Vũ khí văn hóa của vị đại tướng
Đó là tâm sự của đại tá, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Trần Hồng với Tuổi Trẻ nhân dịp triển lãm ảnh “Đại tướng tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp - những khoảnh khắc” của ông khai mạc ngày 5-5 tại Nhà triển lãm 45, Tràng Tiền, Hà Nội.
Khởi đầu may mắn
Phóng to |
Tấm thạch vĩ in hình đại tá Trần Hồng chụp với đại tướng năm 2004 |
Tôi vốn rất thích chụp ảnh chân dung mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hiện thân của nhiều phẩm chất có thể khai thác chân dung. Lần ấy tôi đang trình bày ý định của mình với đồng chí bí thư - đại tá Nguyễn Huyên tại văn phòng đại tướng thì may mắn ông cụ đi ngang. Thấy giọng tôi trọ trẹ, chắc là giống giọng của cụ nên Đại tướng hỏi: “Cậu ở đâu?”. "Báo cáo đại tướng, tôi Trần Hồng, phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân". “Cậu vào đây làm gì?”. "Báo cáo tôi vào đây để chụp ảnh Đại tướng". “Làm sao cậu thích chụp ảnh tớ?”. "Tôi khó giải thích lắm. Từ lâu tôi đã muốn chụp ảnh Đại tướng rồi".
Ông cụ lướt qua mặt hàng loạt người giúp việc, sau đó nói với người thư ký riêng: “Các cậu để cậu Hồng này vào gặp tôi bất cứ lúc nào”. Đấy là tháng 10-1994 và tôi coi đó là sự mở đầu may mắn.
Không phải đợi lâu, 5g30 sáng hôm sau, tôi đến địa chỉ 30 Hoàng Diệu (nhà riêng của đại tướng Võ Nguyên Giáp). Bác sĩ Nhược - người chăm lo sức khỏe cho Đại tướng - dẫn tôi vào nhà. Lần đầu tiên tôi rất hồi hộp và thấy cái gì cũng mới lạ. Tôi đã ở nhà Đại tướng suốt từ 5g30 sáng đến 9g tối và sau này có viết phóng sự “Một ngày ở với đại tướng”. Ngày hôm đó trở thành ngày kỷ niệm lớn với tôi.
Từ đó trở đi, có sự kiện tiếp khách trong nước hay quốc tế hoặc những dịp vui vẻ của gia đình như ngày rằm, ngày lễ, đại tướng đều cho cộng sự gọi tôi vào. Dần dần tôi trở thành thành viên của gia đình. Những lúc như thế tôi có cơ hội tiếp cận, chụp những bức ảnh thường nhật của Đại tướng và đó chính là những tác phẩm tôi thích nhất.
Chặng đường nhiều kỷ niệm
Phóng to |
Hình Đại tướng về thăm quê hương Quảng Bình |
Gần 20 năm được theo Đại tướng với những chuyến công tác dài ngày như trở về căn cứ Trần Hưng Đạo, về Mường Phăn - Điện Biên Phủ… tôi có nhiều cơ hội tiếp cận với ông cụ. Ấn tượng nhất với tôi là sinh hoạt quá giản dị của vị Đại tướng - sĩ quan số một của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhớ lần về quê hương Quảng Bình - vùng quê còn nghèo khổ - thấy đại tướng ăn gói cơm nắm, tôi như thấy một nông dân Quảng Bình, một người am tường và đầy thông cảm với những phận đời lao khổ.
Đại tướng là người đặc biệt nhạy cảm. Có những điều xảy ra người đời chưa biết thì đã tác động vào ông. Sự nhạy cảm ấy lại truyền đến tôi một cách ào ạt, nhiều lần tôi xúc động tưởng không giơ nổi ống kính. Vì thế số lượng những bức hình tôi chụp Đại tướng khóc cũng nhiều.
Phóng to |
Đại tướng về thắp hương tại nhà ở Quảng Bình |
Tôi vốn rất tự tin, nhưng khi chụp hình Đại tướng, ý thức được trước ống kính của mình là một con người quá vĩ đại xét trên tất cả khía cạnh nên tôi vô cùng cẩn trọng. Mỗi lần bấm máy tôi đã suy tính sẽ đưa những gì vào khuôn hình. Nhưng cũng có những lúc tôi xả máy như một xạ thủ liên thanh, thấy cái gì thì ghi chép cái ấy vì với tôi chụp Đại tướng ở góc độ nào cũng quý cả.
Tất nhiên cũng có nhiều lần tôi để lỡ mất khoảnh khắc của ông cụ. Sự mất cơ hội là vì hai lý do: thứ nhất là bởi sự hiểu biết của mình còn nông cạn, thứ hai là do phương tiện rất hạn chế. Ví dụ lần đầu tôi đến nhà đại tướng, lúc ấy ông cụ bước với tư thế của một lão nông đẹp lắm. Giá như khi đó có ống kính tốt tôi chỉ cần lia vào là có ngay một bức ảnh đẹp.
Đại tướng - chói sáng như một ngôi sao
Tôi ít khi tặng ảnh Đại tướng. Duy chỉ có lần triển lãm tại Quảng Bình (2006) nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 95 của ông cụ, trừ 50 bức tôi tặng TP Quảng Bình, còn lại tôi mang toàn bộ ảnh về Hà Nội, bổ sung cho đủ 95 bức rồi mang đến trình cụ xem. Lần đầu tiên đại tướng dành thời gian cho tôi nhiều như thế: từ 7g30-11g30.
Cụ xem chăm chú từng tấm một, có những tấm khiến cụ rất cảm động. Đặc biệt là 2 tấm tôi chụp cụ ở hai mốc thời gian khác nhau: 1996-2006. Năm 1996, Đại tướng còn khỏe mạnh, cường tráng, sau 10 năm khi khoác lên mình bộ áo lụa, trông ông đã khác đi rất nhiều. Xem ảnh, tôi biết cụ buồn nhưng không ai có thể gượng lại với thời gian khắc nghiệt…
Phóng to |
Bức Nhớ Bác |
Thêm một bức ảnh mà lúc ấy cụ ghé vào tai tôi nói rằng: “Tớ rất thích bức này”, là bức Đại tướng đứng cạnh tượng Hồ Chủ tịch, mắt đỏ hoe, rơm rớm nước mắt. Trong triển lãm lần này tôi có đặt chú thích là Nhớ Bác.
Phóng to |
Lời đề tặng của đại tướng tại triển lãm chân dung lần thứ nhất của đại tá Trần Hồng năm 1992 |
Khi chụp ảnh hay tổ chức triển lãm, tôi cứ âm thầm làm chứ không nói những ý tưởng của mình với Đại tướng. Mà ông cụ cũng chẳng cần biết làm gì, ông còn nhiều mối quan tâm lớn hơn. Ảnh của tôi chỉ là một mảng nhỏ vô cùng so với những điều mà ông đang đau đáu, theo dõi.
Tuy vậy Đại tướng luôn tạo cho tôi cơ hội chụp ảnh rất tuyệt vời. Trong đám đông, chưa thấy máy tôi đổ đèn là ông hỏi: “Trần Hồng đã chụp chưa?”. Khi nào tôi đáp: “Con xong rồi ạ!” thì khi ấy ông mới “giải tán” đám đông. Có những khi tôi chụp đèn không nổ, tôi nói: “Con xin lỗi Đại tướng", thì cụ bảo: “Không, cậu không phải xin lỗi tớ. Lỗi là do cái đèn, đèn của cậu kém là do cơ quan của cậu trang bị cho cậu kém. Cứ bình tĩnh mà chụp lại".
Nhân dịp này tôi muốn bày tỏ lòng tôn kính, sự biết ơn và lời chúc tốt lành của mình đến với Đại tướng. Ông mãi mãi chói sáng như ngôi sao trên ve áo quân phục do Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm ngày 20-1-1948…”.
Đại tá Trần Hồng quê ở Hà Tĩnh, là chiến sĩ đoàn 559 bộ đội Trường Sơn, phóng viên ảnh báo Quân Đội Nhân Dân từ năm 1973. Ông tốt nghiệp khóa 1 chuyên ngành nhiếp ảnh Trường đại học Báo chí (nay là Học viện Báo chí và tuyên truyền), là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, hội viên Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP). “Đại tướng tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp - những khoảnh khắc” là triển lãm chân dung lần thứ 4 của Trần Hồng. Trước đó, năm 2006 ông đã tổ chức một triển lãm về đại tướng Võ Nguyên Giáp tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình nhân dịp đại tướng 95 tuổi. Triển lãm lần này trưng bày 99 bức ảnh tượng trưng cho 99 mùa xuân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận