14/04/2009 07:30 GMT+7

Bí thư "khoán hộ" - Kỳ 1: Làm ăn như thế đói là phải

VÂN THẢO
VÂN THẢO

Ngày 23-3-2009, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và gia đình cố bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc tổ chức lễ đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh do Đảng và Nhà nước truy tặng. Bộ phim 50 tập Bí thư tỉnh ủy do Đài truyền hình VN thực hiện lấy nguyên mẫu ông Kim Ngọc chuẩn bị bấm máy.

.....................

aQadteCG.jpgPhóng to

Ông Kim Ngọc (trái) thăm ruộng lúa bị bệnh vàng lụi.Người đang báo cáo là ông Ngát - bí thư Huyện ủy Bình Xuyên - Ảnh tư liệu

Thêm vào đó là áp dụng một cơ chế tập trung quan liêu bao cấp đối với hợp tác xã, vì thế chẳng bao lâu những nhược điểm, khuyết điểm của hợp tác hóa dần dần bộc lộ. Nông dân chẳng còn thiết tha với ruộng đồng, sản xuất theo kiểu đối phó, năng suất lúa năm sau tuột hơn năm trước. Nạn đói diễn ra thường xuyên. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng nằm trong hoàn cảnh trên. Điều đó khiến ông Kim Ngọc - bí thư tỉnh ủy - mất ăn mất ngủ.

Vì sao cấy không thẳng hàng?

"Xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng. Phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình"

Ông Kim Ngọc

Ông Kim Ngọc tung cán bộ trong cơ quan tỉnh ủy và yêu cầu các bí thư huyện ủy trực tiếp đến tìm hiểu cụ thể nguyên nhân vì sao hợp tác xã làm ăn sa sút, thu nhập ngày công của xã viên không đủ nấu cháo. Bản thân ông cũng đi đến các hợp tác xã kiểm tra. Ông Nguyễn Thành Tô, thư ký riêng của ông Kim Ngọc, nhớ lại có một lần ông Kim Ngọc đến một hợp tác xã, lúc này bà con đang cấy vụ chiêm. Trời rét căm căm nhưng ông Kim Ngọc không vào trụ sở hợp tác xã mà đi thẳng ra đồng, muốn thấy tận mắt xã viên làm việc như thế nào, sau đó mới vào làm việc với ban quản trị hợp tác xã.

Từ xa nhìn thấy trên một đám ruộng cỏn con mà có đến hơn chục cô gái chen chúc nhau cấy, ông Kim Ngọc hỏi: “Sao các cháu không chia ra các nhóm cấy ở ruộng khác mà túm tụm vào nhau thế này?”. Một cô bảo: “Chúng cháu cấy thế này cho vui, hơn nữa ruộng có bừa kịp cho chúng cháu cấy đâu. Bác xem tổ bừa đang cắm bừa ngồi hút thuốc và nói chuyện vãn kia thì biết”.

Ông Kim Ngọc nhìn theo tay cô gái chỉ: cách chừng vài đám ruộng có đến sáu bảy anh đang cắm bừa giữa ruộng, ngồi trên đường ruộng hút thuốc lào và chuyện trò rôm rả. Nhìn lại đám ruộng các cô gái đang cấy thấy cây lúa xiêu vẹo chẳng ra đường lối, ông bảo: “Tiêu chuẩn kỹ thuật là phải cấy lúa thẳng hàng để dùng cào cỏ cải tiến, các cháu cấy thế này làm sao mà dùng cào cỏ được?”. Một cô bảo: “Đất bừa không kỹ làm sao chúng cháu cấy đúng tiêu chuẩn kỹ thuật hả bác”.

Nghe cô gái nói vậy, ông Kim Ngọc bỏ dép, xắn quần nhảy xuống ruộng. Ông đưa tay quơ qua quơ lại thấy đất lổn nhổn, có cục to gần bằng nửa viên gạch thẻ, ông kêu lên: “Làm ăn như thế này thì chết đói thôi. Thế chủ nhiệm hợp tác và đội trưởng sản xuất không kiểm tra hả?”. Các cô gái nói ít khi thấy chủ nhiệm và đội trưởng sản xuất có mặt ở ruộng. Ông Kim Ngọc bảo cô gái đi tìm chủ nhiệm và đội trưởng sản xuất cho ông. Lát sau chủ nhiệm, phó chủ nhiệm và mấy anh đội trưởng sản xuất tới.

Ông chủ nhiệm xoa xoa hai tay vào nhau: “Bí thư xuống mà không báo cho chúng em biết để đón tiếp, mong bí thư thông cảm”. Ông Kim Ngọc hỏi: “Các anh biết vì sao các cô xã viên cấy cây lúa xiêu vẹo kia không?”. Một anh bảo: “Báo cáo bí thư trời rét quá, tay cóng nên cấy không được thẳng hàng ạ”. Nghe nói vậy ông Kim Ngọc giận dữ thật sự.

Phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình

Ông Kim Ngọc nói như quát: “Xã viên rét cóng tay không cấy được lúa, còn các anh ở nhà đắp chăn ôm vợ phải không? Bây giờ cả mấy anh bỏ giày dép ra nhảy xuống ruộng”. Khi mấy cán bộ nhảy xuống ruộng, ông Kim Ngọc bảo: “Các anh đưa tay khua xem có bao nhiêu đất cục dưới ruộng nhặt hết để lên đường ruộng cho tôi”. Họ răm rắp làm theo, các cô gái nhìn thấy thế tủm tỉm cười.

Sau một hồi, ông Kim Ngọc bảo mấy cán bộ hợp tác: “Bây giờ thì các anh đã biết vì sao cấy không thẳng hàng rồi chứ?”. Họ nói lí nhí: “Biết rồi ạ”. Ông Kim Ngọc hỏi: “Các anh tính sao đây? Nhổ lên bừa kỹ rồi cấy lại hay sao?”. Trong khi họ chưa biết trả lời thế nào thì ông nói tiếp: “Nếu nhổ lên cấy lại thì các anh tự làm lấy chứ không được điều công của xã viên. Tháng nữa tôi xuống kiểm tra mà thấy các đám ruộng lúa còn xiêu vẹo thì đừng có trách”.

Nói xong ông Kim Ngọc đến chỗ nhóm xã viên đang ngồi hút thuốc ở đường ruộng. Chào hỏi xong, ông hỏi: “Trâu ốm, người ốm hay sao mà nghỉ cả loạt thế này?”. Mấy xã viên chưa biết ông Kim Ngọc nên trả lời trống không: “Đói ăn chứ chẳng ốm đau gì cả”. Ông Kim Ngọc nói: “Làm ăn kiểu này đói là phải, các ông còn trách ai”. Một anh nhìn ông Kim Ngọc rồi nói: “Ăn trắng mặc trơn như ông nói thế nào mà chả được. Có giỏi ông nhảy xuống ruộng mà bừa thử xem”. Nghe anh xã viên nói vậy, ông Kim Ngọc bảo: “Tớ nói cho các ông biết tớ từng đi làm tá điền cho địa chủ từ nhỏ, đừng có thách tớ”.

Nói xong ông Kim Ngọc cởi bỏ quần dài, áo khoác đưa cho thư ký Nguyễn Thành Tô cầm rồi nhảy ngay xuống ruộng lấy roi và bừa. Ông vút cây roi vào không khí vun vút, miệng hầy hầy giục trâu, con trâu ngoan ngoãn bước từng sải dài làm nước bắn lên tung tóe. Mấy xã viên ngồi trên bờ ngạc nhiên hỏi ông Tô: “Ông ấy là ai mà bừa giỏi thế?”. Ông Tô bảo: “Ông ấy là bí thư tỉnh ủy đấy”. Họ kêu lên: “Chết mẹ chúng tôi rồi”.

Có lẽ đã lâu mới cầm lại cái bừa nên máu nông dân trong người ông Kim Ngọc trỗi dậy. Ông bừa đến vài chục vòng bừa rồi mới cho trâu nghỉ và bước lên bờ rửa chân mặc lại quần áo. Mấy anh xã viên rối rít xin lỗi. Ông Kim Ngọc chỉ cười rồi ngồi sà xuống hút thuốc lào và hỏi han công việc làm ăn với các xã viên. Những chuyện mắt thấy tai nghe khiến ông trăn trở rất nhiều.

Trên đường trở về, ông hỏi người thư ký riêng: “Này Tô, nông dân chúng ta nổi tiếng cần cù, cậu thử nói cho tớ nghe vì sao họ lại lười biếng và làm ăn cẩu thả như vậy?”. Không cần suy nghĩ, ông Tô đáp luôn: “Chẳng qua là họ không coi ruộng đất của hợp tác là của mình”. Thấy người thư ký nói đúng với suy nghĩ của mình, ông Kim Ngọc vỗ đùi kêu lên: “Đúng, đúng. Xã viên không coi ruộng đất là của họ nên chẳng còn thiết tha gì với đồng ruộng. Phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình ông ạ. Đúng như thế”.

Không ngờ cái ý tưởng ấy đã khiến cuộc đời ông Kim Ngọc sau này chịu bao nỗi lao đao.

___________________

Ra một nghị quyết thay đổi cả một phương thức sản xuất đã trở thành nguyên tắc, điều lệ chẳng khác gì bắn phát đại bác công phá thành trì của chủ nghĩa giáo điều và bảo thủ. Phải táo bạo, dũng cảm lắm mới dám nổ súng. Và người dám làm việc ấy là ông Kim Ngọc.

Kỳ tới: Một quyết định táo bạo

VÂN THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên