23/12/2006 06:03 GMT+7

Những bông hoa trên tuyến lửa - Kỳ 2 : Tình yêu thời chiến

VŨ BÌNH
VŨ BÌNH

TT - Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, dưới mưa bom bão đạn, sự sống cận kề với cái chết, vẫn có những câu chuyện tình thật đẹp, thật lãng mạn của các nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn với những người lính trẻ ra đi giải phóng quê hương.

uQLyPfsV.jpgPhóng to

Những chiến sĩ lái xe năm xưa: bà Vân và chồng bây giờ đã là ông bà ngoại Ảnh: Vũ Bình

TT - Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, dưới mưa bom bão đạn, sự sống cận kề với cái chết, vẫn có những câu chuyện tình thật đẹp, thật lãng mạn của các nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn với những người lính trẻ ra đi giải phóng quê hương.

Kỳ 1 : Dưới tầm lửa đạn

Gặp nhau trong bom đạn

Chiến sĩ lái xe Bùi Thị Vân quê ở Nam Định, từ bé đã phải xa nhà đi giữ em cho người ta ở tận Hải Phòng. 17 tuổi Vân đi thanh niên xung phong (TNXP), tình nguyện tham gia trung đội nữ lái xe. Lam lũ nhưng Vân lại rất xinh đẹp và tha thướt cứ như con gái con nhà khá giả ở Hà Nội. Vân được đồng đội đặt cho biệt danh “Vân hoa khôi” vì xinh nhất đơn vị.

Cuối năm 1970, trong một chuyến chở thương binh từ chiến trường về quân khu điều trị, Vân gặp anh Nguyễn Trần Đừng (quê Hà Nội) bị thương nặng ở chân, cũng là dân lái xe ở Trường Sơn thuộc binh trạm 32. Đường Trường Sơn ngày ấy vô cùng vất vả, có những thương binh không hi sinh ở chiến trường mà lại trút hơi thở cuối cùng trên những cung đường trở về hậu cứ do dằn xóc quá mạnh. May mắn với anh Đừng là đã vượt qua được vết thương quá nặng nhờ đôi tay chăm sóc mềm mại, dịu dàng của người con gái lái xe.

Sau “chuyến xe định mệnh” lần ấy, thỉnh thoảng Bùi Thị Vân lại nhận được những lá thư tình. Chữ viết trong thư nắn nót từng dòng, lời lẽ tha thiết, nói rằng chỉ gặp Vân một lần trên chuyến xe do cô chở mà về cứ “nhớ nhớ, thương thương”. Cuối thư lại ký một cái tên lạ mà Vân chưa từng quen biết. Vân không thể nào nhớ được bao nhiêu thương binh mình đã chở về hậu cứ. Sau đó, mỗi khi xe của Vân về hậu cứ là anh thương binh Đừng lại chạy ra hỏi bóng hỏi gió cô có nhận được lá thư nào của những người lính không.

Một lần, Vân đùa: “Nếu anh có gặp những người lính ấy thì xin cho em gửi lời thưa rằng: cùng là lính, nếu thương mà không dám gặp mặt thì thôi, vì em sắp đi lấy chồng mất rồi”. Nghe vậy, anh Đừng vô cùng bối rối và thú nhận ngay mình là “thủ phạm” gửi những lá thư đầy yêu thương đó. Hai người yêu nhau đến năm 1974 thì tổ chức đám cưới. Bây giờ, năm người con của họ đều đã trưởng thành, cuộc sống ổn định. Nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn năm xưa nay đã là bà ngoại. Bà Vân nói rằng “thành tích” của những năm tháng lái xe Trường Sơn của bà không chỉ là việc phục vụ chiến trường, mà còn là tìm được một mái ấm gia đình hạnh phúc.

Mối tình của nữ chiến sĩ lái xe Nguyễn Thị Hoàng Thanh với một chiến sĩ lái xe Trường Sơn đóng gần binh trạm cũng lãng mạn không kém. Thanh quê ở Hải Phòng, trốn gia đình đi TNXP năm vừa tròn 16 tuổi vì sợ bị gia đình ép lấy chồng. Năm 17 tuổi Thanh đã là một nữ lái xe cừ khôi trên đỉnh Trường Sơn. Cuối năm 1968, một lần Thanh điều khiển chiếc trung xa 2,5 tấn vượt một con dốc cao, kề bên là vực sâu hun hút. Sắp đến giờ địch đánh bom tọa độ, vậy mà bỗng xuất hiện một chiếc đại xa từ trong rừng xông ra chặn kín cả lối đi. Nổi nóng, Thanh quát lớn: “Cái nhà anh kia, có tránh đường không nào?”.

Anh lái xe bên kia cũng không vừa: “Còn chỗ đâu mà lùi. Em giỏi thì cứ việc lùi đi”. Nổi nóng, Thanh quát ầm lên. Phía bên kia cười giòn giã: “Con gái mà cục cằn thế thì ế chồng mất thôi em ạ. Có ma nó lấy”. “Ế thì mặc tôi, không lùi là tôi bắn đấy” - Thanh bực bội gắt lên. Cuối cùng, tay lái nam cũng chịu nhường đường cho nữ chiến binh lái xe băng lên phía trước. Chuyện chỉ có vậy mà sao lòng người lính sau đó cứ xôn xao và nhớ mãi hình bóng cô gái nóng tính. Thế là từ đó sau mỗi chiến dịch trở về, anh lái xe lại mang về những nhánh lan rừng và đến tận lán nữ len lén cài lên xe cô gái đồng nghiệp. Cứ thế ngày tháng trôi qua, họ yêu nhau và chờ nhau cho đến ngày chiến thắng để thành vợ thành chồng.

Gắng sống, chiến đấu để còn gặp lại nhau

ZaJk25AU.jpgPhóng to
Phút giao lưu hiếm hoi của cánh lái xe nam và cánh lái xe nữ ở Trường Sơn - Ảnh tư liệu
Đối với cánh lái xe nữ, nước thiếu trầm trọng vào mùa khô là vấn đề nan giải hơn cả căng mình lái xe dưới làn bom đạn. Một khi buông tay lái, các cô đều phồng rộp hết cả tay, đau nhức hết mình. Thiếu nước tắm, rửa, nhiều người bị ghẻ, mụn đầy người. Đó là chưa kể bệnh sốt rét rừng làm hầu hết các cô vàng da, sạm cả người... Nhưng cho dù bom đạn tàn khốc, khắc nghiệt đến mấy, nét hồn hậu, thanh khiết của trung đội nữ vẫn làm bao chàng trai xao xuyến.

Người lính công binh lái máy ủi khu vực cổng Trời Trần Công Thắng vẫn còn nhớ như in câu chuyện tình của mình với cô “người mẫu” Nguyễn Thị Nguyệt Ánh. Ánh cao nhất trung đội, 1,68m, vóc người cân đối, nước da trắng hồng nên được chị em trong trung đội gọi là “người mẫu”. Quê Ánh ở Hưng Yên, đi TNXP ở Yên Bái rồi về trung đội Nguyễn Thị Hạnh. Anh Thắng lái máy ủi làm đường, san lấp hố bom ở các tuyến đường trọng điểm bị đạn bom đánh phá. Một lần, đơn vị của Ánh tổ chức văn nghệ “cây nhà lá vườn” giữa rừng, anh Thắng được đơn vị cử đi dự.

Anh lên tặng hoa cho Nguyệt Ánh, họ làm quen rồi đem lòng nhớ thương nhau. Mỗi khi Ánh chạy xe Zin ba cầu giao hàng ngang khu vực cổng Trời - Cha Lo, họ mới có dịp gặp nhau trong phút giây ngắn ngủi. Ánh kể có lần xe chị chạy lướt qua nơi anh đang ủi máy dưới làn bom đạn, chị chỉ kịp thấy người yêu đứng bên đường, vẫy vẫy tay nói trong tiếng bom đạn: “Chạy xe cẩn thận em nhé. Anh nhớ em lắm”. Chỉ như vậy song họ cũng vơi đi nhớ nhung và hứa với lòng gắng sống, chiến đấu vì đất nước để còn gặp lại nhau. Yêu nhau từ năm 1966 mà chỉ có những thoáng lướt qua nhau dưới tầm lửa đạn, mãi đến năm 1974 họ mới tổ chức lễ cưới.

Ghé thăm họ ở khu Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội, hai đồng nghiệp lính lái xe ngày nào giờ đã là một mái ấm hạnh phúc. Cả hai người con của anh chị đều học hành đến nơi đến chốn, chị cũng vừa lên chức bà ngoại. “Tình yêu của chúng tôi bền chặt như vậy là do ngoài chuyện tình yêu trai gái, còn có một tình cảm cao đẹp hơn: tình đồng đội” - chị Ánh nói.

_______________

Trọng điểm 050, còn được gọi là cổng Trời, là nơi hứng chịu nhiều bom đạn nhất vì đây là điểm tập kết giao nhận hàng hóa, thương binh nối hai tuyến đường Trường Sơn Tây và Trường Sơn Đông. Họ đã đi qua, xong nhiệm vụ rồi ngã quị trong vòng tay đón mừng của đồng đội.

Kỳ sau: Vượt “cửa tử thần”

VŨ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên