21/09/2006 06:04 GMT+7

Hồn thiêng trong chốn lao tù

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Tôi đã được nghe nhiều câu chuyện, được gặp những người từng trải qua giây phút chào cờ thiêng liêng trong những hoàn cảnh đầy sự khốc liệt, hiểm nguy, có người đã sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống của mình cho giây phút ấy...

zPk4b0rD.jpgPhóng to
Lá cờ của những người tù ở trại 6B Côn Đảo (từ 1972 - 1975) đang được lưu giữ tại Bảo tàng Côn Đảo
TT - Tôi đã được nghe nhiều câu chuyện, được gặp những người từng trải qua giây phút chào cờ thiêng liêng trong những hoàn cảnh đầy sự khốc liệt, hiểm nguy, có người đã sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống của mình cho giây phút ấy...

Chào lá quốc kỳ

Lá cờ trên tường

Trong hơn bốn năm bị giam giữ biệt lập trong căn phòng trắng, ông Nguyễn Tài (anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên thứ trưởng Bộ Công an) đã vẽ lên bức tường phía bắc một lá cờ nhỏ xíu.

Ông kể: “Cứ 7g sáng (theo ước lượng thời gian), tôi lại đứng nghiêm, mắt nhìn thẳng vào lá cờ mà tưởng tượng như được gặp bạn bè, đồng chí, được sống trong tổ chức, miệng tôi hát to bài quốc ca... Sau mỗi buổi chào cờ như thế, ý thức về tập thể, về cuộc chiến đấu của đồng đội đang sôi động ngoài kia lại cuộn lên trong tôi. Và tôi biết rằng mình vẫn là một trong số họ”. Trong căn phòng trắng, hoàn toàn kín bưng ấy, đèn được bật suốt để người bị giam không phân biệt được ngày, đêm, nước, không khí... Tất cả đều bị bên ngoài kiểm soát.

“Bốn năm như vậy, có những lúc bị cúp dưỡng khí như con cá mắc cạn, nhưng cũng không đáng sợ bằng những lúc đầu óc như muốn nổ tung, ong ong thèm một tiếng người... Tôi phải tìm cách giữ cho mình được tỉnh táo, nuôi ý chí, bảo vệ mình, bảo vệ tổ chức, đồng chí”. Cách của ông là dùng vải thắt hình con chó làm bạn tù, xếp giấy báo thành bàn cờ tướng để vận động trí óc, đổ nước ra sàn rồi đo độ bốc hơi để ước lượng thời gian và quan trọng nhất là chào cờ...

Bốn năm biệt giam trong điều kiện khủng khiếp đã trôi qua như thế, cho đến ngày 30-4-1975 ông Nguyễn Tài mới được trở về với đồng đội, với lá cờ đỏ tung bay trên trời xanh…

Lá cờ từ tấm áo

Lược sử lá cờ đỏ sao vàng

J0zjR8uo.jpgPhóng to
Sau 56 ngày đêm chiến đấu, ngày 7-5-1954 quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Hồ Chủ tịch tặng các đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tung bay rực rỡ trên nóc hầm chỉ huy của địch.

Nhiều tài liệu khẳng định lá cờ đỏ sao vàng (quốc kỳ VN hiện nay) xuất hiện lần đầu trong khởi nghĩa Nam kỳ, năm 1940. Tác giả sáng tạo ra lá cờ này là ông Nguyễn Hữu Tiến (sinh năm 1901, quê tại tỉnh Hà Nam, cán bộ phụ trách công tác tuyên truyền, in ấn tài liệu cách mạng). Để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, ông được Xứ ủy Nam kỳ giao nhiệm vụ tạo mẫu lá cờ. Tâm huyết của tác giả khi sáng tạo ra lá cờ Tổ quốc được khắc họa rõ nét trong bài thơ của ông:

Hỡi những ai máu đỏ da vàngHãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốcNền cờ thắm - máu đào vì nước. Sao vàng tươi - da của giống nòi.Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồiHỡi sĩ nông công thương binhĐoàn kết lại như sao vàng năm cánh.

Lá cờ đỏ sao vàng từ đấy đã xuất hiện nhiều lần trong các cuộc khởi nghĩa, biểu tình của quần chúng. Lá cờ đã tung bay khắp cả nước trong những ngày tháng Tám năm 1945 lịch sử; và trong rừng cờ ở quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Ngày 5-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ấn định quốc kỳ VN là cờ đỏ sao vàng. Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ngày 2-3-1946 đã biểu quyết nhất trí cờ đỏ sao vàng là quốc kỳ của nước ta. Từ ngày 24-6 đến ngày 2-7-1976, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa VI, Quốc hội đầu tiên của VN thống nhất, các đại biểu đã thống nhất tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quốc ca là bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao và quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng.

Ông Bùi Văn Toản, người cựu tù chính trị có biệt danh “ác liệt Côn Đảo”, bảo đến tận bây giờ, mỗi lần tham dự lễ chào cờ là cả người ông vẫn nổi gai ốc. “Nghe tiếng quốc ca, nhìn màu cờ đỏ thắm gần như tim tôi ngưng một nhịp. Cảm xúc thiêng liêng ấy có lẽ đã được nuôi dưỡng từ trại 6B Côn Đảo”.

Người tù chính trị Côn Đảo có những nguyên tắc sống chết liên quan đến lá cờ: chống chào cờ của chính quyền Sài Gòn mọi lúc mọi nơi và tổ chức chào cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng mỗi dịp lễ kỷ niệm. Giám thị trại giam biết rõ điều đó. Đêm trước những ngày 3-2, 1-5, 19-5, 2-9, 20-12... bao giờ cũng có những đợt đánh đập, khủng bố bằng ma trắc, lựu đạn cay, vôi bột, bao giờ cũng có việc chuyển phòng hòng làm xáo trộn tổ chức. Nhưng mặc, đến ngày, đúng 5g sáng, tất cả mọi người đã áo quần chỉnh tề, xếp hàng, đứng nghiêm, quay về hướng bắc. Những người bị bệnh không đứng được cũng ngồi dậy, xoay người về hướng bắc. Một phút yên lặng thiêng liêng...

Năm 1972, bằng những đợt đấu tranh liên tục, kiên quyết, không lùi bước dù mất mát, hi sinh, trại 6B đã giành được quyền tự quản, trở thành một lõm giải phóng trong trại tù Côn Đảo.

Ngày 2-9-1972, lần đầu tiên buổi chào cờ đã diễn ra với đầy đủ bàn thờ Tổ quốc, cờ xanh đỏ sao vàng (cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam) và quốc ca. Những tấm áo trắng cất giấu nhiều năm được xé ra, thuốc đỏ, thuốc xanh mê-ty-len lấy từ trạm xá nhuộm thành hai màu của nền cờ, bột nghệ thành màu vàng của ngôi sao. Lá cờ được làm thật tỉ mẩn, trải lên bàn thờ Tổ quốc dựng bằng mấy thùng cactông. Những lời tâm huyết được biên soạn, chuẩn bị cẩn thận...

Và khi bài quốc ca vang lên, tất cả mọi người trào nước mắt. Mọi vết đau trên thân thể, mọi khắc nghiệt của cuộc sống tù ngục, mọi hoang mang, lo lắng, dao động về tương lai như bay biến. Trước mắt mọi người chỉ còn biểu tượng thiêng liêng của lý tưởng, niềm tin tất thắng vào đội ngũ, vào tương lai của đất nước. Và tin vào chính mình...

Lá cờ mang tin chiến thắng

Hôm ấy là 1-5-1975, mờ sáng, trưởng trại đã chạy đến mở cửa khu cấm cố đang giam giữ cách ly các “phần tử cộng sản cộm cán”. Mọi người đang sửa soạn làm lễ chào cờ nhân Ngày quốc tế lao động. Tên trại trưởng đến với thái độ khác hẳn ngày thường, một hai “dạ thưa, mời các ông ra, Sài Gòn đã giải phóng, không còn ai là tù nữa”.

Với tinh thần cảnh giác cao độ, mọi người không ai chịu ra, yêu cầu phải có anh em tù chính trị lên báo tin giải phóng thì mới nghe. Bên ngoài, anh em tù chính trị đang mang cờ chạy tung khắp các trại báo tin và mở khóa. Khi mấy đồng chí ở trại 6B đến cửa phòng giam cấm cố thì ở trong vọng ra tiếng: “Nghiêm! Chào cờ! Chào! Quốc ca. Đoàn quân Việt Nam đi...”. Mọi người dừng cả lại, hát vang. Sau phút mặc niệm, người ở trong mới nhìn ra, người ở ngoài chạy vào, tay cầm cờ phất. Bấy giờ, tin giải phóng mới được xác nhận là sự thật. Niềm vui vỡ òa...

Ông Toản bảo rằng nếu không từng bị cách ly ra khỏi tập thể, đồng đội, không từng trải qua những đấu tranh tư tưởng, những mất mát, hi sinh trong gang tấc, không từng có cảm giác cô đơn, hoang mang về con đường gian khổ mình đã chọn thì không thể thấm được khoảnh khắc thiêng liêng khi chào cờ ở trong tù. “Những khoảnh khắc ấy giúp chúng tôi thêm sức mạnh để bảo vệ lý tưởng”.

Chẳng thế mà sau này, hằng năm ông và những người bạn cùng trại 6B xưa cứ tích cóp từng đồng lương hưu để trở lại Côn Đảo, đến chào cờ ở nghĩa trang Hàng Dương, sơn phết chăm sóc những lá cờ đỏ sao vàng trên bia mộ...

yYazwHTk.jpgPhóng to
Các thành viên đội BKPro vui mừng sau chiến thắng với cờ Tổ quốc trên tay

* Lần đầu tiên ra nước ngoài, tôi mới cảm nhận được sự thiêng liêng của lá cờ Tổ quốc, ở trên đất bạn mà thấy lá cờ đỏ sao vàng giống như gặp được người thân. Khi chúng tôi thi đấu, các bạn cổ động viên cầm theo cờ Tổ quốc khá nhiều, điều này tạo thêm ý chí quyết thắng cho chúng tôi. Thật sự, khi khoác trên mình chiếc áo cờ đỏ sao vàng, chúng tôi có cảm giác tự tin hẳn và ý thức rằng phải thi đấu hết mình vì đất nước...

Tuy nhiên, ở cuộc thi Robocon châu Á - Thái Bình Dương không có nghi thức chào cờ các nước nên khi đội chúng tôi vào trận chung kết, cả đội hạ quyết tâm để cờ VN tung bay trên sàn thi đấu. Khi trận đấu còn chưa kết thúc, tôi đã đến khu các bạn cổ động viên VN để nhận một lá cờ Tổ quốc cầm sẵn trên tay. Tôi thầm nghĩ cả cuộc đời mình dễ gì có cơ hội cầm được cờ Tổ quốc chạy trên đất bạn. Và khi trọng tài công bố VN chiến thắng tôi đã giương cao hết cỡ lá cờ Tổ quốc chạy khắp sân thi đấu, miệng nhẩm bài quốc ca trong cảm xúc dâng trào lòng tự hào dân tộc lên đến đỉnh điểm.

* Tôi đã từng chứng kiến chủ tịch Tập đoàn Vedan đều đặn mỗi tháng bay từ Đài Loan sang VN để cùng làm lễ chào cờ với nhân viên của mình... Thật trân trọng khi thấy một tập thể hàng ngàn người - cả những chuyên gia và ban giám đốc người Đài Loan - cùng cất tiếng hát quốc ca VN, chào cờ VN và sau đó là thượng cờ công ty. Kế tiếp chính chủ tịch tập đoàn, ông Dương Đầu Hùng, trực tiếp nói chuyện với toàn bộ nhân viên của mình... Đôi khi có thể chỉ là một sự cổ động chuyện học hành nâng cao kiến thức của nhân viên... Bài học thì rất nhiều nhưng hãy làm điều tự trái tim. Cái quí nhất là sự tự trọng trong mỗi lúc, mỗi nơi với niềm tự hào là người VN.

* Nhà tôi ở gần bến xe Tam Hiệp (Đồng Nai). Một hôm về nhà, tôi thật sự bất ngờ khi thấy mới sáng sớm toàn thể cán bộ, nhân viên từ ban giám đốc đến anh bảo vệ đều nghiêm trang đứng dưới cờ Tổ quốc thiêng liêng hát vang bài quốc ca... Thật sự ngay lúc đó tâm hồn tôi bỗng lắng đọng và dâng trào niềm tự hào dân tộc, tôi xúc động đến mức gai ốc nổi đầy mình...

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên