Phóng to |
Tấm ảnh này của Thanh Campbell đăng trên Tuổi Trẻ ngày 15-7-2006 giúp cha con họ đoàn viên |
Đứa con thất lạc
Thanh Campbell không thể nhớ mình đã được đưa đến Canada như thế nào. Tất cả những gì anh biết, qua lời kể lại của cha mẹ nuôi, là anh cùng 56 đứa trẻ mồ côi đã được chuyển lên chiếc máy bay quân sự rời khỏi Sài Gòn vào một ngày hỗn loạn tháng 4-1975 trong chiến dịch “Babylift”. Lúc đó Thanh vừa tròn một tuổi.
Những thông tin cùng tấm ảnh chụp Thanh Campbell trong bài viết “Việt Nam ơi, hẹn ngày về” (đăng trên Tuổi Trẻ ngày 15-7-2006) khiến ông Nguyễn Minh Thạnh (ở Q.4, TP.HCM) cảm thấy bồn chồn kỳ lạ. Trong một giây phút, ông có cảm tưởng như mọi tri giác của mình đều biến mất. Người thanh niên trong báo nhìn rất giống ông lúc trẻ, đứa con thất lạc mà ông đã tìm kiếm suốt mấy chục năm qua.
Chuyện xảy ra đã hơn 30 năm. Sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm năm 1964, ông đi dạy được ba năm thì có lệnh tổng động viên của chính quyền Sài Gòn. Đi lính xong, ông trở lại dạy học. Thời cuộc rối ren khiến vợ chồng ông quyết định đưa cả ba đứa con trai của mình là Minh Thuấn, Minh Thiện và Minh Thanh vào cô nhi viện Cần Giuộc (Long An) nhờ cưu mang. “Gửi con cho cô nhi viện là chuyện chẳng đặng đừng. Nhưng lúc đó tính mạng mình còn lo chưa xong, làm sao lo cho con. Chỉ có cách đó mới đảm bảo an toàn cho mấy đứa nhỏ...” - ông Thạnh kể. Không ngờ đó là lần cuối cùng vợ chồng ông nhìn thấy thằng Thanh, đứa bé nhất trong ba đứa con trai mà họ phải dứt ruột chia lìa.
Sau này, theo lời kể lại của các soeur, ông Thạnh mới biết do nhầm lẫn người ta đã đưa Thanh cùng những đứa trẻ còn ẵm ngửa về tập kết tại cô nhi viện Gò Vấp để di tản đi nước ngoài. Lúc đó, trên cổ tay Thanh còn cột một bản sao giấy khai sinh. Hai anh của Thanh do lớn hơn nên ở lại.
Thanh đã đi đâu, còn sống hay đã chết? Liệu Thanh đã đến Mỹ hay không may thiệt mạng trong chuyến bay chở trẻ mồ côi bị rớt vài phút sau khi cất cánh? Gia đình ông Thạnh đặt ra rất nhiều giả thiết nhưng chẳng biết nên vin vào đâu khi họ không có một manh mối nào.
Có cách nào để tìm lại tung tích của con, ông Thạnh đều đã thử hết. Ông nhờ bà con, bạn bè ở Mỹ đăng tin tìm người thân trên đài truyền hình. Ông đến khách sạn nơi đoàn babylift từ Mỹ về VN ở hồi tháng 4-2005, năn nỉ được gặp những đứa trẻ đã lớn kia, biết đâu trong số chúng có đứa biết về thằng Thanh con ông. Nhưng đáp lại là lời từ chối cho mọi cuộc tiếp xúc. “Không biết bao nhiêu lần hi vọng rồi thất vọng, nhưng tôi vẫn không bỏ cuộc vì muốn làm tròn ước nguyện của mẹ Thanh. Trước khi qua đời vì bệnh ung thư, bà ấy đã trăng trối bằng mọi giá phải tìm lại được đứa con bị thất lạc”.
Nhận diện cha - con
“Babylift” là cách người ta gọi những trẻ em bị đưa khỏi miền Nam VN theo một chương trình mang tên “Chiến dịch đưa trẻ em ra đi” (Operation babylift) tới Mỹ và một số nước khác (như Úc, Canada...). Ngày 3-4-1975, tổng thống Mỹ Gerald Ford ký sắc lệnh “Babylift” để di tản trẻ mồ côi khỏi các cô nhi viện ở Sài Gòn. Theo kế hoạch, 30 chuyến bay được điều động để cùng với các phương tiện khác di tản trẻ mồ côi VN với một ngân sách đặc biệt khoảng 2 triệu USD. Tính đến khi chuyến bay cuối rời sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 26-4-1975, đã có hơn 2.000 trẻ rời VN theo chương trình này. Tuy nhiên con số chính thức vẫn chưa được xác định. Có tin nói rằng khoảng 4.000 trẻ đã được đưa đi, trong đó khoảng 2.700 trẻ đến Mỹ, 1.300 trẻ đến Canada, Úc và các nước châu Âu. (Theo www.pbs.org) |
Bài báo như một dòng nước mát làm hồi sinh hạt mầm hi vọng trong cuộc đời người cha già tuổi đã cận kề 70. Ngày hôm sau, ông đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ nhờ liên lạc với Thanh Campbell. Cùng lúc đó, anh T. (*), người con thứ tư của ông Thạnh ra đời sau chiến tranh, cũng chủ động liên lạc với Thanh. Trong email trả lời Tuổi Trẻ sau đó, Thanh đã tỏ thái độ linh cảm rằng đây không phải là một trường hợp nhận con ngẫu nhiên.
Bí mật tờ giấy khai sinh cột trên tay chưa hề được anh tiết lộ với Tuổi Trẻ, tại sao người đàn ông xa lạ này lại biết được? Tuy nhiên, trong suốt quá trình trao đổi thư từ qua lại với Tuổi Trẻ lẫn anh T., Thanh không hề lên tiếng thừa nhận hay phủ định bất cứ một điều gì.
Theo anh T., điều mà Thanh băn khoăn nhất chính là việc tại sao mình còn cha mẹ mà lại bị đưa vào cô nhi viện. Hơn 30 năm, Thanh Campbell và những người thân ở Canada đã sống với một thực tế rằng anh là trẻ mồ côi, nay bỗng dưng có người nói điều đó không đúng, cha ruột anh còn sống, anh còn hai người anh và một người em ruột... Tất cả dường như nằm ngoài khả năng chấp nhận của Thanh.
Sự nghi ngờ chỉ được giải tỏa khi anh T. gửi bản sao giấy khai sinh của Thanh đến Canada. Trước sự trùng khớp đến từng chi tiết của bản sao này với tờ giấy khai sinh mà anh luôn cất giữ cẩn thận, Thanh Campbell bắt đầu tin rằng cuộc đời mình sắp được kể lại theo một cách khác. Anh liên lạc với phòng xét nghiệm Lab Express, nơi chuyên thực hiện các xét nghiệm ADN cha - con, và đến cuối tháng 12-2006, cuộc xét nghiệm được tiến hành. Phóng viên Tuổi Trẻ được Lab Express yêu cầu làm người thực hiện việc lấy mẫu thử của ông Thạnh nhằm đảm bảo độ trung thực và chính xác.
“Con thương ba lắm!”
Phóng to |
Xem lại bản kết quả xét nghiệm giúp ông Thạnh cảm thấy gần với Thanh hơn trong thời gian chờ gặp mặt con - Ảnh: T.Trúc |
Ngày 8-1-2007, Thanh nhận được điện thoại từ Lab Express, thông báo ông Nguyễn Minh Thạnh chính là cha ruột của anh. Thanh choáng ngợp. Anh hẹn với ông Thạnh và anh T. ngày giờ gọi điện về VN “để thông báo một tin quan trọng”. Đúng hẹn, Thanh từ Canada gọi điện thoại về.
Cuộc nói chuyện đầu tiên giữa hai cha con sau 32 năm xa cách kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ. Tuy phải thông qua một người bạn của Thanh ở Canada làm phiên dịch vì Thanh không biết nói tiếng Việt, nhưng buổi trò chuyện rất cảm động. “Nó hỏi tôi rất nhiều về người mẹ quá cố, về các anh em trong nhà, về tình hình sức khỏe của tôi...” - ông Thạnh xúc động. Trước khi cúp máy, Thanh đã cố gắng lặp lại câu tiếng Việt do người bạn dạy: “Con thương ba lắm!”. Trước mặt ông Thạnh như hiện ra hình ảnh thằng Thanh lên hai, lên ba, bập bẹ học nói những tiếng đầu tiên trong đời. Phải mất 32 năm ông mới có thể nghe được câu nói bập bẹ đó...
Sự kiện Thanh Campbell tìm lại được cha ruột đã làm lóe lên niềm hi vọng trong những “cô nhi” có mặt trên cùng chuyến bay với Thanh năm 1975. Biết đâu họ cũng là mảnh ghép thất lạc đang chờ được lắp vào một bức tranh gia đình nào đó ở VN... Thanh đã tìm được máu mủ của mình, nhưng câu chuyện về những mảnh ghép khác giờ đây chỉ mới bắt đầu...
(*) Để đảm bảo sự riêng tư của anh T., chúng tôi dùng tên viết tắt theo yêu cầu của nhân vật.
Anh Nguyễn Ngọc Minh Thuấn (anh ruột của Thanh) Ngày Thanh được đưa ra xe “tập kết” về Sài Gòn, tôi cứ nghĩ người ta đưa Thanh đi khám bệnh. Trước khi xe lăn bánh, tôi còn xoa đầu, nắm tay nắm chân Thanh. Không ngờ đó là lần cuối cùng được nựng nịu đứa em trai này. Sau này nghe ba mẹ kể lại, tôi mới biết Thanh đã bị đưa đi nước ngoài. Bây giờ tìm lại được Thanh, tất cả anh em chúng tôi đều vui không sao tả xiết... Anh Hồ Văn Khanh (bạn của Thanh) Năm ngoái, Thanh chuyển cho tôi một email của T. nói rằng anh ấy là người thân của Thanh. Thanh nói chuyện với tôi và chúng tôi quyết định tìm hiểu vụ này kỹ hơn. Chúng tôi đã so sánh tài liệu mà T. gửi qua đường bưu điện đến Canada và những gì mà Thanh có. Chúng giống nhau 100%, kể cả những vết mực nhỏ ở bên ngoài. Sau đó tôi gọi điện thoại hỏi chuyện ông Thạnh. Tôi nói với Thanh rằng tôi nghĩ xác suất đúng trong trường hợp này là 85%. Sau đó chúng tôi quyết định bước tiếp theo là tiến hành xét nghiệm ADN để làm sáng tỏ 15% sự nghi ngờ còn lại. Ông Allan Rotenberg (người quản lý phòng thí nghiệm Lab Express, Canada) Mẫu thử của ông Thạnh đã được xử lý cùng với mẫu thử của Thanh, sử dụng kỹ thuật PCR. Phòng thí nghiệm cho kết quả ông Nguyễn Minh Thạnh là cha ruột của Thanh Campbell, với chỉ số cha 100.447. Tức là nếu chọn ngẫu nhiên 100.447 người đàn ông không có quan hệ gì với nhau, trong đó có ông Thạnh, thì ông ấy là người duy nhất có ADN trùng khớp với ADN của Thanh. Khi có kết quả, tôi rất vui, chỉ muốn báo ngay cho Thanh biết! Tuy nhiên, tôi đã cố giữ thái độ bình thản khi gọi điện thoại cho cậu ta. Nói chuyện một lát, Thanh nhắc lại chuyện về “57 trẻ mồ côi”. Tôi nói: “Tôi nghĩ từ giờ người ta phải đổi lại tên nhóm này thành 56 trẻ mồ côi”. Thanh hiểu ngay tôi muốn nói gì và trở nên rất xúc động. Cậu ấy muốn báo tin vui này với tất cả mọi người. Đây là một trong những ca có kết quả đáng vui mừng nhất mà tôi từng biết và tôi rất vinh dự được tham gia quá trình đó. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận