24/04/2009 03:04 GMT+7

Ngày trái đất - ngày sám hối - Kỳ cuối: Thay đổi tận gốc

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Đừng hi vọng đến Nhật ngày nay để mang về những món rác giá trị. Người Nhật đang thay đổi từ hành vi đến tận cùng của tư duy.

6Snz6FOS.jpgPhóng to
Một cửa hàng đồ cũ ở thành phố Ohnang - Ảnh: H.T.

Cửa hàng đồ cũ

Cách nay hơn chục năm, một đội bóng chuyền ở VN khi đi thi đấu một giải quốc tế tại Fukuoka về đã làm mọi người ngỡ ngàng khi mang vác hàng hóa lủ khủ! Trong núi hàng hóa ấy có đủ thứ, từ tấm thảm to đùng đẹp đẽ đến tivi, đầu máy video, máy lạnh… Huấn luyện viên, vận động viên bóng chuyền giàu có đến thế sao? Không, núi hàng ấy toàn là rác cả đấy! Gọi là rác nhưng gần như mới tinh, phải còn cỡ 80%. Nhiều vận động viên bóng chuyền đã kể: ”Cứ đợi sáng để dậy thật sớm, đi một vòng qua các phố hoặc nhờ thổ công người Việt bên ấy đưa đến các bãi rác và tha hồ lựa, toàn đồ gần như mới. Dân Nhật sang thật, không đợi đến cũ mới bỏ, chỉ cần đề-mốt (lỗi thời) là quăng ngay”. Huỳnh Huy Tuệ, điều phối viên của Tổ chức phi chính phủ BAJ, cho biết không chỉ có vận động viên thể thao VN, mà cả sinh viên đến từ Trung Quốc, châu Phi… cũng rất thích săn “rác” khi qua Nhật học tập.

Nhưng đó là chuyện của ngày xưa chứ bây giờ đừng có mơ! Rác của các gia đình Nhật Bản hiện nay đúng nghĩa là rác. Nghĩa là tả tơi, không còn dùng được nữa mới đem ra trước cửa nhà để xe vệ sinh đi thu gom. Chứ nếu xài được họ vẫn cố xài hoặc đem ra cửa hàng đồ cũ ký gửi hoặc đổi.

Chúng tôi đến thăm và tìm hiểu một cửa hàng đồ cũ ở thành phố Ohnang thuộc tỉnh Shimane. Cửa hàng lớn như một siêu thị loại vừa. Trong ấy đủ mặt hàng từ thượng vàng đến hạ cám như máy móc, áo quần cũ, đồ chơi trẻ em, chén bát đĩa… Nghĩa là trong nhà có thứ gì thấy không cần xài nữa thì người ta mang đến đây.

Bà Soutome Etsuko, người điều hành cửa hàng, cho biết: ”Hiện nay chúng tôi có 100.000 hội viên. Mỗi hội viên sẽ đóng lệ phí 100.000 yen/năm để thuê mướn mặt bằng cửa hàng, trả lương cho nhân viên. Hội viên khi mang đồ cũ đến cửa hàng ký gửi sẽ tự đặt giá cho món hàng của mình và nếu bán được thì chúng tôi thu 5%, còn nếu không phải là hội viên thì thu 10%. Mục đích chính của chúng tôi không phải là kinh doanh mà để người Nhật biết tiết kiệm hơn, ý thức hơn việc xài vô tội vạ sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường”.

Bà Etsuko cho biết chính bà cũng ngạc nhiên về hiệu quả của cửa hàng đồ cũ khi có đến 95% đồ cũ mang đến đây đã được chuyển qua tay người khác. Điều đó chứng tỏ cái tâm lý cũ người mới ta là một thuộc tính của con người, chứ không phải khá giả là không bao giờ đụng đến đồ cũ.

Y1Lc3HlS.jpgPhóng to
Ông Iwane, “người nông dân thế kỷ 21”, trước khu trại cất giữ giống lúa, đậu theo kiểu truyền thống - Ảnh: H.T.

Người nông dân thế kỷ 21

Cũng ở Ohnang, chúng tôi đã đến thăm “người nông dân thế kỷ 21” là ông Iwane, một người quen của nhiều nông dân Huế (vùng Kim Long) khi năm ngoái ông đến Kim Long để trao đổi về kinh nghiệm trồng trọt mà không cần sử dụng phân hóa học hay thuốc trừ sâu.

Ông Iwane năm nay 58 tuổi. Thời trẻ ông từng chạy theo tiếng gọi của làn sóng công nghiệp hóa, bỏ ruộng đồng để vào nhà máy. Đến 40 tuổi, ông nhận thấy có một nguy cơ tiềm ẩn cho đất nước Nhật Bản khi ruộng đồng bị bỏ hoang, thanh niên trai tráng đổ dồn vào các nhà máy, xí nghiệp. Thế là ông bỏ tất cả để quay về lại với đất. Thuê 1,5ha rẫy của nhà nước, ông bắt tay vào canh tác lúa, đậu nành, bắp và chăn nuôi gà.

Ông là người nông dân nổi tiếng nhất Nhật Bản khi tiên phong trong việc chứng minh lợi ích của việc nuôi trồng theo cách cha ông ngày xưa khi không dùng bất cứ thứ gì liên quan đến các sản phẩm hóa học. Phân từ trại gà mấy ngàn con cùng với cây cỏ, rác ủ thành phân compost hoàn toàn đủ cho 1,5ha rẫy của ông. Giống thì bằng cách bảo quản theo đúng kiểu truyền thống dân gian đảm bảo không bị sâu rầy. Gạo, bắp, đậu nành, trứng gà của ông đã trở thành thương hiệu sạch nổi tiếng ở Shimane, sản xuất không đủ tiêu thụ.

Người nông dân thế kỷ 21 này không chỉ quẩn quanh trong mảnh đất của mình mà qua Internet ông liên kết khắp nơi để vận động nuôi trồng sạch. Ông tự hào cho biết sau hơn 10 năm bền bỉ chứng minh hiệu quả của việc sản xuất các sản phẩm sạch, hiện đã lôi kéo được hơn 50% nông dân Nhật theo hướng đi này. Nếu cả thế giới cùng làm theo cách của Iwane thì làm sao đủ lương thực mà dùng khi con người sinh sôi nảy nở quá nhanh?

Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Iwane nheo mắt cười và nói: "Thế các bạn có biết số cơm thừa mà nước Nhật đổ đi mỗi ngày là bao nhiêu không? Nó đủ để nuôi những người đang thiếu cơm trên thế giới đấy! Cách nói rằng không đủ lương thực cho con người nên phải dùng thuốc, phân hóa học, các kỹ thuật biến đổi gen để tăng năng suất nuôi trồng là luận điểm của các tập đoàn, các công ty sản xuất thuốc trừ sâu, phân hóa học để bán được hàng chứ không phải là thực tế”. Thật thú vị khi nghe được những điều như thế từ một bác nông dân.

Phát triển môi trường là phát triển kinh tế

Trong chuyến đi Nhật 10 ngày, qua cả chục địa phương với rất nhiều câu chuyện thú vị, nhưng điều đọng lại lớn nhất trong chúng tôi vẫn là cuộc trò chuyện với triệu phú Tomoji Yokoishi - “cha đẻ” của câu chuyện bán lá rừng. Để làm giàu từ việc bán lá rừng, ông Tomoji - ông chủ của Công ty Irodori chuyên chuyên chở, phân phối sản phẩm đến khắp nơi trên đất nước Nhật Bản - phải hết sức vất vả. Lá ở đâu chẳng có, nhưng lá được hái bởi những cụ già, lá được hái ở những cánh rừng Kamikatsu - một điểm nóng về tàn phá rừng tại Nhật Bản, phải khác lá ở Tokyo, Hiroshima, Nagoya…

Điều đáng nói nhất là triệu phú Tomoji trở thành người thực hành xuất sắc cho lý thuyết rất mới ở Nhật Bản hiện nay, đó là: đừng nghĩ đến việc phát triển kinh tế là phá hủy môi trường, mà hãy nghĩ rằng phát triển môi trường là phát triển kinh tế. Lý thuyết mà ông Tomoji áp dụng vào thực tế đã được các giáo sư trẻ, tài năng của Đại học Tokyo như Kidokoro, Kitawaki… áp dụng trong lĩnh vực môi trường, quản lý đô thị phát minh. Lý thuyết này cho rằng chính cách suy nghĩ thông thường đã khiến chúng ta loay hoay lo ngại sự phát triển sẽ làm ảnh hưởng xấu đến môi trường. Vì vậy, hay nhất là phải xóa bỏ suy nghĩ ấy khỏi tư duy, thay vào đó cách nghĩ mới là hãy phát triển môi trường, kinh tế sẽ phát triển.

Ông Tomoji tâm sự: ”Tôi đã áp dụng lý thuyết ấy vào thực tế và tìm được lối đi trong kinh tế khi phát triển, gầy dựng lại môi trường của một thành phố Kamikatsu vốn ngày xưa đã tan hoang vì nạn phá rừng”.

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên