![]() |
Chó mèo đi off -Ảnh: L.A. |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Ngay cổng "khách sạn", một thanh niên chừng 17-18 tuổi, mặt tươi hơn hớn, nhưng trong cổ áo pull kẻ sọc lại thò ra... đầu một chú phốc sóc be bé. Cạnh đó, một cô bé đang nựng chú mèo to tướng đặt trên yên xe máy, chú mèo tên Nung, cổ cài nơ màu vàng.
Chó mèo cũng... off
Theo đánh giá của các thành viên, buổi off hôm nay khá đông, cần quây thêm bàn mới đủ chỗ cho mèo, chó tham dự. Cô bé Vũ Anh Hà My, nick name là Sellhamz b2, mới học lớp 6, đi off cùng bà và chú mèo Chi Chi. Bà bé là Nguyễn Hồng Vân, năm nay "mới" 76 tuổi, hào hứng khoe bé My rất thích mèo, phiên chợ mèo (chợ Bưởi và chợ Mơ) nào cũng đòi cả nhà đưa đi.
Từ hơn một năm nay, cứ hai tuần một lần các thành viên hội yêu mèo, yêu chó lại đưa chúng đi off một lần. Địa điểm lúc ở hồ Hale, lúc về "khách sạn" chó mèo. Càng ngày chó mèo đi off càng đông, vì chủ của chúng cũng thích thú được xem chó, mèo của người khác và tâm sự chuyện nuôi chó, mèo. Chủ của chú mèo Nung, Nguyễn Thu Hà, vừa tròn 18 tuổi, vui vẻ kể đưa Nung đi off Hà mới biết cần ngoáy tai cho mèo, nếu không trong tai rất bẩn, sẽ có rận và bao công tắm táp, chải lông, mua cá nấu cho Nung sẽ thành... công cốc.
Buổi off 27-7, Hội Yêu mèo Hà Nội đón một người khách Sài Gòn, chị Phù Dung - người quản lý và phát triển mục (mod) mèo trên www.vietpet.com. Chị Dung là giáo viên, nhưng gần 10 năm nay nổi tiếng vì "sự nghiệp" cứu hộ mèo. "Hơn 10 năm nay tôi không đi xin, mua mèo về nuôi mà toàn chăm nom mèo bị bỏ rơi, mèo bị lạc chủ. Ở đây nhiều bạn như vậy lắm"- chị tâm sự. Theo chị Dung, vì điều kiện thời tiết, người yêu mèo Sài Gòn chủ yếu nuôi mèo lông ngắn, còn gọi là mèo ta. Hà Nội ngược lại, phần lớn nuôi mèo lông dài.
Theo bác sĩ thú y Hoàng Ngọc Báu, mèo không "mãnh liệt" như chó, nhưng phù hợp hơn với không gian đô thị chật hẹp và đặc biệt là nuôi không tốn nhiều tiền. Ở VN đã có những người mua chọn chó có gia phả vẻ vang, có giải thưởng, giá lên tới 200 triệu đồng; còn mèo hầu hết là xin, cứu hộ mèo lang thang hoặc có mua thì giá cũng không đắt lắm. |
Cuối buổi off, lại một chiếc làn nhựa được hai cậu bé xách tới. Trong làn có một chú phốc lai màu trắng và một chú mèo. Chưa ra khỏi lồng, phốc lai đã chạy quýnh lên vui thích. "Vĩnh Điền Huế", cậu học sinh lớp 12 Trường Quốc học Huế, đã lặn lội ra Hà Nội dự buổi off, ôm ngay chú phốc lên và tự hào kể về Bốc và Heo, hai chú chó Điền nuôi ở nhà. "Chúng nghịch lắm, cạnh bàn, cạnh ghế gặm hết, đã có lúc tôi cáu quật cho cả Bốc và Heo, nhưng chưa lúc nào tôi nghĩ không nuôi chúng nữa" - Điền nói.
"Liệu pháp động vật"
Bác sĩ thú y Hoàng Ngọc Báu đã nói như vậy về thú chơi chó mèo. Đến dự buổi off cùng chiếc máy quay phim, ông Báu luôn tay quay phim mèo, chó, phỏng vấn người tham dự. Dự định sẽ đưa Gừng, chú mèo mới được Neko cứu, về nuôi đến khi khỏe mạnh, ông Báu kể luôn về một chú mèo khác cũng bị lạc và được ông đưa về nuôi, đã trở nên nghịch ngợm và dám... dọa cả chó! "Áp lực học hành, thi cử, thiếu thời gian thư giãn, nhiều bạn trẻ đã giảm hẳn stress khi có chú mèo, chú chó làm bạn trong nhà. Ở nước ngoài, người ta đã nói nhiều về liệu pháp động vật giúp giảm thời gian điều trị khi chủ chó, mèo bị ốm. Vì vậy, đây là một thú vui lành mạnh của các bạn trẻ” - bác sĩ Báu nói.
Điều ông Báu nói rất đúng với nhiều người yêu mèo, chó. Ở ngõ chợ Hàng Bè, rất nhiều người biết anh Nghiêm Xuân Kỳ, thường được gọi là Kỳ "cầu gỗ", một cao thủ làng... nuôi chó. Ghé nhà anh, người lạ đến chết ngất vì mùi của 7-8 chú chó nhốt đầy chật căn nhà phố cổ bé xíu của vợ chồng anh.
Trong số chó của Kỳ "cầu gỗ", chú Thần Khuyển Tây Tạng màu lửa được anh mang về nuôi từ dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý. "Trừ mổ xẻ tôi chưa làm được, còn chữa bệnh thông thường, tiêm chó, chữa mũi xanh, viêm đường hô hấp trên..., kiểu gì tôi cũng làm được" - Kỳ tâm sự trong tiếng ồn ào của đàn chó tám con. Ngồi với khách chưa nóng chỗ, chị vợ anh hết chạy cho chó uống nước lại đổ khay lót vệ sinh lồng. Bận hơn nhà có con nhỏ nhưng cả hai vợ chồng lúc nào cũng hớn hở.
Anh Kỳ cho biết anh nuôi chó từ năm 6 tuổi, rất mê chó vì tính trung thành, gắn bó với chủ. Tham gia vietpet.com, gặp gỡ những người nuôi chó khác, Kỳ trở thành thành viên ban chủ nhiệm hội yêu chó, rồi tổ chức offline cho chó cưng lần đầu tiên ở công viên Thống Nhất, Hà Nội; rồi chuyển địa điểm ra hồ Hale và tới đây là một nơi đủ rộng, quy củ hơn. Cùng với Cường Tosainu và nhiều anh chị khác, Kỳ "cầu gỗ" rất tích cực sắp xếp xe cộ, vệ sinh... cho mỗi buổi off. Nhóm của Kỳ "cầu gỗ" cũng đã đi tận Sa Pa, vào Huế, Thái Bình... "để sưu tầm các giống chó quý cho mọi người nuôi, góp công bảo tồn" - Nghiêm Xuân Kỳ tâm sự.
__________________________________
* Offline: cuộc gặp gỡ ngoài mạng của các công dân mạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận