15/01/2004 06:02 GMT+7

Cả một đời nghiên cứu Hoàng Sa

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Năm 1966, Sài Gòn chứng kiến sự ra đời của tập san Sử Địa mà người chủ trương là một chàng thanh niên 26 tuổi vừa tốt nghiệp hai trường đại học: sư phạm và văn khoa. Chín năm sau (20-1-1975), cũng chính người thanh niên ấy tổ chức một triển lãm tại Thư viện quốc gia kỷ niệm một năm ngày biến cố Hoàng Sa, trưng bày tất cả tài liệu, hình ảnh thể hiện chủ quyền Hoàng Sa là của VN.

YdToVsen.jpgPhóng to
Tiến sĩ Nguyễn Nhã
TT - Năm 1966, Sài Gòn chứng kiến sự ra đời của tập san Sử Địa mà người chủ trương là một chàng thanh niên 26 tuổi vừa tốt nghiệp hai trường đại học: sư phạm và văn khoa. Chín năm sau (20-1-1975), cũng chính người thanh niên ấy tổ chức một triển lãm tại Thư viện quốc gia kỷ niệm một năm ngày biến cố Hoàng Sa, trưng bày tất cả tài liệu, hình ảnh thể hiện chủ quyền Hoàng Sa là của VN.

Và đến 18-1-2003, 29 năm ngày biến cố Hoàng Sa, chàng thanh niên ngày xưa trình trước hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường đại học KHXH&NV đề tài "Quá trình xác lập chủ quyền của VN tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". "Với luận án tiến sĩ này, tôi thách thức các nhà nghiên cứu các nước, kể cả Trung Quốc (TQ), có một đề tài xác lập chủ quyền Hoàng Sa mang tính khoa học được như tôi", người đó là Nguyễn Nhã.

2sfjbXdq.jpgPhóng to
Bản đồ vùng đảo Hoàng Sa
Từ tư liệu đến những bước chân điền dã

“Tôi còn nhớ như in mồng 3 tết năm 1974, khi tôi đang chúc tết giáo sư Nguyễn Đăng Thục thì nghe trên đài phát thanh loan tin đang có chiến sự ở Hoàng Sa. Ngay lúc đó tôi đã dự định ra một số chuyên đề trên tập san Sử Địa bấy giờ về đề tài Hoàng Sa. Nhưng phải đợi một năm sau chúng tôi mới tổ chức một cuộc triển lãm, và nhân đó phát hành tập san Sử Địa số 29 chuyên về Hoàng Sa. Tôi còn nhớ lúc đó nhà văn Sơn Nam có đánh giá rằng đây là một triển lãm mang tầm cỡ quốc tế”.

Đó cũng là một sự kiện mang tính lịch sử, và tập san Sử Địa số 29 đó với tập hợp các bài viết của những giáo sư từ Hoàng Xuân Hãn đến các vị nghiên cứu đầu ngành lịch sử lúc đó là một nguồn tư liệu quí giá.

“Với tôi, một nhà nghiên cứu - ông nói - tôi bám sát theo tư liệu lịch sử. Việc xác lập chủ quyền là của Nhà nước chứ không phải của dân. Do vậy, phải sử dụng tư liệu của chính quyền. Mà ở mình thì tư liệu đáng tin cậy có nhiều. Xưa nhất, vào cuối thế kỷ 17 đã có tập bản đồ Toản nam tứ chí lộ đồ thư hay Toản tập An Nam lô của Đỗ Bá Công Đạo có vẽ và ghi chú về “bãi cát vàng”, tức Hoàng Sa."

"Tiếp đó là Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn mô tả chi tiết về hoạt động của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải minh chứng sự xác lập và bảo vệ chủ quyền của VN trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

“Tôi nhìn vấn đề Hoàng Sa dưới góc độ học thuật. Tôi thực hiện đề tài nghiên cứu Hoàng Sa là một hành trình đi tìm sự thật. Và tôi muốn các nhà nghiên cứu lịch sử trên thế giới kể cả TQ chia sẻ với tôi về sự thật này. Tôi nghiên cứu Hoàng Sa là nghiên cứu về chủ quyền của Hoàng Sa, chứ không phải nghiên cứu về các yếu tố khác của Hoàng Sa”. Đặt vấn đề chủ quyền Hoàng Sa như một sự thật lịch sử và đi tìm, đó là khí chất của một nhà sử học.

"Sang đến thời nhà Nguyễn thì một hệ thống biên niên sử và địa dư chí của Quốc sử quán, sách hội điển, châu bản của nội các triều đình nhà Nguyễn đã ghi chép sự hoạt động của đội thủy binh Hoàng Sa một cách rõ ràng, thể hiện sự xác lập cũng như bảo vệ chủ quyền của Nhà nước VN trên quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa. Trong đó có các bộ sử sách: Châu bản triều Nguyễn, Hội điển, Phủ biên tạp lục, Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí, Quốc triều chính biên toát yếu, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ...”.

Ở VN có một điều đặc biệt là tất cả các tài liệu đều là tài liệu công. Vua nói gì, bộ công nói gì, quan chức nói gì về chủ quyền Hoàng Sa, tất cả đều được sử gia chép lại. Chứ TQ thì chỉ suy diễn thôi. TQ không có tài liệu nào của chính quyền TQ nói về chủ quyền của TQ đối với Hoàng Sa cả. Vì tên gọi Tây Sa cũng như Nam Sa là tên gọi sau này, bắt đầu từ 1909 mới có. Năm 1909 TQ đi thám sát mới đặt tên quần đảo Hoàng Sa là Tây Sa vì cho rằng đây là đảo vô chủ (res nullius)”.

Điều đáng quí là TS Nguyễn Nhã có bước chân điền dã thật dẻo dai. Ông đã lặn lội theo dấu tích của những gì liên quan đến Hoàng Sa còn sót lại. Ông giẫm nát vùng đất Quảng Ngãi, Quảng Nam và ra đến tận đảo Lý Sơn - cù lao Ré trong thư tịch cổ - để tìm dấu vết của Hoàng Sa.

“Theo thư tịch cổ tôi nắm được, những dân binh của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải dưới thời nhà Nguyễn được tuyển mộ từ vùng cù lao Ré tức đảo Lý Sơn ngày nay. Và khi đặt chân đến đảo Lý Sơn thì quả là nơi đây còn những chứng tích quan trọng. Cụ thể là trên đảo còn nhà thờ của họ Phạm Quang, ông Phạm Quang Tỉnh ở thôn Đông, xã Lý Vĩnh hiện còn nhà thờ và gia phả vị tổ gia tộc là Phạm Quang Ảnh - đội trưởng đội Hoàng Sa dưới thời vua Gia Long 1815”.

Đặc biệt, ông Nguyễn Nhã còn đưa ra được một chi tiết về miếu Hoàng Sa, hiện nay là đình làng Lý Hải, là nơi vào thời vua Tự Đức đã diễn ra những lễ “thế lính Hoàng Sa”, tức lễ tế sống lính Hoàng Sa trước khi lên đường làm nhiệm vụ hằng năm: đi Hoàng Sa để đo đạc thủy trình và khai thác sản vật.

Trong luận án ghi rõ: “Cũng tại xã An Vĩnh và làng An Hải (cả đất liền lẫn ngoài đảo cù lao Ré) có tục lễ tế đình và làm lễ khao quân tế sống để tiễn lính đội Hoàng Sa lên đường làm nhiệm vụ hằng năm vào ngày 20-2 âm lịch, tại các đình làng”. “Khi tôi ra đảo Lý Sơn, những gia đình có truyền thống đi biển giỏi đã vẽ lại cho tôi kiểu thuyền buồm đi Hoàng Sa thời trước. Bởi vì ngày xưa thủy quân của mình phải dựa vào những người giỏi đi biển, trong đó có những người ở cù lao Ré” - ông Nhã kể.

Lịch sử rất công minh và nghiêm khắc

Lý luận của TS Nhã trong luận án của mình chặt chẽ đến mức TS Trần Đức Cường trong bài nhận xét của mình đã viết: “Tác giả đã sử dụng thành công phương pháp lịch sử và logic để nêu lên các luận điểm, luận cứ nhằm chứng minh chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Cách lập luận của tác giả rất có sức thuyết phục. Việc sử dụng nhiều tài liệu của TQ để nêu rõ về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa là của VN chứ không phải của Trung Quốc tỏ ra có hiệu quả...".

Không những dùng tài liệu của TQ để biện bác, Nguyễn Nhã còn dùng tất cả tài liệu sách vở, bản đồ, nhật ký... của phương Tây có được để chứng minh rằng chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa đã được xác định từ rất lâu trước khi TQ lên tiếng “xí phần” vào năm 1909 với động tác đặt lại tên hai đảo này là Tây Sa và Nam Sa.

Ngoài việc lập luận, phân tích rõ ràng theo các nguồn sử liệu và chứng tích điền dã có được, TS Nhã dành một phần trong luận án của mình để “phản bác các quan điểm biện minh cho sự xâm phạm chủ quyền VN của nước ngoài tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". Trong đó, ông thẳng thắn phản bác các luận điểm của TQ biện minh cho sự xâm phạm chủ quyền VN tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

30 năm sau biến cố Hoàng Sa, trong một căn nhà nhỏ ở quận Bình Thạnh,TP.HCM, nghe TS Nguyễn Nhã lật từng trang luận án và hùng hồn thuyết giảng về quan điểm của mình trước các luận điểm phi lý biện minh cho sự xâm phạm chủ quyền của VN tại quần đảo này mà lòng muốn rưng rưng.

“Đầu Công nguyên, VN đã chịu nô lệ ngót 1.000 năm nhưng vẫn giữ được độc lập. Thì bây giờ tôi cho rằng Hoàng Sa dẫu chịu 1.000 năm nữa cũng không sao, dẫu thế nào thì Hoàng Sa cũng vẫn cứ là của VN”. Câu nói ấy của TS Nguyễn Nhã đã được giáo sư Trần Văn Giàu chia sẻ bằng ý kiến: “Thời bây giờ thì chắc là không đến 1.000 năm đâu”. Và TS Võ Văn Sen nhận định: “Tôi nghĩ đây là một trong những đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn vào bậc nhất mà khoa học lịch sử có thể đề cập đến”.

Tuy bận rộn rất nhiều công việc, nhưng khi nhắc đến Hoàng Sa, TS Nhã thoắt trở nên hăng hái, ông nói chuyện quên cả thời gian. Ông tự tin vào công trình của mình: “Tôi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Điều này khẳng định hội đồng phản biện đã không bác được ý kiến của tôi, và trong tương lai chắc cũng không ai bác tôi được, và khi không bác được thì mục đích của chúng ta về Hoàng Sa phải đạt được”.

kdUBWjqa.jpgPhóng to

Miếu Hoàng Sa, nay là đình làng Lý Hải ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

Vẫn còn những điều băn khoăn. Ông Nhã cho rằng cần giáo dục cho các thế hệ con cháu VN hiểu rằng Hoàng Sa sự thật và mãi mãi là đất của VN. Nó thể hiện trong tư liệu thư tịch sử sách, trong chứng tích còn sót lại ở cù lao Ré và cửa biển Sa Kỳ... “Anh Dương Trung Quốc có đặt vấn đề nên có một đền thờ cho những liệt sĩ ở Hoàng Sa thì tôi cho biết ở Lý Sơn, tức cù lao Ré, đã có rồi. Vừa rồi truyền hình VN có quay cái miếu đó”.

Chia tay chúng tôi, vị tiến sĩ còn tâm sự một điều: “Tôi quan niệm mình là người đi học, tôi sẽ học cả một đời. Chính vì thế mà đợi đến về hưu tôi mới trình luận án tiến sĩ trong khi tôi hoàn toàn có thể trình trước đây rất lâu”.

Đối với nghề, ông nhấn mạnh: “Lịch sử rất công minh và nghiêm khắc đối với bất cứ ai, kể cả người viết sử. Người viết sử mà viết sai thì hậu thế sẽ phê phán. Phương pháp của tôi là phê khảo tài liệu. Đây là một bước quan trọng. Phải áp dụng một số phương pháp nghiên cứu sử học để phê khảo tài liệu. Ngay cả những tài liệu của chính sử cũng phải tìm tài liệu cấp I. Người nghiên cứu phải khách quan, không thiên lệch”.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên