02/06/2008 05:06 GMT+7

Chùa Một Cột ở Guyane

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Có ai ngờ rằng ở Guyane xa xôi lại có một ngôi chùa Một Cột. Cũng ít ai ngờ dấu xưa của "bến Bắc kỳ” vẫn còn hiện diện tại thành phố cảng sầm uất của nước Pháp... Và một điều đặc biệt hơn: những người lính An Nam từng bị đưa đi tham chiến ở Siberia lạnh giá của nước Nga. Từ Guyane, những câu chuyện mới mở ra với những gợi mở về bóng dáng người Việt khắp nơi.

Chuyện viết tiếp từ Guyane: (Kỳ 1):

Nghe đọc nội dung toàn bài:
8HoHjb32.jpgPhóng to

Hình ảnh chùa Một Cột trong biểu tượng của trung đoàn 9 lính thủy đánh bộ tại Guyane

Càng khó tin khi chủ nhân của ngôi chùa mô phỏng này lại là một đơn vị quân đội Pháp: trung đoàn 9 lính thủy đánh bộ, đóng tại Cayenne, thủ phủ tỉnh Guyane thuộc Pháp.

Biểu tượng của một trung đoàn Pháp

Tiếp tôi tại Guyane là trung tá trung đoàn phó trung đoàn 9 và một cựu sĩ quan tên Jean Mercier nay phụ trách phòng truyền thống đơn vị. Trên ve áo quân phục của họ là phù hiệu trung đoàn 9 mà biểu tượng chẳng phải là nữ tướng Jeanne dArc (biểu tượng kháng chiến của nước Pháp) hay một danh lam thắng cảnh nào khác của đất nước họ, mà chính là chùa Một Cột của VN!

Làm thế nào mà chùa Một Cột lại là biểu tượng của một đơn vị từng "chiếm đóng thuộc địa"? Câu trả lời sẵn có trên website của họ: trung đoàn này được thành lập từ cuối thế kỷ 19, đã từng đồn trú tại VN cuối thế kỷ 19 và đóng doanh trại gần chùa Một Cột. Website viết: "Do gọi là "trung đoàn 3A", tức Asie (châu Á), Afrique (châu Phi) và Amérique (châu Mỹ) nên trung đoàn chúng tôi không thể có biểu tượng nào đẹp hơn là ngôi chùa, để nhắc nhở chúng tôi rằng chữ A thứ nhất chính là châu Á, nơi chúng tôi chào đời. Chính xác ở đâu ở châu Á? Ở Hà Nội, trước ngôi chùa Một Cột".

Thế nhưng, nếu chỉ lý do nguyên quán đó, e rằng chưa đủ để đi đến quyết định đặc biệt này. Chính những quyến luyến và trân trọng với "nơi sinh chốn đẻ” đã khiến họ lấy chùa Một Cột làm biểu tượng: "Chùa Một Cột được xây dựng vào năm 1049 dưới triều vua Lý Thái Tông. Ngôi chùa nguyên thủy nằm giữa một tấm gương bằng nước là một cây cột bằng gạch vữa, đội một vương miện là một cái lầu thanh lịch bằng gỗ dựa trên những đà kèo cũng bằng gỗ được sắp xếp thật duyên dáng. Tất cả khiến liên tưởng đến một đóa sen mà đài hoa nở rực. Trong nghệ thuật trang trí của người Việt, hoa sen đóng một vai trò quan trọng. Sen biểu trưng cho sự tinh khiết do luôn nổi lên trên mặt nước mà chẳng lấm bẩn, những cánh hoa hồng hay trắng vẫn cứ luôn rực rỡ".

1IToIzym.jpgPhóng to

Chùa Một Cột được xây dựng trong một công viên ở Guyane -Ảnh: D.ĐỨC

Lời giới thiệu này về lai lịch ngôi chùa Một Cột ở Hà Nội và "phó bản" của nó ở Cayenne với những tính từ, những trạng từ điểm xuyên trong mạch văn đều thể hiện sự trân trọng. Chính vì sự trân trọng ấy mà ngôi chùa Một Cột lừng lững trong công viên ngay cửa doanh trại của trung đoàn này ở Guyane. Đó là một phiên bản giông giống về đường nét, nhưng chưa đủ độ "chung thủy" với bản gốc. Dẫu sao đó cũng là một kiến trúc khá to lớn, nếu không nói là lớn nhất đại diện cho đất nước VN ở Nam Mỹ này.

Những người quen biết cũ

Món quà tôi đem theo từ bên nhà, một bản chạm chùa Một Cột cùng ba bức ảnh chụp chùa này mới trước đó một tuần, tất cả cùng được đem ra so sánh với bức ảnh chụp chùa Một Cột cách đây gần thế kỷ treo trên tường phòng truyền thống. "Các bức ảnh này, chụp cả đám đông người tham quan, cho phép hình dung kích thước thật của ngôi chùa, chứ trước giờ chúng tôi chưa từng thấy tận mắt" - cựu sĩ quan Jean Mercier nói khi xem tấm ảnh chùa Một Cột thật.

Thật vậy, những sĩ quan và binh sĩ của trung đoàn 9 ngày nay chỉ là hậu duệ đời thứ 4, thứ 5 của tổ tiên họ là trung đoàn bộ binh Bắc Kỳ thành lập năm 1890. Có ai ngờ được rằng lịch sử trớ trêu xoay vần trong hơn một thế kỷ qua để trung đoàn này, ngày xưa đã từng "bình định" Sơn Tây, Yên Bái vào cuối thế kỷ 19, nay lại cùng với trung đoàn 3 lê dương đóng tại Kourou, lại là những lực lượng bảo vệ "xa gần" cuộc phóng vệ tinh Vinasat-1 của VN. Cũng những "tình cờ của lịch sử" đã khiến trung đoàn này không dính líu gì đến chín năm chiến tranh Việt - Pháp (1946-1954) do lúc đó đang đóng ở châu Phi.

DioyDRoF.jpgPhóng to

Cựu sĩ quan Jean Mercier (trái) và trung tá trung đoàn phó trung đoàn 9-Ảnh: D.Đ.

Lịch sử xa xôi như thế nên con cháu của trung đoàn 9 lính thủy đánh bộ ngày xưa cứ hỏi tôi mãi về chùa Một Cột cũng như về nơi "chôn nhau cắt rốn" của họ: "Vị trí ngôi chùa chính xác ở đâu ở Hà Nội? Xung quanh chùa là gì?", "Gỗ xây dựng chùa này là gỗ gì mà bền quá vậy?", "Có còn di tích nào của doanh trại cũ chúng tôi hay không?", "Ông có file các bức ảnh này không? Nếu có, cho chúng tôi xin để chúng tôi rửa ra rõ to", "Nhất định chúng tôi sẽ sang thăm ngôi chùa này"... Cuộc tiếp xúc xã giao của những người lính trung đoàn và tôi như trở thành cuộc gặp giữa những người quen biết cũ.

Rồi những người lính ấy dẫn dắt tôi trở lại lịch sử của họ, qua các bức ảnh và hiện vật trưng bày: "Này là chúng tôi bên Siam (Thái Lan) năm 1893, ở Bắc Kinh và Thiên Tân (Trung Quốc) năm 1900, rồi ở Tuyên Quang, ở Thái Nguyên, rồi châu Phi... Chúng tôi rời VN sang châu Phi sớm lắm, và từ 1976 đến nay là ở Nam Mỹ này. Trong đơn vị chúng tôi, khi xưa có nhiều binh sĩ người Việt gọi là những lính tập. Họ đã từng có mặt cả ở Trung Quốc, Xiêm La... Và năm 1918, có hai đại đội lính tập An Nam đã sang đến tận Siberia".

Câu cuối cùng này của cựu sĩ quan Jean Mercier làm tôi lùng bùng lỗ tai. Làm thế nào mà lại có người Việt tham chiến tận ở Nga cách nay 90 năm?

____________________________

Jean Mercier đưa ra một trang giấy A4 tư liệu. 317 chữ của văn bản tuy quá sơ sài song cũng đủ cho thấy một câu chuyện éo le về những người lính An Nam đầu thế kỷ 20.

Kỳ tới: Lính tập An Nam ở Siberia

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên