Phóng to |
Mấy ai biết được rằng bên trong ngôi làng chài ẩn mình bên chân sóng Hải Vân ấy lại có một con người lặng lẽ suốt cả cuộc đời gắn bó với làng, gắn bó với những mảnh đời cô quạnh bằng ống tiêm, viên thuốc, tình người...
“Nam tiến” bởi Hansen
Con đường dẫn xuống làng Hòa Vân ngoằn ngoèo một lúc rồi chìm hẳn trong lau lách. Nhìn từ trên cao xuống “ốc đảo Hansen” nằm theo bờ biển cong như một vầng trăng khuyết. “Đẹp và thơ mộng”, đó là lời nhận xét của những ai đã đặt chân đến nơi đây. Nhưng bên trong làng là những cuộc đời, những số phận lặng thầm như đá...
Từ lưng chừng đèo Hải Vân, bám theo con đường rừng ấy độ chừng 40 phút thì bắt gặp làng chài. Khi nghe chúng tôi hỏi nhà y tá Dụng - một trong hai vị thầy thuốc của cả làng chài này, một cậu bé chừng 8 tuổi tóc vàng hoe đã nhanh miệng nói “Theo cháu” và nhanh chân chạy trước dẫn đường... Bên chén nước lá rừng, người đàn ông ấy chậm rãi kể chuyện.
Tên ông là Nguyễn Đức Dụng, người làng Triệu Phong,Quảng Trị. Năm lên 10 tuổi cậu bé Dụng đã bị người làng hất hủi khi biết cậu bị phong cùi - một trong bốn tứ chứng nan y thời ấy! Ngày lại qua ngày, dù đã nén lòng nhưng anh không thể nào chịu được sự xa lánh, bỏ rơi của người làng.
Vậy là năm lên 20 tuổi Nguyễn Đức Dụng một mình “Nam tiến”. “Thời đó chiến tranh loạn lạc, đi lại khó khăn, nên khi nghe người ta nói dưới chân đèo Hải Vân có làng dành cho người phong cùi là tôi khăn gói tìm đến. Đó là những tháng ngày tuyệt vọng. Tôi cứ nghĩ đời trai trẻ của mình như thế là hết, là mãi mãi chôn vùi dưới chân triền sóng hoang vu này” - ông Dụng kể lại mà mặt buồn rười rượi.
Ngày ông gia nhập làng cùi còn có thêm 30 người khác.Vốn là thanh niên trai tráng lại nguyên vẹn chân tay, nên ông cùng một thanh niên khác là Bùi Văn Tưởng (người sau này trở thành đồng nghiệp của ông tại trạm y tế Hòa Vân) được các bác sĩ chuyên khoa da liễu của Trung tâm Nuôi bệnh phong và cô nhi Hòa Vân “ngắm”, bồi dưỡng rồi cho đi học y tá.
Vậy là từ một con bệnh, Nguyễn Đức Dụng trở thành một phụ tá đắc lực cho các bác sĩ tại “ốc đảo Hansen” hoang vắng này. “Ngày các bác sĩ cho đi học, tôi mừng đêm không ngủ được. Đời tôi khởi nghiệp bắt đầu như rứa đó...”. Nói xong ông cười, cái cười của người vùng biển nghe sảng khoái, chất phác đến lạ kỳ.
Chỗ dựa của người làng
Phóng to |
Ông kể tiếp: các y bác sĩ của Trung tâm Da liễu sau khi “cắt” được con bệnh Hansen cho hơn 300 bệnh nhân đã bàn giao toàn bộ cho ông và trở về đất liền...
Đất nước sau ngày giải phóng còn quá khó khăn, nguồn viện trợ từ các tổ chức từ thiện cũng giảm dần.Ông xung phong lên núi Hòa Vân phía sau lưng làng vỡ đất làm nương rẫy trồng lúa, bắp.“Người lành lặn chân tay còn vất vả, huống chi đây bị phong cùi”.
Biết là khó nhưng rồi ông cũng động viên được mọi người cùng lao động, cùng lên rẫy làm hạt lúa, hạt bắp, củ khoai sinh sống. Hết xuống ruộng lại lên núi, ông bày mọi người cách chặt cây về làm xuồng chờ ngày sóng yên biển lặng ra khơi kiếm con mắm con tôm... “Đời sống của những cư dân bệnh phong chúng tôi âm thầm, buồn tẻ như thế đó” - ông tâm sự.
Năm 1998, làng phong Hòa Vân trở thành đơn vị hành chính trực thuộc phường Hòa Hiệp với số lượng nhân khẩu lên đến gần 280 người, trong đó có gần 80 bệnh nhân. Trường học, trạm y tế được lập. Sau thời gian ngắn, chế độ y bác sĩ đặc phái ra Hòa Vân chấm dứt, ông trở thành một trong hai vị thầy thuốc duy nhất của làng.
“Cái gì cũng kêu Dụng, Tường. Tất tần tật, từ đau bụng đến đau đầu, sổ mũi, đau lưng, nhức răng, cả những bệnh khó như huyết áp, bệnh kinh niên...” - ông vừa kể chuyện vừa cười. Nhìn điệu cười móm mém ở độ tuổi lục tuần của ông, người ta nhận ra ở ông lòng vị tha bao la đến khôn cùng.
Từng là một con bệnh nên ông hiểu thế nào là mặc cảm, thế nào là sự bỏ rơi của người thân, gia đình. Mọi sinh hoạt, đi lại khó khăn của các bệnh nhân đã được ông san sẻ, giúp đỡ. Một gói thuốc nhỏ, một bát nước trong ông đều đem đến tận tay người bệnh.
Bà Nguyễn Thị Than ra đây từ năm 1960, nay bà đã ngoài 71 tuổi, kể: “Không có ông Dụng thì những người phong cùi như tui đây e khó sống. Chỉ cần một lời nói của ổng cũng làm cho người già vui rồi”. Nhìn mái tóc bạc phơ rồi nhìn sang công việc quần quật hằng ngày của ông, người ta hiểu được tấm lòng ông.
Một nhận xét khá thú vị nhưng rất chân thành của giám đốc Trung tâm Y tế Liên Chiểu - Hoàng Văn Đẩu - khi nói về vị y tá già về tuổi đời, tuổi nghề Nguyễn Đức Dụng: “Ông là người chung của làng chài. Mọi việc từ lớn đến bé ông đều lo. Ngay cả chuyện vận động chị em đi đặt vòng tránh thai… ông cũng làm tuốt”.
Có một điều đã trở thành niềm khát khao của nhiều gia đình làng chài Hòa Vân, đó là ý chí vươn lên không chịu cảnh đói nghèo, thất học của vợ chồng ông. Năm 1974, trong một lần vào đất liền nhận thuốc ông đã quen một người phụ nữ quê Điện Ngọc, Quảng Nam; rồi bà theo ông ra “ốc đảo Hansen” lập nghiệp bất chấp mọi dị nghị của láng giềng.
Thế rồi ba đứa con của vợ chồng ông lần lượt chào đời trong cảnh nghèo khốn. Ngày ấy có thắp đuốc tìm cả làng cũng không ra một đứa trẻ ngồi bên tập vở, vậy mà hằng đêm những đứa con của ông vẫn được cha mình (học chưa qua lớp 8) chỉ vẽ từng chữ cái vỡ lòng.
Đã rất nhiều lần ông tỉ tê, khuyên bảo các con: “Học là con đường duy nhất để thoát khỏi cơ cực, thoát khỏi định kiến của người đời”. May cho ông, cả ba đứa con đều biết vâng lời cha mẹ. “Xóa mù chữ” tại nhà cho cả ba con tương đương trình độ lớp 3 thì vợ chồng ông bấm bụng đưa con vào đất liền học chữ...
Người dân Hòa Vân vẫn không quên cảnh hai vợ chồng ông thay phiên nhau hằng tuần gùi lương thực khi thì gạo, lúc con gà, hũ mắm luồn ngược rừng vào tận Hòa Hiệp “tiếp sức” cho các con ăn học. “Chịu cực khổ rứa nên bữa ni cả ba đứa đều có việc làm. Riêng thằng đầu bữa ni lương được trả bằng đôla, nghe đâu 300 lận”- vị y tá già nói với niềm hãnh diện của một người đã mang một đời khổ hạnh.
Con cái thành đạt, ông bắt đầu chắt chiu từng đồng vào Hòa Hiệp mua mảnh đất dựng nhà.“Nhưng về trong ấy dăm bữa lại buồn và nhớ làng lắm, nhỡ ngoài này bà con mình đêm hôm có chuyện gì thì ân hận suốt đời”, vậy là ông khăn gói ra lại “ốc đảo”. “Những người như bà Luông, bà Lanh nếu không có sự cứu chữa kịp thời của bác Dụng có lẽ họ đã trở thành người thiên cổ lâu rồi” - thôn trưởng thôn Hòa Vân, anh Trần Hữu Đức, nói vậy khi gặp chúng tôi đầu làng…
Con đường về với làng chài Hòa Vân bao nhiêu năm giờ vẫn thế. Nếu không đi đường rừng, không đi đường thủy, con đường duy nhất mà cư dân Hòa Vân sử dụng là bám theo tàu chợ để về làng.Và một hình ảnh mà những nhân viên nhà ga Hải Vân Nam chứng kiến suốt gần 30 năm qua, đó là hằng tháng có một ông già tóc bạc khệ nệ ôm túi thuốc nhận từ đất liền vượt từng con dốc nhỏ băng về ngôi làng suốt ngày sóng vỗ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận