28/09/2007 06:17 GMT+7

Điệp viên hoàn hảo - Kỳ 5: Còn lại một mình

LARRY BERMAN  (Nguyễn Đại Phượng dịch)
LARRY BERMAN  (Nguyễn Đại Phượng dịch)

TT - Chế độ Ngô Đình Diệm đang tiến gần đến bờ phá sản. Sự hiếu chiến của bà Trần Lệ Xuân, thường gọi là madame Nhu, đã trở thành biểu tượng của chế độ Diệm.

M1RSg85S.jpgPhóng to

Phạm Xuân Ẩn và trưởng phân xã tạp chí Time Jon Larsen trong một lần đi thực tế

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Các nhà báo trở thành mục tiêu đặc biệt của bà. Sự thiếu hụt những thông tin đáng tin cậy đã tạo điều kiện cho Phạm Xuân Ẩn với tư cách nhà báo trở nên được quan tâm, vì ông có khả năng cung cấp những thông tin mà cánh phóng viên ở Sài Gòn cần.

Tình báo Mỹ đã ít nhất hai lần tìm cách tuyển mộ Phạm Xuân Ẩn làm việc cho CIA mà không thành. Trong khi đó, tình báo cộng sản đã thâm nhập mọi tầng lớp xã hội miền Nam Việt Nam, kể cả thâm nhập vào chính các cơ quan tình báo của miền Nam là những đơn vị có nhiệm vụ phải loại trừ Việt cộng. Một "bộ ba" điệp viên cộng sản len vào sào huyệt chính quyền Sài Gòn lúc đó là Phạm Xuân Ẩn, Ba Quốc (Thiếu tướng tình báo - Anh hùng lực lượng vũ trang Đặng Trần Đức) và Phạm Ngọc Thảo.

Cứu mạng Trần Kim Tuyến

Năm 1962, bác sĩ Trần Kim Tuyến và nhiều nhân vật tai to mặt lớn khác không còn nghe lời madame Nhu trong các vấn đề chính trị nữa. Trong một lá thư gửi cho Ngô Đình Diệm, Trần Kim Tuyến thúc giục Diệm phải gạt bỏ bà Nhu ra khỏi trung tâm sân khấu chính trị. Khi Ngô Đình Nhu - em trai tổng thống Diệm và cũng là chồng của bà Trần Lệ Xuân - biết chuyện lá thư của Trần Kim Tuyến, liền cho khai tử số phận chính trị của Trần Kim Tuyến. Ngay lập tức, Trần Kim Tuyến bị cử đi làm việc tại tổng lãnh sự quán ở Cairo (Ai Cập). Trước khi rời Sài Gòn đi nhận nhiệm vụ mới, Trần Kim Tuyến vạch ra một kế hoạch đảo chính, rồi mang ra thảo luận các chi tiết của kế hoạch đó với Phạm Xuân Ẩn và một số người khác. Sau đó, Trần Kim Tuyến rời Sài Gòn nhưng không đi Cairo, mà đến Hong Kong và dừng lại ở đó.

Ngày 1-11-1963, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị giết ở phía sau chiếc xe bọc thép do Mỹ sản xuất. Sau cuộc đảo chính, Trần Kim Tuyến từ Hong Kong trở về Sài Gòn, nhưng lập tức bị chính quyền bắt giam vì bị tình nghi là kẻ âm mưu đảo chính. Trần Kim Tuyến bị giam hai tháng trong nhà tù biệt lập, bị tra tấn, bỏ đói và bị lột hết quần áo sống trần truồng giữa bầy chuột. Phạm Xuân Ẩn cho biết chính Phạm Ngọc Thảo đã sử dụng ảnh hưởng của mình để Trần Kim Tuyến được phóng thích khỏi nhà tù.

Tại một trong những cuộc nói chuyện cuối cùng của tôi với Phạm Xuân Ẩn, tôi đã nói đùa rằng bác sĩ Trần Kim Tuyến hóa ra là người thế nào mà cả Ba Quốc, Phạm Xuân Ẩn và Phạm Ngọc Thảo đều bắt đầu sự nghiệp từ tổ chức của ông Tuyến, Phạm Xuân Ẩn nói: "Bác sĩ Trần Kim Tuyến là bạn của tôi, cũng là bạn của ông Phạm Ngọc Thảo nữa. Tôi không phải là người duy nhất cứu mạng sống của ông Trần Kim Tuyến. Ông Phạm Ngọc Thảo cũng tham gia cứu Trần Kim Tuyến vì ông Tuyến đã giúp thả rất nhiều người của chúng tôi bị cầm tù sau khi ông ấy không còn được anh em Diệm - Nhu tin cậy".

Một người rời vị trí

Ba Quốc là một trong những trợ lý "trung thành" của Trần Kim Tuyến. Ba Quốc hoạt động trong cơ sở tình báo số H.67 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Cục miền Nam, điệp viên Ba Quốc đã hoạt động hơn 20 năm ở miền Nam Việt Nam. Sau khi vượt qua được các cuộc sát hạch bằng máy kiểm tra nói dối, Ba Quốc được chuyển sang làm việc tại một đơn vị mới được lập ra là bộ phận tình báo trong nước thuộc Tổ chức Tình báo trung ương miền Nam Việt Nam (CIO) của Trần Kim Tuyến, Ba Quốc làm trợ lý cho lãnh đạo bộ phận tình báo trong nước này. Ở vị trí này, Ba Quốc được tiếp cận với hầu hết các tài liệu quan trọng trong mạng lưới tình báo miền Nam VN.

Ba Quốc bị lộ trong một trường hợp hoàn toàn bất ngờ. Hôm đó, Ba Quốc đã gặp người liên lạc lâu năm của mình là Bảy Ánh tại một chợ đông người, trao cho Bảy Ánh hàng chục cuộn phim. Bảy Ánh phải chuyển tiếp tài liệu và phim cho một nữ liên lạc trẻ tuổi để mang tới căn cứ ở Củ Chi. Thật không may cho người nữ liên lạc trẻ tuổi này, cảnh sát bất ngờ chặn chiếc xe buýt đi Củ Chi để tìm kiếm một người nào đó. Toàn bộ hành khách trên xe buýt bị tạm giữ để khám xét nhằm khẳng định có Việt cộng nào trên xe không. Tình cờ, khi khám đồ của hành khách, cảnh sát đã tìm thấy những tài liệu tình báo trong túi xách của người nữ liên lạc. Rất nhanh chóng, chỉ trong vòng vài ngày cơ quan phản gián đã lần ra được điệp viên Ba Quốc. Nhưng Ba Quốc đã kịp trốn thoát vào rừng trước khi cảnh sát ập đến nhà để bắt ông.

Chỉ còn một người

Nhiệm vụ của Phạm Ngọc Thảo là làm mất ổn định chính quyền Sài Gòn. Phạm Ngọc Thảo trở thành một chuyên gia lật đổ nổi tiếng, thường cấu kết với bác sĩ Trần Kim Tuyến và các tướng lĩnh của quân đội Việt Nam cộng hòa để làm tất cả mọi điều, miễn là có thể làm mất uy tín của chính phủ Sài Gòn. Phạm Ngọc Thảo và Phạm Xuân Ẩn là chỗ bạn bè.

Phạm Ngọc Thảo đã hoạt động như là một trong những trợ lý được tin cậy nhất của Ngô Đình Diệm. Ông đã làm cho chính quyền Ngô Đình Diệm tin rằng ông thật sự tin tưởng vào sự nghiệp chống cộng sản, đồng thời muốn giúp đỡ Ngô Đình Diệm làm bất cứ điều gì trong khả năng của mình. Nhiệm vụ bí mật của Phạm Ngọc Thảo được cấp cao nhất là Bộ Chính trị Trung ương Đảng chấp thuận. Sau đó, Phạm Ngọc Thảo được cử sang học ở Trường chỉ huy và tham mưu của Mỹ tại Kansas. Ông từng được đề bạt lên quân hàm đại tá, làm chỉ huy trưởng các lực lượng vùng tỉnh Vĩnh Long, sau chuyển sang làm chỉ huy trưởng các lực lượng vùng tỉnh Bình Dương, rồi tỉnh trưởng tỉnh Bến Tre.

Phạm Ngọc Thảo trở thành một trong những nhân vật thúc đẩy mạnh mẽ nhất cho dự án đô thị nông nghiệp, thôn ấp hiện đại tự quản. Phạm Ngọc Thảo biết rõ chương trình này sẽ vấp phải sự phản đối của nông dân, đó chính là lý do tại sao Phạm Ngọc Thảo đưa ra đề nghị về dự án này mạnh mẽ nhất. Chương trình này đã gây ra sự phản đối và cô lập chính quyền Ngô Đình Diệm. Khi dự án này bị hủy bỏ, Phạm Ngọc Thảo tập trung vào vấn đề xây dựng ấp chiến lược. Ông thuyết phục Diệm cho xây dựng ấp chiến lược thật nhanh chóng, và cũng là để chính quyền bị chỉ trích trong chính sách này. Phạm Ngọc Thảo đã giúp làm suy yếu Diệm và Nhu bằng cách giúp cho chương trình bình định nông thôn nhanh chóng thất bại. Phạm Ngọc Thảo là một nhân vật lớn trong cơn xoáy lốc của các âm mưu phá hoại ngầm, rồi cuối cùng là hủy hoại các chương trình đó.

Phạm Xuân Ẩn cho biết: "Nhiệm vụ được giao cho Phạm Ngọc Thảo khác với nhiệm vụ của tôi. Ông ấy có nhiệm vụ làm mất ổn định của chế độ Diệm và vạch âm mưu đảo chính, còn tôi là một nhà tình báo chiến lược. Nhiệm vụ của ông Phạm Ngọc Thảo nguy hiểm hơn nhiệm vụ của tôi rất nhiều". Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn rằng vì sao rất nhiều người khâm phục Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn - một người bạn chơi với Phạm Ngọc Thảo từ bé - nói: "Phạm Ngọc Thảo là người mà suốt cuộc đời đã một mình đơn độc chiến đấu cho nền độc lập của Việt Nam".

Phạm Ngọc Thảo bị giết chết ngày 17-7-1965. Người ta tin rằng chính tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh hành quyết Phạm Ngọc Thảo. Phạm Xuân Ẩn nói: "Đó là điều mà lúc nào tôi cũng sợ. Có thể một ngày nào đó tôi bị lộ, cảnh sát liền ập đến văn phòng tạp chí Time để bắt tôi, và thậm chí còn có thể tồi tệ hơn nữa là tôi bị bắt trong trường hợp không có người chứng kiến. Sau đó, tôi sẽ bị tra tấn trước khi bị giết". "Con sói" Phạm Xuân Ẩn bây giờ thật sự cô đơn.

oOo

Phạm Xuân Ẩn vẫn tiếp tục với sứ mạng ở phía trước. Nhiều cấp trên của Phạm Xuân Ẩn nhận định rằng sau đảo chính Diệm - Nhu, Mỹ sẽ tìm cách rút khỏi Việt Nam. Nhưng Phạm Xuân Ẩn đã nghĩ khác.

Kỳ cuối: Những tấm huân chương

LARRY BERMAN  (Nguyễn Đại Phượng dịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên