02/10/2006 10:14 GMT+7

Phạm Xuân Ẩn - Những huyền thoại để lại

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTCT - Những ngày này, báo chí trong và ngoài nước đều nhắc nhiều đến thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) Phạm Xuân Ẩn (mật danh Hai Trung) khi ông đã ra đi.

gIEe3yEh.jpgPhóng to
TTCT - Những ngày này, báo chí trong và ngoài nước đều nhắc nhiều đến thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) Phạm Xuân Ẩn (mật danh Hai Trung) khi ông đã ra đi.

Nhưng lúc nào ông Ẩn cũng nhắc bằng cái giọng đặc chất hài hước Nam bộ của mình: “Điệp viên giỏi mà không có giao liên giỏi đưa tài liệu ra căn cứ thì có mà.. ăn cám”. Cụm tình báo H.63 cơ cấu hình tam giác mà đầu nhọn là Phạm Xuân Ẩn có cả thảy 45 người. Đến hòa bình, kiểm lại quân số: hi sinh 27 người. H.63 cũng được phong danh hiệu Đơn vị Anh hùng.

Hình tam giác huyền thoại

SQaq5pue.jpgPhóng to
Ông Tư Cang
27 giao liên đã hi sinh trên đường mang tài liệu về căn cứ, 27 hoàn cảnh khốc liệt khác nhau, nhưng trước khi trút hơi thở cuối cùng không ai để lộ tài liệu. Nói như Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Thương: “Tài liệu không chỉ là tin tức mật, tài liệu chính là điệp viên. Mất tài liệu tức là mất điệp viên”. Trong ngày bị bắt, ông Nguyễn Văn Thương đang mang trong người hai cuộn tài liệu mà sau này ông mới biết đó là chiến lược Mỹ tấn công Đông Dương (do Hai Trung thu được) và danh sách gián điệp của Mỹ cài vào nội bộ ta do ông Ba Quốc (tức thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức) lấy.

Trước khi lọt vào tay giặc, ông Thương đã kịp cất tài liệu, làm dấu hiệu đúng qui định. Những ngày tháng kinh hoàng chịu đựng sự tra tấn man rợ của Mỹ, ông Thương bảo chỉ có suy nghĩ về sự vẹn toàn của tổ chức mới giúp ông vượt qua được. Để sau này khi đã mất hai chân (địch đã sáu lần cưa chân ông Thương để tra khảo), gặp lại ông Ẩn, ông có thể cười: “Thấy anh còn sống, thấy các đầu mối liên lạc vẫn hoạt động tốt, dù có bị cưa hai tay nữa tôi vẫn hạnh phúc”.

QQglD6kA.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Thương
Điều hành cái tam giác tình báo ấy là ông Tư Cang (đại tá Nguyễn Văn Tào, Anh hùng LLVT, cụm trưởng cụm tình báo chiến lược H.63). Nhận nhiệm vụ từ 1962, ông Tư Cang đã mất hơn ba năm vừa điều hành lưới, vừa tổ chức các cơ sở để vào thành. Mãi 1966 ông mới vào Sài Gòn để trực tiếp hoạt động, người ông tìm gặp đầu tiên là Phạm Xuân Ẩn.

Sau này, ông Ẩn cứ nhắc hoài về lần gặp đầu tiên đó: “Anh Tư đẹp trai, lịch lãm, rất giỏi, có thể bắn K54 bằng hai tay, mỗi giây một phát không bao giờ trật, rất dũng cảm, rất bình tĩnh, nhưng ăn mặc thì lỗi mốt, đúng kiểu... trong rừng ra, cửa ôtô thì không biết mở”. Ông Tư chỉ cười hề hề trước những nhận xét ấy.

HkHqzing.jpgPhóng to
Ông Mười Nho
Trong vai một “thầy Hai” chủ sở ở Dầu Tiếng, ông Tư Cang trở thành bạn chơi chim, chơi chó với ông Ẩn. Mỗi khi đến nhà lại tìm một cái lồng chim, mỗi khi đi đâu lại chở theo con chó. Trong các cuộc gặp ấy, khi thì ông Ẩn kể những tin tức thu nhặt được, những phân tích về chiến lược, quân sự cho ông Tư về viết lại chuyển ra cứ, khi thì đưa những bản phim chụp trực tiếp, khi thì trao đổi về các tài liệu cần tìm và cách chuyển giao...

Để điều hành được lưới tình báo ấy, ông Tư Cang cũng phải hi sinh tất cả. Ông thường nói với các giao liên của mình: “Đứa nào uống mật gấu thì hãy leo lên xe thầy Hai”. Vợ con ông ở ngay Thị Nghè, mà mấy năm trời ngang dọc khắp các phố Sài Gòn ông không một lần dám ghé qua, cho đến tận đêm 30-4-1975. “Tổ chức giao cho mình có một người để bảo vệ, để hoạt động. Sơ sẩy là... đem đầu vô cứ chịu tội, đâu có giỡn được”.

Vậy mà lần nào gặp tôi cũng thấy ông cười khà khà. Khó có thể tưởng tượng ông lão rất hiền này lại là một cụm trưởng tình báo mưu trí, một chỉ huy quân sự rất mực bình tĩnh và quyết đoán, một chiến sĩ có thể bắn cùng lúc bằng cả hai tay. Ông bảo ngày đó khi đi trong thành, ông không bao giờ mang theo súng vì như thế mình sẽ dễ sinh tâm lý chạy tháo thân khi bị xét hỏi hay nghi ngờ, mà như vậy đồng nghĩa với việc đường dây bị lộ. Và hãn hữu mỗi lần mang súng, như đợt Mậu Thân 1968, ông đều thủ một viên đạn rời trong túi áo dành riêng cho mình khi hữu sự để bảo toàn bí mật của tổ chức.

Nhưng hai người có cách nói chuyện rất chân chất, xuề xòa đúng kiểu Nam bộ như ông Tư Cang và ông Hai Trung lại là những người rất cẩn trọng trong công việc. Ngày ấy, để có “hộp thư sống” liên lạc trực tiếp, hai ông đã chọn qua bao nhiêu người: thanh niên nhanh nhẹn không được vì đi trong thành dễ bị bắt lính, con gái cũng không được vì dễ bị tụi lính đi theo quấy rầy. Cuối cùng, hai ông quyết định chọn một “bà già trầu” hơn ông Ẩn 12 tuổi. Đó là bà Nguyễn Thị Ba. Bà đã giữ đường liên lạc an toàn và hiệu quả suốt mười mấy năm. Sau này bà cũng được phong Anh hùng LLVT.

Ông Tư Cang kể một kỷ niệm: một buổi trưa giữa năm 1967, ông Ẩn lái chiếc Renault chở ông trên đại lộ hướng về dinh tổng thống ngụy. Ông báo tin tập tài liệu chuyển ra đợt vừa rồi rất có giá trị, trung ương đã quyết định tặng thưởng ông Ẩn một huân chương chiến công hạng nhất.

Trầm ngâm giây lát, ông Ẩn khẽ nói: “Nghe anh nói tôi rất mừng, rất biết ơn cấp trên, nhưng đời người tình báo như tôi biết có còn cơ hội đeo huân chương cao quí ấy không...”. Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải khi viết về những chuẩn bị kỹ lưỡng cho những tình huống bị bắt, bị tra tấn, bị thủ tiêu của ông Ẩn đã nhận xét: “Sống mà luôn phải chuẩn bị cho những cơ hội chết như thế, thật không còn gì để bình luận...”.

Những điệp vụ viết nên lịch sử

Dùng chữ “viết nên lịch sử” có lẽ cũng không có gì là đại ngôn khi đề cập đến những gì mà nhân viên tình báo Hai Trung đã đem về cho cách mạng. Sau đợt nổi dậy Đồng khởi, trung ương yêu cầu cục tình báo tìm hiểu các chiến lược đối phó của địch. Lệnh được truyền xuống và chỉ ít lâu sau Hai Trung gửi qua một cô giao liên (chị Tám Thảo) mang vào căn cứ 20 cuộn phim.

Ông Mười Nho (đại tá Nguyễn Nho Quí), trưởng ban tình báo khu Sài Gòn - Chợ Lớn lúc đó, tự tay rửa phim. Và khi những con chữ hiện lên, ông nghe run tay vì tầm quan trọng của nó: toàn bộ nội dung kế hoạch Staley-Taylor, tức chiến lược chiến tranh đặc biệt dùng người Việt đánh người Việt với vũ khí và chỉ huy Mỹ. Ông Mười Nho bảo: “Có cả tỉ đôla cũng không thể mua được những tài liệu như vậy. Việc hiểu địch đã giúp ta có kế hoạch chủ động đối phó, các đợt càn quét dữ dội của quân ngụy sau đó hầu hết chỉ nhằm vào chỗ trống”.

Những chiến dịch lớn của Mỹ sau này ta cũng đều biết trước nhờ có Hai Trung. Trong chiến thắng Ấp Bắc 1963 lịch sử, có hai người được khen thưởng: người chỉ huy trận đánh và Phạm Xuân Ẩn - người cung cấp tin tức quyết định giúp quân ta có sự chuẩn bị hùng hậu. Thất bại hoàn toàn ở trận Ấp Bắc đã khiến Mỹ phải chấm dứt kế hoạch chiến tranh đặc biệt để tìm chiến lược mới.

Năm 1965, Mỹ quyết định chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ, đưa quân đội và tất cả những vũ khí tối tân nhất sang VN tham chiến. Một trong những người VN mà các chuyên gia quân sự Mỹ tham khảo ý kiến nhằm xây dựng kế hoạch là Phạm Xuân Ẩn. Đương nhiên, ngay sau đó, nguyên bản của kế hoạch này đã được chuyển ra Hà Nội, giúp quân đội VN hoàn toàn chủ động trong chuẩn bị đối phó và tấn công.

Ông Mười Nho bảo không thể nào kể hết những tài liệu mà Phạm Xuân Ẩn đã đều đặn chuyển về trong 23 năm trời sống trong lòng địch. Để chuẩn bị cho đợt tổng tiến công Mậu Thân 1968, Hai Trung còn cùng ông Tư Cang tự tay lái xe đi lòng vòng các ngả đường, đi ghe máy dọc sông Sài Gòn để điều nghiên tình hình. Một hành động mà sau này ông cho là “khá nguy hiểm ở mức không mấy cần thiết”.

Tuy thế, nhà báo Phạm Xuân Ẩn vẫn chiếm được tình cảm và lòng tin của đồng nghiệp cũng như các nhân vật cao cấp trong giới quân sự Mỹ. Sau những thất bại nặng nề, năm 1973 Mỹ đồng ý đàm phán và đương nhiên có tham khảo ý kiến của ông, cục diện chiến tranh lại được VN hóa.

Mùa khô 1975, khi chuẩn bị chiến dịch Hồ Chí Minh, trung ương cho người tìm Hai Trung yêu cầu trực tiếp trả lời duy nhất một câu hỏi: Khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, liệu Mỹ có đưa quân trở lại? Ông trả lời ngay: “Dứt khoát Mỹ sẽ không bao giờ trở lại nữa”.

Quân đội VN đã đi đến chiến thắng cuối cùng với lòng tự tin như thế.

***

Nhiều bí ẩn lịch sử xoay quanh cuộc đời Phạm Xuân Ẩn. Ông ra đi đã để lại bao tiếc nuối, như câu thơ của ông Tư Cang tiễn bạn: Đời người tình báo thế là xong/ Tình dân, nghĩa Đảng, nợ non sông/ Làm trai trong suốt thời ly loạn/ Anh thật xứng danh một anh hùng/ Xuân Ẩn từ nay ẩn thật rồi/ Bạn bè thương tiếc mãi khôn nguôi...

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên