07/01/2006 06:04 GMT+7

Dân chủ quá mới mẻ

NGUYỄN THIỆN NGỮ (đại biểu Quốc hội khóa I)
NGUYỄN THIỆN NGỮ (đại biểu Quốc hội khóa I)

TT - Thoát kiếp nô lệ, người dân VN háo hức đón chào ánh bình minh độc lập. Ngày ấy, dân chủ đối với dân ta còn quá mới mẻ. Đại đa số còn mù chữ và chưa hình dung QH là gì, nhưng đã cầm ngay lá phiếu đi bầu những người đại diện cho thể chế dân chủ đầu tiên của nước VN độc lập.

h69hrOfH.jpgPhóng to
Cử tri thủ đô xem tiểu sử và danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa I tại Hà Nội - Ảnh tư liệu TTXVN

Tuổi Trẻ ghi lại hồi ức của ông Nguyễn Thiện Ngữ (đại biểu Quốc hội khóa I).

Quốc hội chất vấn Chủ tịch Hồ Chí MinhCuộc tổng tuyển cử của lòng dân

Những cử tri đầu tiên của người Việt

Không chỉ với trên 90% dân số còn mù chữ mà nhiều người trong giới trí thức cũng chưa biết QH là gì, tại sao phải có và người dân góp phần gì trong cơ quan này. Thế nhưng chính phủ phải làm cho toàn dân hiểu một cách cụ thể nhất, sớm nhất và đúng nhất.

Thời điểm này tôi là cán bộ Ủy ban hành chính lâm thời tỉnh Phú Thọ, đồng thời là ứng cử viên đại biểu QH. Tôi đã chứng kiến và tham gia sự kiện trọng đại này cùng bà con nhân dân Phú Thọ.

Từ nhiều tháng trước ngày bầu cử, tất cả cán bộ Việt Minh cấp cơ sở ngày đêm tuyên truyền, phổ biến tới nhân dân những kiến thức cơ bản nhất về QH nước VN dân chủ cộng hòa cùng quyền và nghĩa vụ của người dân VN.

Cán bộ phải ở bên dân khi làm đồng, xay gạo, lấy bèo, học chữ... cả đêm cũng như ngày chỉ để nói rằng: người có quyền trên đất nước chúng ta từ nay không phải là quan Tây, lính Nhật hay lý trưởng, chánh tổng, quan lại... mà là chính các cô bác anh chị.

Mọi người được cùng bàn chuyện đất nước bằng cách mỗi người sẽ bầu ra một số vị đại diện cho mình. Người đại diện đó sẽ tập trung trong một cơ quan gọi là QH để thực hiện ý muốn của dân.

Họ được gọi là đại biểu QH. Đại diện cho nhân dân tỉnh Phú Thọ chúng ta sẽ là năm người. Đây là danh sách những người được giới thiệu để nhân dân lựa chọn. Còn đây là thẻ cử tri...

Lúc này, quân của tướng Lư Hán (của Tưởng Giới Thạch) đã có mặt ở Phú Thọ. Chúng hợp tác với các đảng phái Quốc dân Đảng (Việt quốc), VN cách mạng đồng minh hội (Việt cách) trong nước ra sức chống phá tổng tuyển cử.

Ngày ngày chúng ôm súng canh gác các đường, chợ dọa nạt, gây khó dễ cho cử tri và người vận động. Đêm

4-1 chúng cho người xuống nhà dân thu thẻ cử tri và danh sách ứng cử viên rồi sai người tháo dỡ khẩu hiệu, apphich...

Chỉ còn khoảng 30 tiếng đồng hồ nữa là phòng bầu cử mở cửa... Ủy ban bầu cử quyết định cử cán bộ bằng mọi cách in ấn đầy đủ tài liệu, xuống từng nhà dân phân phát lần nữa. Trên các lề đường, quán chợ các cô gái công kênh nhau lên vai để treo dán apphich, khẩu hiệu.

Những tên lính Tàu hùng hổ chạy lại liền bị chị em bu lấy tranh cãi, giằng co. Trẻ em, người già bên ngoài hô hào, chế giễu, chê cười khiến chúng co cẳng lủi mất. Bà con đem đủ loại bàn ghế, phông, vải ra sân đình, trường học, cổng chợ... để trang trí nơi bỏ phiếu.

Hàng loạt hòm phiếu được khoan lỗ để bắt vít dính chặt xuống mặt bàn đề phòng kẻ gian cướp chạy. Tuy nhiên trước khi bỏ phiếu thì đinh vít được tháo ra để công khai kiểm tra hòm phiếu.

Nhiều người biết chữ bầu xong rồi còn ở lại đến tận trưa, chiều để đọc tên ứng viên, giới thiệu họ để cử tri lựa chọn. Có cụ già hơn 80 tuổi đi bộ từ sáng đến tối, vượt qua cả cánh rừng để đến điểm bầu. Khi đến nơi cụ xòe tay, tờ thẻ cử tri nhàu nát vì cụ giữ nó quá chặt... Tổng tuyển cử trên cả nước đã bầu ra được 333 đại biểu QH.

Những phiên họp độc đáo và thú vị

Phiên họp thứ hai của QH diễn ra tháng 11-1946 bàn về các vấn đề thông qua hiến pháp, quốc kỳ, quốc ca và kế hoạch kháng chiến cùng một số vấn đề cấp bách của dân sinh.

Tại hội trường Nhà hát lớn, chủ tịch đoàn ngồi phía trên, các đại biểu thuộc đảng Dân chủ ngồi bên phải với đồng phục càvạt nửa xanh nửa đỏ. Việt Minh, Hội Nghiên cứu chủ nghĩa mác-xít ngồi ở giữa.

Các đại biểu Việt quốc, Việt cách vì đến sau nên chỉ còn khoảng bên trái hội trường. Một đại biểu của họ đứng lên thắc mắc: Chúng tôi bị coi là cánh hữu hay sao mà phải ngồi đây?”.

Lập tức một đại biểu của Việt Minh ôn tồn nói: nếu sợ bị hiểu như vậy thì mời các anh đổi chỗ sang bên này! Hội trường bật cười...

Phiên họp đầu tiên của QH VN tổ chức ngày 2-3-1946 chứa đựng nhiều điều kỳ lạ, độc đáo, thú vị có một không hai, rất... VN và rất... 1946. Phiên họp chỉ diễn ra trong vài tiếng đồng hồ bàn về việc thành lập chính phủ.

Thật ra chính xác hơn là chỉ lấy biểu quyết để thông qua. Tất cả cùng giơ tay tán thành rồi bế mạc. Điều độc đáo và thú vị thứ hai là QH có 70 ông nghị (đại biểu QH) chẳng ai bầu, chẳng cần ứng cử nhưng vẫn nghiễm nhiên thành đại biểu. Cuộc họp này chỉ mang ý nghĩa công khai những điều đã được QH bàn thảo từ trước đó hàng tháng trời.

Linh hồn của phiên họp đầu tiên đã được quyết định trong cuộc họp tại Đình Bảng, Từ Sơn (Bắc Ninh). Cuộc họp ấy QH được “cắt” ra làm hai rồi đến khi họp chính thức lại hợp vào một.

Đó là khi phát xít đầu hàng đồng minh, quân Tưởng, Pháp, Mỹ, Anh... đều muốn có một chính phủ mới ở VN chịu sự ảnh hưởng của họ. Hai đảng phái của người Việt là Việt cách và Việt quốc cũng muốn nắm quyền và chịu ảnh hưởng nước ngoài.

Chính phủ ta tuy đã thành lập nhưng về mặt lý thuyết thì chưa được quốc tế công nhận. Muốn được công nhận thì chính phủ phải do QH bầu ra. QH phải do nhân dân thuộc các tầng lớp, tôn giáo, đảng phái chính trị... trong nước bầu ra.

Khi tổng tuyển cử thì các đảng phái khác biết chắc sẽ không thể chiếm ưu thế trong QH và quyền lực sẽ cơ bản do lực lượng Việt Minh nắm giữ nên chúng ra sức tẩy chay. Không một nhân vật nào của Việt quốc, Việt cách ứng cử.

Đến khi tổng tuyển cử đã xong, các đảng phái này cũng biết không thể lật được thế cờ nên họ chấp nhận thương lượng với Việt Minh để thành lập một chính phủ chính thức do QH bầu ra.

Việt Minh cũng muốn thực hiện đúng nhất tinh thần dân chủ của chính thể cộng hòa, nên tư tưởng của chúng ta là sẽ thành lập một chính phủ thể hiện tính hòa hợp dân tộc, đại đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân VN.

Mặt khác, VN lúc này cần ra mắt càng sớm càng tốt một chính phủ mới có tư cách đàng hoàng trước quốc tế để nắm quyền tự chủ quốc gia (do QH bầu ra) khiến không một quốc gia nào có thể kiếm cớ nhảy vào.

Vì vậy, tại Hà Nội, Bác Hồ và chính phủ lâm thời tiến hành đàm phán với các đảng phái khác. Tôi được biết cuộc đàm phán khá căng thẳng và cuối cùng Việt Minh đã đồng ý dành 70 ghế đại biểu QH cho Việt quốc, Việt cách.

Điều đó đồng nghĩa họ cũng sẽ có chân trong nội các chính phủ mới. Thế là đến khi phiên họp đầu tiên của QH khóa I diễn ra có thêm 70 đại biểu mà chưa từng được cử tri nào bầu. Và vì nội dung đã thông qua thương lượng nên việc thành lập chính phủ mới chỉ cần tuyên bố là xong. Phiên họp diễn ra có vài tiếng đồng hồ.

Công việc số 1 của QH là lập hiến. Hiến pháp đầu tiên của dân tộc ta đến nay vẫn được giới chuyên môn đánh giá rất cao đã thông qua trong phiên họp lần hai của QH khóa I. Tôi được biết thời điểm đó có hai bản dự thảo hiến pháp được gửi đến từng đại biểu.

Một bản do Bác Hồ và ủy ban soạn thảo (của Việt Minh) thực hiện. Một bản do Ủy ban kiến quốc (một tổ chức ngoài Việt Minh) thực hiện.

Bản hiến pháp do Hồ Chủ tịch soạn được đại biểu Đỗ Đức Dục, một thanh niên trí thức trong trung ương Đảng Dân chủ (một đảng đứng về phe Việt Minh) thuyết trình rất hùng hồn.

Do đáp ứng tính tiến bộ, trung chính, hợp lòng dân, hợp hoàn cảnh đất nước, dân tộc nên bản hiến pháp này đã được đại đa số đại biểu tán thành. Chỉ có hai đại biểu không tán thành. Một của các đảng đối lập và một của nhà tư sản dân tộc Nguyễn Sơn Hà, vì ông này muốn mở rộng tối đa quyền tự do kinh doanh.

Phần bàn về quốc kỳ là căng thẳng nhất. Phía Việt quốc, Việt cách muốn dùng cờ “thanh thiên bạch nhật” có ngôi sao trắng, viền xanh. Phía Việt Minh muốn dùng cờ đỏ sao vàng.

Có đại biểu nói: không thể thay đổi màu cờ đỏ vì nó đã thấm máu đồng bào ta vì độc lập, tự do bao thế hệ rồi. Phía kia chấp nhận màu đỏ nhưng đòi viền xanh. Phía Việt Minh vẫn không nghe. Cuối cùng thì cờ đỏ sao vàng đã là quốc kỳ thiêng liêng của dân tộc ta từ đó đến nay.

Nguyên chủ tịch quốc hội Nguyễn Hữu Thọ: “Dân chủ không thể có bằng sự ban ơn...”

dQVAuagp.jpgPhóng to

Năm 1988, trong khí thế đổi mới, tại Đại hội MTTQ VN TP.HCM, luật sư Nguyễn Hữu Thọ - chủ tịch MTTQ VN - đã phát biểu: "...Quốc hội (QH) là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng cũng đấu tranh yếu ớt.

Những gì đạt được ở những phiên họp QH gần đây vẫn chưa phải là những điều cơ bản. Bãi miễn các chức vụ nhà nước là quyền của QH và Hội đồng nhân dân (HĐND), nhưng quyền ấy chưa bao giờ được sử dụng.QH đã thế, HĐND còn yếu hơn. Chúng ta tốn tiền của, thì giờ để tổ chức bầu cử ra các cơ quan dân cử, để các cơ quan đó hội họp mỗi năm mấy lần, nhưng đã giải quyết được những gì phục vụ nhân dân?

Người ta chỉ thấy cơ quan thừa hành là ủy ban nhân dân là tổ chức chịu sự kiểm soát của HĐND, nhưng chủ tịch của UBND lại cũng là chủ tịch của HĐND. HĐND quyền lực như thế mà không có bộ máy đầy đủ, không có ngân sách, thậm chí còn không có cả trụ sở. Những điều khôi hài như thế vẫn chưa được đấu tranh để thay đổi.

Điều đau lòng là trong nhiều năm liền trôi qua, chúng ta vẫn còn duy trì những thứ hình thức, hữu danh vô thực đó. Khuyết điểm lớn của chúng ta là chưa có dân chủ thật sự. Nhiều nguyện vọng chính đáng của người dân chưa được đấu tranh thực hiện, người dân chưa thật sự chọn lựa được những người lãnh đạo theo sự tín nhiệm của họ.Tất cả vấn đề là phải đấu tranh để thực hiện. Cuộc đấu tranh này không giống cuộc đấu tranh đối kháng với địch trước đây nhưng cũng phải diễn ra quyết liệt.

Nghị quyết Đại hội VI và những chủ trương đúng đắn của Đảng phải được đấu tranh để thể chế hóa thành luật. Khi đã có luật thì phải đấu tranh để luật được thi hành. Không có luật pháp thì không thể bảo đảm được quyền dân chủ.

Chức năng, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, các cơ quan dân cử, các tổ chức quần chúng phải được phân định rõ ràng, không thể để tình trạng giẫm chân, bao biện làm thay tiếp tục xảy ra mãi được.

Tòa án phải có tính độc lập, không thể xử án theo những lệnh lạc đã được ra sẵn. Tôi cho rằng Mặt trận Tổ quốc cũng cần có một qui chế rõ ràng về mối quan hệ của mình với các cơ quan nhà nước.Tôi nghĩ rằng dù cho đại hội này của Mặt trận Tổ quốc TP có thành công đến đâu, vấn đề vẫn tùy thuộc ở sự dũng cảm đấu tranh trong những ngày sắp tới. Dân chủ không thể có bằng sự ban ơn mà bằng sự đấu tranh”.

NGUYỄN THIỆN NGỮ (đại biểu Quốc hội khóa I)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên