28/06/2008 02:15 GMT+7

100 năm sự kiện "Hà thành đầu độc" - Kỳ 5: Người trung với nước

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Nghĩa trang Thanh Tước (Hà Nội). Nấm mộ người anh hùng Đặng Đình Nhân nằm trên triền đồi thoai thoải, trông xuống đồng quê thanh bình. Bề ngoài nấm mộ đội Nhân cũng bình thường như bao mộ khác đang yên nghỉ ở đây, nhưng ít ai biết rằng sâu dưới nấm mộ đặc biệt này chỉ có mỗi thủ cấp người vì nước vong thân.

O2KxClxY.jpgPhóng to

Xử chém một nghĩa quân - Ảnh do nhà sử học Dương Trung Quốc sưu tầm

TT - Nghĩa trang Thanh Tước (Hà Nội). Nấm mộ người anh hùng Đặng Đình Nhân nằm trên triền đồi thoai thoải, trông xuống đồng quê thanh bình. Bề ngoài nấm mộ đội Nhân cũng bình thường như bao mộ khác đang yên nghỉ ở đây, nhưng ít ai biết rằng sâu dưới nấm mộ đặc biệt này chỉ có mỗi thủ cấp người vì nước vong thân.

Kỳ 1: Quyết không lùi bước Kỳ 2: Xử chém người anh hùng Kỳ 3: Lễ tế sống Kỳ 4: Cô hàng cơm dũng cảm

Thủ cấp người anh hùng

Ngồi bên nấm mộ tiền nhân, hai người cháu của ông Đặng Đình Nhân là Đặng An Ninh và Đặng Đình Được nay tóc đã bạc phơ, nghẹn ngào tâm sự: "Đầu bác Nhân đã phải trải qua bốn nơi trong gần suốt thế kỷ mới được về yên nghỉ nơi này!". Ngày đội Nhân bị bắt, các em trai ông phải chạy lánh quân Pháp truy nã. Nhưng bà con thân tộc và dân làng Bạch Mai vẫn nặng lòng theo sát những ngày cuối đời của đội Nhân. Rồi sau này, chính họ là nhân chứng sống lưu truyền khí phách cha ông yêu nước cho cháu con đời sau ghi nhớ.

"Ta không làm loạn, mà chỉ trung với nước!"

Đội Nhân bị bắt giam đêm 27-6-1908, đến ngày 6-7-1908, hội đồng đề hình Bắc kỳ do viên công sứ Hà Đông người Pháp là Jules Bosc ngồi ghế chủ tọa đã tước quân tịch và tuyên án tử hình ông cùng hai người bạn Nguyễn Trị Bình và Dương Bê. Tài liệu trong tàng thư Bộ thuộc địa Pháp do tiến sĩ Patrice Morlat khai thác được có ghi rõ rằng hôm sau, đơn chống án của ba người này bị Hội đồng bảo hộ Pháp bác. Và án tử hình thực hiện theo luật An Nam là chém bêu đầu thực hiện ngay trong sáng 8-7-1908. Pháp trường được vội vã dựng trong đêm ở bãi Gáo, cột cờ Hà Nội. Viên quan Pháp Duvillier giám sát thi hành án, còn đao phủ là một người Việt.

Quân Pháp tính toán việc chém đầu những người này giữa Hà Nội sẽ răn đe tinh thần yêu nước của dân chúng, nhưng không ngờ lại làm bùng thêm nghĩa khí vì tổ quốc. Theo ký ức của gia đình ông Ninh, buổi sáng đó rất đông người vẫn đến tiễn đưa các anh hùng. Trong đó có cả vợ ông Đặng Đình Nhân đang mang thai con gái, phải bôi mặt, hóa trang thành phụ nữ khóc thuê để tránh mật thám Pháp theo dõi.

Đội thi hành án đã chuẩn bị sẵn xe kéo để đưa những người anh hùng ra pháp trường, vì nghĩ rằng họ có thể không đi được do mất tinh thần. Tuy nhiên, cả đội Nhân, đội Bình và đội Cốc (Dương Bê) đều hiên ngang tự bước ra pháp trường. Quyển ba trong bộ Phan Bội Châu toàn tập và một số sử liệu khác còn kể rằng những người yêu nước này đã mắng lại quân Pháp là kẻ cướp nước khi họ bị hỏi chịu hối lỗi, chịu khai để có thể được tha chết. Riêng đội Nhân khi nghe mình bị kết tội "phiến loạn" đã khẳng khái trả lời: "Ta không làm loạn, mà chỉ trung với nước!".

Chém xong ba người, quân Pháp đưa thủ cấp họ về nguyên quán để bêu thị uy. Đầu đội Nhân bị bỏ rọ tre, treo ở cành đa cổ thụ, ngã tư Trung Hiền, cửa ngõ đông người qua lại ở làng Bạch Mai. Nhưng trong đêm, dân làng và thân tộc đã cướp lại được đầu ông và bí mật đem đi chôn.

Tìm lại phần xương cốt

KhBVBOfV.jpgPhóng to
Ông Đặng An Ninh thắp hương trên mộ người anh hùng Đặng Đình Nhân - Ảnh: Quốc Việt

100 năm đã trôi qua, người cháu Đặng An Ninh của đội Nhân vẫn rưng rưng nước mắt khi nhắc lời hứa của cha mình đối với anh trai đã hi sinh. Người em út Đặng Đình Giao sau khi chạy lánh quân Pháp truy nã đã qua Anh học tiếp để có bằng kỹ sư và được nhập quốc tịch nước này, nhưng ông vẫn quyết trở lại Lào để mong có ngày trả thù cho anh mình.

Mỗi năm đến ngày giỗ anh, ông Giao đều lấy tấm ảnh thủ cấp bị bêu trong rọ tre ra cho các con xem và căn dặn: "Mai sau, các con có điều kiện thì phải đi tìm các phần thi hài của bác để an táng đàng hoàng". Sau đó, cha con nhà ông Giao đều tham gia phong trào cách mạng chống Pháp ở Lào. Ông Giao hi sinh mất xác tại chiến trường. Năm 1954, người con Đặng An Ninh về nước, thực hiện lời hứa của cha.

Ngay những ngày đầu đặt chân đến Hà Nội, ông Ninh đã cố lần tìm tung tích nơi bác mình yên nghỉ. Các cụ già biết chuyện, kể ông nghe sau khi xử chém, phần thân đội Nhân bị đem vùi mất tích, riêng thủ cấp được bà con cướp lại để bí mật chôn cất ở làng Bạch Mai. Ngay đêm đó, ông Ninh đã tìm đến Bạch Mai và được dân làng xác nhận chuyện này, nhưng vị trí chính xác của mộ nằm ở đâu thì không rõ. Suốt nhiều ngày liền, ông Ninh đi dò hỏi từng người. Cuối cùng, ông may mắn tìm được bà Đặng Thị Đức là con gái bác Đặng Đình Nhân và em họ Đặng Đình Được mà nay đã tuổi 86.

Bà Đức và ông Được kể ông Ninh nghe khi họ còn bé đã được người lớn cho biết nấm đất nhỏ như cái thúng nằm khuất dưới bụi dứa dại ngoài đồng chính là mộ thủ cấp bác Nhân. Tuy nhiên, họ căn dặn con cháu không được thường xuyên thăm viếng mộ này, bởi mật thám Pháp đã phát hiện, bí mật theo dõi để truy bắt người thân đội Nhân. Thời điểm ông Ninh về nước, Pháp tuy đã thua ở Điện Biên Phủ nhưng vẫn chưa rút hết quân khỏi miền Bắc và hệ thống mật thám còn hoạt động bắt bớ, ám sát. Ông Ninh phải giữ bí mật, hóa trang thành người đi bắt cua để đến viếng mộ bác mình. Vài anh em bà con cũng hóa trang đi làm đồng để có gì sẽ bảo vệ ông.

Ông Ninh vẫn nhớ như in buổi sáng đặc biệt đó. Lần đầu tiên được thắp nén nhang trên nấm mộ đất nhỏ bé, lạnh lẽo của bác, ông chỉ khấn được vài câu: "Bác ơi! Cháu đã thực hiện được lời hứa với cha, với bác!". Sau đó, ông Ninh tiếp tục gia nhập quân ngũ, tham chiến biền biệt ở Lào. Nấm mộ đội Nhân ở quê được bà Đức gìn giữ hương khói.

Một thời gian sau, thủ cấp người anh hùng được chuyển về nơi mộ mới ở làng Huỳnh Cung, Văn Điển, rồi tiếp tục cải táng sang Đa Phúc. Lần này, ông Ninh xin nghỉ phép để về quê lo nơi yên nghỉ cho bác mình. Một lần nữa người thanh niên dày dạn chiến trường lại không kìm được nước mắt và ngất đi khi tận mắt nhìn thấy di cốt còn lại của bác mình chỉ độc mỗi xương sọ trong tiểu sành.

Vài năm sau, thủ cấp người anh hùng Đặng Đình Nhân lại được chuyển về nghĩa trang Thanh Tước. Tiễn bác đi, ông Ninh đã khóc thề rằng: "Cháu sẽ cố gắng tìm lại phần xương cốt của bác". Nhưng đến nay, 100 năm đã trôi qua, lời hứa đó vẫn chưa thể thực hiện được. Còn mái tóc ông Ninh đang ngồi bên nấm mộ người xưa thì cũng đã bạc phơ rồi...

__________________

Đến nay, nơi yên nghỉ của những người bị xử trảm trong vụ "Hà thành đầu độc" vẫn còn nhiều bí ẩn. Và tâm nguyện trăm năm vẫn còn...

Kỳ cuối: Bia đá tưởng nhớ

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên