08/01/2007 06:04 GMT+7

Ngòi pháo 9.1- Kỳ 1: Cuộc biểu tình 9-1

LÊ TRUNG NGHĨA
LÊ TRUNG NGHĨA

TT - Khoảng 7g30 sáng 9-1-1950, 30 HS chúng tôi đại diện cho toàn thể HS nội trú Trường trung học Pétrus Ký đã có mặt tại địa điểm tập trung trên đường d’Espagne (nay là Lê Thánh Tôn), trước Nha học chánh Nam Việt.

Vào ngày 9-1-1950, một cuộc biểu tình của hàng ngàn học sinh đấu tranh đòi chính quyền trả tự do cho một số học sinh bị bắt tại Sài Gòn. Cảnh sát đàn áp, Trần Văn Ơn trúng đạn hi sinh. Tang lễ Trần Văn Ơn đã trở thành một cuộc biểu dương khổng lồ của lòng yêu nước.

Tuổi Trẻ trích đăng hồi ức của ông Lê Trung Nghĩa - cựu học sinh nội trú Trường Pétrus Ký - về sự kiện đáng nhớ đó của 57 năm trước.

QQe8IlSi.jpgPhóng to

Cuộc thương thuyết bất thành

Mỗi trường đều có cử HS vào ban đại diện, xin gặp trực tiếp giám đốc Nha học chánh để trao đơn thỉnh nguyện. Số lượng HS đến tham dự càng lúc càng đông, chiếm chật hai bên lề đường. Và rồi, nhiều tấm biểu ngữ giương cao, nội dung: “Yêu cầu thả tự do cho tất cả HS đã bị bắt, cho họ trở lại trường tiếp tục học”, đòi mở cửa trường công, không được vô cớ bắt giữ HS... Vừa để đe dọa, vừa đề phòng, đối phó với mọi trường hợp bất trắc, nhà đương cuộc Pháp - Việt huy động bốn xe vòi rồng và lính chữa lửa đến chốt ở ngã tư d’Espagne - Paul Blanchy (Lê Thánh Tôn - Hai Bà Trưng) và rất nhiều cảnh sát trang bị súng lục, dùi cui (matraque), gậy cầm tay...

S9w1otrJ.jpgPhóng to
Biểu tình trước dinh thủ hiến Nam phần (bây giờ là Bảo tàng TP.HCM) - ngày 9-1-1950 - Ảnh tư liệu
Ban đại diện HS gồm có 11 người, trong đó có ba giáo viên Trường Huỳnh Khương Ninh, một giáo viên Trường Lê Bá Cang và bảy đại biểu HS với thái độ nhã nhặn nhưng kiên quyết, đòi gặp ông giám đốc. Trước tình thế này, ông Nguyễn Thành Giung không còn cách nào khác, phải tiếp đại diện HS. Cũng với thái độ khôn khéo, ông nói rằng không đủ thẩm quyền giải quyết các yêu cầu của HS; đề nghị đoàn HS nên cử đại diện lên gặp thượng cấp và khuyên HS hãy tự giải tán!

Chúng tôi hội ý chớp nhoáng, quyết định đưa đoàn HS đến gặp thủ hiến Nam Việt Trần Văn Hữu. Bấy giờ khoảng hơn 9g, đoàn HS tự xếp vào hàng ngũ kéo nhau đến dinh thủ hiến đường Lagrandière (bây giờ là Bảo tàng TP.HCM, đường Lý Tự Trọng). Các anh cầm biểu ngữ đi trước, ban đại diện HS theo sau đi đường d’Espagne ngang dinh đốc lý (Mairie de Saigon, nay là trụ sở UBND TP.HCM), đến ngã tư quẹo đường Pellerin (Pasteur) tiến đến đường Lagrandière thì gặp chướng ngại. Cảnh sát Pháp - Việt chốt chặn không cho đoàn HS theo đường Lagrandière đến trước dinh thủ hiến. Nhiều xe vòi rồng được điều đến, nằm chực sẵn ở đây.

Đại diện HS thương lượng với viên chỉ huy cảnh sát xin mở đường cho đoàn HS đến trực tiếp trao đơn thỉnh nguyện tận tay ông thủ hiến rồi giải tán ngay. Cuộc thương thuyết bất thành. HS cương quyết tiến bước, phía sau tràn tới làm áp lực. Cảnh sát dàn hàng ngang, mấy tên Tây dùng dùi cui quất tới tấp dồn đoàn biểu tình sang bên kia đường. Chúng bị HS đánh trả bằng gạch, đá, giày dép... Xe vòi rồng bắt đầu xịt nước vào đoàn biểu tình. Ban đầu vòi nước xịt lên cao, tia nước nhỏ, sau xịt thẳng vào đám đông, nước bắn ra rất mạnh làm HS té sấp té ngửa. Nhưng các nữ sinh không sợ, kêu nhau xoay lưng hứng chịu. Cuộc xô xát căng hơn, gạch đá bay tới tấp vào lực lượng cảnh sát đàn áp. Cảnh sát còn ít, lực lượng mỏng, yếu thế co cụm. Trong lúc đó, các xe vòi rồng được đại diện HS thuyết phục ngưng xịt nước, tự động gom đồ nghề, co vòi, trước khi rút lui còn tuyên bố không can thiệp, không đàn áp HS đi trình bày nguyện vọng.

U2zv7yqU.jpgPhóng to
Cảnh sát tập trung chuẩn bị đàn áp - Ảnh tư liệu
“Không giải quyết nguyện vọng, không về”

Lúc bấy giờ HS từ các trường kéo đến có trên số ngàn. Nút chặn của cảnh sát tan vỡ. Đoàn HS đến trước dinh thủ hiến, cử đại diện tiếp xúc, đòi gặp trực tiếp Trần Văn Hữu. Trong sân dinh có rất nhiều quân đội võ trang và cảnh sát Pháp - Việt. Chung quanh dinh đều có lính canh gác nghiêm mật. Trước dinh, đường Lagrandière từ ngã tư Pellerin đến ngã tư Mac Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) dày đặc cảnh sát tay lăm lăm khẩu súng, làm hàng rào. Mấy tên biện chà mặt mày đằng đằng sát khí, chờ lệnh là xông tới đánh đập HS. Trên các “lô cốt” khám lớn Sài Gòn (bây giờ là vòng rào thư viện) Lagrandière - Mac Mahon - d’Espagne - Filippini (Nguyễn Trung Trực) có chong các họng súng máy vào đoàn HS.

Cảnh sát dùng loa kêu gọi HS giải tán và bắn chỉ thiên thị oai. Vẫn không kết quả, chúng chĩa súng bắn trên mặt đường, lửa văng tung tóe, một HS bị đạn lạc trúng vào chân. HS chạy dạt vào công viên sơ cứu ở chỗ mấy cây đa cổ thụ, rồi làm cáng khiêng anh HS đặt trước dinh thủ hiến; la ó, phản đối hành động dã man, khát máu của cảnh sát đã bắn HS vô tội. Trước sự kiện này, toán lính cảnh sát rút vào trong sân dinh, chốt chặn bãi bỏ, thay vào đó cả đội quân lê dương võ trang súng nhẹ làm hàng rào bên ngoài tiền đình dinh thủ hiến. Không khí tự nhiên như lắng xuống, không có thỏa thuận gì mà như có cuộc “ngưng chiến” tạm thời.

Hàng ngàn nam nữ HS tập trung trên sân cỏ công viên. Đầy ắp trên các vỉa hè xung quanh, rất đông phụ huynh và đồng bào các giới đem nước đá, nước chanh, bánh mì, bánh bao... đến tiếp tế, thăm hỏi và động viên. HS các trường tiểu học lân cận hay tin cũng tự động kéo đến ủng hộ các anh, các chị mình tranh đấu. Hàng trăm xe đạp, cặp vở, giày dép HS bỏ liều trên các vỉa hè, chỉ có lèo tèo đôi ba HS coi giữ. Đoàn HS biểu tình như được tăng thêm sức mạnh. Các anh tuyên bố: “Thủ hiến Trần Văn Hữu không giải quyết nguyện vọng chánh đáng, HS không về!”.

12g30, dinh thủ hiến cho người ra gặp đại diện HS thông báo Trần Văn Hữu bằng lòng tiếp đại diện HS trước thềm dinh thủ hiến. Bên cạnh Trần Văn Hữu có cò mật thám Bazin. Cả hai bảo rằng năm HS bị bắt là do tòa án binh giam giữ ở khám lớn Sài Gòn theo lệnh của tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương, tướng Carpentier, nên không thể thả ngay được. Hữu bảo ban đại diện nộp danh sách HS bị bắt cho y xem xét, 15 phút sau HS phải giải tán, đến 13g30 sẽ không còn ai lảng vảng trước dinh. Anh em ước đoán ít nhất cũng có vài ba mươi HS các trường công lập, tư thục đã bị bắt giữ thời gian qua, nhưng trong tay ban đại diện lúc này chỉ có tên năm người. Thực chất tổ chức biểu tình là nhằm vạch mặt bọn bù nhìn thân Pháp nghe lời Tây đánh bắt con em mình; một món quà phủ đầu tặng Bảo Đại, quốc trưởng bù nhìn và chính phủ của ông. Ban đại diện HS không nắm được danh sách các bạn còn đang bị giam cầm. Chúng tôi, Huỳnh Thu Chơn và Lê Trung Nghĩa, được cử cấp tốc đi tìm dược sĩ H.. Chúng tôi chạy vội lại đường Le Grand de la Liraye (Điện Biên Phủ) cũng không có thêm tên HS nào. Anh em chúng tôi chưa hết băn khoăn thì tình hình trở nên khác lạ. Xe nhà binh chạy đến đổ xuống cả đại đội lính lê dương có võ trang. Cảnh sát ở các bót cũng được gọi tới tăng cường. Nhiều tên cầm khiên mây và gậy.

Xe đi chầm chậm, đoàn người trùng trùng điệp điệp theo sau. Dân số Sài Gòn - Chợ Lớn lúc đó chưa đến 2 triệu, vậy mà có hơn 300.000 người đưa tiễn Trần Văn Ơn. Chưa bao giờ tinh thần yêu nước sục sôi như thế.

Kỳ tới: Trần Văn Ơn sống mãi

Hồ sơ này trích từ công trình nghiên cứu “Lịch sử Nam bộ kháng chiến” của Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử Nam bộ kháng chiến (2005)

LÊ TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên