29/10/2007 06:15 GMT+7

Kỳ 1: Hậu duệ bác Ba Phi

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Đó là những câu chuyện có thật với những nhân vật huyền thoại ở vùng rừng U Minh như bác Ba Phi "nói dóc bà cố", ông thầy "điều rắn, khiển rít", ông thợ săn hổ lừng danh... Có người đã về với tiên tổ, có người còn lặng lẽ sống, nhưng tiếng vang của họ vẫn lắng sâu trong tâm trí nhiều người dân Nam bộ.

Chuyện cổ tích rừng U Minh

t4ngoOqN.jpgPhóng to
Những người cháu bên bàn thờ bác Ba Phi - Ảnh: Quốc Việt
TT - Đó là những câu chuyện có thật với những nhân vật huyền thoại ở vùng rừng U Minh như bác Ba Phi "nói dóc bà cố", ông thầy "điều rắn, khiển rít", ông thợ săn hổ lừng danh... Có người đã về với tiên tổ, có người còn lặng lẽ sống, nhưng tiếng vang của họ vẫn lắng sâu trong tâm trí nhiều người dân Nam bộ.

Loạt ký sự sẽ đưa bạn cùng tìm về gặp lại họ - những con nguời đã góp phần làm nên những câu chuyện cổ tích thời hiện đại của đất rừng phương Nam.

"Đi tìm con cháu bác Ba Phi hả? Muốn nghe nói chuyện dóc bà cố luôn chứ gì? Ông đi có mình ên bị người ta đổ rượu chịu sao thấu", tay lái vỏ lãi ở hòn Đá Bạc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) nhìn tôi cười ngang tàng, rồi ghìm chân vịt xả hết tốc lực vào cánh rừng tràm.

Hình bóng người xưa

Vỏ lãi tấp vô mé sông ngay trước cửa nhà ông già đệ nhất trào phúng đất Nam bộ: bác Ba Phi, tức nghệ nhân Nguyễn Long Phi (1884-1964). Căn nhà không có cửa, tấm hình lớn của ông treo trên bàn thờ chính. Tính khí phóng khoáng, vui vẻ của bác Ba Phi như hiện rõ trên vầng trán vuông vức, đôi lông mày rậm và ánh mắt nhìn thẳng sáng rực.

Tôi vừa cắm xong nén nhang lên bàn thờ bác Ba Phi thì những người cháu của ông đang sống ở nhà kế bên cũng vừa sang. Cô cháu nội Tư Lệ nhìn tôi lom lom hỏi: "Mưa gió ngập trời, vịt bầu còn rúc đầu trong cánh ngủ. Cậu mần chi mà xuống miệt rừng rú này cho khổ thân dữ? Thôi chị em mình sơ giao làm lết lết vài xị với cá lóc nướng cho ấm bụng rồi muốn hỏi chi thì hỏi". Tôi xin ra thăm mộ bác Ba Phi trước. Nước nổi lênh láng. Mọi người phải xắn quần lội ruộng ra chòm mộ xây sau nhà.

Dưới tán cây xanh um tùm, mộ ông nằm chính giữa. Cùng hướng đầu về phía mặt trời lặn với ông là người vợ đầu tiên, cô Ba Lữ yên nghỉ ở bên trái, và người vợ thứ tên Chăm, dân tộc Khơme, ở bên phải. Cả ba mộ đều xây ximăng thô đơn giản. Cô Tư Lệ nói hầu như năm nào những người phương xa cũng tìm về đây thăm mộ ông, trong đó có cả người ăn dầm nằm dề ở đây để viết luận án cử nhân, tiến sĩ về ông... Lúc chúng tôi quay vào nhà, con cô Tư Lệ đã nướng xong cá lóc thơm lừng. Mấy cháu chắt của bác Ba Phi vừa đi ruộng về cũng xắn quần nhào lên phản gỗ nhậu tơi bời. Họ là hậu duệ đời thứ ba, thứ tư của ông già Nam bộ.

"Người đời biết nhiều về ông nội tui, nhưng đa số đều tam sao thất bổn. Ngay cả những câu chuyện trào phúng của ông cũng bị cải biên nhiều", cô cháu Tư Lệ năm nay vừa tròn 50 tuổi ngồi tiếp cá nướng, tâm sự về ông nội mình. Theo cô, bác Ba Phi không phải dân gốc U Minh mà sinh năm 1884 ở Đồng Tháp, rồi phiêu dạt qua trên con đường đi mần thuê vì nhà quá nghèo. Bận thanh niên, ông làm tá điền cho hương quản Tế. Thấy chàng lực điền cao lớn, râu ria khỏe mạnh, siêng năng, lại thêm tính tình vui nhộn, hương quản Tế hứa gả cô con gái cưng Ba Lữ với điều kiện ông phải ở rể trước khi cưới ba năm. Anh tá điền gật đầu cái rụp.

Ba năm vèo trôi qua theo mấy mùa ong rừng hút hoa tràm cho mật ngọt. Vợ chồng khai phá thêm được mảnh đất U Minh Hạ, bây giờ là ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời. Khi bác Ba Phi mất, năng khiếu nói chuyện tiếu lâm và tính cách dường như vẫn truyền lại cho thế hệ sau, không chỉ là con cháu, mà còn "lây" sang cả những nông dân chân chất vùng Khánh Hải. Từ đó, chuyện bác Ba Phi được cải biên muôn màu muôn vẻ.

Cười để vui sống

Hầu hết gia cảnh con cháu bác Ba Phi đều vẫn đạm bạc như hơn nửa thế kỷ trước. Mà hình như họ cũng không mấy băn khoăn chuyện này. Cô Tư Lệ tuổi đã 50 mà trẻ như người chưa tới 40. Người chồng lớn hơn hai tuổi trông dáng dấp cũng như thanh niên. Chú Tư uống rượu cái ực, chuyển ly qua tôi rồi cười sảng khoái nói: "Vui vẻ thì quên lo. Ông nội tui xưa cũng vậy. Thiên nhiên khắc nghiệt, rồi chiến tranh, đói kém. Nếu không biết cười thì làm sao sống nổi miệt rừng rú này".

Con cháu của bác Ba Phi bây giờ không ai dám nhận mình kế thừa số một khiếu tiếu lâm nổi tiếng của ông già Nam bộ ngày xưa. Nhưng trong bàn nhậu, ai cũng có cả mớ vốn chuyện dông dài để làm "nổ tung" cuộc hàn huyên. Trong đó chú Năm Danh, cháu lớn bác Ba Phi, được ngưỡng mộ hơn cả. Chú ở cách nhà cô Tư Lệ lô đất. Chúng tôi mới xoay vòng mấy ly thì thấy chú lò dò đội mưa sang. Cô Tư Lệ chọc liền: "Ủa, anh Năm đánh hơi nhanh hén?". Chú Năm Danh "nổ" lại: "Tại bay chứ ai. Nhậu mà hổng chịu uống nhanh, để ly ra đó cho rượu bay hơi qua tận nhà tao. Đang ngủ pho pho, tao phải hắt hơi liền ba cái đành lồm cồm bò dậy, đi ngó coi đứa nào lén đổ rượu mà không chịu mời ông già này".

Khiếu của chú Năm Danh là biết cải biên chuyện bác Ba Phi xưa thành chuyện hài thời sự. Đang mùa dịch cúm, chú "nổ" liền chuyện: "Bầy gà nhà tui toi hết, chỉ còn mỗi con gà trống độc thân. Nó buồn quá bèn đi đêm với con cúm núm và đẻ ra một con đực nửa gà nửa chim. Con này có biệt tài hễ thấy bóng mấy ông kiểm dịch mò đến, là bay tót lên ngọn cây hót líu lo như chim. Mấy ổng vừa khuất bóng, nó lại mò xuống lủi đi tìm gà mái".

Lứa chắt bác Ba Phi giờ chỉ rành chuyện cười của ông cố qua lời kể và sách vở. Nhưng một số người cũng còn kế thừa chút khiếu tiếu lâm. Trong đó, Nguyễn Minh Quân, con trai đầu cô Tư Lệ, hồi còn đi học đã nhiều lần quậy cười "nổ tung" cả lớp. Quân đi lao động Malaysia, bạn bè tình cờ biết là chắt bác Ba Phi, đêm đêm cứ bắt anh chế chuyện dóc cho đỡ buồn ở xứ người. Cô Tư Lệ thắp nhang lên bàn thờ bác Ba Phi rồi khấn vái: "Ông nội ơi ông nội! Ông linh thiêng phù hộ cho thằng chắt Quân nói dóc có duyên, để con gái người sớm ưng mà sinh chít nối nòi dóc bà cố của ông nội nữa!".

Một số câu chuyện của bác Ba Phi

Nếp dẻo

Gần tết năm đó, hai vợ chồng tôi quết bánh phồng thứ nếp dẻo của đất U Minh. Do tôi bổ mạnh tay, bột nếp văng lên xà nhà. Con chó mực thấy vậy liền nhảy lên táp miếng bột. Tức thì cái miệng của nó bị dính trong miếng bột ấy, toàn thân nó treo lên xà nhà như cá mắc câu. Nó la hoảng và giãy rất dữ. Cuối cùng nó rơi xuống đất nghe một cái bịch. Coi kỹ lại cái đầu của nó còn dính lại trên xà nhà.

Cọp xay lúa

Đêm hôm đó lúc tôi đang xay lúa, bỗng nghe hơi cọp, liền biết "ông thầy" đang rình bên ngoài. Nhờ biết trước, tôi vừa xay lúa vừa thủ thế. Quả nhiên, trong chớp mắt cọp nhào vô chụp tôi. Tôi liền né sang bên. Cọp lỡ đà vướng hai chân trước vào giằng xay. Thế là nó sa đà theo vòng quay của cái cối đang xay. Thấy vậy, tôi hối bả xúc lúa đổ vào cối. Đợi cho tới lúc cọp xay hết 20 giạ lúa, tôi liền hét lên một tiếng thật to: "Cọp"! Nó hoảng quá, đâm đầu chạy tuốt ra rừng. Từ đó về sau cọp bỏ tật bắt người ăn thịt.

_________________

Từ ngày xưa, nỗi ám ảnh lớn nhất của người dân rừng U Minh là rắn độc. Nhưng thiên nhiên cũng bù trừ, sinh ra rắn thì cũng sinh ra những ông thầy trị rắn cắn.

Kỳ tới: "Lão dị nhân" đất rừng

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên