g30 tối, quảy theo một bao nilông đen to đùng chứa những mẫu hàng quần jean cho chúng tôi xem thử. Phó cho hay anh ta có thể đứng ra nhận mẫu hàng với số lượng lớn từ nhà buôn hoặc người phân phối hàng ở VN. Nhiều nhà buôn mang những mẫu hàng đang “sốt” ở VN sang tận Quảng Châu đặt hàng cho Phó đặt lại các xưởng Trung Quốc gia công. Mỗi mẫu như vậy tối thiểu phải đặt 300 cái trở lên mới mong gặp Phó.

Anh ta kể trong miền Nam hiện giờ có một người tên C. ở chợ An Đông có tiếng trong việc “đánh hàng” từ Quảng Châu với mỗi ngày 20 bao (trị giá một bao nặng 70-100kg là 2 vạn tệ). Nhắc đến “C. An Đông”, giới đi buôn sẽ biết bởi anh này có hệ thống khoảng 50 cửa hàng. Hàng đóng và tách từ Quảng Châu theo địa chỉ có sẵn, C. đưa và chỉ thu tiền sau 5-10 ngày sau đó.

Phó cho hay anh ta liên kết với 10 xưởng sản xuất quần bò, mỗi xưởng có thể giao 1 vạn cái trong vòng 20 ngày. Khách hàng mang sang một mẫu mới, nếu là áo sơmi sẽ có hàng trong 15 ngày, nhưng mẫu quần bò cần thêm ba ngày cho các công đoạn phụ như wash, làm xước, cào… Trong dây chuyền ở xưởng, một công nhân Trung Quốc may được 50 cái quần bò/ngày (lấy trung bình từ các công đoạn cộng lại), mỗi xưởng tối thiểu là 100 công nhân.

Tiền gia công của Trung Quốc vẫn đắt hơn VN, nhưng bí quyết để làm hàng rẻ là họ có những đầu tư công nghệ chuyên nghiệp phục vụ cho con số khổng lồ. Phó nói hàng của anh ta ít khi bị tồn cho thấy quy mô ảnh hưởng lớn như thế nào khi số hàng này (và của những người khác như Phó) tuồn vào VN.

Nhiều nhà buôn từ VN sang nhờ Phó chọn giùm mẫu hàng hiệu ở các chợ, cải biến vài chi tiết cho phù hợp với thị hiếu người Việt, nếu đồng ý Phó sẽ cho chạy hàng. Trong căn hộ nhỏ tầng bốn mà hai vợ chồng Phó thuê ở một góc đường gần khách sạn chúng tôi ở luôn đầy ắp mẫu hàng. Có những mẫu Phó khoe mình đã sản xuất hàng vạn cái cho thị trường VN. Hằng tuần, ngoài việc mua bán, Phó luôn dành ra một ngày chạy đến các chợ hàng hiệu thứ thiệt tại Quảng Châu tìm mẫu mới.

Đối với dân buôn ở Quảng Châu, việc lấy cắp mẫu thường được đề phòng thường trực tại các chợ bán buôn hay bán lẻ. Tại tất cả các khu chợ ở Quảng Châu, bảo vệ sẽ để ý bất cứ khách mua hàng nào mang máy ảnh trên người. Nhiều người sẽ bày tỏ thái độ không chào đón những ai muốn chụp ảnh.

Thế nhưng hầu hết các mẫu hàng hóa nơi này đều có thể là mẫu “nhái” từ mọi nguồn trên thế giới dù có đóng hay không đóng nhãn “Made in China” (việc đó có những khu chợ riêng biệt lo sản xuất làm thiết kế, in ấn và sản xuất hàng loạt theo bất cứ yêu cầu nào của khách hàng và bất cứ giờ giấc nào).

Chỉ cần điện thoại từ VN

Ở khu chợ Bạch Mã, khi Phó dẫn chúng tôi đi giới thiệu các loại quần áo nam, đến một gian hàng có mẫu hàng hiệu mới anh ta hỏi giá liên tục. Phó ra ngoài cầu thang gọi điện về VN báo cho đối tác biết rằng anh ta đã có mẫu hàng mà khách cần, giờ chỉ là thỏa thuận giá, số lượng để quyết định có làm hàng hay không mà thôi. Phó nói có thể làm tất cả các hàng đang được giới thiệu ở các chợ quần áo ở Quảng Châu giá rẻ hơn 30% so với giá sỉ ngoài chợ.

Người như Phó không nhiều lắm ở Quảng Châu bởi liên kết được với các xưởng sản xuất trực tiếp. 10 xưởng mà Phó liên hệ đủ để anh ta hỗ trợ rất nhiều cho những “nhà tiêu thụ” tại Hà Nội hay TP.HCM. Anh ta kể một vài tên thương hiệu VN từng qua Quảng Châu đặt hàng và dán mác nội lên; nhiều “nhà phân phối” lớn tại Sài Gòn, trong đó có “C. An Đông”, phân phối cho các chợ lớn tại Sài Gòn. Số lượng hàng hóa anh này có thể lên đến vài chục bao/ngày.

Mỗi bao 100kg, theo kinh nghiệm của Phó, có thể đóng được 500 áo sơmi hoặc 150 chiếc quần bò. Và “hệ thống” sẽ chạy khi chỉ cần một cú phôn từ TP.HCM hay Hà Nội sang cho những “nhà môi giới sản xuất cấp cao” như Phó. Huy, một thanh niên có hai cửa hàng bán quần áo ở TP.HCM, cho biết lâu nay anh ta đã không còn sang Quảng Châu lấy hàng nữa mà chỉ cần thông tin cho C. chủng loại và số lượng hàng mình cần. “Đi Quảng Châu vừa tốn kém, mất thời gian mà giá hàng mang về đây chẳng rẻ hơn của ông C. bao nhiêu”, Huy thổ lộ.

_____________________________

Chiếc xe đưa khách từ Bằng Tường về cửa khẩu Hữu Nghị chất đầy ắp hàng, mọi người xuống sắp xếp lại những chiếc vali hàng hóa để chuẩn bị qua làm thủ tục xuất nhập, còn Minh thì chào: “Thôi các anh về trước vui vẻ. Tụi em tạt qua Lũng Vài nhé!”.

Kỳ tới: Đoạn cuối ở Lũng Vài

LÊ NAM - TIẾN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên