21/06/2006 04:03 GMT+7

Người "thuần hóa" gió và cát

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Đó là câu chuyện về ông tiến sĩ “gốc ruộng” đằng đẵng gần 30 năm làm cái chuyện bẻ nạng chống trời, để cuối cùng giấc mơ “thuần hóa” thiên nhiên của ông đã mang lại “cuộc cách mạng” cho quê hương Quảng Trị cháy nắng...

olokRlpV.jpgPhóng to
TT - Đó là câu chuyện về ông tiến sĩ “gốc ruộng” đằng đẵng gần 30 năm làm cái chuyện bẻ nạng chống trời, để cuối cùng giấc mơ “thuần hóa” thiên nhiên của ông đã mang lại “cuộc cách mạng” cho quê hương Quảng Trị cháy nắng...

Dã tràng xe cát

Nhắc đến Quảng Trị, hay rộng hơn cả cái vùng Bình Trị Thiên khúc ruột miền Trung này, người ta thường nghĩ đến những miền đất gió cát. Gió Lào và cát trắng chạy dài làm thành “đại trường sa” chạy từ Lệ Thủy (Quảng Bình) qua những động cát Vĩnh Linh, Triệu Phong, vào Hải Lăng (Quảng Trị), vào tận Phong Điền, Quảng Điền xứ Huế.

ISnXAUsb.jpgPhóng to
Những lđng sinh thi như thế nđy đ mọc lân từ cc cĩng trnh của TS Phước, nơi xưa kia mânh mĩng một mđu ct trắng - Ảnh: L.Đ.Dục

Gần 30 năm trước, đã có một anh kỹ sư của Sở Thủy lợi Bình Trị Thiên đeo cái bình toong nước, một nắm cơm rồi lội bộ trên những trảng cát trắng một màu nhức mắt ấy để nuôi ước mơ biến cát thành ruộng. Bền bỉ và thầm lặng.

Kỹ sư Hoàng Phước khi ấy vẫn trăn trở một điều: dân không có ruộng canh tác, những mảnh làng ven biển ruộng càng ít hơn, hằng năm lại bị cát biển lấn vào, lấp thêm hàng trăm hecta.

Có cách gì để biến sa mạc cát mênh mông này thành ruộng đồng, làng mạc cho dân ở? Cái ý tưởng của ông dạo ấy thoạt nghe như chuyện dã tràng xe cát.

Nhưng cũng chính ông đã tìm lời giải cho ý tưởng ấy từ những ngày ăn dầm ở dề trên miền cát. Chẳng nơi đâu như ở đây, cát - một vật vô tri - lại có thể có thêm hàng loạt động từ: cát “bay”, cát “nhảy”, cát “chảy”, cát “lấp”... Ông mày mò tìm chìa khóa cho bài toán ấy từ việc hạn chế việc “bay, nhảy, chảy, lấp” của cát.

RGeABQBf.jpgPhóng to
Tiến sĩ Hoàng Phước với chiếc balô trên vai lại mải miết với những dự định “bẻ nạng chống trời” - Ảnh: L.Đ.Dục
Cách nay hơn mười năm, khi ông bắt đầu làm các thí nghiệm trên vùng cát, tôi đã từng theo bước chân ông và vô cùng ngạc nhiên khi thấy dụng cụ thí nghiệm của ông chỉ là những bộ thùng bằng... sắt tây. Trong mỗi bộ thùng ông cho các lượng mùn và cát có tỉ lệ khác nhau để đo độ ẩm được hút lên từ nguồn nước ngầm trong cát.

Nhìn cái dáng ông mặc bộ đồ lính, cái mũ cối sùm sụp dưới nắng rát cát trắng, tôi có cảm giác như ông là một lão nông làng biển hơn là một nhà khoa học. Nhiều người gọi đó thật sự là “cuộc cách mạng cát” được nâng lên thành luận án tiến sĩ.

Từ những ngày đầu, người dân những vùng cát Triệu Phong, Hải Lăng… “theo ông Phước tiến ra vùng cát”, những túp nhà dựng vội để trú mưa, trú nắng giữa một vùng không có lấy một bóng râm. Cây phi lao chỉ vừa bén rễ trên bờ cát làm đai liếp bao quanh vườn, những khóm dưa vừa lên mầm.

Công trình đầy ý nghĩa của ông Hoàng Phước - sau này là luận án tiến sĩ dày cả trăm trang in với những thí nghiệm kéo dài hàng năm trời - có thể tóm gọn lại như sau: muốn ổn định cát, phải chia cát thành các ô vuông, lên đai liếp quanh các ô và trồng phi lao, tràm hoa vàng sao cho bóng cây không ảnh hưởng đến việc canh tác đất trong ô, những “băng” cây tạo nên các “tường thành” cản cát bay cát lấp, đồng thời ổn định được cát.

Đi đôi với việc tạo các ô cát ổn định là ngăn các dòng suối, không cho đổ vào đồng để tách nạn cát chảy theo dòng vào ruộng, đồng thời tạo ra một hệ thống các hồ chứa nhỏ phân bố đều trên vùng cát. Ổn định cát rồi, muốn cho cát trở thành đất trồng trọt với cây có rễ nông thì phải tạo độ ẩm, tạo mùn...

Cát ổn định thì cây cỏ sẽ mọc, cỏ lụi tàn sẽ tạo ra mùn, mùn nuôi cỏ tốt hơn, khiến lượng mùn tiếp tục tăng nhanh hơn, cát sẽ thành “màu mỡ”.

Và rồi hôm nay, những làng sinh thái đã mọc lên. Hoa lợi trong vườn sinh thái đã cho thu nhập mỗi gia đình cả chục triệu đồng mỗi vụ. Có lẽ con số triệu đồng sẽ rất nhỏ với chốn thị thành, nhưng với người dân quê vùng cát đó là cả một gia tài.

Và cái lãi lớn nhất là cả một vùng “tiểu sa mạc” đã thay đổi, khí hậu trở nên “dễ thở”, nhiều căn bệnh đặc thù của dân vùng cát như bệnh đau mắt hột, chân voi, bụng ỏng ở trẻ em do các biến động của cát gây ra đã mất đi khi dân lập làng sinh thái.

Chỉ riêng vùng cát ven biển huyện Triệu Phong đã được Chính phủ Na Uy tài trợ xây dựng 11 làng sinh thái theo mô hình “biến cát thành ruộng” của ông Phước. Nhiều người dân đã gọi ông Phước là “ông khai canh” (một sắc phong sau vị khai khẩn trong lịch sử lập làng).

Trăn trở cùng gió cát

Tuy đã về hưu, nhưng ông Hoàng Phước vẫn luôn đi đi về về với miền cát năm xưa, ghé vào những ngôi làng xanh đang mang trên mình nó giấc mơ thời trai trẻ của ông. Ông đau thắt lòng khi biết người ta đang rầm rộ triển khai các dự án nuôi tôm trên cát, những đai rừng xanh đang có nguy cơ trở lại thành sa mạc, cây bị nhổ bật lên, những vuông tôm được đào sâu trên một vùng đất mà ông đã từng “thuần hóa”.

Những người dân bao năm được hưởng nguồn nước mát lành từ lòng cát thẳm sâu đang phải đối mặt với những khó khăn, nguồn nước bị ô nhiễm, môi trường bị ảnh hưởng và gió Lào lại tràn về với cát trắng. Chưa thấy tôm đổi đời cho người nhưng đã thấy cát quay lại đòi nợ. Và ông lại kiên trì đi thuyết phục mọi người để giữ vững những làng sinh thái, không thể để những dự án kinh tế trước mắt biến tất cả trở lại thành sa mạc.

Vợ ông bảo thôi già rồi, cứ “lão giả an chi” với mấy đứa cháu, nhưng ông vẫn đi và “rao giảng” công cuộc thuần hóa thiên nhiên của mình. Hôm lên thăm lại ông, dưới cái nắng hầm hập gần 400C của Đông Hà, tôi lại gặp ông đang ngồi cắm cúi bên một tập đề án khác: cải tạo gió tây nam (gió Lào) trên địa bàn Quảng Trị. Ông đã “thuần hóa” cát, nay lại định “cải tạo” gió? Ông chỉ cười: “Chưa ai chống thì mình chống thử xem sao?”...

________________________

Xuyên suốt cuộc đời ông là niềm đam mê khoa học vật lý, với công trình nghiên cứu về nguồn năng lượng siêu nguyên tử. Nhưng ông lại dành phần lớn thời gian và tâm huyết của mình cho công trình khoa học khác: tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung. Công trình đã làm cuộc đời ông nhiều lần “lên bờ xuống ruộng”, vậy mà nếu cho đi lại từ đầu, ông vẫn chọn cuộc tìm kiếm lăng mộ vị anh hùng áo vải để hiến trọn đời mình...

Kỳ tới: Nhà vật lý đi tìm mộ vua Quang Trung

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên