19/03/2009 20:12 GMT+7

Hồ sơ vụ thảm sát Duy Trinh - Bài 2: Câu chuyện của hai người sống sót

N.HÒA
N.HÒA

Nghe chúng tôi nhắc đến chuyện cũ đau buồn, khóe mắt ông Kim đã ngân ngấn nước. Buổi sáng kinh hoàng ấy đã biến cậu bé tuổi mười hai thành đứa trẻ mồ côi. Mẹ cậu và hai đứa em của cậu bị chết tan xác ngay dưới hầm. Cha cậu vừa nhảy xuống sông để chạy về phía bên kia cũng bị đám lính Nam Triều Tiên bắn chết, năm ngày sau mới tìm thấy xác.

Hồ sơ Vụ thảm sát Duy Trinh - Bài 1: Buổi sáng tang tóc

aqRGUtvx.jpgPhóng to
Khu mộ tập thể này là căn hầm ngày xưa ông Kim ẩn trốn

Sống năm ngày cùng xác chết

Không giấu được nỗi đau, ông Kim cúi mặt, nghẹn ngào: “Sáng ấy, tôi chưa kịp mở mắt thì mẹ tôi đứng ngoài sân la lớn bảo chạy trốn. Giặc đã về đầu làng Đông Yên. Mẹ tôi đưa tôi và hai đứa em chạy qua trốn ở hầm ông ngoại. Căn hầm nhà ông ngoại tôi rất kiên cố nên mọi người tập trung lánh nạn rất đông”.

41 năm sau buổi sáng hãi hùng ấy, ông Kim bảo rằng ông không cho phép mình quên bất kỳ một hình ảnh nào: “Bọn lính Nam Triều Tiên tới. Chúng gí súng vào cổ, thúc mạnh cẳng chân vào lưng tôi đẩy lên miệng hầm. Tất cả mọi người, kể cả phụ nữ có thai lẫn trẻ con đều sắp hàng thẳng đứng. Chúng lục tung tất cả áo quần để kiểm tra. Sau một hồi lục lọi không phát hiện ra thứ gì, một tên lính ngoắc tay ra hiệu cho chúng tôi chạy xuống hầm trở lại. Chúng tôi vừa quay mặt ngược lui, chuẩn bị chạy xuống, chúng liền xả súng theo. Một phụ nữ bên xã Điện Trung (huyện Điện Bàn) về đây lánh nạn và hai đứa con chết ngay tại chỗ. Liền sau đó, chúng giật kíp lựu đạn ném xuống hầm. Cứ bắn một phát chúng ném một quả”.

Ông Kim đau đớn nói rằng hôm ấy lính Nam Triều Tiên muốn giết sạch cả làng. Nó muốn phá tan tất cả và không cho một ai sống sót. “Mọi người trong hầm chết sạch. Đứa em tôi bị gãy hai chân nằm trên tay mẹ đau đớn khóc. Tôi run rẩy ôm đứa em qua miệng hầm phía bên kia. Nghe tiếng la khóc của em tôi, nó lại ném tiếp một quả lựu đạn vào phía miệng hầm chỗ tôi đứng. Tôi ngã ngửa vào hầm góc chữ A. Lúc tỉnh dậy thì không thấy đứa em đâu. Cả hầm toàn máu và xác người nằm la liệt” - ông Kim khóc rưng rức.

Khi bò sang hầm bên kia Kim thấy mọi người đã chết hết. Một lát sau lính Nam Triều Tiên quay trở lại. Chúng chui xuống hầm chỗ ông ẩn náu. Mấy thằng lấy đèn pin soi có ai còn sống không để tiếp tục giết. Khi nghe bọn lính đến, ông nằm xuống bên mấy xác chết, nín thở giả chết. Bọn lính soi và thấy người Kim bị thương, lại có vết máu tưởng đã chết nên bỏ đi. Không dám bò ra khỏi hầm, suốt thời gian từ đó cho đến khi bộ đội về làng cứu ra, Kim nhịn đói nằm bên đống xác chết la liệt.

hHB9FCux.jpgPhóng to
Bao năm lang bạt khắp xứ, ông Kim trở về làm thợ sửa ống nước

Tan tác tuổi thơ

Vụ thảm sát đã cướp đi sinh mệnh bà nội, đứa em nhỏ và người mẹ đang mang thai của Đoàn Ngọc Kim. Sau ngày thảm sát không còn ai bấu víu, ông về ở với ông nội. Tuổi thơ Kim là những ngày đi chẻ củi, gánh nước thuê, ở đợ bồng em khắp nơi từ ngoài Huế vào tận trong Ninh Thuận. Kim bồi hồi kể: “Năm ấy gia đình tôi bị giết gần hết. Không còn ai, đói quá nên nghe ai “dắt mối” có gia đình nào cần người ở đợ là tôi tìm đến. Gần 15 năm đi khắp các vùng quê từ Huế đến Ninh Thuận”.

Sau ngày giải phóng, Kim xin vào quân ngũ, chiến đấu tại chiến trường K. Giải ngũ, quay về quê nhưng không biết làm gì để sống. Ông tiếp tục tiếp lang bang, rồi lấy vợ, sinh con và sống bằng nghề “thợ đụng” từ đó đến nay tại Đà Nẵng.

Trong căn nhà cấp bốn tại quận Sơn Trà, ông Kim vừa nhớ lại câu chuyện vừa vuốt nước mắt không nguôi. Quãng đời cơ cực của ông bắt nguồn từ tội ác không thể nào dung thứ của đám lính Nam Triều Tiên trong buổi sáng kinh hoàng hôm ấy. Nó vận vào đời ông, giằng xé từng buồng gan thớ thịt và sẽ còn mãi ám ảnh ông đến lúc chết.

Không có nấm mồ riêng

Số phận của anh Đoàn Đức cũng chẳng khá hơn. Mồ côi mẹ, anh sống một mình với cha. Được ít lâu, cha có vợ kế và Đức về ở với bà này tuốt ở dưới vùng biển Duy Vinh. Hai năm sau, cha Đức qua đời vì bạo bệnh, cậu bắt đầu cuộc đời cay nghiệt. Tuổi mới lên mười nhưng Đức đã ngày hai bận ra đồng cày cuốc để kiếm miếng ăn. Sống được thời gian với mẹ kế, rồi lang bạt khắp vùng làm thuê vẫn không đủ sống.

Đầu năm 1990, trên con đường lang bạt Đức quay về tìm mộ mẹ mình. Trước mắt Đức, cái hầm ngày xưa giờ đã được xây dựng thành cái mồ tập thể. Dân làng bảo với Đức rằng hôm đó do xác của mẹ Đức và mọi người tan từng mảnh, sau nhiều ngày đã phát hủy nên người ta không gom lại được. Họ đành lấp miệng hầm un lên gò đất làm cái mộ tập thể.

Năm 1992, anh dắt vợ từ Duy Vinh trở về quê hương Duy Trinh sinh sống. Dòng họ anh từ sau vụ thảm sát coi như chỉ còn độc một mình anh. Hai vợ chồng, ba đứa con được cấp bốn sào ruộng. Anh tiếp tục sống quãng đời lầm lũi trên mảnh đất ngày xưa, gần cái hầm của bà nội anh mà nay trở thành mồ chôn tập thể.

Mới đây, UBND xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên đã đầu tư kinh phí dựng lên một tấm bia ở giữa ba miệng hầm thảm sát. Ông Lưu Công Cả - Chủ tịch UBND xã Duy Trinh đưa chúng tôi đi thắp hương những ngôi mộ tập thể. Ông nói: “Chiến tranh đã lùi xa, quá khứ rồi cũng sẽ khép lại nhưng người dân Duy Trinh không bao giờ quên những hành vi vô nhân tính nhằm vào những người dân vô tội trên đất này!”.

Câu chuyện về cuộc đời của ông Kim, ông Đức chỉ là một trong muôn ngàn câu chuyện đau thương của đất nước này, dân tộc này do tội ác chiến tranh. Hơn 30 năm trôi qua từ ngày im tiếng súng nhưng ở đây, chiến tranh chưa tan trong lòng người. Khói hương tưởng nhớ những nạn nhân vô tội vẫn tỏa trên mỗi bàn thờ.

Những con người hồn hậu, bao dung hôm nay và con cháu họ sẵn sàng khép lại quá khứ, không đong đếm hận thù. Nhưng đau thương mất mát thì không thể quên. Bởi nó nhắc nhớ mỗi người dân về cái giá của hòa bình.

Trở lại và hàn gắn

Nhiều năm nay, hàng năm có nhiều thanh niên Hàn Quốc trở về Duy Xuyên trong chương trình thanh niên hòa bình Việt-Hàn với mục đích khép lại quá khứ, hướng đến tương lai. Họ gặp lại những nhân chứng, mắt thấy tai nghe những đau thương mà thế hệ đi trước họ đã gây ra trên mảnh đất này. Nhiều người đã khóc và không cắt nghĩa được vì sao con người ta có thể đối xử với đồng loại mình như thế, có thể gây đau thương cho một dân tộc khác như thế.

E9ggsBeE.jpgPhóng to
Bia tưởng niệm do một nhóm tình nguyện viên Hàn Quốc xây dựng

Những hoạt động gặp gỡ cùng với những đóng góp thiết thực thông qua tổ chức Nawauri (một tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc) như xây dựng trường học, làm đường cùng những người dân địa phương, mọi người có thể thấy những người Hàn Quốc hôm nay đang nỗ lực hàn gắn những vết thương trên mảnh đất này, cũng là vết thương trong lòng họ.

N.HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên