14/05/2008 05:07 GMT+7

Đường lên đỉnh Everest (Kỳ cuối): Everest và tôi

HOÀI NAM
HOÀI NAM

TT - Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, đi giữa trời nắng chang chang nhưng rét cắt da bởi nhiệt độ luôn dưới -10oC, luôn phải đối diện với chuyện thiếu oxy để thở khi sống ở độ cao hơn 5.000m so với mực nước biển.

Y55H2XVg.jpgPhóng to
Phóng viên Tuổi Trẻ bên lá cờ Tổ quốc tại trại căn cứ Everest - Ảnh: Trần Đăng Khôi

Mặt đen sạm từng mảng, thậm chí trên khuôn mặt con gái có hàng ria mép mọc đen... Đó là hình ảnh bây giờ của tôi, thành viên nữ duy nhất của đoàn leo núi VN (vai trò người dẫn chương trình) trong chương trình truyền hình "VN chinh phục đỉnh Everest 2008" hiện đang ở chặng cuối hành trình - chinh phục núi Everest cao 8.850m.

Kỳ 1:Qua những đỉnh cao Kỳ 2:Đi cùng "hổ tuyết" Kỳ 3:Sống ở "trán trời" Kỳ 4:Trại căn cứ - ngày và đêmKỳ 5: Những cô gái "thép" Kỳ 6:Giấc mơ Việt trên Everest

Duyên nợ với núi

Tôi đã từng cùng đoàn đặt chân lên nóc nhà châu Phi - đỉnh Kilimanjaro cao 5.895m, từng có những đêm lạnh cắt da ở trại căn cứ Island Peak cao 5.160m trên dãy Himalaya, từng có những ngày gian khổ ở trại căn cứ Everest (Tây Tạng) và hiện tại tôi sẽ có 40 ngày đáng nhớ trong cuộc đời ở tại căn cứ Everest (hướng Nepal).

Trước khi bước vào hành trình này, tôi luôn bị cuốn hút và mê mẩn về vùng đất có ngọn núi được ví là cực thứ ba của trái đất - Everest. Đang nung nấu ước mơ về một ngày đặt chân đến vùng đất ấy thì bất ngờ nhận được lời mời: "Đi Everest không?". Tôi chưa kịp trả lời thì kèm theo đó là những "dự báo" dồn dập: "Điều kiện sinh hoạt rất khó khăn, nhất là với phụ nữ. Chưa kể thời tiết cực kỳ khắc nghiệt, da sẽ sạm đen... Nhưng sẽ rất thú vị vì đây là chương trình truyền hình đưa những người VN đầu tiên chinh phục nóc nhà thế giới".

Nhớ những ngày cuối năm 2007, lần đầu tôi đến trại căn cứ Everest từ hướng Tây Tạng, ngồi cả ngày trên ôtô qua những cung đường ngoằn ngoèo, về đến khách sạn tôi mới biết mình đang sống. Bởi con đường mình vừa đi qua được người dân Tây Tạng gọi là "con đường địa ngục": một bên là vực sâu hun hút, một bên là triền dốc, chỉ một làn xe đi và chỉ cần vấp phải một hòn đá là chiếc xe có thể lao xuống vực.

Trong lần chinh phục đỉnh Kilimanjaro - nóc nhà châu Phi ở Tanzania - tháng 11-2007, sau hơn một tuần vượt qua hơn 100km đường núi, tôi tưởng mình sẽ ngất đi ở độ cao 5.700m khi trên đường chinh phục đỉnh. Tôi không thể bỏ cuộc khi đã leo núi suốt hơn 8 giờ từ 11g đêm cho đến lúc ấy mặt trời mọc. Nếu chặng đường 200m phía trước không vượt qua được, liệu tôi sẽ làm được gì. "Hãy nghe núi hát!" - lời của một anh bạn đi cùng khiến tôi tĩnh tâm lắng tai nghe.

Lời hát của núi là gió rít bên tai, lời hát của núi là từng cơn gió lạnh -16oC thốc vào mặt. Nhưng lúc tĩnh tâm ấy, hơi thở tôi đều dần và sức dần bình phục. Lúc ấy bên tai tôi vang lên lời nói của một anh bạn đi cùng: "Đi núi không phải chân cứng là đá mềm". Và cứ thế, nhích từng bước một, bàn chân tôi đã đặt trên nóc nhà châu Phi.

Chặng hành trình dài đến Island Peak hay trại căn cứ Everest hướng Nepal lần này là cả một thử thách đối với tôi. Là thành viên nữ duy nhất trong đoàn, để theo kịp các thành viên đều là nam giới là cả một sự nỗ lực tột bậc không chỉ về sức khỏe mà còn có ý chí và cả sự quyết tâm. Khi thấy một vài thành viên trong đoàn không thể tiếp tục chặng đường do bị hội chứng độ cao khi mới lên đến gần 4.000m, tôi đã sợ. Liệu mình có theo hết được hành trình này? Nhưng nói như Pemba: "Ơn núi, mọi thứ đã qua".

Ai cũng có một cuộc đời để sống

Ở trại căn cứ Everest không có điện, nước được nấu từ những tảng nước đá mà đầu bếp người Sherpa gùi về từ hai bên vệ đường. Căn phòng, nói chính xác hơn là lều làm việc của đoàn làm chương trình truyền hình "VN chinh phục đỉnh Everest 2008", đặt trên một khối băng rộng khoảng 20m2. Đang ngồi, thấy chiếc ghế trượt dài thì biết là băng đang tan, lại lật đật tìm vài viên đá kê thêm để ngồi chứ biết tìm chỗ nào khác vì góc nào cũng là từng khối băng lạnh ngắt. Nhiệt độ thường dưới 0oC, không có găng tay, mười ngón tay tê cóng.

Trong hơn 40 ngày ở trại căn cứ, mỗi thành viên trong đoàn được dùng bốn phút điện thoại vệ tinh. Ở đây không có Internet nên ban tổ chức đã dùng thiết bị BGAN của hệ thống vệ tinh INMASAT để gửi hình ảnh về đài truyền hình phát sóng. Ưu ái cho phóng viên Tuổi Trẻ kịp biên tập gửi bài về báo, trưởng đoàn Huỳnh Văn Văn nhường một trong hai chiếc toughbook (máy tính chuyên dụng trên độ cao và chịu được lạnh ở nhiệt độ dưới 0oC, những máy tính xách tay bình thường đem theo đều bị hư ổ cứng, không dùng được) được sạc điện bằng chiếc máy nổ nhỏ dùng để thắp sáng cho khu lều và thiết bị vệ tinh INMASAT để truyền bài vở.

Nhiều người cho biết những cô gái khi đặt chân đến đây hình như đã quên mất mình là con gái. Để đến được Everest, chúng tôi phải đi bộ hơn tám ngày dài, vượt hơn 60km đường dốc thẳng đứng, đá lởm chởm, tuyết lạo xạo dưới chân của nhiệt độ thường xuyên dưới -15 đến -25oC. Cứ nhìn Tansi Yan Linda, cô bạn gái cùng tuổi tôi (28) đến từ Singapore, sẽ chinh phục đỉnh Everest mùa này mà tôi xót xa. Khuôn mặt tôi sạm đen, còn mặt Linda hình như đã nám từng mảng.

Tuy da hai bên má và mắt tôi nhăn nheo vì khô hanh và lạnh, nhưng khi nhìn Linda tôi thấy mình vẫn còn rất may mắn, bởi da mặt cô đã có nhiều vết sẹo đen, lồi lõm do bỏng lạnh. Đêm và ngày ở trại căn cứ chênh lệch từ 40-50oC. Đêm lạnh -25oC, ngày nóng có lúc đến 25oC nên chuyện thay đổi nội tiết tố là quá đỗi bình thường. Chuyện tắm duy nhất ở nơi này là dùng bọc khăn giấy ướt mang theo để lau mình.

Nhưng tất cả chẳng là gì cả. Tôi thích câu nói của Linda: "Ai cũng có một cuộc đời để sống, quan trọng là bạn sống thế nào để khi mất đi sẽ không hối tiếc". Nhìn da tôi đen nhẻm sau những ngày dài theo đoàn, nhưng tôi không còn thở dốc mà học cách đi núi của những "hổ tuyết" Sherpa: chậm rãi, nhẹ nhàng. Pasang không gọi tên tôi là Nam như những ngày đầu mới gặp, anh đặt tên mới cho tôi: "Nam Sherpa".

HOÀI NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên