14/12/2006 05:28 GMT+7

Tiểu đội nhí và "chiến thuật xe bò"

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TT - Trong khi những Vệ quốc quân xông lên chiến hào, một “tiểu đội nhí” tuổi đời mới lên 10 vẫn kiên cường băng qua lửa đạn, âm thầm tiếp tế khí giới và quân nhu từ ngoại thành cho các chiến sĩ thủ đô kháng Pháp.

G0y3fVxu.jpgPhóng to
Đại tá Hoàng Thọ Anh - nguyên phó Ban tiếp tế vũ khí và quân nhu - Ảnh: Lâm Hoài
TT - Trong khi những Vệ quốc quân xông lên chiến hào, một “tiểu đội nhí” tuổi đời mới lên 10 vẫn kiên cường băng qua lửa đạn, âm thầm tiếp tế khí giới và quân nhu từ ngoại thành cho các chiến sĩ thủ đô kháng Pháp.

Kỳ 1: Tuổi thơ dữ dội Kỳ 2: Những “Gavroche” Hà thành Kỳ 3: Nữ Vệ út và báu vật 60 năm

Cuộc triệu tập bí mật

Theo ông Hoàng Thọ Anh - nguyên phó Ban tiếp tế vũ khí ngày ấy, đoàn hướng đạo Đống Đa ở thị xã Hà Đông lúc bấy giờ sục sôi tinh thần yêu nước, sẵn sàng kháng chiến. Những thành viên từ 18 tuổi trở lên làm đơn xin vào Vệ quốc đoàn, còn lại các thành viên 12-17 tuổi hăng hái tham gia các hoạt động chuẩn bị kháng chiến như giúp dân sơ tán, dựng chướng ngại vật, chuẩn bị tiêu thổ kháng chiến.

“Sáng 3-12-1946, tôi cùng trưởng ban Phạm Văn Tá (tức Phạm Văn Hướng) được triệu tập tới dinh công sứ Hà Đông để làm việc. Đón chúng tôi là chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Hà Đông cùng ba vị khách lạ. Thời gian sau tôi mới biết đó là đại diện Chính phủ - ông Hoàng Hữu Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp và Tổng tham mưu trưởng QĐND VN Hoàng Văn Thái. Sau khi phân tích tình hình khả năng giữa ta và giặc, ông Hoàng Hữu Nam chỉ đạo: đoàn hướng đạo Đống Đa sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển vũ khí, quân nhu từ các kho La Khê, Bông Đỏ, Bala, A300 Hà Đông ra Cầu Mới (ngã tư Sở) Hà Nội để từ đây chuyển đi các điểm chốt trong thủ đô. Ban tiếp tế vũ khí và quân nhu được thành lập nhanh chóng gồm 27 thành viên tuổi 12-17, do Phạm Văn Tá (25 tuổi) làm trưởng ban”, ông Hoàng Thọ Anh kể.

Ngay đêm hôm đó các thành viên được triệu tập khẩn cấp đến ngôi nhà 104 phố Bóp Kèn (bây giờ là phố Quang Trung, thị xã Hà Đông, Hà Tây). Một cuộc họp chớp nhoáng diễn ra, nội dung thảo luận chủ yếu xoay quanh phương án vận chuyển vũ khí. Rất nhiều ý kiến được đưa ra thảo luận: mang balô sẽ mệt, chở xe đạp thì không hiệu quả, ôtô không có... Cuối cùng các thành viên nhí thống nhất sẽ dùng xe bò để chở đạn, thời gian tiến hành vào buổi tối. Ưu điểm của xe bò là vừa chở được nhiều vừa an toàn vì không gây tiếng động.

Hôm sau, sáu chiếc xe bò được Ủy ban kháng chiến tỉnh Hà Đông huy động tập kết ngay trước trụ sở Ban tiếp tế. Trưởng ban Phạm Văn Tá trực tiếp chỉ đạo việc tiếp tế đạn, các thành viên được phân công việc cụ thể: người lớn cầm càng xe, nhỏ hơn thì tập trung phía sau đẩy xe và cầm đèn bão dẫn đường.

0aaNDFSk.jpgPhóng to
Đại tá Bạch Ngọc Giáp - thành viên nhỏ tuổi nhất của Ban tiếp tế vũ khí ngày ấy (12 tuổi) - Ảnh: Lâm Hoài
Những bước chân nhỏ cùng ra trận

Đại tá Trần Văn Nhâm - thành viên ban tiếp tế - kể: “Tối 4-12 đoàn lên đường. 21 giờ, bốn chiếc xe bò đồng loạt xuất phát từ trụ sở ở phố Bóp Kèn, đến kho La Khê lúc 22 giờ, những hòm đạn nhanh chóng được chuyển lên xe, xe ra đến cầu Hà Đông đã quá 0 giờ. Từ đây đoàn nghỉ một lúc rồi tiếp tục đẩy lên Ngã Tư Sở.

Đến nơi, đồng hồ chỉ 1 giờ sáng, tại đây các đơn vị chiến đấu trong thủ đô đã chờ sẵn để tiếp nhận đạn, đặc biệt tướng Hoàng Văn Thái trực tiếp có mặt để chỉ đạo. Đoàn xe quay về Hà Đông, các thành viên tập trung ngủ một chỗ ở trụ sở, sáng hôm sau tiếp tục nhận nhiệm vụ mới. Một tuần liên tục, một khối lượng lớn đạn dược được vận chuyển bằng xe bò vào nội thành”.

Mấy ngày sau đó, quân ta thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, tuyến đường bộ từ cầu Hà Đông theo hướng thủ đô đến Cầu Mới được phá đi, kế hoạch của ban tiếp tế cũng linh hoạt thay đổi. Thêm một sáng kiến được đề xuất: hai toa xe điện cũ bỏ không cạnh cầu Hà Đông sẽ tận dụng chở đạn, vũ khí được chuyển tiếp từ xe bò dưới La Khê về, sau đó xe điện được đẩy từ cầu Hà Đông về Ngã Tư Sở theo đường ray.

Đến ngày 13-12, một tuần trước khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đường ray bị bóc gần hết, việc vận chuyển bằng tàu điện không thể tiếp tục. Nhưng mọi người kiên quyết không để mạch tiếp tế bị cắt đứt, những chiếc balô con cóc ngày xưa thường dùng đi picnic, cắm trại trong đoàn hướng đạo được huy động để mang đạn. Các quả đạn loại đạn pháo, đạn cối 60, phóng lựu, stốc (stock) được nhét chặt vào balô mang sau lưng các thành viên. Đoàn chia thành các nhóm nhỏ do Phạm Văn Tá, Ngô Bình Mạc và Hoàng Thọ Anh luân phiên nhau phụ trách, từ Hà Đông tiến theo ba hướng: một lên Cầu Mới; hướng khác đến làng Giàn (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội); hướng còn lại lên Phương Liệt, Hà Đông (Hoàng Mai, Hà Nội). Toàn bộ số đạn pháo sau khi vận chuyển được tập kết về các đơn vị chiến đấu ở pháo đài Láng, ô Chợ Dừa, Bạch Mai...

Đại tá Bạch Ngọc Giáp - nguyên phó tham mưu trưởng Binh chủng Pháo binh, thành viên nhỏ tuổi nhất (12 tuổi) của ban tiếp tế ngày ấy - bồi hồi nhớ lại: “Chúng tôi cứ lặng lẽ đi trong đêm, đường tối mịt mà phía trước bầu trời thủ đô rực lên những làn đạn, pháo, nhà cháy, tiếng súng, mìn dội lên liên tục. Ai cũng muốn bước thật nhanh để kịp mang đạn cho quân ta đánh Pháp”. Đêm 19-12 khi đoàn Vệ út mang đạn trên vai hướng về nội thành thì hàng loạt đại bác, pháo từ Láng, Xuân Tảo... đồng loạt nổ hiệu lệnh cho cuộc kháng chiến toàn quốc. Lòng mọi người hừng hực khí thế nhưng không dám reo hò, chỉ ra dấu cho nhau rồi cặm cụi bước.

Những bước đi khỏe hơn, chắc hơn, nhanh hơn, cùng cả nước ra trận…

WT3H4sB1.jpgPhóng to
Các thành viên Đoàn hướng đạo Đống Đa năm 1943, trong đó hầu hết trở thành Vệ út tiếp tế vũ khí sau này. Trưởng ban Phạm Văn Tá đứng ngoài cùng bên phải - Ảnh tư liệu
Hơi ấm từ trái tim đồng đội

Chiều 11-11-2006, trong cái lạnh của cơn mưa đầu đông Hà Nội, chúng tôi cùng ông Phùng Đệ đi thăm hai Vệ út đồng đội của ông đang nằm viện. Một là GS-TS-NSND Lê Ngọc Canh phải mổ cắt bỏ túi mật tại Bệnh viện Việt - Xô đã bình phục và chuẩn bị xuất viện, một là nhà quay phim về hưu Nguyễn Hoán (Xưởng phim Quân đội) nằm ở Bệnh viện 108 trong tình trạng nguy kịch. Mấy tháng qua, ông Đệ cứ lạch cạch đạp xe đến bệnh viện thăm nom đồng đội cũ. Ông Đệ báo tin: “Ông phải chống chọi với bệnh tật. Ngày mai những Vệ út còn sống sẽ họp mặt và vào thăm ông”. Nghẹn ngào không nói được, ông Nguyễn Hoán huơ huơ bàn tay trên không rồi đặt sang ngực trái của mình. Ông muốn ra dấu gì đó. Cái dấu ấy khó hiểu với nhiều người, nhưng với Vệ út Phùng Đệ thì quen thuộc lắm: “Ông ấy nói trái tim của ông là của một Vệ út và ông ấy cảm nhận được hơi ấm trái tim của đồng đội dành cho ông”.

Hơn 100 trang chép tay và những tấm ảnh tư liệu quí giá về đồng đội được một Vệ út ngày xưa âm thầm sưu tập trong 60 năm. Những đồng đội cũ có dịp đọc lại đều không cầm được nước mắt.

Đón đọc kỳ tới: Người chép sử Vệ út

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên