29/04/2006 14:05 GMT+7

Ông ủy viên dự khuyết

HÀ CẨM
HÀ CẨM

TTCT - Ông Phạm Bình Minh, 47 tuổi, vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao), là thành viên duy nhất của ngành ngoại giao trúng cử Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X với chức danh ủy viên dự khuyết. Điều ít người biết ông chính là con trai của cố bộ trưởng ngoại giao tài năng Nguyễn Cơ Thạch.

w7cskgPe.jpgPhóng to
Ông Phạm Bình Minh
TTCT - Ông Phạm Bình Minh, 47 tuổi, vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao), là thành viên duy nhất của ngành ngoại giao trúng cử Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X với chức danh ủy viên dự khuyết. Điều ít người biết ông chính là con trai của cố bộ trưởng ngoại giao tài năng Nguyễn Cơ Thạch.

Một chuyện bên lề thú vị: Ngay trước giờ bỏ phiếu bầu ủy viên BCH T.Ư khóa X, khi được hỏi về ứng cử viên Phạm Bình Minh của ngành ngoại giao, một đại biểu chức vụ cao dự đại hội không hề có chút thông tin nào và phải lật giở bản danh sách ủy viên dự khuyết màu xanh nhạt để tìm kiếm.

Đến khi được các nhà báo “mách nước” rằng ứng cử viên này là con trai cố bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, vị đại biểu này còn “vậy sao” đầy vẻ ngạc nhiên. Tương tự, chỉ đến khi ông Minh chính thức trúng ủy viên dự khuyết, nhiều người mới biết rằng bộ trưởng Thạch có một người con nối nghiệp làm ngoại giao.

Ông Minh tiếp chúng tôi tại phòng làm việc ở số 6 Chu Văn An, Hà Nội ngay sau khi trúng cử. Căn phòng bài trí giản dị với một bức ảnh Bác Hồ cỡ lớn và ba tấm bằng khen treo trang trọng trên tường. Câu chuyện bắt đầu từ những ngày đầu tiên ông bước chân vào ngành ngoại giao. “Tôi chính thức vào làm việc tại Bộ Ngoại giao từ năm 1981.

Nếu tính cả năm năm học đại học về quan hệ quốc tế thì coi như đã quá nửa đời người gắn bó với ngoại giao - ông Minh kể - Phải nói rằng tôi rất may mắn được công tác trong một môi trường nhiều thuận lợi. Các anh, các chú đi trước đều là những người giỏi đã đào tạo và hướng dẫn tôi”.

Vì sao ông Phạm Bình Minh không mang họ Nguyễn? Thật ra bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch (1923-1998) tên thật là Phạm Văn Cương, lấy bí danh Nguyễn Cơ Thạch để hoạt động cách mạng.

Ông Minh đã có hơn 20 năm gắn bó với ngoại giao đa phương, thậm chí từ trước khi chính sách đa phương hóa quan hệ của VN ra đời và đi vào thực thi. “Tôi vừa vào Bộ Ngoại giao làm việc thì được giao ngay công việc về các vấn đề của Liên Hiệp Quốc như an ninh, hòa bình toàn cầu, giải trừ quân bị và đặc biệt là về vấn đề Campuchia. Đây là công việc cực kỳ phức tạp. Chính từ công việc này, tôi nhận ra rằng vai trò của người cán bộ ngoại giao trong thời bình cũng quan trọng như vai trò của người lính trong thời chiến.

Để có thể mang lại sự yên bình cho người dân, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế rất cần các cán bộ ngoại giao giỏi. Mà để trở thành một cán bộ giỏi, tôi thấy việc bản thân mỗi người phấn đấu vượt qua chính mình là điều khó nhất. Vì lẽ đó, nhận tin được bầu là ủy viên dự khuyết, tôi mừng ít còn lo nhiều. Vì từ đây, không chỉ tự mình đòi hỏi mình cao hơn mà chắc chắn là mọi người sẽ nhìn vào mình nhiều hơn” - ông Minh tâm sự.

Con đường đến với ngành ngoại giao của ông Minh không phải là con đường tự nguyện. Ông kể: “Tôi vốn học khá các môn tự nhiên. Cả hai anh chị của tôi cũng đều theo học tự nhiên và không làm việc gì liên quan tới ngoại giao cả. Khi tôi quyết định thi vào Đại học Bách khoa, cha tôi tìm tôi tâm sự. Cha tôi nói rằng ông rất tâm huyết với nghề ngoại giao và mong mỏi có một người con nối nghiệp. Nghe lời ông, tôi đã chuyển sang thi vào trường ngoại giao. Tôi thật sự biết ơn cha tôi vì đã hướng tôi vào một công việc nhiều ý nghĩa”.

“Vậy con đường thăng tiến trong nghề nghiệp của ông có nhiều ảnh hưởng từ cha mình không?”. “Vâng, có lẽ đó cũng là suy nghĩ của nhiều người. Cha tôi nghỉ việc ở ngành ngoại giao từ năm 1991 và mất cách đây đã tám năm nên không thể nói tôi nhờ ông can thiệp này nọ vào công tác tổ chức nhân sự. Nhưng những kết quả tôi đạt được ngày nay phần nhiều nhờ tôi học từ cha mình. Ông vừa là người cha vừa là người thầy của tôi và ảnh hưởng rất lớn tới phong cách làm việc của tôi”.

Những điều ông Minh học được từ người cha tài giỏi của mình là gì? Hóa ra lại là những “bí kíp” rất đơn giản. Đó là sự miệt mài, say mê công việc thông qua các hoạt động đọc sách, nghiên cứu tài liệu để có hiểu biết chuyên sâu. Là việc tư duy bằng phương pháp luận trong mổ xẻ, phân tích các vấn đề.

Là tinh thần học hỏi không ngừng từ các đồng nghiệp, từ các đối tác làm việc, từ những người xung quanh. “Cha tôi luôn dạy tôi phải học từ chính thực tế. Và quan trọng hơn, cha dạy tôi cách đứng vững trên đôi chân của mình chính bằng kinh nghiệm và vốn sống của mình” - ông Minh tâm sự.

Cũng ít người biết hiện ông Phạm Bình Minh đang giữ trọng trách trưởng đoàn VN tại các cuộc đối thoại về dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo với EU, Mỹ và Úc. Một công việc mà ông Minh mô tả là đầy phức tạp và khó khăn.

* Ông nghĩ sao về những yêu cầu mới đối với tư duy và phong cách ngoại giao của các chính khách VN? Để thuyết phục các đối tác đối thoại về vấn đề dân chủ, nhân quyền, có lẽ không thể dùng lập luận và cách tiếp cận cứng nhắc như trước?

- Tôi hoàn toàn đồng ý. Đó cũng là một thách thức đặt ra với mỗi cán bộ ngoại giao hiện nay. Nếu những ai theo dõi cuộc đối thoại về nhân quyền với Mỹ hồi tháng hai vừa qua (được nối lại sau ba năm gián đoạn) sẽ thấy phía Mỹ đánh giá rất cao kết quả của cuộc đối thoại và nhất là đánh giá rất cao cách tiếp cận vấn đề của VN.

Giờ đây, chúng tôi bước vào các cuộc đối thoại về nhân quyền, tự do tôn giáo với tinh thần thẳng thắn trao đổi. Đối với các mối quan tâm cụ thể của các nước, ví dụ về việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của đồng bào tại Tây nguyên, chúng tôi không né tránh hoặc hoàn toàn bác bỏ như lúc trước. Chúng tôi giải thích chính sách chung và thừa nhận những việc làm có lúc có nơi còn chưa đúng với chính sách.

Chúng tôi cũng làm rõ những hiểu lầm trong trường hợp các đối tác nhận được các thông tin sai lệch. Chúng tôi luôn bày tỏ thiện chí rằng những vấn đề các đối tác quan tâm sẽ được xem xét và giải quyết tích cực trên tinh thần thông báo các tiến bộ đạt được ở vòng đàm phán sau.

Tư duy còn thay đổi ở chỗ lúc trước nhiều người ngại nói về các cuộc đối thoại nhân quyền vì sợ mọi người nghĩ VN “có vấn đề” nên mới phải đối thoại. Nay chúng tôi đối thoại trên nguyên tắc bình đẳng, đối tác có mối quan tâm của đối tác và VN cũng có mối quan tâm của VN về nhân quyền. Ví dụ trong cuộc đàm phán với Mỹ, chúng tôi chủ động đề cập vấn đề Iraq hoặc vấn đề đối xử với tù binh chiến tranh. Phía Mỹ cũng phải có những giải thích rất nghiêm túc với đoàn VN về các vấn đề này.

Trong một cuộc đối thoại với Úc, chúng tôi chủ động nêu ra mối quan tâm về chính sách nhập cư của Úc, đoàn Úc đã phải xin ngừng cuộc thảo luận 15 phút để hội ý riêng nhằm đưa ra các phản hồi xác đáng. Tinh thần chủ động, sẵn sàng đối thoại gần đây của VN được các đối tác đánh giá rất cao.

* Vừa trúng cử ủy viên dự khuyết BCH T.Ư, ông có thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn không, nhất là trong bối cảnh có nhiều ý kiến không hay về việc thu phí cấp visa, hộ chiếu tại các đại sứ quán, về quan hệ thiếu thân thiện giữa các cán bộ ngoại giao với bà con Việt kiều ở nước sở tại? Và ngay cả Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cũng nhận xét là ngành ngoại giao chưa làm tốt công tác tiếp thị hình ảnh VN?

- Các hoạt động ngoại giao sắp tới của VN là cực kỳ sôi động. Trong lĩnh vực của mình, Vụ Các tổ chức quốc tế do tôi phụ trách được giao nhiệm vụ thúc đẩy tiến trình VN ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. VN phải thể hiện tầm vóc ra sao để các nước tin tưởng bầu vào vị trí cùng các nước lớn quyết định các công việc, chính sách có tính toàn cầu? Điều này đòi hỏi chuẩn bị một đội ngũ cán bộ ngoại giao giỏi, nắm chính sách tốt, năng động và tích cực.

Về công việc của cán bộ ngoại giao ở bên ngoài, có nhiều luồng đánh giá nhưng không phủ nhận là có những ý kiến đánh giá về nhiều việc làm chưa tốt của một số cán bộ. Một cán bộ ngoại giao khi làm việc ở bên ngoài, diện tiếp xúc rất rộng nên cần sự mềm dẻo, linh hoạt. Bản thân tôi cũng đã chứng kiến một cán bộ ngoại giao vào một ngày không vui đã nói chuyện thiếu thân thiện với bà con Việt kiều và gây ra sự bức bối.

Và cũng hiển nhiên là những việc mình làm được chưa có cơ hội nói hết thì chỉ một việc làm không hay sẽ ảnh hưởng tới uy tín của cá nhân và của cả ngành ngoại giao. Để hình ảnh nhà ngoại giao đẹp trong mắt mọi người, tôi nghĩ mỗi cán bộ cần rèn luyện tác phong chuyên nghiệp.

HÀ CẨM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên