29/06/2008 04:04 GMT+7

Bia đá lưu danh

Nhà sử học Dương Trung Quốc
Nhà sử học Dương Trung Quốc

TT - Một thế kỷ đã trôi qua sau ngày nổ ra sự kiện "Hà thành đầu độc". Pháp trường xử chém ba anh hùng đầu tiên ở bãi Gáo, cột cờ thành Hà Nội, bây giờ đã đổi thay đẹp đẽ với những hàng cây xanh xum xuê bóng mát.

100 năm sự kiện "Hà thành đầu độc" (Kỳ cuối):

UVG9ophV.jpgPhóng to
Mộ bia tập thể của những người yêu nước tham gia vụ “Hà thành đầu độc” nằm nép sâu trong vườn nhà dân - Ảnh: QUỐC VIỆT

Pháp trường thứ hai ở Vườn Bàng (khu Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) nay cũng không còn dấu vết bãi đất đã từng nhuộm thắm máu đào chín anh hùng cùng bị xử chém trong buổi sáng hôm ấy. Tuy nhiên, người đời nay ít ai biết khu vực này vẫn còn một nấm mộ tập thể của họ cùng bao nỗi niềm.

Kỳ 1:Quyết không lùi bước Kỳ 2: Xử chém người anh hùng Kỳ 3: Lễ tế sống Kỳ 4: Cô hàng cơm dũng cảm Kỳ 5: Người trung với nước

Nấm mộ tập thể

Hậu thế thời nay phải làm đài bia lưu danh nghĩa cử, hành động yêu nước của những anh hùng này. Họ hoàn toàn xứng đáng được vinh danh liệt sĩ để hòa cùng hồn thiêng sông núi!

Đường Lạc Long Quân. Nấm mộ các anh hùng nhỏ khuất sâu trong vườn cây rậm rạp. Nhà cửa xây bao xung quanh làm cho nấm mộ trông càng nhỏ bé hơn. Ông Nguyễn Đức Dư, 76 tuổi, đã trải qua nhiều đời sinh sống ở đây, kể: "Từ hồi còn nhỏ tôi đã được cha dặn mỗi năm đến ngày 27-6, nhớ thắp nén nhang và đắp cho nấm mộ hoang này nắm đất". Lớn lên một chút, ông Dư mới được biết đó chính là nấm mộ của những anh hùng đã bị xử chém sau sự kiện "Hà thành đầu độc".

Đến nay, ông Dư vẫn nhớ rõ lời cha kể rằng ngày xưa có các binh lính, thầy đồ, đầu bếp tham gia vụ đầu độc quân Pháp nhưng thất bại rồi bị xử chém tại đây. Thủ cấp họ bị đem đi bêu ở chợ Bưởi và các cửa ngõ Hà Nội, rồi cuối cùng không biết ra sao. Riêng thi hài của họ bị bọn đao phủ vùi lấp chung ngay tại pháp trường Vườn Bàng. Lời kể lưu truyền của nhân chứng và các sử liệu của VN cũng ghi: Ngày 7-10-1908, chính quyền bảo hộ Pháp đã đưa tiếp những tử tội còn lại trong vụ "Hà thành đầu độc" ra thi hành án chém ở địa điểm Vườn Bàng gần chợ Bưởi. Tuy nhiên, ngoài một số nhân vật chủ chốt được đề cập nhiều như bếp Hiên, đồ Đàm, các sử liệu đã không xác định rõ danh tính cụ thể từng người bị chém trong đợt này.

Người Pháp về sau đã cho xây dựng trên bãi pháp trường một xưởng dệt nhuộm lớn, nên xương cốt những người yêu nước được bốc về vị trí bây giờ. Tuy nhiên, thời cuộc loạn ly mà đặc biệt là quân Pháp vẫn truy bắt thân nhân anh hùng nên nấm mộ dần trở thành vô danh và chìm trong hoang tàn. Thỉnh thoảng chỉ có vài người già biết chuyện ở địa phương và gia đình ông chủ đất Nguyễn Đức Hỷ có nấm mộ này lặng lẽ thắp nén nhang hay đắp đất để nó không bị xóa mất với thời gian.

Gần 100 năm trôi qua, nấm mộ đất tập thể của các anh hùng cứ thế nằm lặng lẽ trong một góc vườn chẳng mấy ai nhớ. Các nhân chứng trực tiếp đời thứ nhất của sự kiện dần qua đời hết. Những người đời sau được cha ông lưu truyền câu chuyện bi hùng này như ông Dư giờ tóc cũng đã bạc phơ. Ông Dư xúc động: "Hồi cha tôi còn sống, ông cứ đau đáu mãi không nguôi chuyện này. Ông không muốn các anh hùng vì nước, vì dân lại bị thời gian làm cho quên đi. Ông luôn mong một ngày nào đó con cháu họ tới đây tìm, để ông kể lại sự thật mình biết cho đời sau lưu truyền và mồ mả họ không phải là nấm đất lạnh lẽo, hoang tàn".

Ông Dư cho biết thêm khi cha mình mất đã dặn dò con trai phải ghi nhớ câu chuyện yêu nước bi hùng này, để sau này còn kể lại cho con cháu họ biết mà tưởng nhớ. Về sau, ông Dư tham gia chiến tranh biền biệt, nhưng chưa lúc nào quên lời cha dặn.

Rồi mãi đến năm 1988, các cháu nội, ngoại của người đầu bếp anh hùng Nguyễn Văn Hiên mới tìm đến được nấm mộ này để thắp nén nhang cho ông mình. Trong căn nhà nhỏ ở ngõ sâu phố Khâm Thiên, ông Nguyễn Văn Long gọi ông Hai Hiên là ông chú (em của ông nội) cứ chảy nước mắt khi nhớ lại lần đầu tiên được thắp nén nhang trên mộ tiền nhân. Ông Long năm nay 79 tuổi, kể rằng trước đó anh em nhà ông, mà đặc biệt là người anh tên Khải ở tận Phú Thọ, đã trăn trở tìm kiếm nấm mộ này. Nhưng họ tìm mãi không được.

Tình cờ, trong ngày giỗ, một người cô của họ buột miệng: "Hình như có sách nào đó ghi rằng pháp trường xử chém ông Hai Hiên ở khu Nghĩa Đô bây giờ". Thế là họ lần mò đến đây tìm và cuối cùng gặp được ông Dư. Ông Dư nhiệt tình dẫn họ đến tận nơi và ký cả giấy xác nhận sự thật của nấm mộ đặc biệt này.

Cách nay năm năm, cháu ông đồ Đỗ Văn Đàm là cô Đỗ Thanh Hằng cũng tình cờ tìm được mộ ông ở đây. Và cô đã cùng các người cháu của đầu bếp Hai Hiên xây lại nấm mộ gạch cho tiền nhân. Dù mộ vẫn còn nhỏ bé, lọt thỏm trong mảnh vườn, nhưng lần đầu tiên đã có một bia đá khắc rõ ràng hàng chữ nơi yên nghỉ của chín vị anh hùng đã vì nước vong thân.

Nguyện vọng cuối cùng

QnDJawvZ.jpgPhóng to

Chuẩn bị xử chém một nghĩa quân

Đến bây giờ nấm mộ tập thể này vẫn mới chỉ có tên hai anh hùng Nguyễn Văn Hiên và Đỗ Khắc Nhạ (Đỗ Văn Đàm). Bảy vị còn lại vẫn chưa biết ra sao vì các sử liệu chưa thể xác định được tên tuổi những người đang yên nghỉ nơi đây. Còn hậu duệ của họ ở đâu cũng chẳng ai rõ.

Mặc dù tin rằng đã tìm được nơi yên nghỉ của các ông mình, nhưng cô Hằng và ông Long cũng không nguôi ngậm ngùi cho những vị chưa được xác định danh phận xứng đáng. Họ không kìm được nước mắt khi tâm sự: "Chúng tôi cố tình dành phần bia đá để mong có ngày được biết tên tuổi các ông mà khắc thêm vào. Nhưng đến giờ vẫn vô vọng". Đặc biệt, họ cũng rất buồn khi nhìn cảnh nấm mộ đến nay vẫn "nằm nhờ" sâu trong mảnh vườn nhà dân. Họ không thể tự ý làm mộ bia lớn hơn cho xứng đáng với các ông, hay họ muốn đi thăm, hương khói cũng bất tiện.

Cùng nỗi niềm này nhà sử học Dương Trung Quốc còn có nguyện vọng lớn hơn. Ông Quốc nhiều lần nhắc đi nhắc lại: "Hậu thế thời nay phải làm đài bia lưu danh nghĩa cử, hành động yêu nước của những anh hùng này. Họ đã chống giặc mà hi sinh. Họ hoàn toàn xứng đáng được vinh danh liệt sĩ để hòa cùng hồn thiêng sông núi!". Nhưng đến nay ngoài đội Nhân là người duy nhất được đặt tên cho một đường ở Hà Nội, tất cả còn lại vẫn đang lặng lẽ chìm trong quên lãng của thời gian và vài trang sử mờ nhạt.

Nhà sử học Dương Trung Quốc
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên