1. Chiều, Hội giục bố nấu cơm sớm để tối còn chờ xem mẹ Hương giao lưu “Những trái tim đồng cảm” với các bệnh nhân AIDS trên VTV3. Nhà thiếu chút gia vị, Hội xăng xái xung phong đi mua. Từ mấy tháng nay, Hội rất tự hào vì mình đã có thể tự bước đi theo nhu cầu của mình sau hơn 4 năm chỉ có bò và lết.
Hơn một năm nay, chăm chỉ tập luyện, luôn miệng cười từ khi có việc làm ở ngoisaoblog.com, được bao người từ khắp nơi động viên, thăm hỏi, Hội như uống được thuốc tiên: hai chân cậu vững hẳn, dần dần đã đỡ được thân người, đo chiều cao, lại lên được tới mười mấy centimet. “Đúng chuẩn tuổi dậy thì, ura…”, Hội hét to lên như thế và lập tức bắt tay làm lại giấc mơ đến trường đã 4 năm gián đoạn từ khi Hội bị gãy xương đùi trước ngày thi tốt nghiệp THCS một tháng. Hội đăng ký thi bảo lưu trình độ ở Sở giáo dục, rồi xăng xái mua sách giáo khoa lớp 9, may ngay bộ quần áo đồng phục, tối tối hai mẹ con lại cắp sách đến trường.
“Bệnh xương thủy tinh, mày sắp thua mẹ con tao rồi nhé…”, lúc nào Hội cũng lẩm bẩm như thế trên từng bước chân, kể cả lúc này, khi hăng hái giúp bố hoàn thành bữa cơm đợi xem mẹ lên tivi. Ngày mai xong việc là mẹ về, hôm sau nữa thì cả nhà sẽ làm sinh nhật lần thứ 18 của Hội thật tưng bừng. Tuổi 18 rất quan trọng với tất cả mọi người, với Hội lại càng quan trọng. Ông bác sĩ người Pháp ngày xưa chả đã bảo: hiếm có trẻ nào mắc chứng xương thủy tinh sống được qua tuổi thành niên là gì. “Bệnh xương thủy tinh, có ta đây”, Hội và mẹ Thu Hương sẽ viết như thế lên blog vào ngày sinh nhật thứ 18, hai ngày nữa.
Bỗng… Tất cả tối sầm trước mắt, Hội sụm xuống mặt đường… Qua một giây bàng hoàng, Hội biết rằng cái biến cố rất quen thuộc với mình đã trở lại: gãy xương. Lần thứ 28.
Phóng to |
Đỗ Minh Hội vẫn miệt mài bên máy vi tính với vai trò admin trang Ngôi sao blog, cho dù em lại vừa gãy xương, lần thứ 28 - Ảnh: P.Vũ |
Tiếng một bà hàng xóm la thất thanh “Hội… Thằng Hội té”. Bố Tân xanh mặt chạy ra, em Khoa khóc lạc giọng, luôn miệng gọi mẹ ơi. Ừ, đây là lần đầu mẹ Hương rời xa Hội hơn một ngày, lần đầu mẹ quay về Bắc sau 20 năm theo chồng vào Nam. Hội khi ấy còn chưa biết đau, trừng mắt quát em “Không được khóc. Cấm không được điện thoại cho mẹ”.
Xương đùi gãy ngay vết nứt cũ, chạy xa ra khỏi khớp hông. Lần thứ 28 màu bột trắng mà mẹ Hương rất ghét quay trở lại với Hội. Bó bột xong, chưa tỉnh thuốc mê Hội đã đòi về nhà, quyết thu bằng được chương trình của mẹ để đưa lên trang Ngôi sao blog. Việc tiếp theo là dọn máy vi tính vào bên cạnh giường. Nửa thân người bất động, nhưng mắt Hội vẫn dán vào màn hình, bàn tay vẫn lướt bàn phím như bay, việc điều hành mạng vẫn không hề gián đoạn…
“Tháo bột, lại đi được ngay ấy mà”, Hội trấn an những người đến thăm. Trên blog xuongthuytinh, Hội đã từng thông báo cho cả thế giới biết chuyện những con mèo nhà mình thì nay không thấy dòng nào viết về tai nạn mới xảy ra. Nhưng mọi người cũng biết, hàng trăm lời cầu chúc đổ về, mẹ Hương và Hội bảo chỉ nhận những lời có kèm theo nụ cười thôi.
2. Hôm trao giải cuộc thi Chuyện đời tự kể lần thứ 2 (2-11), nhiều người thật vui mừng khi gặp lại cô Đoan Chính, người đã làm rộn ràng buổi trao giải cuộc thi năm trước bằng câu chuyện “hát cho ung thư bay đi” kỳ diệu của mình. Một năm gặp lại, cô gầy đi nhiều nhưng nụ cười vẫn tươi, mắt vẫn trong, những câu chuyện vẫn rộn rã. Chẳng ngờ chỉ vài tuần sau, chúng tôi lại nhận được tin từ gia đình cô: bệnh cô đã trở nặng, phải nhập viện. Đến bệnh viện Bình Dân, hỏi bất kỳ ai, từ y tá đến hộ lý, từ bệnh nhân cũ đến bệnh nhân mới, ai cũng thông thạo chỉ dẫn: Cô Đoan Chính à? Đi hết hành lang, rẽ trái.
Phóng to |
Cô Đoan Chính, bìa trái, trong buổi trao giải Chuyện đời tự kể lần thứ 2 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ ngày 2-11. Khi đó, bệnh cô đã lại trở nặng - Ảnh: Thanh Đạm |
Gặp cô đang thiêm thiếp sau cơn đau, cô lại cười: “Ừ, cô đau lại cũng lâu rồi, nhưng vẫn cố chịu được đến hôm nay, sốt cao, chân phù lên như chân voi mới vào viện. Khối u đã lấn hết gan, hết lá lách, bụng cô thành ra như có thai bảy tháng. Hôm đến Tuổi Trẻ, cô phải tìm cái áo rộng để mặc cho mọi người khỏi thấy…”.
Và lại miên man những câu chuyện về các bệnh nhân mà cô đã hàng tuần đến bên giường thăm hỏi, động viên, tư vấn cách sử dụng túi đựng chất thải đeo bên người trong suốt 5 năm chiến đấu với bệnh ung thư. Những người bệnh đã mỉm cười, đã cất lên tiếng hát "cho ung thư bay đi" sau khi gặp cô. Những người bệnh mà cái nắm tay cảm ơn và ánh mắt tin tưởng, chờ đợi của họ đã khiến cô "quên mất cả căn bệnh của chính mình". Và cô lại cười: “Bệnh này đâu hết được, đi được tới đây cũng là quí lắm rồi. Thuốc đã hết tác dụng, quan trọng là niềm vui. Mấy năm qua tôi đã quên cả bệnh tật, giờ đổ bệnh thì có niềm vui giữ cho mình sống…”.
Nằm viện vài ngày cô lại về nhà, thiếp ngủ trong những liều thuốc giảm đau. Cô đã không còn sức để “hát cho ung thư bay đi” nữa, nhưng căn bệnh ấy đã không thể lấy đi mất của cô nụ cười…
3. Những nhân vật của chúng tôi đã dạy cho tôi thật nhiều bằng chính cuộc sống của mình. Chị Thu Hương, mẹ của Hội bảo “Chuyện nhân định thắng thiên” thật ra rất khó, nhưng chúng ta không bó tay, chúng ta vui cười dù định mệnh bắt mình phải khóc, đấy là chiến thắng. Những ngày này, chị viết bên giường Hội “Nào ta cùng hát ca lên/ Ơ kìa sợi nắng bên rèm ngó con…”. Cô Đoan Chính thì dùng tất cả những giây phút tỉnh táo để ngắm đứa cháu nội mới 15 tháng, và trả lời những cuộc điện thọai thăm hỏi của bệnh nhân “Ừ, tôi mệt, nhưng không sao…”.
Thăm họ những ngày này, thật thấm thía về con đường chúng ta đi, có đường thẳng và khúc quanh, có bằng phẳng và gập ghềnh, có núi cao và sông sâu, có đồng cỏ xanh mát và rừng hoang bí hiểm, có hoa thơm trái ngọt, có cả thú dữ, cây độc… Và chúng ta vẫn cứ đi, cứ tận hưởng hạnh phúc và gieo những niềm vui, không sợ hãi, không dừng lại, vì đó là con đường, vì đó là cuộc đời.
Cuộc thi Chuyện đời tự kể là một trong những hoa trái họ đã hái và trên đường đi của mình, lại tiếp tục gieo hạt để đời tiếp tục nở hoa…
Bài 1:Chắp cánh ước mơ từ bãi rácBài 2:“Sư phụ bong bóng lên trời”Bài 3: Ra khỏi địa ngụcBài cuối: Chuyện sung sướng ở Đông Thạnh
...........................................
Chia sẻ của bạn đọc
* Câu chuyện của bé Hội và cô Đoan Chính khiến cho người đọc không khỏi ngậm ngùi. Một đứa bé từ lúc bước vào đời đã được xác định không vượt quá tuổi thành niên. Một người cả cuộc đời đã phấn đấu làm việc và mong được hưởng những ngày hưu trí một cách thanh thản lại phải gánh căn bệnh nan y. Đáng lẽ cả hai phải buồn khổ và buông xuôi tất cả, nhưng bé Hội và cô Đoàn Chính đã chọn cho mình những hướng đi tích cực hơn, không biến mình thành gánh nặng của gia đình, hay xã hội.
Ngược lại cả hai đều dành những sức lực mà bản thân có được để làm tất cả những gì có ích lợi cho mọi người. Chúc cả hai đều khỏe mạnh lại trong những ngày cuối năm. Xin hãy vui lên vì những lời tự kể của Hội hay những việc làm không mệt mỏi của cô Đoan Chính sẽ là những vì sao sáng trên trời chiếu rọi vào những góc tối cuộc đời của những người bất hạnh hay đang có đầy may mắn. Để rồi sẽ không còn những lời than thân trách phận, mà chỉ có những ánh sáng của những vì sao cùng chiếu rọi xuống trần gian.
* Đọc những bài viết ở chuyên mục Chuyện đời tự kể, cụ thể là bài "Con sẽ sống, mẹ ơi" và "Để lòng tôi thanh thản hơn', tôi xin ngả mũ kính phục hai nhân vật đã vượt qua được sự bi quan, chán nản thường gặp ở những người mắc bệnh hiểm nghèo. Họ đã sống, đã lạc quan và có niềm tin sắt đá vào tương lai, mọi khó khăn do bệnh tật mang lại dường như không có nghĩa gì cả. Họ là những tấm gương đáng được tôn vinh. Trong cuộc sống công nghiệp xô bồ đầy rẫy những trắc trở, mỗi khi nghĩ đến họ cũng đủ làm cho mỗi con người chúng ta như có thêm nghị lực, thêm ý chí để phấn đấu vươn lên, góp một phần công sức nhỏ bé của mình xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
Cảm ơn Tuổi Trẻ đã có một chuyên mục hết sức ý nghĩa, đã giáo dục, gợi mở cho tôi, đã làm tôi cảm thấy có trách nhiệm hơn trong cuộc sống. Mỗi khi gặp trắc trở,khó khăn, tôi đã biết tự động viên mình vượt qua, hoàn thành được nhiều dự định. Có lẽ một phần là do các nhân vật trong bài viết trên mang lại.
* Thật sự bạn Hội và cô Đoan Chính đã khiến tôi phải suy nghĩ nhiều. Tuy mang trong người những căn bệnh hiểm nghèo nhưng điều mà họ mang lại cho cuộc đời không phải là sự bi quan, những lời than thân trách phận mà là những sự chia sẻ. Chính họ là người mang lại niềm vui, sự lạc quan,tin tưởng cho những người xung quanh.
Còn tôi là một người hoàn toàn khoẻ mạnh, có thể làm được nhiều điều cho xã hội nhưng đến bây giờ những gì tôi làm có thể dừng lại ở con số không mà thôi. Trong tôi có nhiều ước mơ, và việc chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh cũng nằm trong số đó. Nhiều lúc tôi đã nghĩ chỉ có vật chất mới giúp đỡ được người khác, nhưng tôi lại sinh ra trong một gia đình khó khăn thì dù có muốn cũng không làm được gì đâu.
Bây giờ tôi đã nhận ra một điều: không có khả năng mang lại vật chất thì tôi có thể đem đến những người xung quanh tình người ấm áp bằng chính những việc làm như Hội và cô Đoan Chính đã làm, quên đi bản thân mình để mang lại niềm tin cho những người xung quanh.
Xin cám ơn Hội và cô đã cho con thấy mình có thể làm nhiều điều cho xã hội. Xin chúc cả hai sẽ có đủ sức lực để làm tiếp những điều mình muốn. Hy vọng ánh sáng từ hai cuộc sống ấy mãi không bao giờ tắt.
* Tôi đã khóc, lần này nữa chẳng biết là lần thứ mấy mỗi khi đọc câu chuyện về cậu bé Hội và mẹ em, chị Hương. Cuộc đời này có biết bao câu chuyện khiến cho ta phải xót xa, thương cảm nhưng có lẽ, chưa câu chuyện nào lại gây cho tôi nhiều cảm xúc đến thế. Theo "Hành trình xương thủy tinh", tôi thấy thật sự cảm phục cho người mẹ, bắng tình yêu thương con vô bờ bến của mình, bằng nghị lực không thể tưởng tượng được đã cùng với đứa con trai chống chọi với bệnh tật.
Tôi cũng là một người mẹ, cũng có con trai nhỏ. Mỗi lần cháu bị bệnh, dù chỉ là bệnh lặt vặt như nóng sốt, cảm mạo, ngồi bên giường canh và lau mát cho con, lòng tôi cũng đầy bão dông. Những lúc ấy, chỉ cầu mong cho mình có thể gánh được bệnh tật của con. Vậy nên, tận sâu thẳm lòng mình, tôi cảm nhận được cảm giác đau đớn của chị Hương mỗi khi chứng kiến cảnh bé Hội bị gãy xương.
Chẳng có người mẹ nào lại có thể chịu đựng nỗi khi biết con mình có thể sẽ chỉ sống được đôi ba năm, một thời gian sống đã được dự báo trước. Vậy mà chị Hương không chỉ cho bé Hội sống (dĩ nhiên, điều này thì người mẹ nào - với bản năng của mình - sẽ dùng hết mọi cách để thực hiện), điều quan trọng hơn là người mẹ trẻ ấy đã truyền cho con mình một nghị lực tuyệt vời để hy vọng và để tin yêu cuộc đời.
Với hành trình xương thủy tinh, đôi lúc tôi không còn nhận ra đó là chị Hương, một người phụ nữ bình thường, có một cuộc sống bình thường và đang gặp bất hạnh. Tôi nghĩ, nếu có một tượng đài cho tình yêu thương con của người mẹ, chị Hương xứng đáng là một tượng đài như vậy. Và bé Hội à, em thật sự may mắn, phải nói là cực kỳ may mắn khi có được người mẹ tuyệt vời như thế. và ông trời, ông thật công bằng. Ông đã lấy đi của cậu bé ấy nhiều thứ, nhất là sức khỏe, nhưng ông lại ban cho cậu điều tuyệt vời hơn tất cả, đó là một người mẹ. Người mẹ ấy đã hy sinh mọi thứ, đã làm mọi điều - chỉ để cho con mình được sống.
Mới vừa đọc tin trên báo Tuổi Trẻ, thấy Hội lại bị gãy xương, lần thứ 28, lòng tôi quặn đau. Vẫn biết Hội và mẹ Hương chỉ nhận những chia sẻ với nụ cười tươi và một tinh thần lạc quan bất tận nhưng vẫn xót xa khi lại thêm một lần mẹ con Hội phải vật lộn với những lớp băng trắng xóa. Chị Hương à, mong chị hãy tin rằng, ở đâu đó giữa cuộc đời này, sẽ có rất nhiều người, có thể chị chẳng biết họ đâu nhưng họ vẫn cầu mong cho chị và bé Hội của chị thật nhiều may mắn, thật nhiều niềm vui.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận