Phóng to |
Phụ nữ Mã Liềng đã biết trồng lúa nước |
Từ thị trấn Hương Khê, một huyện miền núi xa xôi của Hà Tĩnh, chúng tôi vào bản Rào Tre (xã Hương Liên) heo hút giữa đại ngàn Trường Sơn. Con đường vào bản không còn ngăn cách bởi nước thượng nguồn sông Ngàn Sâu cuồn cuộn chảy, bộ đội biên phòng đã làm đường bê tông, bắc cầu. Đứng trên đỉnh đèo Mù Xông, 130 nóc nhà của người Mã Liềng như bãi nấm mọc lô nhô hiện dần...
Ngược về quá khứ
Phóng to |
Ông Hồ Lon đang ngồi nhìn ra đường, thấy bản mình đã đổi thay |
Lên đến bản Rào Tre khi sương mù lãng đãng tan dần trên ngọn núi, nhưng trời vẫn se lạnh. Đàn ông ở đây dậy rất sớm đi làm, để lại bản quạnh hiu. Ở ngôi nhà đầu bản, ông Hồ Lon ngồi một mình, ngậm điếu thuốc rê to bằng ngón tay cái rít phì phèo. Chúng tôi đoán ông đã ngoài tuổi thất thập, còn ông thì chỉ lắc đầu. Tuổi tác đối với người già ở bản này hầu như không ai biết.
Tiếng chim hót ríu rít trên ngọn núi Ka Đay vọng xuống. Nhìn ra cánh đồng lúa, chúng tôi được nghe ông Hồ Lon kể về một thời sống trong rừng sâu, sống bằng củ nu, củ ráy... Ông chỉ nhớ hốc đá ẩm ướt, con suối chảy róc rách, ban đêm tiếng thú dữ gầm rú. Chỉ tay về phía ngọn núi Ka Đay, ông nói: "Hãy vượt qua ngọn núi này, đến ngọn núi kia, qua ngọn núi nữa… là đến". Phía đó là tây nam Hà Tĩnh, giáp Quảng Bình, dọc biên giới Việt - Lào, thuộc địa phận hai tỉnh Hà Tĩnh, nơi sinh sống, lưu giữ những dấu vết và ký ức của người Chứt, tổ tiên ông. "Ngày xưa mình sinh ra, người Mã Liềng của mình có đông như ngày nay đâu". "Ngày xưa" mà ông Hồ Lon nói chỉ cách nay có sáu bảy chục năm...
“Dấu ấn của rừng"
Phóng to |
Trẻ em Mã Liềng không còn thiếu mặc |
Có lẽ khắc sâu mãi trong mỗi người phụ nữ Mã Liềng là chuyện sinh nở mà họ gọi là dấu ấn của rừng còn sót lại. Từ khi nặng mang cho đến ngày trở dạ, phụ nữ Mã Liềng chỉ có thân cô giữa rừng hoang cô quạnh. Cụ Hồ Thị Chơ, 80 tuổi, vẫn còn nhớ bảy lần sinh đẻ bên khe suối: "Đàn ông dựng một cái chòi tạm bợ, lợp lá tranh và dắt vợ mình ra đó, không một lần lai vãng tới...".
Cái chòi luôn nằm tận bờ suồi, để khi nào sinh xong, người vợ tự lấy lá cây múc nước tắm cho đứa trẻ. Người Mã Liềng xem đứa trẻ sinh ra chỉ có mẹ ở bên. Họ nói con hươu, con nai sinh ra đã tự đi được. Đứa trẻ Mã Liềng sinh ra cũng phải làm được như thế, sau này mới khuất phục được thần núi, thần sông…
Với quan niệm đó, Hồ Lon đã chứng kiến không biết bao trẻ sơ sinh bị chôn vùi bên bờ suối, trong đó có em trai của ông. Sau trận mưa giông, cha của Hồ Lon không nghe tiếng trẻ khóc ngoài rừng, đã chạy ra quá muộn, chỉ cứu được mẹ Hồ Lon...
Nay định cư ở chân núi Ka Đay, gần trạm xá Hương Liên, đàn ông Mã Liềng đã biết đưa vợ mình tới nhà hộ sinh. Nhưng khi về nhà, họ vẫn theo quan niệm của "núi rừng", làm chòi ngoài nương cho vợ con ở, khi nào được đầy tháng mới cho vào.
Những bước chân vượt núi…
Phóng to |
Người Mã Liềng đã không còn sợ "con ma" khi đi khám chữa bệnh |
Bóng trưa đã đứng trên ngọn núi Ka Đay, trưởng bản Hồ Kính lỉnh kỉnh gánh bó củi đi về. Người biết chữ đầu tiên của người Mã Liềng nói tiếng Kinh rất sõi: "Nhờ bộ đội cắm bản mà người Mã Liềng biết cái chữ, có hạt gạo trắng ăn, không còn vào rừng nữa…".
Bây giờ, người Mã Liềng đã không còn lo con ma rừng (sốt rét) nó quấy. Thuốc của các chú lính quân hàm xanh đã xua nó lâu rồi, người ở bản chỉ có việc lo làm ăn. Cả 130 hộ đã biết làm ruộng nước, biết lo cho con cháu mình học tập. Người Mã Liềng tự hào vì bản đã có hai đảng viên, hai sinh viên trường Đại học Nghệ thuật Quân đội.
Phóng to |
Chị Hồ Thị Tâm và chị Hồ Thị Mơ ngồi xem tivi |
Cuộc sống ở bản Rào Tre hôm nay thật tươi trẻ, con gái lớn lên rủ nhau xuống đồng làm cỏ lúa, người con trai cũng kéo nhau đi tìm việc làm. Cái bếp đã ấm cúng hơn khi nhà nào cũng có bắp treo, gạo đầy trong ché. Đêm giữa đại ngàn Trường Sơn lạnh buốt, mờ sáng bản Rào Tre đã rộn rã tiếng í ới nô đùa của lũ trẻ dắt tay nhau đi học.
Lớp mầm non của cô Nguyễn Thị Hương vẫn dạy hai buổi. Cô Hương nhận xét: học sinh ở đây rất chăm đến lớp, đứa trẻ nào cũng ham học. Hiện tại có 13 em người Mã Liềng đang theo học bán trú ở thị trấn Hương Khê, tháng về một lần.
Phóng to |
Nay được học chữ của cô Hương, những đứa trẻ Mã Liềng sẽ sau này là người thực hiện giấc mơ vượt núi |
Trước năm 2000, không có một người Mã Liềng biết chữ, nói tiếng Kinh câu được câu mất. Nhờ có bộ đội biên phòng dạy, đến nay đã hơn một nửa người dân Mã Liềng biết chữ. Hồ Kính thốt lên: "Cái chữ của người Kinh hay thật, nó ghi lại được tên mình, tuổi mình. Từ nay, người của bản biết năm sinh tháng đẻ, con cháu người Mã Liềng có thể suy nghĩ xa hơn ngọn núi Ka Đay rồi…".
Cuộc tìm kiếm trong rừng
Ông Hiến nhớ lại: "Hồi ấy, lần theo dấu vết lối mòn, những cành cây khô héo, những lát cây vừa chặt…, đoàn chúng tôi thấy 9 túp lều lợp bằng lá nón, thấp lè tè bên bờ suối. Phải khuyên những người già nhất mới thuyết phục được tộc người Mã Liềng đồng ý theo chúng tôi ra khỏi rừng sâu, về chân núi Ka Đay định cư. Chúng tôi hứa dựng nhà sàn, chia gạo muối cho họ...". Đưa người Mã Liềng ra khỏi rừng sâu là việc khó, giữ được chân người Mã Liềng sống dưới chân núi Ka Đay lại càng khó hơn. Ông Hiến đã ba lần đưa người Mã Liềng ra khỏi rừng thì ba lần họ bỏ bản, bỏ nương. “Hồi đó điều kiện quá khó khăn, mình chưa lo được cho họ cuộc sống ổn định, du canh từ đời này qua đời khác nên mỗi lần ra định cư dưới chân núi Ka Đay, họ lại quay lại rừng sâu”, ông Hiến cho hay. Cuộc tìm kiếm người Mã Liềng trong rừng sâu của ông Hiến đến năm 2001 mới chấm dứt. Bộ đội vào cắm bản để thực hiện ba cùng với người Mã Liềng; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, điện đường, trường trạm được làm. Người Mã Liềng bắt đầu có cuộc sống no ấm dưới chân núi Ka Đay... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận