23/04/2009 00:55 GMT+7

Ngày trái đất - ngày sám hối - Kỳ 2: Hiện tại được 1, tương lai mất 10

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Theo sử sách, từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 là khoảng thời gian Nhật Bản có những cuộc cải cách, bứt phá mạnh mẽ nhất về mọi mặt. Nước Nhật hoang tàn sau Thế chiến thứ hai, nhưng không đầy 20 năm sau họ đã đủ sức tổ chức một Olympic hoành tráng vào năm 1964.

Để đạt được những bước tiến dài vượt bậc đó, người Nhật đã khai thác tài nguyên một cách dữ dội. Và cũng nhân Olympic 1964, người Nhật mới giật mình nhìn lại chuyện đối xử phũ phàng với môi trường để phát triển bằng mọi giá.

ZUlfKWWD.jpgPhóng to
Mỏ đồng Ashio Douzan nằm cạnh một con sông hiền hòa xinh đẹp, ngày nay là một di tích để người Nhật “sám hối” - Ảnh: H.T.
Kỳ 1:Sa mạc xanh

Itai, Itai...

Trong chuyến đi 10 ngày đến Nhật tìm hiểu chuyện người dân xứ mặt trời mọc “sám hối” như thế nào về việc đối xử thô bạo với môi trường trong quá khứ, chúng tôi đã có cơ hội làm việc với lãnh đạo của những tỉnh, TP là điểm nóng môi trường như ông Kazuichi - thị trưởng Kamikatsu, ông Shin Satou - thị trưởng Kanuma thuộc tỉnh Tochigi...

Chúng tôi hỏi họ về việc nếu ngày xưa, Nhật không khai thác tài nguyên theo kiểu tận thu và phát triển công nghiệp ồ ạt mà không chú ý đến môi trường, liệu có phát triển được như hôm nay? Tất cả đều tỏ ra trầm ngâm và cho biết thật khó trả lời, vì thực tế đó là cái vốn ban đầu quý giá để kinh tế Nhật mới phát triển mạnh mẽ như hôm nay. Tuy nhiên, họ cho rằng nếu ngày xưa cẩn trọng hơn sẽ hạn chế bớt mức độ thiệt hại và hôm nay sẽ không tốn quá nhiều tiền của, công sức để khắc phục môi trường.

Chúng tôi được những người bạn Nhật hoạt động bảo vệ môi trường đưa đến thăm mỏ đồng Ashio Douzan ở TP Nikko, tỉnh Tochigi. Câu chuyện về mỏ đồng Ashio Douzan là một bài học lớn và tiêu biểu cho người Nhật lẫn cả thế giới về việc tận thu tài nguyên, gây họa cho môi trường.

Mỏ đồng Ashio Douzan tọa lạc ở một vùng đồi núi có độ cao 720m so với mặt nước biển. Một con sông đẹp uốn lượn qua mỏ đồng và đổ xuống hạ lưu là khu trung tâm dân cư đông đúc lên đến 4 vạn người của TP Nikko.

Mỏ đồng này được người Nhật bắt đầu khai thác từ cuối thế kỷ 17 với mức độ còn khá khiêm tốn, nhưng sang thế kỷ 19 thì bắt đầu khai thác nhộn nhịp, do Công ty Furukawa Denkon triển khai với sản lượng bình quân khoảng 1.300 tấn/năm nhằm xuất khẩu sang Hà Lan, Trung Quốc. Tổng chiều dài của các đường hầm đường khoét sâu vào núi, xuống đất để lấy quặng lên đến 1.234km! Thời điểm đó Nikko là một TP sầm uất, sung túc.

Nhưng hạnh phúc không kéo dài được lâu. Bước sang đầu thế kỷ 20, cư dân TP Nikko nói riêng và cả tỉnh Tochigi nói chung bỗng có rất nhiều người mắc những căn bệnh lạ, đồng thời số ca sinh quái thai cũng tăng vọt bất thường. Vấn đề nghiêm trọng đến độ căn bệnh lạ đã được các bác sĩ đặt tên “Itai, Itai” (có nghĩa là “đau quá, đau quá”). Bởi những người mắc bệnh đều phải chịu những cơn đau dữ dội hành hạ, luôn miệng kêu than “Itai, Itai...” cho đến chết.

Trước hiện tượng đau thương này, nghị sĩ Tanaka Shozo cùng các nhà khoa học bắt tay tìm hiểu, và nhanh chóng xác định thủ phạm chính là mỏ đồng Ashio Douzan.

Nguyên nhân là trong quá trình khai thác đồng, người ta phải sử dụng nhiều loại hóa chất với số lượng khổng lồ, mà trong đó chủ yếu là acid sulfuric, các loại hóa chất dùng để tách đồng khỏi quặng đã theo chất thải chảy ra sông và trôi về hạ lưu. Hơn 4 vạn dân sống ở TP Tochigi đã sử dụng nước con sông này và hiểm họa từ đó mà ra.

Vất vả đấu tranh lẫn sửa chữa sai lầm

Sau khi thu thập được đầy đủ bằng chứng về việc mỏ đồng chính là nguyên nhân gây nên căn bệnh “Itai, Itai”, nghị sĩ Tanaka Shozo đã tâu lên Minh Trị thiên hoàng đề nghị đóng cửa mỏ đồng Ashio Douzan. Nhưng cuộc đấu tranh của nghị sĩ Tanaka Shozo và cư dân tỉnh Tochigi không hề đơn giản. Nó kéo dài ròng rã đến mấy chục năm trời bởi đóng cửa Ashio Douzan đồng nghĩa với việc làm giảm nguồn thu ngân sách quốc gia.

Có lúc cuộc đấu tranh của họ tưởng đã đạt đến thắng lợi, nhưng rồi Thế chiến thứ hai nổ ra, nước Nhật rơi vào tình trạng kiệt quệ kinh tế nên những nguồn tài nguyên như mỏ đồng Ashio Douzan lại càng quý giá, càng phải được tận thu. Mãi đến năm 1972, người dân Tochigi mới thở phào nhẹ nhõm khi Chính phủ Nhật quyết định đóng cửa mỏ đồng Ashio Douzan.

Mỏ đồng Ashio Douzan ngày nay là Trung tâm nghiên cứu môi trường Ashio. Trong đó người ta lưu lại đầy đủ phim ảnh, tư liệu để giới thiệu đối với người tham quan thấy được sự nguy hại đối với môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp đến con người lớn như thế nào. Đồng thời nơi đây cũng giới thiệu tỉ mỉ công việc khôi phục vất vả và tốn kém ra sao. Hôm chúng tôi đến, một đoàn học sinh được đưa đến đây tham quan. Chị Emiko, hướng dẫn đoàn chúng tôi, cho biết: “Các học sinh được đưa đến đây để hiểu thêm những chuyện thuộc về quá khứ, về những vấn đề liên quan đến môi trường”.

Trong số những người bạn Nhật đưa chúng tôi đến mỏ đồng Ashio Douzan có cả ông Hirata - nguyên thị trưởng Nikko, một người mà khi đương chức đã bỏ nhiều công sức để sửa sai lầm của những người tiền nhiệm thời xa xưa. Ông Hirata chỉ cho chúng tôi xem con sông uốn lượn quanh mỏ đồng và nói: “Bạn có thấy nước sông rất trong xanh không? Nhưng không hề có một con cá, con cua nào sống được, dù chúng tôi đã nỗ lực cải tạo hơn 30 năm nay”.

Ông Hirata cũng chỉ chúng tôi xem những ngọn núi bao quanh mỏ đồng phơi bày một màu xám xịt, trên đó có bóng dáng công nhân đang cắm cúi trồng cây. Ông Hirata cho biết: “Ngày xưa những ngọn núi này cũng xanh mướt, nhưng những cơn mưa acid đã giết sạch cây xanh. Giờ đây TP phải chi một khoản tiền rất lớn để phủ xanh nó lại”.

Rời mỏ đồng Ashio Douzan, ngồi trên xe, ông Hirata trầm ngâm nói: “Người Nhật chúng tôi rút ra một bài học là tận thu tài nguyên kiểu này, hiện tại chỉ được 1 nhưng tương lai mất đến 10”.

tz4DU6Pj.jpgPhóng to

Ngày nay, Nhật được thế giới đánh giá là quốc gia đi đầu trong việc bảo vệ môi trường. Để có thành công này, người Nhật được cho là đã làm tốt trong việc giáo dục, thay đổi nhận thức của người dân. Trong ảnh: cứ mỗi thứ bảy, các trường học nằm trên địa bàn những quận ven sông Arakawa (con sông một thời ô nhiễm nhất Tokyo) vận động học sinh cùng người dân địa phương dọn rác cho con sông này.

___________________

Đừng hi vọng đến Nhật ngày nay để mang về những món rác giá trị. Người Nhật đang thay đổi từ hành vi đến tận cùng của tư duy.

Kỳ tới: Thay đổi tận gốc

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên