25/06/2008 07:12 GMT+7

Xử chém người anh hùng

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Một thế kỷ đã trôi qua, xương máu và khí phách những người ái quốc ngày nào đã hòa cùng hồn thiêng sông núi. Khi nghe tôi gọi điện thoại ngỏ ý muốn tìm lại con cháu các anh hùng đã hi sinh trong sự kiện "Hà thành đầu độc", giọng nhà sử học Dương Trung Quốc ngậm ngùi: "Tôi cũng rất muốn đi tìm họ, nhưng mới chỉ biết vài người. Anh thử cố xem sao".

100 năm sự kiện "Hà thành đầu độc"

eksc2Vu6.jpgPhóng to
Ông Đặng An Ninh cứ đau đáu không nguôi về người bác - anh hùng Đặng Đình Nhân - Ảnh: Q.Việt

Ông Quốc đã chỉ cho tôi đầu mối để đi tìm ông Đặng An Ninh, người cháu gọi vị cai đội anh hùng Đặng Đình Nhân là bác ruột.

Kỳ 1: Quyết không lùi bước

Người anh hùng bị bêu đầu

Phố Trần Hưng Đạo, ông Đặng An Ninh đón tôi, rồi cứ lặng lẽ chảy nước mắt khi đưa cho tôi xem tấm ảnh thủ cấp ba anh hùng bị bêu trong sọt tre. Mãi sau ông Ninh mới nghẹn ngào: "Đầu của bác Đặng Đình Nhân nhà tôi cũng ngậm hờn nằm trong đó. Cả đời tôi cứ đau đáu không nguôi chuyện này. Nghe nhắc lại tôi không cầm được xúc động!".

Trên gác nhỏ 10m2 trong căn nhà tập thể cũ kỹ số 31 phố Trần Hưng Đạo, ông Ninh bùi ngùi tâm sự những chuyện chưa ai biết về bác mình. Ông Ninh năm nay đã 76 tuổi, là con trai của ông Đặng Đình Giao, người em út trong gia đình có ba anh em, mà anh hùng Đặng Đình Nhân là anh cả, còn anh kế là ông Đặng Đình Mẫn. Quê hương của họ ở Bạch Mai, nội thành Hà Nội. Trong dòng họ có người chú Đỗ Đình Tiềm tham gia phong trào Đông Du và đã từng ra nước ngoài hoạt động cách mạng. Nhờ nguồn thu nhập khá từ nghề thuốc của cha mẹ nên anh em ông Nhân từ nhỏ được cho sang Pháp du học. Sau đó, ông Nhân gia nhập quân đội Pháp, lên đến chức đội trong cơ pháo thủ. Nhưng càng ngày ông càng bất mãn những kẻ cai trị mình.

Mặc quân phục khố đỏ nhưng ông Đặng Đình Nhân lại bí mật kết giao với những người đồng chí hướng như ông đồ Đỗ Văn Đàm, đầu bếp Nguyễn Văn Hiên và các bạn lính là đội Bình, đội Cốc... Đặc biệt, quán cơm nhà số 20 phố Cửa Nam chính là nơi họ đã gặp gỡ, trao đổi chí hướng và bàn bạc kế hoạch táo bạo dùng cà độc dược để đánh đổ bộ máy cai trị thực dân. Chí lớn không thành, ông Nhân là một trong những người đầu bị quân Pháp bắt. Và ông cũng là người đầu tiên cùng với đội Bình, đội Cốc hiên ngang trước giờ bị xử chém, mà ngày nay vẫn còn lưu truyền tấm ảnh ba thủ cấp ngậm hờn vì nợ nước chưa kịp đền.

Khi anh hùng Đặng Đình Nhân bị xử tử, người cháu ruột Đặng An Ninh chưa ra đời. Nhưng sau này cha ông Ninh đêm đêm kể lại cho con nghe câu chuyện của ông Nhân. Cha ông Ninh kể khi ông Đặng Đình Nhân bị bắt, quân Pháp truy sát luôn hai em trai của ông khiến họ phải chạy lánh nạn qua Campuchia, Lào, rồi sang Anh. Ông bà thân sinh họ thì bị quân Pháp đày lên vùng Đoan Hùng (Phú Thọ) và âm thầm qua đời. Con cháu ngày nay nặng lòng vì không thể biết ngày giỗ, mồ mả ở đâu. Riêng vợ ông Nhân khi ấy đang mang thai con gái đầu lòng kịp lánh nạn về quê, rồi cũng sớm mất vì buồn đau, để lại con gái Đặng Đình Đức là hậu duệ duy nhất của người anh hùng Đặng Đình Nhân. Sau này, bà Đức làm nghề bốc thuốc nổi tiếng ở ngõ 105 Bạch Mai, nhưng không lập gia đình cho đến khi qua đời...

Thầy đồ và người đầu bếp dũng cảm

LqBBYIRW.jpgPhóng to
Chuẩn bị xử chém nghĩa quân - Ảnh do ông Dương Trung Quốc sưu tầm
Câu chuyện thầy đồ Đỗ Văn Đàm (còn có tên là Đỗ Khắc Nhạ) và đầu bếp Hai Hiên (Nguyễn Văn Hiên) dũng cảm lúc bị chém được nhiều người nhắc nhớ. Các nguồn sử liệu VN và cả quyển Vụ chính trị ở Đông Dương của tiến sĩ Patrice Morlat đều cho thấy ông đồ Đàm và bếp Hai Hiên không phải là binh lính nhưng cũng thuộc nhóm cầm đầu, có trách nhiệm lớn trong sự kiện "Hà thành đầu độc". Vì vậy, tòa đề hình Pháp xử họ tội nặng nhất là chém đầu, sau khi đã chém nhóm ba người của cai đội Nhân.

Ông Đặng An Ninh đã cho tôi địa chỉ người cháu gái Đỗ Thanh Hằng đời thứ tư của ông đồ anh hùng Đỗ Văn Đàm hiện đang sống ở Gia Lâm, Hà Nội. Cô Hằng (45 tuổi) kể từ nhỏ đã được cha mẹ kể nhiều về người ông. Cô cho biết ông đồ Đàm quê ở làng Tạ Xá, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, Hà Tây.

Ông nổi tiếng là người thông minh, nhưng không thi đậu vì bài viết hay lồng ý thâm sâu phê phán chế độ thực dân. Ông ở quê, làm nghề dạy học và thường giao du với những người yêu nước. Chính từ đây ông đã gia nhập nhóm binh lính, đầu bếp Việt ở Hà Nội cùng chí nguyện đánh đổ đầu não thực dân. Trong sự kiện "Hà thành đầu độc", ông phụ trách nhóm hạ cờ quân Pháp trong thành Hà Nội để kéo cờ khởi nghĩa. Trách nhiệm ông đã thực hiện xong nhưng đại sự lại không thành. Sau đó, ông cùng các đồng đội bị giặc Pháp xử chém. Thủ cấp của họ bị bêu một nơi, thi hài bị vùi lấp một nơi, rồi trở thành nấm mộ tập thể không đầu của những người yêu nước.

Từ hậu duệ của ông đồ Đàm và đội Nhân, tôi tìm được các cháu nội, ngoại đời thứ ba của người đầu bếp Nguyễn Văn Hiên. Suốt buổi chiều trong căn hộ tập thể nhỏ ở phố Ngọc Khánh, ông Lê Đình Phúc, 67 tuổi, cứ miên man mãi những ký ức về chuyện bi hùng của ông ngoại mình. Theo ông Phúc, bếp Hai Hiên quê ở thôn Cao Chung, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức. Ông Hiên (còn có tên Nguyễn Văn Truyền) là người giỏi võ và làm đầu bếp cho binh lính Pháp.

Sách của tiến sĩ Patrice Morlat kể thêm ông Hiên còn là chủ tịch "công đoàn nhân viên dân sự trong thành Hà Nội". Chính làng quê ông là một trong những nơi đã thử nghiệm cà độc dược, đồng thời rèn vũ khí cho nghĩa quân. Ông cũng là người tập hợp các đầu bếp yêu nước khác và bỏ cà độc dược vào thức ăn của Pháp trong đêm 27-6-1908. Đại sự không thành, bếp Hai Hiên bị Pháp xử chém. Ngậm ngùi hơn, vợ ông cũng bị bắt và chịu tra tấn đến chết trong ngục Hỏa Lò.

_____________

Sau sự kiện "Hà thành đầu độc", một số nhà yêu nước kịp trốn thoát. Nhưng quân Pháp đã đe dọa sẽ tàn sát cả tộc, cả làng nếu họ không ra chịu tội. Cuối cùng, họ đã ra chịu chết để cứu người thân và hàng xóm. Người ở lại phải gạt nước mắt...

Kỳ tới: Lễ tế sống

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên