Phóng to |
Thụt lửa nung nòng súng |
Lò Nhi Phẩu - thợ cả - đưa tay phải đều đặn thụt lò, tay trái xoay xoay nòng súng dài hơn 1m rồi dúi đáy nòng vào đống than. Một thợ cầm kêm sắt, một thợ cầm mũi khoan đã sẵn sàng bên cái đe sáng loáng màu thép. Khi đáy nòng vừa đỏ, Phẩu rút ra đặt lên đe, hai thợ chỉnh nòng súng nằm ngay ngắn rồi đặt miếng thép dày hình tròn hàn kín đáy nòng.
Gọt giũa xong, đáy nòng tiếp tục đưa vào nung đỏ. Khi Phẩu rút nòng đặt lên mặt đe, hai thợ nhanh tay điều chỉnh mũi khoan, khoan một lỗ nhỏ bằng hạt đậu xanh cách đáy nòng 3cm. Phẩu nói: “Đáy nòng để chứa thuốc nổ và đạn ria. Cái lỗ nhỏ vừa vặn đặt lọt cái kíp để mũi cò đập vào gây cháy thuốc nổ, đẩy viên đạn bay đi. Bây giờ làm nòng khỏe re. Chỉ cần xuống chợ thị trấn mua một đoạn ống thép Thái Lan về là có thể hàn đáy, khoan lỗ làm nòng. Trước kia, việc làm nòng súng rất kỳ công và tổn hao nhiều sức lực”.
Phóng to |
40 năm trước khi chợ Mường Xén chưa xuất hiện loại ống thép Thái Lan, các tiền nhân chế súng phải đi tìm tay lái ôtô về khoan làm nòng. Hết tay lái họ mua các loại nhíp ôtô để chế nòng. Thậm chí khi cần họ khoan thủng cả cái xà beng thành nòng súng.
Đối với tay lái chỉ cần nung đỏ, duỗi ra tùy độ ngắn, dài từng loại nòng súng rồi bắt đầu khoan lỗ ở giữa. Mệt hơn là làm nòng bằng nhíp ôtô, vì các tay thợ phải cắt dọc rồi uốn tròn lại thành nòng súng, sau đó mới bắt đầu xoáy mũi khoan vào.
Nhưng căng thẳng hơn hết là khoan xà beng. Trước khi khoan họ làm một cái giàn gỗ, neo chặt xà beng ở giữa (giàn khoan được làm dưới thác nước để dùng nước tưới vào mũi khoan). Sáu người chia làm ba cặp thay nhau lần lượt kéo khoan cật lực như cưa gỗ. Có thể khoan từ trên xuống.
Nhưng các tay thợ lão luyện người Mông thường ưa khoan từ dưới lên, tiết kiệm công kê ghế đứng trên cao khoan xuống.
Mũi khoan tự rèn là loại thép cực tốt. Sau 2-3 ngày từng cặp liên tiếp thay nhau cật lực mới khoan xong phần thô, chuyển sang giai đoạn mài nòng trong ba ngày cho đủ độ trơn như nòng súng xịn. Báng súng tuy được làm khá đẹp nhưng chỉ là việc phụ trong qui trình chế súng.
Phóng to |
Tôi quay về xã Tà Cạ, xuống lũng núi trong bản Sơn Hà tìm lò chế súng nổi tiếng của hai chú cháu Hà Nỏ Mày và Hà Chư Va. Người cháu Hà Chư Va cho biết: “Hôm nay bận vì có nhiều khách đến đặt làm cò. Nếu ta không làm thì cái súng của hắn không đi rừng được”. Nói đoạn Va vào buồng xách ra hai khẩu súng kíp. Một khẩu có cái nòng dài 1,4m. Súng ngắn hơn chưa đầy 1m. Tháo bộ cò rời khỏi cái nịt đồng trên súng,
Va nói: “Hai chú cháu phải làm quần quật suốt ngày đêm mới xong một bộ cò. Súng dài thường dùng bắn chim, chồn nên chỉ cần làm cò mảnh. Súng ngắn phải làm cò to, khỏe hơn để có thể bắn chết các loài thú dữ như gấu, báo... Nhưng loại cò nào cũng phải chọn thép tốt, tôi nhiều lần qua lửa để đạt độ cứng và dẻo, tránh bị gãy khi đang bắn. Muốn vậy, sau khi nung đỏ thép phải ngâm tiếp vào chảo mỡ đang sôi rồi hạ lửa cho nguội dần. Nếu bỏ qua mẹo này thì thép sẽ giòn, rất dễ gãy”.
Phóng to |
Già nói: “Có ba thứ người Mông quí nhất trên đời. Đó là súng săn, dao mẹo và vợ”. Già nhớ lại: “Hồi xưa thú rừng nhiều vô kể, ta làm súng cốt để ngăn không cho thú rừng vào phá nương rẫy, sau đó mới dùng súng bảo vệ con người. Năm 1961 có lần ta bắn cảnh cáo xén đứt ngón tay một tên phỉ đứng cách 60m. Sau đó vài năm ta cải tiến súng hỏa mai thành súng nòng ngắn, bắn đạn sắt hạ gục một con thú to, cả bản ăn hai ngày mới hết.
Dần dần người Mường Lống học theo khiến nghề chế súng truyền đi khắp các xã vùng Mông từ Mường Lống, Huồi Tụ, Đoọc Mạy, Nậm Càn qua Na Ngoi đến Tây Sơn. Nay người Khơ Mú ở Bắc Lý, Bảo Nam, Bảo Thắng, Mường Típ, Mường Ải - xã nào cũng có vài lò chế súng, nhiều nhất là xã Keng Đu giáp biên giới Việt-Lào”.
Nói vậy nhưng già vẫn ân hận khi không ít những khẩu súng tự chế đã gây tai nạn chết người. Già còn nhớ ở Mường Lống đã hai lần người vác súng đi trước để súng cướp cò, đạn xuyên ngực hai người đi sau.
Trung tá Lô Văn Máy - trưởng Công an huyện Kỳ Sơn - dẫn tôi vào kho chứa hàng trăm khẩu súng tự chế vừa gom được trong chiến dịch “thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trái phép”. Anh cho biết: “Xã nào nhiều thu được 30 khẩu, xã ít trên dưới 10 khẩu nhưng toàn là súng kém chất lượng và bị tháo hết bộ cò. Từ năm 2000 đến nay đã có gần 2.000 khẩu súng bị gom để tiêu hủy”. Theo trung tá Máy, những bộ cò bị tháo sẽ được các lò chế tiếp hàng loạt khẩu súng khác. Hiện bản nào cũng có lò chế súng. Trẻ em 13 tuổi đã biết làm súng. Thường xuyên có 2.000 khẩu súng săn ẩn náu trong 198 bản của huyện. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận