Xem video clip tại đây |
Phóng to |
Hình ảnh đập vào mắt khi chúng tôi cập bến Song Tử Tây là hàng cột đèn điện bừng sáng lúc hoàng hôn. Khu bờ kè của đảo huyền ảo, thanh bình như một khu nghỉ mát... Những cư dân trên đảo sau một ngày trồng rau, đánh cá thong dong đi dạo trên các con đường bêtông sáng choang ánh điện.
Sạch và tiện lợi
Đèn bật sáng, ngọn trước, ngọn sau cứ như được điều khiển bởi một người gác đèn tùy hứng. “Những ngọn đèn này được điều khiển bằng công tắc hoạt động dựa trên sự hấp thụ năng lượng mặt trời của ăcquy. Khi ăcquy chuyển từ chế độ sạc sang phát điện thì đèn cũng tự động sáng” - chị Nguyễn Thị Thúy Vân, một người dân ngụ trên đảo Song Tử Tây, đầy tự hào giải thích.
Chị Vân bảo những ngọn đèn này không chỉ giúp những phiên gác đêm của các chiến sĩ trở nên dễ dàng hơn, mà còn giúp cuộc sống của bà con trên đảo ngày càng hiện đại. Từ ngày đảo có nguồn điện năng lượng mặt trời, cuộc sống gia đình chị và bà con ngụ trên đảo về đêm trở nên sôi động, hiện đại hẳn lên, không khác gì trước đây ở trong đất liền. Ban đêm trẻ em trên đảo tụ tập vui đùa dưới ánh đèn điện, còn người lớn cũng rủ nhau ngồi hóng gió, trò chuyện.
Phóng to |
Đảo Sơn Ca cũng đã có 16 cột đèn điện như trên. Đảo Sinh Tồn Đông có 10 cột, còn đảo Nam Yết đã lắp 25 cột. Từ sự nghiên cứu theo dự án của Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM phối hợp với ĐH Bách khoa TP.HCM, những trụ điện đã được thiết kế cho phù hợp điều kiện nắng, gió ở Trường Sa.
Hiện nay, nhân viên của Công ty Mặt Trời Bách Khoa TP.HCM đang lắp đặt các trụ điện tại đảo Sinh Tồn Đông. “Những trụ điện này được gia cố rất chắc bằng móng bêtông, nhờ tính toán trước nên lắp đặt dễ dàng vì vật liệu thiết bị đã được chuẩn bị sẵn từ đất liền” - Trần Văn Huy, nhân viên của công ty, cho biết. Theo đảo trưởng Song Tử Tây Phạm Văn Hà, tuổi thọ của mỗi cột đèn điện này dự kiến 15 năm.
Thành phố giữa đại dương
Phóng to |
Hàng cột đèn chạy bằng năng lượng mặt trời trước đảo Song Tử Tây - Ảnh: V.T.B. |
Thượng tá, chỉ huy đảo Nguyễn Xuân Phùng tuyên bố: “Giờ đây đảo đã có điện 24/24 giờ, hoàn toàn dùng bằng điện mặt trời và sức gió. Máy nổ chỉ dùng để dự phòng mà thôi”. Người dân của đảo đã có nguồn điện ổn định để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Cũng nhờ có nguồn điện ổn định mà các hộ dân trên đảo đã sắm sửa, trang bị cho mình các vật dụng là hàng điện máy, điện tử với đầy đủ tiện nghi trong gia đình.
Ngay phía trước đảo là hàng trụ điện chạy bằng quạt gió cao sừng sững. Đã có 10 quạt gió như vậy được lắp tại đây. Mỗi trụ cung cấp nguồn điện 3,5kW. Hôm chúng tôi đến biển êm, trời khá lặng gió nhưng những cánh quạt vẫn quay đều đặn. Trong khi đó dàn đèn chạy bằng năng lượng mặt trời đã được lắp tới 95 cây, trên khắp các con đường của đảo chứ không chỉ ngoài bờ biển như ở các đảo khác. Bây giờ, đêm ở đảo Trường Sa Lớn điện sáng khắp nơi trông đầy sức sống.
Những tấm pin mặt trời (mỗi tấm 3kW) cũng đã và đang được lắp đặt nhiều nơi trên đảo. Trên mái Nhà văn hóa thị trấn Trường Sa đang được những người thợ ghép đầy những tấm pin mặt trời, sáng lấp lánh trong hoàng hôn. “Hơn hai tuần qua điện từ gió và mặt trời đã chạy khá ổn định trên đảo” - anh Nguyễn Công Trình, một cư dân trên đảo, cho biết.
Chuẩn đô đốc, phó tư lệnh hải quân Lê Văn Đạo cho biết với điện gió và điện mặt trời thì người dân đảo Trường Sa đã bắt đầu nghĩ đến việc sắm tủ lạnh, một đồ dùng trước đây chưa từng được nói tới ở huyện này. Sắp tới, một dự án năng lượng sạch chừng 400 tỉ đồng do Tập đoàn Dầu khí VN tài trợ sẽ tiếp tục được triển khai lắp đặt các hệ thống năng lượng sạch trên tất cả các đảo của huyện Trường Sa. Trong đó có 100 tỉ đồng cho chiếu sáng, 300 tỉ đồng cho điện gió và mặt trời.
Phóng to |
Những trụ điện sức gió trước đảo Trường Sa Lớn - Ảnh: V.T.B. |
10g đêm, khi tàu rời đảo chúng tôi càng nhìn rõ vẻ đẹp toàn cảnh của Trường Sa Lớn. Nam, thủy thủ của tàu HQ 957, xúc động nói: “Trường Sa bây giờ như là một TP giữa đại dương. Tôi đã ra Trường Sa nhiều lần, kể từ năm 2005, nhưng chưa bao giờ thấy Trường Sa đẹp như thế. Thật ấm lòng khi đi biển trong đêm và nhận ra hòn đảo của mình sáng lấp lánh ngoài khơi...”.
Âu tàu đầu tiên của ngư dân ở Trường Sa Âu tàu này vừa được khánh thành cuối tháng 3-2009, nằm ngay trước đảo Song Tử Tây, khu vực phía bắc huyện đảo Trường Sa. Theo chủ tịch UBND xã Song Tử Tây Phạm Văn Hà, âu tàu có thể chứa được gần 100 tàu thuyền vào neo đậu và tránh mưa bão. Nhìn từ trên cao, âu tàu như một vòng tay ôm tàu thuyền vào lòng. Tuy kè bêtông chỉ cao hơn mặt nước biển chừng 2m nhưng nước bên trong hầu như yên tĩnh, mặc dù hôm chúng tôi đến biển hơi động. Ông Nguyễn Tấn Hiên, chủ tàu câu mực Quảng Ngãi QNG-95156 với 25 thuyền viên, cho biết: “Bà con ngư dân rất vui mừng khi có âu tàu này. Như vậy mùa mưa bão sắp tới chúng tôi đã có nơi neo đậu yên lành. Trước đây, tàu tôi thường chỉ về tránh bão ở đảo Đá Nam. Âu tàu càng chứng tỏ sự gắn bó sâu đậm giữa ngư dân đánh cá và đảo Trường Sa của Tổ quốc, là chỗ dựa của người dân khi ra khơi làm ăn”. Tình cảm ấy lâu nay đã được vun đắp qua rất nhiều lần ngư dân được chiến sĩ Trường Sa cứu hộ. Mới đây, đảo Song Tử Tây đã cứu hộ hai tàu cá, giúp đỡ 31 ngư dân sống trên đảo 11 ngày, ngoài ra còn hợp đồng cứu hộ an toàn một tàu cá bị mắc cạn. Trước đó, đảo đã cấp cứu cho nhiều lượt ngư dân, đặc biệt là những thợ lặn bị thương do sức ép của nước sâu. Tại xã Song Tử Tây sắp tới sẽ có thêm một xưởng sửa chữa tàu thuyền miễn phí cho người dân, chỉ lấy tiền phụ tùng. Dầu máy cũng được bán cho các tàu với giá như trong đất liền, riêng nước ngọt được cấp miễn phí... |
Hiện có khá đông dân cư đang sinh sống trên các xã và thị trấn của huyện đảo Trường Sa. Các em thiếu nhi được học hành, vui chơi thoải mái như trong đất liền dưới sự hướng dẫn của thầy cô từ trong đất liền ra đảo giảng dạy. Trong chuyến ra thăm huyện đảo Trường Sa tháng 4-2009, phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM Lê Quốc Phong cho biết: “Sắp tới Thành đoàn sẽ bảo trợ cho các em bé sinh ra trên đảo được học hành đến lớp 12. Đồng thời thông qua các hoạt động của tuổi trẻ TP.HCM hướng về Trường Sa, Thành đoàn sẽ hỗ trợ các em thiếu nhi con em cư dân trên đảo học bổng, dụng cụ học tập”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận