12/10/2008 08:07 GMT+7

Người ở lại làm nhân chứng

LÊ ĐỨC DỤC - VŨ TOÀN
LÊ ĐỨC DỤC - VŨ TOÀN

TT - Trong lúc ngồi đợi anh Lê Hải Diên - chồng chị Trần Thị Thông - từ ruộng về, chị Thông bảo: “Đi qua bom trên đạn dưới chừ vẫn chưa hết khổ, nhưng nghĩ lại số phận những chị em cùng đơn vị hi sinh hôm đó thì chuyện sống sót của mình quả là vạn lần may mắn. Bởi chỉ khoảnh khắc ấy, nhanh hơn hay chậm hơn một chút thôi thì có lẽ tuổi tên của mình đã được khắc cùng tên đồng đội trên tấm bia đá tưởng niệm! Nghĩ rứa, biết rứa mà sống thanh thản”.

RAB1QzDn.jpgPhóng to
Chị Trần Thị Thông thời là TNXP ở Truông Bồn - Ảnh tư liệu
TT - Trong lúc ngồi đợi anh Lê Hải Diên - chồng chị Trần Thị Thông - từ ruộng về, chị Thông bảo: “Đi qua bom trên đạn dưới chừ vẫn chưa hết khổ, nhưng nghĩ lại số phận những chị em cùng đơn vị hi sinh hôm đó thì chuyện sống sót của mình quả là vạn lần may mắn. Bởi chỉ khoảnh khắc ấy, nhanh hơn hay chậm hơn một chút thôi thì có lẽ tuổi tên của mình đã được khắc cùng tên đồng đội trên tấm bia đá tưởng niệm! Nghĩ rứa, biết rứa mà sống thanh thản”.

Kỳ 1: 13 người tan vào đất đá Kỳ 2: “Em không về, vắng một cuộc đưa dâu”

Người còn lại

Hôm chúng tôi trở lại làng Mỹ Thái (xã Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An) tìm gặp mẹ Thởm, người mẹ nuôi của tiểu đội TNXP Truông Bồn ngày ấy, nghe mẹ tường tận kể lại trận bom định mệnh ngày 31-10-1968 mới biết sự sống của chị Thông quả là kỳ diệu. Mẹ Thởm là tên mọi người gọi theo tên người con trai đầu của mẹ, Nguyễn Trọng Thởm, còn tên mẹ là Nguyễn Thị Phác. Ngôi nhà của mẹ ở làng Mỹ Thái là nơi các chị Thông, Vinh, Hiên, Đang… ở từ đầu năm 1967, khi đại đội TNXP 317 chuyển từ Rú Đụn (Nam Đàn) lên Đô Lương cho đến cuối năm 1968.

Đã nghe chị Thông kể về buổi sáng tang tóc ấy, nhưng khi ngồi với mẹ Thởm trong căn nhà cũ kỹ với mái tóc bạc như cước của bà cụ vào tuổi 86, tất cả ký ức 40 năm trước cứ hiện về mồn một.

Khi chị Thông được anh em trong đơn vị tìm thấy và khiêng thẳng từ hố bom về nhà mẹ Thởm, đặt lên trên tấm sạp tre mà mấy cô TNXP đêm đêm vẫn ngủ thì chị Thông đã chết ngất. Mẹ Thởm kể: “Khi ấy nghe nói cả tiểu đội hi sinh cả, tui cứ sợ con Thông không sống nổi. May sao có đoàn xe chở quân từ tuyến sau ra chiến trường đang đợi thông đường, tránh máy bay ở trong xóm”. Sau trận bom, hai anh bộ đội quân y được chỉ huy đơn vị cử ở lại tham gia tìm kiếm, cấp cứu cùng anh em TNXP.

Trong căn nhà mẹ Thởm suốt sáng hôm ấy, các anh quân y đã tìm mọi cách cứu sống chị Thông. Quá trưa, khi chị bắt đầu tỉnh lại, hai người lính vội vã đuổi theo đơn vị, không quên để lại mấy dòng chữ viết vội: “Chúc em gái chóng bình phục, bọn anh đi tiếp vào mặt trận. Hẹn gặp lại ngày chiến thắng”. Không thêm một dòng tên tuổi, địa chỉ nào nữa. Rồi chiến tranh kéo dài, ước mong được gặp lại những người lính quân y ân nhân của chị Thông vẫn chưa thực hiện được.

Nếu trên đời có hai chữ số phận thì chị Thông đã được số phận mỉm cười, bởi dù đã được cứu ra khỏi ngổn ngang đất đá, mịt mùng bom đạn, nhưng nếu không có hai người chiến sĩ quân y tận tình cứu chữa chắc gì chị đã sống. Chị đã sống để làm chứng nhân cho sự hi sinh oanh liệt ấy. Bởi nếu ngày ấy chị cũng hi sinh, rất có thể bây giờ câu chuyện Truông Bồn sẽ có vài điều khác đi.

Chuyện là cách nay mấy năm, trong khi tìm hiểu chưa thấu đáo về sự kiện này, có một bộ phim tài liệu về Truông Bồn được thực hiện vội vàng và đã xảy ra nhầm lẫn. Nhân vật lẽ ra là chị Thông đã được thay bằng một nữ TNXP khác, chị ấy cũng đã lăn lộn trên tuyến đường Truông Bồn nhưng ở một đại đội khác, càng không phải là người sống sót duy nhất trong trận bom cướp đi sinh mạng 13 TNXP của đại đội 317. Và khi tình cờ coi những thước phim tài liệu kia, chị Thông đã đi tìm sự thật, không phải sự thật cho mình mà vì anh linh đồng đội đã ngã xuống. Và hơn thế, những sự thật ấy đã nhắc nhở về những lãng quên đây đó với Truông Bồn.

Và có phải những đồng đội của chị nằm xuống mặt đường hôm ấy đã xui khiến phù hộ một “nhân duyên” may mắn cho đời chị?

Hạnh phúc như chuyện tình cờ

L1MBZAo0.jpgPhóng to
Đã 40 năm nay chị Trần Thị Thông và anh Lê Hải Diên bên nhau, với cuộc tình đầy ngẫu nhiên thú vị - Ảnh: L.Đ.Dục
Những ngày bám trụ mặt đường, những nữ TNXP và những anh bộ đội trên đường vào tuyến lửa gặp nhau. Vài câu chào hỏi, mấy câu hò đối đáp, một chuyến xe mắc lầy, tắc đường... Rồi đi, đi miết không chắc ngày gặp lại.

Một đêm tình cờ trên cung đường Truông Bồn ấy, một đoàn xe vào tuyến trong, xôn xao giọng Nam giọng Bắc, có tiếng hỏi: “Có ai người Hưng Nguyên không?”. Có tiếng đáp: “Đây chỉ có người Yên Thành!”.

“Cũng là đồng hương cả”. Thế rồi những người lính nhảy xuống xe làm quen với tiểu đội nữ TNXP. Những câu hò đối đáp vang lên, chị Thông chỉ nhớ một chiến sĩ trẻ cũng là lính quân y. Không hẹn hò gì nhưng họ đã âm thầm trao gửi chút cảm tình. Vài câu thăm hỏi vội vàng, rồi kẻng trực ban vang lên báo đã thông đường, đoàn xe hối hả lăn bánh ra tiền tuyến mang theo những chàng lính trẻ. Chị Thông cũng không hình dung được những ngẫu nhiên mà số phận sắp đặt cho mình.

Đầu năm 1969, chị Thông xuất ngũ, được bố trí về Xí nghiệp may Việt Đức ở thành phố Vinh. Hồi ấy công nhân xí nghiệp được bố trí ở tạm trong nhà dân. Chị Thông được phân về nhà ông bà cụ Đèo ở khối Yên Duệ, phường Đông Vĩnh. Con cái trong nhà đã ra chiến trường, chị Thông xem hai cụ như bố mẹ mình, vừa công tác ở xí nghiệp vừa hôm sớm đỡ đần. Ông bà Đèo cũng xem chị Thông như con. Cuối năm ấy ông Đèo ốm nặng, gia đình sợ ông không qua khỏi nên đánh điện cho người con trai trưởng đang ở chiến trường. Thu xếp được phép, người con của ông bà từ mặt trận Quảng Trị tìm về. Và thật bất ngờ khi về nhà, cả hai anh chị cùng nhận ra nhau là người quen trong cái đêm trên tuyến đường Truông Bồn năm ấy. Anh là Lê Hải Diên, chiến sĩ quân y của sư đoàn 308.

Câu chuyện gặp gỡ ngẫu nhiên năm nào, cuộc gặp tình cờ trong ngôi nhà ở quê hương đã gắn kết số phận hai người. Thư đi thư về, đến cuối năm 1970 thì anh Diên về phép và cả hai tổ chức đám cưới. Xong ba ngày phép cưới vợ, anh Diên lại vào chiến trường, chị Thông trở thành cô con dâu hiền thảo của ông bà Đèo.

Gần 40 năm sau ngày cưới, chị Thông và anh Diên đã lên chức ông chức bà. Và như phần đông những người cùng thế hệ, hòa bình họ lại về với ruộng nương. Nhìn ngôi nhà của hai vợ chồng ở khối Yên Duệ, phường Đông Vĩnh (thành phố Vinh), không thể không nhận ra sự khó nghèo vẫn đeo đẳng họ. Tài sản đáng giá duy nhất trong nhà có lẽ là chiếc tivi màu đã cũ.

Vẻ lam lũ vẫn hiện ra trên gương mặt chị Thông, nhưng dường như chị không mấy bận tâm về cuộc sống gian khó hiện tại. Đi qua những lằn ranh sinh tử của chiến tranh với bao đồng đội ngã xuống, chị Thông luôn tâm niệm mình còn sống trở về là một điều may mắn. Và may mắn hơn khi chị đã có một gia đình, một mái ấm với những đứa con đã trưởng thành.

Biết chúng tôi sẽ đi thăm lại những gia đình liệt sĩ Truông Bồn ở Đô Lương, Yên Thành..., chị Thông bảo: “Cứ mỗi lần gặp mặt cựu TNXP là mấy chị em lại ôm nhau khóc! Cứ cảm giác mình có lỗi với đồng đội, bạn bè đã hi sinh sao mình còn sống! Mà biết mần răng cho thỏa vong linh anh em đây!”. Thật ra chị đã thỏa vong linh anh em phần nào rồi, bởi chị đã được sống như để làm chứng nhân cho sự hi sinh oanh liệt của đồng đội năm xưa.

--------------------------------------------------

Hàng vạn chuyến xe đã chở quân chở hàng vượt qua trọng điểm Truông Bồn an toàn. Còn họ ở lại, chẳng tiếc đời mình, dù điều họ làm là những huyền thoại.

Kỳ tới: Lặng thầm như đất

LÊ ĐỨC DỤC - VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên