Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Và không thể khác hơn, đó phải là tên gọi của hang động mới nhất được phát hiện trong hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng.
Phóng to |
Bên trong hang Thiên Đường, những khối thạch nhũ đủ hình dạng to như những đại thánh đường kỳ vĩ - Ảnh: T.T.D. |
Lên xuống thiên đường
Ngay sau khi đặt chân đến vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, chúng tôi thực hiện ngay chuyến khảo sát động Thiên Đường với sự giúp đỡ hết sức tận tình của ban quản lý vườn quốc gia. Đoàn khảo sát có hơn 20 người, khởi hành từ rất sớm từ trung tâm xã Sơn Trạch.
Chúng tôi men theo đường Trường Sơn Đông, nhánh phía tây vào đến kilômet số 16 thuộc phân khu phục hồi sinh thái, để xe lại và bắt đầu hành trình xuyên rừng già hướng về cao điểm 571. Con đường mòn dẫn vào rừng mỗi lúc càng rậm rạp hơn, có lúc ngước nhìn lên không thấy ánh sáng ban ngày. Gian nan nhất vẫn là những anh em khuân vác máy phát điện, bởi cho dù cố công đến đâu mà không có máy phát điện cũng không thể nào xuống hang Thiên Đường được. Vì nơi đó là bóng tối vĩnh cửu, thậm chí nguy hiểm chết người, sẽ không thể tìm được lối ra cho dù có đèn pin hoặc đuốc soi đường vì trần hang rất cao và nhiều buồng được chia cắt liên tục, ánh đuốc, đèn pin chỉ như đóm nhang tàn trong đêm đen.
Ngồi nghỉ chân dưới rừng cổ thụ cao ngất, anh Hoàng Văn Đại, giám đốc trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái vườn quốc gia, cho hay: "Phân khu phục hồi sinh thái rộng đến 17.449 ha, nơi đây không chỉ có hàng trăm hang động đẹp tuyệt trần như hang Vòm, hang Đại Cáo, hang Mê Cung, hang Hổ, hang Rục Cà Roòng, hang Mẹ Bồng Con mà còn là vương quốc của các loài thú quí hiếm như hổ, sơn dương, sóc bay, sói lửa, voọc Hà Tĩnh... là những loài rất quí hiếm trên bản đồ động vật khu vực cũng như thế giới. Rất nhiều nơi vẫn còn chưa in dấu chân người".
Sau gần hai giờ vượt qua hơn 4km đường rừng, chúng tôi đến chân núi và bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh cao trên những phiến đá tai mèo cheo leo. Các anh kiểm lâm nói đùa trong hơi thở gấp: "Người ta chỉ lên thiên đường, còn ở đây lên đỉnh rồi mới tụt xuống thiên đường, hang sâu lắm, phải dùng dây rừng thả từng người một xuống đáy hang". Đúng như vậy, khi chúng tôi tưởng chừng như thở phào lúc đã vượt qua những vách đá tai mèo lên tận đỉnh thì miệng hang sâu hun hút hiện ra trước mắt.
Nếu như cửa động Phong Nha to hoành tráng và ra vào dễ dàng thì cửa hang động Thiên Đường nhỏ bé, sâu thẳm và tối đen như mực. Các anh trong ban quản lý vườn quốc gia phải nối những sợi dây rừng thật dài và từng người một đu mình bám theo những gờ đá mà tụt dần xuống miệng hang sâu đến hàng chục mét.
Mê cung kỳ vĩ
Tưởng chừng như chuyến du thám động Thiên Đường thất bại bởi chiếc máy nổ không chịu hoạt động, hàng chục con người mày mò trong bóng tối. Nhưng thật may mắn, gần nửa giờ sau, chiếc máy nổ rung bần bật lên tiếng, khung cảnh của một "đại thánh đường" kỳ vĩ hiện ra trước sự bàng hoàng của chúng tôi. Chỉ riêng mái vòm của "đại thánh đường" cũng cao đến 40m và rộng hàng trăm mét. Những hàng thạch nhũ từ trần hang sà xuống như những chiếc rèm khổng lồ long lanh màu sắc thủy tinh. Phía giữa hang là những cột đá cao ngất với nhiều hình tượng.
Chúng tôi theo ánh đèn đi sâu vào trong, các buồng thứ hai, thứ ba trần hang mở rộng lên cao hàng trăm mét, những khối thạch nhũ hình ngôi nhà, con sư tử, đàn bò tót... hiện ra như những kiệt tác điêu khắc. Bỗng từ trong ánh đèn lung linh, tiếng đàn vang lên ngân nga giai điệu thánh đường, mọi người ùa về phía tiếng nhạc. Thì ra đó là "tiếng đàn" do nhà nhiếp ảnh Thành Huế đánh vào những thanh thạch nhũ trên vách hang. Anh Thành Huế nói: "Đây là lần thứ hai tôi vào động Thiên Đường. Lần đầu tôi tình cờ phát hiện các thanh thạch nhũ có thể phát ra tiếng nhạc nghe du dương không khác nhạc thánh đường. Thật kỳ diệu".
Phóng to |
Sự huyền ảo lên đến cao độ khi chúng tôi đi sâu vào buồng hang thứ tư, những trảng cát dài và nhấp nhô như động cát sa mạc, ở giữa là những tòa lâu đài cao vút với những mái chóp nhọn như có bàn tay thần thánh nào đó dựng nên. Đặc biệt, không tòa lâu đài nào, thánh đường nào giống nhau, mỗi buồng một nét kiến trúc riêng biệt, một bức tranh hoàn mỹ khác nhau. Chúng tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác, chỉ có thể nói nó đẹp hơn và kỳ diệu hơn hẳn động Phong Nha.
Theo anh Hoàng Văn Đại, chưa ai biết chiều dài thật của động Thiên Đường, nhưng với chuyến du thám trước, đoàn của anh đã vào sâu 4km, qua hàng chục buồng hang nhưng vẫn chưa đến được buồng cuối cùng. Ngay cả đoàn thám hiểm BCRA với những trang thiết bị tối tân nhất vẫn chưa thể công bố chiều dài của hang.
Ánh đèn phụt tắt, chúng tôi rơi vào cảm giác sợ hãi đến toát mồ hôi. Tất cả chìm trong bóng tối vĩnh cửu. Anh Nam, một thành viên trong đoàn, thì thầm: "Chuyến đi trước chúng tôi cố gắng mau chóng trở ra cũng vì lý do này đây. Chỉ cần tính toán không kỹ, lượng nhiên liệu máy phát mang theo cạn, không có ánh sáng là cầm chắc cái chết, bởi không ai có thể tìm được lối ra trong mê cung này nếu không có ánh sáng mạnh". Điều Nam nói cũng dễ hiểu vì sao trước khi BCRA phát hiện động Thiên Đường, rất nhiều người dân đi rừng cũng đã tìm ra lối xuống hang trên đỉnh núi, nhưng chưa ai dám xuống sâu trong hang vì hầu như không có ánh sáng.
Chúng tôi rời khỏi hang, xuống núi và ra được đến nơi đỗ xe cũng là lúc ánh nắng đã chìm sau dãy núi U Bò. Ai cũng mệt nhoài sau một ngày vượt núi băng rừng khám phá động Thiên Đường. Ai cũng cầu mong một ngày không xa sẽ có những lối mòn, những dụng cụ hỗ trợ để "lên thiên đường" đỡ nhọc nhằn hơn.
-------------------------
Ai cũng sững sờ khi đặt chân lên đỉnh núi: cả một rừng bách xanh mà tuổi của nó được xác định đến 500-600 năm rộng hàng ngàn hecta phủ kín đỉnh núi.
Kỳ 1: Động Phong Nha: Càng khám phá, càng bất ngờ Kỳ tới:Khu rừng thần tiên
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận