Phóng to |
Thắng - Lợi trên đường Trường Sơn - Ảnh tư liệu |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Đặc biệt, chuyến đi của gia đình Sihanouk đã được tổ chức như một chiến dịch. Qua đó cũng kiểm nghiệm được chất lượng của hệ thống đường này và tinh thần trách nhiệm rất cao của bộ đội Trường Sơn.
Kỳ 1: Vận chuyển quá cảnh Kỳ 2: Nối các đường dây về nước Kỳ 3: Quá cảnh đường hàng không Kỳ 4: Cuộc chuyển tiền ngược chiều Kỳ 5: "Quỹ ngoại tệ đặc biệt" Kỳ 6: Đưa tiền vào Nam Kỳ 7: Chuyển tiền về cứ Kỳ 8: Cất giữ "kho báu" Kỳ 9: Những tờ sec mã hóa
Thắng - Lợi đi và về thắng lợi: Để đảm bảo chuyến đi về của Quốc vương Sihanouk và bà hoàng Monique, bộ đội Trường Sơn đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đích thân đặt kế hoạch tuyệt đối an toàn cho chuyến đi. Để đảm bảo an toàn, trước hết Quốc vương Sihanouk được đặt bí danh là Thắng, bà hoàng được đặt tên là Lợi.
Bốn sư đoàn của bộ đội Trường Sơn đã được giao nhiệm vụ đón khách trọng thể qua tám trạm dừng chân. Trên các trạm này phải đảm bảo tiện nghi sinh hoạt như những nhà nghỉ cao cấp, nghĩa là phải đủ phòng tắm, vệ sinh, phòng ăn, phòng làm việc, phòng khách, phòng ngủ... tất cả yêu cầu đó đã được bộ đội Trường Sơn đảm bảo.
Một trong những người tham gia dẫn đường đã viết trong bút ký: "Mặt trời lên cao, nắng đổ tràn rừng. Đoàn xe rẽ vào con đường "kín" nhân tạo bởi những tán cây hai bên buộc díu vào nhau, những tấm lưới ngụy trang xen các loại dây leo... Không gian thoắt dịu hẳn, thấp thoáng vài giọt nắng lung linh. Quốc vương Sihanouk ngây người, thốt reo: "Con đường hầm màu lam... Ôi! Một kỳ công! Mỹ thua là phải thôi...". Chuyến đi đẹp đến mức Quốc vương Sihanouk đã sáng tác ngay trên đường một bài hát có tên Biết ơn con đường nói về tình nghĩa của đường Trường Sơn Việt Nam - Campuchia.
Phóng to |
Hai nhà lãnh đạo Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt trên đường ra Bắc họp năm 1973 - Ảnh tư liệu |
Chuyến đi vào Nam của ông Võ Văn Kiệt: Trong thời kháng chiến chống Mỹ, ở cương vị bí thư Khu ủy miền Tây, sau khi ký Hiệp định Paris, một vấn đề có tính chất chiến lược đặt ra là "ghìm cương vỗ béo", tức là giữ nguyên tình trạng da báo hay là đánh trả mọi cuộc lấn chiếm, tràn ngập lãnh thổ của quân đội Sài Gòn. Bộ Chính trị đã triệu tập ông Võ Văn Kiệt ra gấp để trao đổi.
Khi ra, ông đi đường bộ, tới miền Trung thì đi máy bay ra Hà Nội. Khi về, Bộ Chính trị quyết định ông phải về gấp bằng đường thủy. Để đưa một vị lãnh đạo cao cấp vào Nam với sứ mệnh hệ trọng như vậy, chuyến đi phải được bố trí rất cẩn thận. Một trong những thuyền trưởng dày dạn nhất trên đường biển là thuyền trưởng Tư Mau được giao nhiệm vụ tổ chức chuyến đi này.
Ba chiếc thuyền không số đã được lựa chọn. Hai chiếc chở vũ khí, một chiếc chở riêng ông Võ Văn Kiệt và một số tài liệu đặc biệt. Ngoài ra, còn có 3 triệu đôla tiền mặt để chi viện cho miền Nam. Con tàu chở ông Võ Văn Kiệt mang số 159TT. TT nghĩa là thương thuyền, tức là đi công khai, mang giấy tờ giả. Ông Võ Văn Kiệt đóng vai một thương nhân sang trọng của Công ty Ngư Long, chuyên kinh doanh muối, có đầy đủ giấy tờ (giả). Con tàu này chở muối trên tuyến Đà Nẵng - Sài Gòn.
Trên đường đi, sau khi vượt qua giới tuyến, tàu đàng hoàng dừng lại Cà Ná để nấu cơm ăn, sửa chữa tàu, mua thêm muối. Thấy dáng vẻ "ông chủ muối" rất đàng hoàng, không ai hỏi han khám xét gì cả. Sau đó tàu đi tiếp đến Vũng Tàu, Tư Mau đến trạm quan thuế Bà Đá để ký xác nhận việc chở muối... Sau bốn ngày, tính từ lúc rời Hải Phòng, tàu đã tới vùng căn cứ Cà Mau.
Chuyến đi ra Bắc của ông Lê Đức Anh: Đoàn tàu đưa ông Võ Văn Kiệt về Nam chưa được bao lâu thì lại nhận nhiệm vụ đưa tư lệnh Quân khu miền Tây Lê Đức Anh ra Bắc. Bốn con tàu đã được lựa chọn, trong đó có con tàu Sài Gòn 159TT mới đưa ông Võ Văn Kiệt từ Bắc vào Nam. Tư Mau trực tiếp lái con tàu này chở ông Lê Đức Anh. Tàu mang giấy tờ của một đoàn tàu đánh cá. Tư Mau đóng vai ông chủ của cả đoàn tàu đánh cá. Ông Lê Đức Anh đóng vai bồi bếp trên tàu, cũng có đủ giấy tờ (giả).
Đoàn tàu xuất phát từ Cà Mau ngày 27-11-1973. Chuyến đi này gặp nhiều điều không may. Con tàu Sài Gòn 159TT đi giữa đường bị rò rỉ nước vì chuyến trước gặp quá nhiều sóng, rạn nứt nhiều, giữa biển không có cách nào chữa được, toàn đoàn đành chuyển sang tàu 158TT. Người cuối cùng điều khiển tàu 159TT là Tư Mau, thấy con tàu chìm dần đến giờ chót cũng đành phải chuyển sang tàu 158TT. Tàu 158TT tiếp tục chạy, con tàu 159TT không người lái nhưng máy vẫn nổ cho đến lúc chìm dần và mất tích dưới sóng biển.
Tai họa chưa hết, đến gần phía đảo Hải Nam thì đoàn tàu gặp bão lớn, Tư Mau lại trực tiếp lái con tàu này vì theo mọi người, chỉ có tay lái của ông mới vượt qua được gió to sóng cả giữa biển khơi, sơ suất một chút là con tàu có thể bị sóng đánh chìm. Đã gần tới đảo Hải Nam và vì chạy ngược sóng nên mãi không tới. Một người cùng đi trong chuyến này kể lại: "Trời biển mù hết. Trên đường đi thì nhiều tàu nước ngoài bị chìm, xuồng cao su trôi bập bềnh, có cả người chết nữa. Tàu ta lúc này vô nước nhiều hơn. Chạy một giờ lại phải bơm nước một lần".
Cuối cùng thì 2 giờ sáng có ánh đèn chớp ở phía chân trời, đó là đảo Hải Nam, chiếc đèn đó chính là điểm H, tức cảng bí mật Hậu Thủy...
Trong cuốn sách 356 trang này, tác giả "dẫn" người đọc đi lại năm con đường Trường Sơn lịch sử thời chiến tranh: con đường trên bộ, con đường trên biển, con đường xăng dầu, con đường hàng không và kỳ bí hơn cả là con đường chuyển ngân đi vòng vèo qua các trung tâm tài chính lớn của thế giới, để nối Sài Gòn với các căn cứ cách mạng. Cả năm con đường ấy đều dẫn tới thắng lợi oanh liệt của dân tộc ngày 30-4-1975. |
Số tới, đón đọc loạt phóng sự: Đi học ở miền Tây Hàng triệu học sinh cả nước đang nô nức chào đón năm học mới. Trong niềm vui chung, ở miền Tây có nhiều trẻ em phải vượt qua bao gian khó, hiểm nguy rình rập để từng ngày được cắp sách đến trường. Vượt lũ, ra đảo, xuyên biên giới..., các em vẫn đi. Và sau lưng các em là những bậc phụ huynh đầu tắt mặt tối với chuyện tiền nong song vẫn động viên con đến lớp. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận