17/09/2008 01:27 GMT+7

Võ Bình Định - gìn giữ của báu (Kỳ 2): Những ngôi chùa "Thiếu Lâm tự"

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TT - Tiếng chuông vang lên, vọng ra những xóm làng. Vị sư tăng đứng bên cổng chùa vẻ ngóng đợi. Chùa Long Phước (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) có một võ đường và người truyền dạy võ thuật cho lớp trẻ là những vị sư tăng ở chùa.

q1xyUpWW.jpgPhóng to
Câu lạc bộ võ thuật chùa Long Phước, nơi đã đào tạo hàng ngàn võ sinh cho Bình Định - Ảnh: H.V.Mỹ
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Nền võ thuật Bình Định vang tiếng xưa nay có công của những ngôi chùa được xem là những Thiếu Lâm tự với những vị sư tăng giỏi võ thuật.

Sân chùa - sân võ

Sân võ chùa Long Phước là vuông đất rộng rợp mát trước khu tăng phòng của chùa. Chiều xuống, vài học sinh đạp xe ghé sân võ rồi quay về. “Năm nay khai trường sớm nên thầy phải cho võ sinh ở đây nghỉ sớm sau khi đã học võ trong hè. Đợi khi nào các em ổn định việc học trong năm học mới tính đến chuyện học võ” - thượng tọa Thích Hạnh Hòa - vị sư trụ trì chùa Long Phước, cho biết.

Tọa lạc trên khu đất rộng liền kề làng mạc, qua nhiều lần trùng tu, Long Phước nay là một trong những ngôi chùa lớn trong vùng. Nhưng để chùa có một võ đường với tên gọi Câu lạc bộ võ thuật chùa Long Phước (thuộc Trung tâm Võ cổ truyền Bình Định huyện Tuy Phước), theo thầy Hạnh Hòa, là “bởi cái duyên của chùa với võ thuật, với đời”. Và phần chính của chữ duyên ấy là nhờ thầy Hạnh Hòa cùng sư tăng đệ tử trong chùa đều là võ sư. “Thời trước phần nhiều sư tăng các chùa ở Bình Định đều giỏi võ thuật, thường truyền dạy cho các tăng sinh, đệ tử của mình là chính. Có vị sau đó ra đời, đem võ thuật chỉ bày cho người khác, dần dà võ nhà chùa được lan ra ngoài cũng nhiều” - thầy Hạnh Hòa giải thích.

Với sân võ được mở tại chùa từ năm 1982, cùng sự cộng lực của người sư tăng đệ tử của mình, thầy Hạnh Hòa cho biết sân võ chùa Long Phước đến nay đã dạy cho hàng ngàn võ sinh, đào tạo được một số võ sư, huấn luyện viên trụ cột về võ cổ truyền Bình Định cho địa phương.

Chùa Long Phước đã hơn 150 năm tuổi, việc nhà chùa truyền dạy võ thuật cho bên ngoài thời trước tuy không được kể lại chi tiết, nhưng chắc một điều là các vị tăng sư tiền bối của chùa đều góp phần trong việc phát triển nền võ thuật địa phương. Từ thành quả nổi bật trong truyền dạy võ cổ truyền Bình Định của sân võ chùa Long Phước, một số đông võ sư, võ đoàn, các nhà nghiên cứu võ thuật trong và ngoài nước nhiều lần đến đây tham quan, giao lưu cũng như nghiên cứu, học tập.

Ngôi “Thiếu Lâm tự” hơn 300 tuổi

nLDoJZiu.jpgPhóng to

Tổ đình Thập Tháp ở An Nhơn - Bình Định - Ảnh: H.V.Mỹ

Theo một số võ sư, “võ nhà chùa” trong một thời gian dài đã được truyền rộng ra ngoài, có khi được giữ nguyên, có khi được biến cách. “Võ nhà chùa” ở Bình Định là một võ phái lớn, có nhiều nét riêng và cũng có những nét chung của vùng võ Bình Định. Do đó cùng với các phái võ khác, “võ nhà chùa” đã tạo thêm sự phong phú, đặc sắc cho vùng võ Bình Định.

Rêu phong, cổ kính, ẩn mình dưới um tùm bóng cây và dựa vào lưng đồi cũng rậm chồi cây, chùa Thập Tháp ở làng Vạn Thuận (xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn) được nhiều người biết là một ngôi chùa cổ lớn. Xưa nay đây là nơi truyền dạy võ thuật cho các tăng sinh và có khi cho cả người ngoài, và đây cũng là ngôi tổ đình đầu tiên của phái thiền Lâm Tế - một nhánh của Thiếu Lâm tự, bởi vậy nhiều người xem đây như là “Thiếu Lâm tự” đầu tiên ở nước ta.

“Thiếu Lâm tự là thiền tông có võ thuật do đức Bồ-Đề Đạt-Ma khai sáng. Đến đời tổ thứ 6 - đức Lục tổ Huệ Năng chia làm năm phái, trong đó có phái thiền Lâm Tế. Trên đường hành đạo từ Trung Quốc sang nước ta, thiền sư Nguyên Thiều của phái Lâm Tế đã dừng lại ở Bình Định, khai lập nên chùa Thập Tháp vào năm 1677” - thượng tọa Thích Viên Kiên - một trong những thiền sư trụ trì chùa Thập Tháp - giải thích. Sau đó, thiền sư Nguyên Thiều cũng như các vị thiền sư kế nghiệp đã đến khai lập thêm nhiều ngôi chùa khác trong vùng, trong đó có chùa Long Phước.

“Các vị thiền sư ở các chùa trong vùng thời trước đều giỏi võ thuật, đến đời thầy tôi mới đây là hòa thượng Thích Kế Châu cũng thông giỏi võ thuật. Nặng lòng với việc hóa đạo, các vị thiền sư luôn lo khai mở thêm chùa chiền, đào luyện tăng sư. Coi võ thuật như là trợ duyên trên đường tu tập, các vị thiền sư cũng đã truyền dạy võ thuật cho hàng đệ tử của mình” - vẫn lời của thượng tọa Viên Kiên.

Thượng tọa Viên Kiên kể thời tổ sư Nguyên Thiều đến khai nghiệp, đây vẫn còn là vùng đất sơ khai, hoang dã, tổ sư cùng những vị sư tăng kế tiếp đã giúp các chúa Nguyễn không ít trong việc khai hóa. Để chống chọi với các loài mãnh thú cũng như kẻ bất lương, võ thuật là một trong những phương tiện thích dụng. Bởi vậy võ thuật được các vị tăng sư truyền dạy trong chùa đã lan ra ngoài bằng nhiều cách để giúp đời. Chuyện kể của thượng tọa Viên Kiên: “Thời trước thú dữ ở vùng này rất nhiều.

Đến đời tổ Liễu Triệt - vị tổ thứ ba của chùa Thập Tháp, cách nay khoảng 300 năm - ngay ở vùng đồi bên chùa Thập Tháp vẫn còn nhiều thú dữ, hùm cọp, trong đó có con cọp trắng thường luẩn quẩn quanh chùa. Nghe tiếng kinh kệ, tiếng chuông mõ mãi con cọp trắng đó cũng đổi tính, hết hung dữ, trở nên hiền lành, cứ lảng vảng gần chùa hơn mỗi lần nghe kinh cầu. Sau nó chết bên chùa, được thiền sư Liễu Triệt cho chôn và xây mộ kề sau chùa. Mộ nó vẫn còn, mới đây chúng tôi mới cho trùng tu”.

Khởi từ ngôi tổ đình Thập Tháp trên 300 tuổi, những ngôi chùa “Thiếu Lâm tự” của dòng thiền Lâm Tế đã góp vào đáng kể cho sự phát triển và tồn tại của nền võ thuật Bình Định. Những thành quả đã thấy được nhưng điều sâu xa là sự lan tỏa chiều sâu.

“Võ nhà chùa đã góp phần làm sâu thêm tinh thần đạo đức của võ Bình Định” - lão võ sư Trương Văn Vịnh, người từng tham gia truyền dạy võ thuật ở sân võ chùa Long Phước - nhận xét. Tinh thần thượng võ trong nền võ thuật Bình Định có phần góp vào qua thẩm thấu lâu bền từ căn cốt võ thuật của những ngôi chùa “Thiếu Lâm tự” nơi vùng đất này.

-----------------------------------------------------

Ở huyện An Nhơn có một võ sư đang giữ bộ võ thư cổ gần như độc nhất vô nhị. Ông đã truyền được phần nào những tinh hoa võ thuật từ bộ cổ thư này cho các võ sinh, góp phần tạo thêm cái “mới” cho võ Bình Định.

Kỳ tới:Giải mã tàng thư

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên