11/10/2008 07:48 GMT+7

"Em không về, vắng một cuộc đưa dâu"

LÊ ĐỨC DỤC - VŨ TOÀN
LÊ ĐỨC DỤC - VŨ TOÀN

TT - Truông Bồn ngày ấy có hàng ngàn TNXP tuổi mười tám đôi mươi. Cho dẫu đạn bom vây bủa, sống chết gang tấc, bao nhiêu đôi lứa vẫn yêu nhau, bao nhiêu người đã nên chồng vợ, nhưng có lẽ ít có câu chuyện tình nào bi tráng như mối tình của Cao Ngọc Hòa và Nguyễn Thị Tâm. Nhiều người dân ở Hợp Thành ngày đó và nhiều bạn bè của Tâm cũng nhận tin cô hi sinh trước, rồi sau đó bất ngờ và xót xa khi biết tiếp tin cô vừa đính hôn.

Truông Bồn - 40 năm quên và nhớ:

Kỳ 2:

D6r0iki7.jpgPhóng to

Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Thị Tâm vừa được phục dựng, chị đã hi sinh cùng người yêu ngay khi vừa đính hôn - Ảnh tư liệu

TT - Truông Bồn ngày ấy có hàng ngàn TNXP tuổi mười tám đôi mươi. Cho dẫu đạn bom vây bủa, sống chết gang tấc, bao nhiêu đôi lứa vẫn yêu nhau, bao nhiêu người đã nên chồng vợ, nhưng có lẽ ít có câu chuyện tình nào bi tráng như mối tình của Cao Ngọc Hòa và Nguyễn Thị Tâm. Nhiều người dân ở Hợp Thành ngày đó và nhiều bạn bè của Tâm cũng nhận tin cô hi sinh trước, rồi sau đó bất ngờ và xót xa khi biết tiếp tin cô vừa đính hôn.

Kỳ 1: 13 người tan vào đất đá

Chuyện tình bi tráng

Trong căn nhà ở xóm 6, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), ông Nguyễn Trọng Đàn, người gọi liệt sĩ Nguyễn Thị Tâm bằng cô ruột, mang ra tấm hình chân dung của Nguyễn Thị Tâm vừa được phục dựng. Tuy là ảnh phục dựng nhưng ông Đàn bảo rất giống. Trong ảnh là cô gái với vẻ đẹp tươi trẻ và rạng rỡ. Và gương mặt ấy, ánh mắt ấy mãi mãi dừng lại ở tuổi 20.

Chuyện chị Tâm và anh Hòa yêu nhau “bí mật” suốt ba năm không ai hay biết, bởi cũng vì kỷ luật thời chiến. Và mối tình ấy chỉ được “công khai” khi cả hai đến ngày chuẩn bị xuất ngũ.

Tuy gọi chị Tâm bằng cô nhưng ông Đàn chỉ kém người cô ruột vài tuổi. Trước khi Tâm hi sinh chừng mươi ngày, từ đơn vị cô tranh thủ ghé về trình bày với gia đình chuyện tình cảm giữa cô và Hòa. Tâm cũng cho biết sắp đến nhà trai sẽ lên làm lễ bỏ trầu, có thể ngày ấy cô và Hòa chưa chắc về được, nếu nhà trai mang lễ vật đến xin mẹ và các anh chị trong nhà cứ coi như đang có mặt hai đứa. Báo cho gia đình xong, Tâm trở về đơn vị kịp ngay trong đêm. Chừng hơn một tuần sau, chiều 30-10-1968, gia đình ông Đàn đón hai người khách lạ: mẹ và anh Lợi - anh trai Hòa.

40 năm rồi ông Đàn vẫn nhớ như in hình ảnh bà mẹ và anh Lợi với giỏ xách xếp một ít bánh trái, chai rượu và cau trầu lên nhà dạm hỏi. Họ cùng đi bộ, dù đường từ Diễn Lộc (huyện Diễn Châu) lên đến Hợp Thành dài gần 30km. Bom đạn đánh phá ác liệt. Thương con, bà mẹ đã thức dậy từ sớm chuẩn bị rồi lên đường. Đến nhà rồi, ông Đàn còn nhớ chiều muộn, chờ mãi không thấy Hòa và Tâm về, anh Lợi đã tranh thủ dắt ông Đàn đi hớt tóc ở nơi mấy người thợ sơ tán trong làng. Lại ngóng mãi mà chẳng thấy cô dâu và chú rể thu xếp về được, nhà trai đã bày biện mâm lễ mọn ra mắt họ hàng nhà gái. Đêm ấy, bà mẹ anh Hòa ngủ lại nhà cô con dâu tương lai, hi vọng sáng mai cả hai con sẽ cùng về ra mắt. Bởi cho đến giờ phút ấy nhà gái vẫn chưa biết mặt chú rể và ngược lại, nhà trai cũng chưa từng thấy mặt con dâu!

Vắng nhiều cuộc đưa dâu

Oo4M8qqt.jpgPhóng to

Các nữ TNXP đại đội 317 giúp bà con xã Mỹ Sơn (Đô Lương) gặt lúa - Ảnh tư liệu

Cũng trong buổi chiều ấy, ở đại đội TNXP 317, tranh thủ lúc không ra hiện trường mấy anh chị em pha ấm trà với mấy chiếc kẹo vừng để chia tay tám người trong tiểu đội. Vui nhất là Hòa và Tâm. Hòa đã xong thủ tục xuất ngũ ở tiểu đội mình, trong lúc chờ người yêu làm thủ tục để cùng về, anh gia nhập luôn tiểu đội của Tâm. Chiều ấy, không chỉ Hòa và Tâm vui vì sắp được về nhà, chung sống bên nhau mà cả sáu đồng đội khác cũng có niềm vui riêng, người chuẩn bị đi học, người được về chăm mẹ già neo đơn.

Chị Trần Thị Thông bồi hồi kể lại: biết tin Hòa và Tâm sắp cưới cả đại đội ai cũng mừng, hai người đẹp đôi đã đành mà còn vì thời chiến, yêu nhau, cưới nhau không đơn giản. Buổi sáng 31-10, khi ra hiện trường, nhận mấy lát mì luộc khẩu phần buổi sáng, Tâm còn xé nửa miếng mì luộc âu yếm đưa cho người yêu, mấy chị em thấy vậy vỗ tay hoan hô vun vào: “Mau mau mời bọn tôi ăn kẹo đấy nhé!”. Không ngờ chỉ chưa đầy một giờ sau tất cả đều tan vào đất đá!

Ông Đàn bảo khi ấy vừa hửng sáng, bà mẹ anh Hòa cũng trở dậy. Vừa bước ra sân thì nghe tiếng bom vọng về từ phía Mỹ Sơn (Đô Lương), cũng chỉ nghĩ rằng chiến tranh, bom rơi đạn nổ thường tình, không hề hay biết bom đạn đã cướp mất đôi vợ chồng sắp cưới! Lại nghĩ chắc Hòa và Tâm không về nhà được nên bà cụ và anh Lợi xin chào để về lại Diễn Lộc vì đường xa. Chừng 10 giờ sáng, gia đình ông Đàn nhận được hung tin. Bố ông Đàn, tức anh ruột của Tâm, bấy giờ là chủ tịch xã Hợp Thành, nghe tin em gái hi sinh vội đạp xe lên Mỹ Sơn. Ba ngày lăn lộn cùng đồng đội trong đơn vị tìm kiếm nhưng không thể tìm thấy được mảnh thi thể nào của Tâm. Hòa may mắn hơn còn nguyên vẹn thi thể!

Và thế là mãi mãi không có cuộc đưa dâu từ Hợp Thành về Diễn Lộc như mơ ước của Tâm và Hòa.

Trong danh sách 13 liệt sĩ Truông Bồn, phần ghi “người thờ phụng” của các liệt sĩ ai cũng có. Riêng phần liệt sĩ Cao Ngọc Hòa thì để trống. Hỏi ông Đàn về gia cảnh anh Hòa, ông bảo sau này có hỏi tìm nhưng hình như bên gia đình anh Hòa không còn ai. Mẹ và anh trai của anh cũng đã mất.

Mà đâu chỉ có Nguyễn Thị Tâm. Tất cả mười cô gái TNXP Truông Bồn cùng hi sinh hôm ấy với Tâm đều rất trẻ, đều vừa mười tám, đôi mươi! Họ đã mãi mãi nằm lại với tuyến đường, như câu thơ tưởng niệm các nữ TNXP đã hi sinh trĩu nặng thương yêu khắc khoải: Đường làng tháng giêng dài ra hút tắp/ Em không về, vắng một cuộc đưa dâu! (thơ Trần Tuấn). Làm sao có thể kể hết bao nhiêu cô gái TNXP mãi mãi không bao giờ có niềm hạnh phúc một lần làm cô dâu! Mơ giấc mơ về một tổ ấm gia đình như mười cô gái Đồng Lộc trước đó, như hàng ngàn cô gái TNXP mở những tuyến đường ra trận đã không về!

___________________

Nếu trên đời có hai chữ số phận thì người phụ nữ sống sót trong trận bom ngày ấy đã mang trên mình số phận nhân chứng. Bởi nếu ngày ấy chị cũng hi sinh, rất có thể bây giờ câu chuyện Truông Bồn sẽ có vài điều khác đi.

Kỳ tới: Người ở lại làm nhân chứng

......................................

Nguyễn Thị Thùy Trang

* Với tôi, hai chữ Đồng Lộc đã đầy bi hùng và yêu thương, nay thêm hai chữ Truông Bồn. Hai câu chuyện sao mà có nét giống nhau đến thế: cũng những nữ TNXP tuổi đôi mươi, cũng những cô gái mở đường và san lấp hố bom, cũng nằm lại trên tuyến đường do mình vừa mở… Truông Bồn quả là một câu chuyện xúc động mà lịch sử phải ghi nhớ.

Hoanam123@...

* Đọc câu chuyện tôi vô cùng xúc động, tưởng nhớ những người đã anh dũng ngã xuống trước bình minh. Thế là câu chuyện bi hùng của tiểu đội TNXP Truông Bồn cũng đã được nhắc đến - muộn còn hơn không - điều đó sẽ làm ấm lòng tất cả chúng ta và những người đã ngã xuống. Đọc bài viết này, tôi muốn mọi người hãy dành cho những người ngã xuống những tình cảm đúng mực và tiếng nói có trách nhiệm.

TrầnĐình Bá (xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình)

* Đã có nhiều vần thơ, trang sách và những bộ phim về những cô gái kiên cường ở ngã ba Đồng Lộc năm xưa, nhưng hiếm thấy tài liệu nào về những TNXP hi sinh ở Truông Bồn. Bây giờ, sau 40 năm, có lúc quên lãng đây đó, sự hi sinh cao cả của những người trẻ ở Truông Bồn năm xưa được Tuổi Trẻ nhắc lại.

13 con người anh dũng đó đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Nhưng điều đáng nói là sự hi sinh đó bao nhiêu năm qua ít người biết đến. Những con người đã “tan vào đất đá” Truông Bồn năm xưa bây giờ còn ai nhớ, còn ai hiểu rõ? Có lẽ chỉ có người dân ở Truông Bồn. Nếu như báo Tuổi Trẻ không nhắc lại sự kiện đó trong phóng sự xúc động, liệu rằng chúng tôi - những người trẻ - còn không biết về sự hi sinh đó cho đến bao giờ?

Tôi cho rằng khi nhắc lại câu chuyện bi hùng ở Truông Bồn không phải là để gợi nhớ một nỗi đau, mà là nhớ một sự kiện cần phải nhớ, tưởng niệm điều đáng ra phải được tưởng niệm lâu rồi, phải làm một điều gì đó đáng ra đã làm từ lâu rồi. 13 con người đó đã đi xa, 40 năm rồi, nhưng rất nhiều TNXP trên tuyến lửa ấy vẫn còn. Họ có thể đang công tác hoặc đã trở về làm người nông dân bình thường, nhưng quá khứ của họ là cả một câu chuyện lịch sử đáng nhớ nhưng ít ai còn nhớ. Tuổi Trẻ hãy gặp lại những con người đó - những nhân chứng sống. Họ là chứng nhân của sự kiện năm xưa, và cũng sẽ là những người biết làm gì cho đồng đội của mình.

LÊ ĐỨC DỤC - VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên