14/10/2008 06:10 GMT+7

Không sợ cực, chỉ sợ lãng quên!

LÊ ĐỨC DỤC - VŨ TOÀN
LÊ ĐỨC DỤC - VŨ TOÀN

TT - Tin tập thể 14 chiến sĩ TNXP của đại đội 317 - Tổng đội TNXP Nghệ An - được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân kỷ niệm 40 năm ngày các anh chị hi sinh tại Truông Bồn đã bay nhanh khắp vùng Đô Lương, Yên Thành. Đó là sự tưởng niệm và vinh danh xứng đáng của đất nước với những người con đất Nghệ An. Truông Bồn không còn là câu chuyện của riêng 13 liệt sĩ TNXP đại đội 317 nữa.

Kỳ cuối:

MteX0f8A.jpgPhóng to
Bà Phạm Thị Thuần, cựu TNXP Truông Bồn, giờ vẫn còn vất vả với cuộc sống mỗi ngày, nhưng “nằm giường gãy vẫn ngủ ngon” vì không còn nghe tiếng bom như xưa nữa- Ảnh: L.Đ.D.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Kỳ 1: 13 người tan vào đất đá Kỳ 2: “Em không về, vắng một cuộc đưa dâu” Kỳ 3: Người ở lại làm nhân chứng Kỳ 4: Lặng thầm như đất

Nỗi niềm đồng đội

Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Tâm Cớn, một cựu TNXP của đại đội 317, nay là chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Yên Thành. Những năm tháng ở Truông Bồn ông Cớn là tổ trưởng tổ phá bom của đại đội 317. Không hiểu sao thời đó tên Nguyễn Tâm Cớn của ông được anh em thay chữ đệm bằng chữ “Bích” - Nguyễn Bích Cớn! “Tổ phá bom Nguyễn Bích Cớn” lừng danh tuyến đường 15A, vang tên trên khắp các báo, đài trung ương. Hôm xảy ra trận bom 31-10 ấy, khi máy bay ngớt oanh tạc, chính ông Cớn và đồng đội trong tổ đã lao vào rà phá bom từ trường để đảm bảo an toàn cho đơn vị, sau đó đào bới tìm kiếm thi thể mọi người.

Hòa bình, ông Cớn mang mẫu số chung gian khó của hầu hết cựu TNXP trở về. Trong căn nhà nhỏ và ẩm tối ở xã Liên Thành, ông Cớn lật cuốn sổ tay của mình. 127 chiến sĩ của đại đội 317 ngày ấy nay chỉ còn 70 người. Mỗi cựu đội viên đều được ông ghi chi tiết hoàn cảnh gia đình, nơi cư trú. Dường như đã đi qua những năm tháng khốc liệt, chịu đựng quá nhiều thử thách của chiến tranh nên cũng như chị Thông, ông Cớn luôn xem mỗi ngày bình yên, không đạn không bom, được thanh thản đi thăm bạn bè đã là hạnh phúc.

Còn bữa cơm nghèo mỗi ngày hay căn nhà ọp ẹp với ông không là điều gì khó nhọc. Như rất nhiều đồng đội cựu TNXP khác khắp Yên Thành mà ông đưa chúng tôi đến thăm, ký ức chiến tranh khốc liệt quá, bi tráng quá nên khi bước ra từ hôm qua, họ đã nhìn những khó khăn hôm nay không còn là khó khăn nữa.

Truông Bồn là Truông “hồn”

Sau khi loạt bài về Truông Bồn đăng trên Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Thanh, một cựu TNXP của đại đội 317 hiện sống ở đường Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Tân Bình (TP.HCM), đã liên lạc với Tuổi Trẻ. Những mạch ký ức của bà đã chắp nối thêm về ký ức oanh liệt và bi tráng của Truông Bồn. Đi qua chiến tranh, xuất ngũ, bà được đi học Trường trung cấp Lao động - tiền lương rồi tham gia công tác ở nhiều đơn vị.

Bây giờ ở tuổi 61, con cái đã trưởng thành, Truông Bồn vẫn là nỗi thao thức trong bà suốt mấy chục năm nay. Bà Thanh cho biết cuối tháng mười này anh chị em cựu TNXP của đại đội 317 sẽ họp mặt, bà sẽ về lại Truông Bồn dâng hương cho đồng đội. Giọng chị nghẹn ngào: “Truông Bồn chính là Truông “hồn”. Những linh hồn của đồng đội tôi vẫn còn in dấu ở đó! Biết bây giờ được phong anh hùng ai cũng mừng, nhưng với tôi ngoài niềm vui vẫn thấy day dứt! 40 năm mới phong anh hùng. Các liệt sĩ chẳng mấy ai còn được bố mẹ đang sống để nhận lấy vinh dự này của con cái mình!”.

Ông Cớn đưa chúng tôi về Sơn Thành thăm ông Nguyễn Xuân Thỏa, nguyên đại đội trưởng 317 TNXP, nhưng ông Thỏa đã về bệnh viện ở Vinh. Ghé sang Vĩnh Thành thăm bà Phạm Thị Thuần, cũng là cựu TNXP của Truông Bồn, rồi bà Nguyễn Thị Hương ở Lăng Thành, ông Nguyễn Văn Tải ở Thọ Thành...

Nỗi niềm đau đáu nhất bây giờ của họ không là những khó khăn mưu sinh thường nhật mà là nỗi khắc khoải khôn nguôi về những đồng đội hi sinh. Tâm nguyện của ông Cớn khi đưa chúng tôi về thăm những cựu TNXP Truông Bồn xưa cũng chỉ để cho chúng tôi biết nhiều nỗi niềm tâm tư của anh chị em 40 năm rồi vẫn còn day dứt lắm.

Thông điệp máu xương

Bà Thuần từng là tiểu đội trưởng đại đội 317. Tìm đến nhà, bà ra ruộng chưa về. Ông Cớn bảo: “Bà này khổ lắm, không có cả giường mà nằm!”. Rồi ông tất tưởi ra ruộng tìm. Một lúc sau bà Thuần về. Khi bà Thuần mở liếp cửa để lách vào nhà, chúng tôi mới “mục sở thị” điều ông Cớn nói. Trên nền nhà chỉ có mớ thóc vừa gặt vun đống, góc bếp là mấy nồi niêu chỏng chơ và chiếc giường gỗ lung lay đã gãy vai được tháp bởi một đoạn gỗ thô vụng.

Ngày rời TNXP trở về, bà Thuần được bầu làm chủ tịch Hội phụ nữ xã. Lấy chồng, sinh được ba đứa con, đứa út chưa đầy bốn tuổi thì chồng bỏ đi theo người đàn bà khác. Bà tảo tần mấy chục năm nuôi con, không thoát khỏi khó nghèo, con cái chỉ học hết cấp II rồi lại quay về cùng mấy sào ruộng, đứa nào thoát ly được thì đi làm công nhân da giày tận miền Nam.

Đồ vật trong nhà của bà, như chúng tôi chứng kiến, chỉ là cái giường gãy. Bà cười với chúng tôi: “Ừ, thì nằm cái giường gãy như vậy nhưng vẫn ngủ ngon vì không còn nghe kẻng báo động, nghe tiếng máy bay, tiếng bom nổ như hồi xưa!”. Tuổi 63, những trận bom ở Truông Bồn cộng với tuổi tác đã khiến hai tai bà gần như điếc hẳn. Có lẽ sự lam lũ và khốn khó đeo đẳng suốt đời nên khi muốn hỏi bà về một điều gì đó bà đang mơ ước, cứ nghĩ bà Thuần sẽ mơ về một ngôi nhà tươm tất hơn, công ăn việc làm ổn định cho con cái hay ít ra bà sẽ mơ có cái giường lành lặn.

Nhưng không, bà không hề nghĩ đến cái giường gãy, không nghĩ đến những vất vả bao năm, mà chỉ băn khoăn thương xót chị em ngày ấy hi sinh sao mình còn sống! Sao những đồng đội chưa được phong anh hùng (bà vẫn chưa biết tin Chủ tịch nước vừa truy tặng danh hiệu anh hùng cho những liệt sĩ Truông Bồn)? Sao di tích Truông Bồn chưa được đàng hoàng to đẹp như di tích ngã ba Đồng Lộc?... Khi chúng tôi cho biết ngày 23-9-2008 danh hiệu anh hùng đã được truy tặng cho các liệt sĩ và sắp tới đây Truông Bồn sẽ được trùng tu xây dựng thành một khu tưởng niệm bề thế, xứng đáng với máu xương đã đổ xuống của anh chị em TNXP ngày ấy, bà Thuần cười rạng rỡ: “Ừ, có rứa chớ, bầy tui không sợ cực bằng sợ người đời quên!”.

Câu nói bột phát của bà Thuần “không sợ cực bằng sợ người đời quên” đã mang được thông điệp mà bắt đầu từ bây giờ người dân Nghệ An đang khởi động: làm sống lại huyền thoại Truông Bồn! Rồi nhiều thế hệ sẽ hành hương về đây, soi mình vào cuộc đời của những tuổi 20 đã mãi mãi dừng lại với ngày hôm qua, để hiểu hơn cái giá của mỗi ngày đang sống và có thêm sức mạnh đi tới ngày mai.

____________________________

Số tới, khởi đăng hồ sơ:

Hun Sen - người con của Campuchia

“Họ không thể lật đổ tôi bằng vũ lực. Nếu họ muốn trừ khử tôi, họ sẽ phải chơi nước cờ chính trị tài tình hơn tôi”. Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố như vậy sau một chặng đường dài đầy dông bão mà ông đã đi: từ chiến hào Khơme Đỏ đã quyết định ly khai chống lại sự tàn bạo của Pol Pot, từ một đứa con nông dân trở thành nhà lãnh đạo đất nước...

Lần đầu tiên Hun Sen kể lại câu chuyện đời mình.

LÊ ĐỨC DỤC - VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên