25/12/2006 07:04 GMT+7

Đi giữa đời thường

VŨ BÌNH
VŨ BÌNH

TT - Chiến tranh đi qua, những nữ lái xe mỗi người một ngả, họ lên đường tìm đồng đội năm xưa để lại đùm bọc cho nhau. Họ cùng nhau vượt qua những khó khăn và cùng chờ đợi được gặp nhau vào ngày 22-12 hằng năm để nhớ về một thời sẽ là mãi mãi.

lNHWT7Pl.jpgPhóng to
Các nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn thăm lại chiến trường xưa - Ảnh tư liệu
TT - Chiến tranh đi qua, những nữ lái xe mỗi người một ngả, họ lên đường tìm đồng đội năm xưa để lại đùm bọc cho nhau. Họ cùng nhau vượt qua những khó khăn và cùng chờ đợi được gặp nhau vào ngày 22-12 hằng năm để nhớ về một thời sẽ là mãi mãi.

Kỳ 1: Dưới tầm lửa đạn Kỳ 2: Tình yêu thời chiến Kỳ 3: Vượt “cửa tử thần”

Đi tìm đồng đội

Cựu chiến sĩ lái xe Trường Sơn Nguyễn Thị Hoàng Thanh, nhà ở phố Kim Mã (Hà Nội), kể rằng sau khi xuất ngũ, chị chuyển về lái xe một thời gian cho các đơn vị như Công ty Vệ sinh Hà Nội, Công ty Rau quả Hà Nội... rồi nghỉ hưu, cùng chồng mở một quán nước giải khát ngay tại nhà. Nhưng nỗi nhớ đồng đội trong chị vẫn da diết không nguôi: những năm tháng ở chiến trường không mất ai, sao hòa bình về lại lạc mất nhau? Cuối năm 1993, chị Thanh bàn với chồng, cũng từng là bộ đội Trường Sơn, về việc tìm lại đồng đội cũ. Chị Thanh nghĩ nếu tìm được chị Phùng Thị Viên, đại đội trưởng của đại đội, là có thể lần ra manh mối các chị còn lại. Một hôm tình cờ khi đi chợ, chị Thanh gặp lại được chị Ánh lúc đó đang lái xe ở Bộ Tài chính, nhà ở Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội. Chị Ánh cho biết một số đồng đội cũ vẫn ở Hà Nội như chị Bùi Thị Vân, chị Kim Quy... Thế là các chị chia nhau tỏa đi tìm người đầu mối là chị Viên.

Sau hơn một tháng lần dò khắp các ngóc ngách Hà Nội, các chiến sĩ lái xe Trường Sơn năm xưa cũng gặp lại được người đại đội trưởng của mình ở Cầu Giấy. Người chỉ huy thông minh, gan dạ năm nào đang bị bệnh ung thư di căn hành hạ do ảnh hưởng của chất độc da cam khi còn ở chiến trường. Họ ôm chầm lấy nhau trong nghẹn ngào. Và sau đó, các chị Thanh, Vân, Quy... phân công nhau đi khắp 11 tỉnh thành miền Bắc, quê hương của các chị trong đại đội, để tìm. Cắc củm tiền nhà dành dụm cho các cuộc hành trình đi tìm đồng đội, dần dần số người trong trung đội nữ lái xe liên lạc lại được cũng đông dần lên. Chị Vân kể cảm động nhất là hành trình đi tìm Nguyễn Thị Thanh ở Hưng Yên. Chị Thanh không lập gia đình, đang sống một mình trong căn nhà xiêu vẹo ở tuổi xế chiều. Gặp lại đồng đội cũ, chị Thanh nước mắt lưng tròng, nghẹn ngào vì hạnh phúc. Chị rưng rưng nói: “Đi họp mặt à, tao muốn lắm chúng mày ạ. Nhưng tao đâu còn bộ quần áo nào lành lặn mà về Hà Nội!”. Bao nhiêu năm qua, chị Thanh vẫn phải dùng chăn bông cũ được cấp từ thời còn ở Trường Sơn và cái chiếu cói làm đệm để ngủ trong những đêm đông giá rét.

Mấy chục năm xa cách, giờ gặp lại nhau, những nữ chiến sĩ lái xe đường Trường Sơn năm nào nay mỗi người mỗi cảnh. Trở về là một phụ nữ giữa đời thường, hiếm hoi mới có người có cuộc sống hạnh phúc. Còn thì người sống một mình cô lẻ, người nghèo túng... “Nhìn cảnh khó khăn trong cuộc sống của đồng đội mình mà chúng tôi xót xa, đau thắt trong lòng. Tự hứa với nhau là của ít lòng nhiều, phải san sẻ, giúp đỡ nhau như chị em trong một gia đình” - bà Nguyễn Thị Hoàng Thanh xúc động nói.

49PEKIlB.jpgPhóng to
Công việc của chị Nguyễn Thi Thanh (Hưng Yên) bây giờ là chăm sóc mảnh vườn để kiếm sống - Ảnh: Vũ Bình
Lái cuộc đời vượt qua khó khăn

Trung tá Nguyễn Thị Hòa, trưởng ban liên lạc đại đội nữ lái xe Trường Sơn, cho xem quyển sổ liên lạc của đại đội ghi chép rất chi tiết về cuộc sống hiện nay của các chiến sĩ đại đội. Quyển sổ đầy nước mắt: ba chị đã qua đời, 19 chị là thương binh, hai chị sống đơn chiếc, năm chị sống ly hôn, bảy chị lấy chồng nối gánh... Hiếm hoi lắm mới có người có cuộc sống ổn định, hạnh phúc, còn phần nhiều vẫn phải chịu thiệt thòi, vất vả giữa đời thường.

Chị Nguyễn Thị Tiếp, người đồng đội cùng chị Phạm Thị Phàn dẫn đầu đoàn xe anh hùng vượt “tọa độ chết” năm xưa, qua đời vì ngã từ lầu cao khi làm công nhân xây dựng. Đại đội trưởng Phùng Thị Viên qua đời do bị ung thư vì ảnh hưởng của chất độc da cam. Chị Nguyễn Thị Minh (Hà Tây), chị Phạm Thị Phàn (Thái Bình)... thường xuyên đau yếu, sinh con bị bệnh tật vì ảnh hưởng chất độc da cam trong những năm tháng ở chiến trường. Ở xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên), chị Nguyễn Thị Thanh - người nữ chiến sĩ lái xe duyên dáng mặn mà của đại đội năm xưa - đang sống một mình cô quạnh. Căn chòi xiêu vẹo ngày nào của chị đã được thay bằng một căn nhà “đại đoàn kết” do địa phương trao tặng, giúp chị đỡ lo lắng hơn chuyện chống chọi với mưa nắng hằng ngày.

Trung tá Nguyễn Thị Hòa cho biết cũng có những đồng đội cũ bây giờ cuộc sống khá ổn định như chị Tuế ở Bắc Giang, dù là thương binh nhưng đã cùng chồng lập được một trang trại trồng vải rộng gần 3ha, doanh thu đến hàng trăm triệu đồng một năm. Nhưng số này không nhiều, phần lớn đều bệnh tật, sống nhờ lương hưu, trợ cấp. Do đó việc tìm lại đồng đội để tự cưu mang nhau, đùm bọc nhau là điều canh cánh của những nữ cựu binh, chỉ cần biết tin đồng đội mình ở đâu đang ốm đau, khó khăn là các chị em sắp xếp công việc, lặn lội đường xa tìm đến động viên, giúp đỡ. Chị Hòa bảo: “Ngày xưa vào sinh ra tử có nhau là thế. Chúng tôi từng chia nhau từng miếng lương khô, từng cọng rau xanh chống cơn sốt rét hoành hành thì bây giờ làm sao có thể quên nhau giữa thời bình”.

Chị Kim Quy, nhà ở hẻm trên phố Đào Tấn (Hà Nội), thành viên ban chủ nhiệm ban liên lạc đại đội nữ lái xe Trường Sơn, cho biết hằng năm chị em trong đại đội chọn ngày thành lập Quân đội nhân dân VN 22-12 để gặp nhau. “Đã lớn tuổi cả rồi, còn sống được ngày nào chúng tôi hứa sẽ đi tìm gặp lại nhau để tề tựu như chị em trong một mái ấm gia đình” - chị Quy thổ lộ. Mấy năm nay, cô con gái của đại đội trưởng Phùng Thị Viên đã mất là Đoàn Thị Phương Nga được bù đắp bởi tình cảm của những người mẹ khác trong đơn vị của mẹ như mẹ Hòa, mẹ Thanh, mẹ Dung, mẹ Vân... Nga hiện là sinh viên khoa quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngoại thương. Nga bảo: “Mẹ mất khi em còn rất nhỏ, các cô trong đơn vị mẹ đến nhận em làm con nuôi. Các mẹ thường xuyên đến động viên, lo lắng cho em trong việc học, trong cuộc sống. Nhờ vậy em mới có được như ngày hôm nay”. Thiếu úy Vũ Thị Kim Dung (Hà Nội) kể rằng trước khi mất, chị Viên mong mỏi: “Mình mất đi con còn nhỏ dại, các cậu hãy giúp mình chăm sóc nó nên người”. Từ đó, hằng tuần các nữ cựu binh đều thay nhau đến chăm sóc con chị Viên như con ruột của mình.

Những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi gan dạ, kiên cường lái xe trên tuyến lửa Trường Sơn năm nào nay tóc đều điểm bạc, có người đã trở thành bà nội, bà ngoại. Thượng úy chính trị viên, đại đội phó đại đội nữ lái xe Bùi Thị Vân đã có bốn cháu nội, ngoại. Lương hưu, tiền trợ cấp của hai vợ chồng cùng thu nhập của một xe nước mía nho nhỏ trước nhà cũng đủ trang trải cuộc sống. Chị Vân nói mỗi khi gặp nhau chị em vẫn hứa với nhau rằng hãy sống sao để giữ được phẩm chất kiên cường của những nữ chiến sĩ lái xe anh hùng năm nào. Chị cho biết: “Chúng tôi thường động viên nhau hãy nhìn về phía trước, vững tay lái mà lái cuộc đời vượt qua khó khăn như thời bom đạn Trường Sơn”.

VŨ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên